Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Nỗi Oan Không Ức - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa


Học đệ thất (lớp 6) gần nửa niên khóa 1958-59 ở trường Nguyễn Tri Phương rồi chuyển sang trường Hàm Nghi, tôi là một trong số rất ít học sinh may mắn được học cả hai trường trung học mang tên hai vị anh hùng chống Pháp người Huế thương yêu và tôn thờ.  Trước là trường tư thục Việt Anh, năm 1955 trường Nguyễn Tri Phương chính thức trở thành trường công lập với tên mới.  Trước là trường Trung học Thành Nội thành lập vào mùa thu 1955năm 1957 trường Hàm Nghi dọn về cơ sở trường Quốc Tử Giám của triều Nguyễn với danh hiệu mới.  Ngày trước, trường Quốc Tử Giám, nơi học tập của con cháu các quan lại và người ngoài mà học giỏi, là trường đại học tại kinh đô và đã đào tạo nhiều vị khoa bảng ưu tú.
Ở phía trái đường Đinh Bộ Lĩnh chạy từ cửa Thượng Tứ vào Thành Nội, trường Hàm Nghi nằm ẩn mình dưới những tàn cây cao.  Ngôi nhà trên thềm đá cao ở chính giữa làm bằng gỗ lim đen bóng có những cánh cửa chạm trổ ngày trước là Di Luân Đường, tức là giảng đường chính của Quốc Tử Giám, nhưng nay đóng cửa im lìm.  Hai dãy nhà dài hai bên, ngày trước là nhà học tức là nơi học trò đọc sách và làm bài, nay dùng làm phòng học của các lớp đệ thất và đệ tứ (lớp 9).  Sân trường rải rác một số tượng đá lớn bằng người thật tạc các quan văn võ đội mũ cánh chuồn mang hia mũi quắn như đang đứng trước sân chầu.  Văn phòng trường và phòng giáo sư nằm phía sau dãy đệ thất, và các dãy nhà ngang dành cho đệ lục (lớp 7) và đệ ngũ (lớp 8) chạy dài phía sau dãy đệ tứ.
Lớp đệ thất 4 của tôi ở trong cùng dãy đệ thất và gần văn phòng nhất.  Vách ngăn chia các lớp bằng gỗ đóng lưng chừng, chừa khoảng trống rộng bên trên vì trần nhà cong và rất cao, và hở bên dưới cách sàn nhà khoảng hơn một tấc.  Tôi ngồi bàn thứ nhì, cạnh thằng Phúc; nó cao và ốm và lớn hơn tôi chừng hai ba tuổi.  Tôi mở lời làm quen,
            “Tau từ bên Nguyễn Tri Phương qua, không quen ai trong lớp ni.”
            “Mới đầu tau cũng rứa; trước lạ sau quen,” giọng nói của nó nhỏ nhẹ và từ tốn khiến tôi hết ngại ngùng.
            “Mi học tiểu học chỗ ?”
            “Tau ở ngoài làng La Chữ vô Huế học đệ thất,” nó bẽn lẽn thú nhận.  La Chữ, một ngôi làng nhỏ thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, cách Huế không tới mười cây số.
“Làng mi nổi danh là vùng đất học xưa nay, phải không?” tôi nhớ lời bác Thang kể.
“Thời xưa làng tau có tới mười tám cử nhân và tiến sĩ đậu đạt làm việc ở kinh thành,” nó hãnh diện gật đầu.
Người Huế trọng chuyện học vô cùng; ai đỗ cao, học giỏi cả làng cả huyện đều biết, sung sướng, và tự hào.  Giới khoa bảng xứ Huế gắn liền với bốn danh gia vọng tộc, trong đó có họ Hà làng La Chữ, được ca tụng qua câu:
Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà,
Thứ tư mới đến dòng nhà Nguyễn Khoa.
Đặc biệt nhiều người trong họ Thân và họ Hà học hành đỗ đạt ra làm quan và trở thành công thần của triều Nguyễn nên dân gian còn nói:
Thân vô gia, Hà vô dân
(Họ Thân không ở nhà riêng, họ Hà không làm dân).
Không ở nhà riêng như dân thường vì làm quan ở tại công đường – Bộ đường, Tỉnh đường, Phủ đường, hay Huyện đường; không làm dân vì ai nấy đều làm quan.  Tôi chợt nhận ra họ “Hà Xuân” của người bạn mới và hỏi,
            “Ở Huế mi ở 
            “Tau ở với chú thím; chú tau làm cai trường trường Bình Minh được cấp nhà ở phía sau trường.”  Thì ra nó ở gần nhà tôi, qua khỏi cầu Thanh Long là tới; caitrường có nhiệm vụ coi sóc và bảo trì đất đai và nhà cửa trong trường.
            “Mi có hay về làng không?”
“Chừng đôi ba tuần hay nghỉ lễ, chú đạp xe đưa tau về thăm mạ.  Mai mốt mi về làng tau chơi; gặp mi chắc mạ mừng lắm,” nó mời như đã quen từ lâu.
Vậy là chúng tôi thân nhau.  Buổi sáng đi học tôi ghé qua nhà thằng Phúc gọi nó đi học; tan trường hai đứa cùng nhau đi về.  Buổi chiều nó xuống nhà tôi cùng học Pháp văn vì nhà tôi có nhiều tự điển như Tự điển Pháp-Việt của Đào Đăng Vỹ, Từ điển Pháp-Việt và Việt-Pháp của Đào văn Tập, và Tự điến tiếng Pháp Larousse, và Pháp văn của tôi khá vững vàng.
* * *
Trong lớp, mấy đứa học trò lớn tuổi đi học lấy có cho đến khi “thấy đời buồn thiu thì đăng lính” chiếm cứ dãy bàn cuối cùng, chuyên môn phá phách, và xem các giáo sư trẻ như không có kí lô nào cả.  Ngó tra dễ sợ (trông già ghê lắm), thằng Lực và thằng Cử là hai đứa cao to và lớn họng nhất bọn.  Thằng Lực đi giày da, mặc quần ống túm, và để tóc dài chải tém bóng loáng, trông như tài tử xi-nê trong phim Mỹ.  Thằng Cử nổi tiếng giỏi võ Thiếu Lâm và sẵn sàng thách đấu với bất cứ ai trong trường; võ đài là góc đường Tống Duy Tân từ trường ra (đường Quốc Tử Giám và Tam Tòa cũ) và đường Nguyễn Hiệu (đường Âm Hồn cũ) bên hông Tòa án.
Trong giờ nghỉ, đám anh chị này tụm năm tụm ba kể chuyện trai gái tục tĩu và cười sằng sặc với nhau.  Một hôm, thằng Chi học đệ thất 3 bên cạnh lớp tôi đến nhập bọn và phàn nàn,
            “Đàn bà con gái mặt chữ điền xấu ỉn mà  biết làm đày cho dễ coi.”  “” là “không” hay “chẳng,” và làm đày” là trang điểm hay làm dáng.
            “Năm ni hắn mấy tuổi?” thằng Cử hỏi.
            “Học Sư phạm một năm, ra trường mới dạy năm đầu tiên thì mười chín hai mươi là cùng – bằng tuổi… con em tau!” thằng Lực phá lên cười; Đại học Huế có chương trình Sư phạm một năm đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp và Sư phạm ba năm đào tạo giáo sư trung học đệ nhị cấp.
            “Từng nớ tuổi đầu mà miệng lưỡi cay đắng dễ sợ!  Giảng bài lời lẽ chua hơn khế, cay hơn ớt, và khó nuốt hơn mít đái,” thằng Chi tiếp tục; “mít đái” là trái mít non bằng ngón tay cái, ăn sống thì chát và khó nuốt.
Tôi biết tụi nó nói cô Tố Hường dạy bên đệ thất 2 và đệ thất 3.  Thằng Lực chỉ mặt thằng Chi,
            “Dạy hay hay dở ăn thua chi tới mi?  Mi học hành chi  mà lo?”
            “Bữa tê hắn làm tàn kêu tau đứng lên lập lại điều vừa giảng, tau cười cười không nói thì bị xạc một trận thiếu điều muốn độn thổ mà đi,” thằng Chi nhăn nhó; “làm tàn” là lên mặt ta đây là người giỏi mà phách lối với kẻ khác, và “xạc” là xài xể hay la mắng.
            “Đáng đời mi!  Ai biểu đem ‘cây si’ trồng vô chậu cứt chó làm chi?”
            “Đừng ngạo tau!  Tụi bây đứng đó mà ngó tau bị nhục.”
            “Thằng Lực nói chơi thôi; mi để tụi tau tính chuyện nớ,” thằng Cử hứa hẹn.
Sáng hôm ấy, học Pháp văn hai giờ đầu và được nghỉ hai giờ sau, tôi nán lại giải thích cho thằng Phúc về số nhiều của chữ “chou (nghĩa là cải bắp),
Hắn là một trong bảy chữ ngoại lệ tận cùng bằng ‘-ou,’ số nhiều thêm ‘x’ thành ‘choux’ chớ không phải thêm ‘s’ theo quy tắc thường.”
Ở cuối lớp thằng Lực và thằng Cử cười rúc rích ngoắt chúng tôi đến gần.  Phía bên kia bức tường cuối lớp là bảng đen của đệ thất 3.  Qua khoảng tường hở dưới sàn nhà, tôi thấy hai ống quần trắng lướt thướt che phủ đôi guốc cao gót – cô Tố Hường đứng dựa vách giảng bài.  Thằng Cử đưa tay ra hiệu, và thằng Lực đưa mũi giày qua ấn lên mép ống quần cô, giữ chặt xuống sàn, và chờ đợi.  Đột nhiên, tôi nghe tiếng la “Ui cha!” thật to, và cả lớp đệ thất 3 cười ồ – cô vô tình bước tới, ống quần bị giữ lại, và chiếc quần lưng dây thun bị kéo tụt ra đằng sau.  Hai thằng đầu nêu vừa cười hô hố vừa hô to,
“Chạy mau tụi bây ơi…”
Vướng víu chiếc cặp da lớn đựng sách vở tôi chạy không kịp và còn cười nghiêng ngã khi thầy Kiến trên văn phòng xuất hiện.  Thầy giận dữ túm ngay lấy tôi,
            “Phải mi không?”
            “Dạ… dạ…” tôi không biết trả lời sao cho đúng vì tuy không trực tiếp tham gia tôi đã đứng nhìn và cười đồng lõa.
            “Con nít ranh mới nứt mắt…”
            “Con… con…” tôi run lập cập.
            “Học trò mất dạy!  Lên văn phòng tau trị cho mi biết tay,” thầy xách tai tôi kéo đi xềnh xệch.
Trong khi thầy vào phòng hiệu trưởng báo cáo tội trạng của tôi, tôi hoàn hồn sắp xếp trong đầu chuyện xảy để kêu oan.  Nhưng tôi không có cơ hội biện bạch; thầy trở ra, biểu tôi đứng dậy, và gằn giọng,
            “Tội mi rành rành ra đó, nhưng thầy hiệu trưởng thương mi nhỏ dại không nỡ đưa ra Hội đồng Kỷ luật đuổi học.  Chừ đi về, mai tau vô lớp trị mi.” 
Hôm sau, thầy vào lớp với cây roi mây dài.  Trước mặt toàn thể học sinh, thầy ra lệnh cho tôi nằm sấp trên bục gỗ dưới bảng đen và đánh ba roi về tội “vô lễ với giáo sư.”  Tuy mông đau ê ẩm, tôi mừng vì không bị đuổi học và nhất là mẹ không hay biết.  Phạt, đánh đòn, hay chưởi mắng – làm gì cũng được – tôi chịu hết, miễn đừng cho mẹ biết mẹ buồn!
Một tuần sau, tôi đánh bi với thằng Phúc trong sân trường thì hai thằng quỷ sứ lại gần.  Đưa tặng tôi một bao bi đủ màu, thằng Lực cười cười vỗ vai tôi,
            “Thằng ni ngó bộ rim rím mà một vịm troi (thằng này trông tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi)!”  Nghĩa đen “rim rím” là “riu riu” như khi kho nấu với ngọn lửa thật nhỏ, “vịm” là đồ đựng bằng sành hay đất nung có đáy cạn hơn cái chậu, và “troi” là con giòi.
            “Phải công nhận mi là trang hảo hán; tau phục cả tơi cả nón,” thằng Cử xun xoe khen ngợi.
            “Bi của mi tau lấy mần chi?” tôi trả bao bi lại cho thằng Lực.
            “Cầm đi, kể như tau đền ơn.  Nghe nói mi bị cha Kiến đần (đánh) cho một trận và dọa đuổi học mà không hé răng khai tụi tau ra.”
Thằng Phúc xen vào cho tôi… đi máy bay giấy như thường lệ,
Mi không biết thằng Ba Hoa à?  Ông Pháp văn ác vô hậu (dữ vô cùng) mà hắn coi như phahuống chi chuyện ba láp nớ!”
“Biết bọn tau mần mà không muốn đụng vô ổ rắn hổ nên chụp được mi là cha nớ sướng bất chết, đè ra phạt cho vừa lòng mụ o,” thằng Lực nói thêm; “sướng bất chết“ là khoái chí hay thích lắm.
Tau mà bị thộp cổ và đuổi học thì sẽ ca bài ‘lên đường nhập ngũ tòng quân,’ ăn thua chi!” thằng Cử cười toe.
Tôi hiểu ra:  tôi bị phạt oan mà… không oan tí nào vì thầy biết thủ phạm nhưng không truy cứu mà dùng tôi, một thằng bé mười tuổi mở miệng không ra, làm bung xung giơ đầu chịu báng.  Ôi, thế giới người lớn sao mà phức tạp và phiền toái lạ lùng!  Lạy Trời cho con không bao giờ thành người lớn…
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                          Ngày 15 tháng Tư, 2015

Không có nhận xét nào: