Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Lẩm Cẩm Thiên hạ Sự - Văn Quang – Viết từ Sài Gòn -


 
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 30.3.2015 
                            
                      Vì ai cây cối lại nên nỗi này?
 http://nguyentran.org/NT/Hinh4/HNChatCay.jpg

Những ngày giữa tháng Ba năm 2015, Hà Nội bất ngờ “thảm sát” hàng loạt cây xanh trên các đường phố để thực hiện cái “Đề án thay cây”, khiến dư luận phẫn nộ.
Bạn hãy thử tưởng tượng đang đi cùng bạn bè, vợ con, nhất là đí với người tình trên những con đường phủ rợp bóng cây cổ thụ sẽ thích thú như thế nào. Những hàng cây cổ thụ hai bên đường không chỉ tạo không gian mát mẻ, trong lành cho người dân và du khách mà còn là cảm hứng sáng tác cho biết bao thế hệ nghệ sĩ.
Như Phạm Duy đã ca tụng “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”.
 Rồi bỗng một hôm bạn không còn tìm thấy những bóng cây ấy nữa. Con đường sẽ trở nên trần trụi. Chẳng khác nào một cô gái đẹp với bộ y phục lộng lẫy bỗng dưng bộ y phục biến mất, cô gái trở nên trần trụi. Chắc chắn ông Phạm Duy có sống lại cũng hết làm thơ làm nhạc nổi.
Cho nên người Hà Nội đang khóc than um xùm vì vụ chặt cây xanh. Không chỉ có người Hà Nội mà người dân trong nước cũng đang nhỏ nước mắt thương tiếc những hàng cậy trên những con phố đẹp nhất thủ đô vừa bị đốn sạch.
 Dư luận đang rất ồn ào quanh sự kiện này. Bạn đọc đã biết khá nhiều chi tiết, ở đây tôi chỉ tóm tắt những sự kiện ấy và tường thuật lại đôi điều khá đặc biệt về vụ chặt cây này.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn cây xanh trên nhiều đường phố của Thủ đô Hà Nội như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn… đã nhanh chóng bị triệt hạ.
Ngày 20/3, UBND thành phố Hà Nội họp báo với sự tham dự của khoảng 300 phóng viên báo chí và đài phát thanh, truyền hình, thế nhưng cả 21 câu hỏi tại buổi họp báo đều chưa được giải đáp, khiến dư luận càng tỏ ra nghi vấn có chuyện bất bình thường trong chiến dịch này.\
                                               
 Loại cây to và chắc như thế này có mục ruỗng đâu mà chặt?
Tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội cho biết, tại TP Hà Nội có khoảng 6.700 cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng… cần được thay thế. Trong khi thực hiện, Sở Xây dựng đã thông báo và được hầu hết nhân dân tại khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ.
Thế nhưng trống đánh xuối, kèn thổi ngược, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long lại nói với báo chí, việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân.
Chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho báo chí biết, việc chặt cây đã nhiều lần được nói tới, hiện nay có thể thấy cây xanh trồng trên đường phố cũng rất tạp, có rất nhiều cây đổ, gây tai nạn.
                                               
Phó Ban Tuyên giáo Phan Đăng Long tuyên bố chặt cây không cần hỏi dân
Khi được hỏi: Tức là người dân chưa được hỏi ý kiến ?
Ông Long thẳng thắn nói ngay: “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì...Cái gì phải hỏi dân thì đều có quy định.
Khi PV hỏi: Vậy chuyện chặt cây có phải hỏi dân không, thưa ông?
Ông Long nói trắng ra: “Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác”.
Rõ ràng không ai hỏi ý kiến của dân cả bởi “không cần hỏi”. Do đó không thể có chuyện người dân đồng thuận như thông báo của UBND TP Hà Nội. 
Lừa dân để chạy tội
Người dân không hài lòng bởi họ cảm thấy bị gạt ngoài lề những quyết sách liên quan mật thiết đến cuộc sống của mình.Khi vòm lá xanh sắp mất đi, người ta mới thấy sự lúng túng trong quản lý, sự thiếu minh bạch trong các quyết định của thành phố.
Khi vòm lá xanh mất đi, người dân mới thêm một lần nhận thấy họ đã không được có tiếng nói trước người có quyền quyết định.
Khi Sở Xây Dựng cho người đi chặt cây trên diện rộng, họ không chỉ chặt đi linh hồn của thành phố này mà kéo theo đó là cả niềm tin của người dân vào trách nhiệm giải trình cũng như năng lực của chính quyền.
                                                
 Hai phụ nữ cố thủ trện cây để phản đối chặt cây
 Bởi thế hàng chục nghìn người đã lên tiếng, trong đó có cả những người trí thức và người bình dân. Có những chị phụ nữ đã trèo lên cây bám chặt tỏ rõ ý chí “tử thủ” để bảo vệ cây. Có những em nhỏ ôm chặt gốc cây như người bạn thân thiết nhất của mình không chịu dời đi và hàng loạt đoàn người cầm biểu ngữ phản đối tới cùng.
                                               
Người dân ở Hà Nội biểu thị sự không đồng tình chặt hạ hàng loạt cây xanh
Người dân đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây, lập trang web "6.700 người vì 6.700 cây xanh, hiện đã thu hút hơn 47.400 "like". Như thế UBND Hà Nội nói dân “đồng thuận” ở chỗ nào?! Phải chăng đây là một cú lừa dân để chạy tội? Kiểu này “xưa” rồi các ông ơi!
Và một chuyện “kỳ thú” hơn là có 4 cây mới trồng chưa đầy một tuần đã nhổ đi trồng cây khác. Cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đoạn gần ngã tư Đê La Thành mới trồng đã được nhổ lên thay bằng cây có hoa lá và tán rộng hơn. Tuy nhiên một số chuyên gia về cây xanh đều khẳng định, 4 cây này không phải cây vàng tâm mà là cây mỡ, cùng chủng loại với những cây đã trồng trước đó. Chỉ khác nhau là 4 cây thay thế lần hai còn nguyên hoa lá. Liệu có còn phải thay mấy lần nữa đây?
Đổ thừa cho các nhà tài trợ cũng không êm
Có nhiều dư luận cho rằng việc chặt cây xanh, với những loại cây gỗ quý mang bán, có thể thu lời khoảng 70 tỉ đồng. Và cùng với việc này, việc chặt cây cũng phải chi bộn tiền. Chỉ chặt 1 cây xà cừ cũng đã chi gần 35,7 triệu đồng.
Cụ thể, Sở Xây dựng đã khảo sát 45.738 cây trên 470 đường phố tại 10 quận và quyết định thay thế 6.708 cây trên 190 đường phố với tổng dự toán hơn 73 tỉ đồng lấy từ ngân sách. Một con số khiến không ít người choáng váng. 
Liên quan đến số cây xanh tại Hà Nội bị chặt hạ, Sở Xây dựng Hà Nội trước đó khẳng định mới chỉ chặt 500 cây. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học, luật sư khẳng định, con số thực tế lớn hơn rất nhiều lần, có thể số cây bị chặt phải đến 2.000 cây
Giải thích trước báo giới về việc chặt hàng loạt cây xanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng phát biểu "sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai" là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng tình này.
Trong một thông báo ngày 18/3, phía Hà Nội cho hay Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác là những nhà tài trợ cho dự án thay thế cây xanh trên 17 đường phố.
Nói thẳng ra UBND TP Hà Nội lại đổ thừa cho các nhà tài trợ nôn nóng nên mới chặt cây nhanh gọn như vậy và không có lợi ích nhóm nào ở đây.
Các nhà tài trợ phản pháo ngay tức khắc. Hầu hết các nhà tài trợ được nêu tên ở trên cho hay việc tham gia vào dự án xã hội hóa cây xanh đều xuất phát từ sự kêu gọi của thành phố vì lợi ích cộng đồng. Tôi chỉ nêu vài ý kiến tiêu biểu.
- Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Cuối năm ngoái, tập đoàn đã phê duyệt kinh phí hơn 840 triệu đồng ủng hộ chương trình và không có lợi ích cá nhân gì trong việc này. Chúng tôi được thành phố đề nghị tài trợ cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cây xanh ở Phố Huế và Hàng Bài. Vingroup hoàn toàn không có dự án nào tại hai tuyến phố này. Ngoài mục đích làm tốt hơn cho cộng đồng, chúng tôi không có lợi ích gì khác”.
Còn ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng VPBank cũng trần tình: “Thành phố kêu gọi thì doanh nghiệp tham gia ủng hộ, nhưng mình không thể can thiệp được họ thay thế cây nào và trồng bao giờ. 
Tôi xin nhấn mạnh là VPBank tài trợ trồng cây chứ không tài trợ chặt cây. Nếu bảo doanh nghiệp tài trợ chặt cây chắc chắn là chúng tôi không tham gia”. 
Ông Việt than thở:” Việc các cán bộ, nhân viên VPBank cùng nhau đóng góp để trồng cây rồi bị dư luận đối xử như lâm tặc thực sự quá sức tưởng tượng của chúng tôi" và “Rõ ràng là làm thiện nguyện lại mang tiếng thì rất mệt mỏi”.
Nhầm lẫn hay cố tình ?
Sau khi UBND TP Hà Nội quyết định tạm dừng việc thay thế 6.700 cây xanh, nhiều chuyên gia xác định loại cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh, không phải cây vàng tâm như được thông báo trước đó…
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ và cây quý sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh khẳng định, loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây mỡ.
Một viên chức kiểm lâm huyện Văn Chấn cũng đã xác nhận với báo chí rằng, những cây gỗ được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội trông giống cây gỗ vàng tâm nhưng đích thực là cây gỗ mỡ.
Một chuyên gia về gỗ và lâm sản tại Bắc Ninh cho rằng, một cây gỗ mỡ to bằng những cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội giá chỉ khoảng 300.000 đồng/cây; nhưng nếu là cây vàng tâm "xịn" giá sẽ trên dưới 10 triệu đồng/cây. Như vậy, nếu sự “nhầm lẫn” này không bị khám phá thì nhân dân sẽ bị mất sẽ một số tiền rất “khủng” và ai là người ung dung hưởng cái “kho báu” ấy?
Xin mượn tạm mấy câu trích trong bài thơ “Lâm tặc vào thành phố” của bạn đọc Nguyễn Duy Xuân trên báo Dân Trí ngày 22-3-2015 để kết luận cho bài này:
                                    “… thuở trời đất nổi cơn gió bụi
                                          phận cây đành chịu nỗi truân chuyên
                                          xanh kia thăm thẳm tầng trên
                                          vì ai cây cối lại nên nỗi này?
                                          đạo trời xin hãy ra tay
                                          trị quân gian tặc cho cây yên lành…”
Bạn đã thấy nỗi ngán ngẩm và phẫn nộ của người dân như thế nào.

Văn Quang – 27-3-2015

Hình:
01- Phó Ban Tuyên giáo Phan Đăng Long tuyên bố chặt cây không cần hỏi dân
02- Hai phụ nữ cố thủ trện cây để phản đối chặt cây
03- Người dân ở Hà Nội biểu thị sự không đồng tình chặt hạ hàng loạt cây xanh.

04-  Loại cây to và chắc như thế này có mục ruỗng đâu mà chặt?

Không có nhận xét nào: