Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Các Pháp Do Duyên - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

   Mùa thu 1961, học đệ ngũ (lớp 8) và đã hết lạ nước lạ cái, khi được nghỉ giờ giữa tôi và thằng Phúc và thằng Miên thường ra chơi ở ngôi nhà nằm phía bên trái Cửa Ngăn, tức là Cửa Thể Nhơn, gần trường Hàm Nghi.  Khu này ít người lai vãng vì cửa thành đóng không cho xe cộ hay bộ hành qua lại.
<!-->  Ngôi nhà năm gian hai chái, chung quanh để hở, là nơi để năm khẩu thần công ngũ hành bằng đồng đen có tên Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, và Thổ.  Tại ngôi nhà này, tôi và thằng Hương quen nhau và trở thành đôi bạn tri kỷ – mê truyện mê sách như nhau.
Hơn hai năm học cùng “đệ” (đệ thất, đệ lục, và đệ ngũ) mà khác lớp và đã gặp nhau nhiều lần trong sân trường, nhưng cả hai thằng đều nhút nhát, không đứa nào làm quen trước.  Hôm ấy, tôi thấy nó ngồi trên khẩu súng thần công ngoài cùng (gần cửa thành nhất) và say sưa đọc cuốn Bàn Tay Máu có tấm bìa trơn màu xanh đóng bằng tay ở nhà.  Thằng này hẳn là dân mê đọc truyện dễ sợ vì đem truyện đi học là một điều cấm kỵ, thầy mà bắt được là tha hồ… ăn trứng vịt (bị điểm số không).  Tôi lại gần chỉ vào cuốn truyện,
            “Trong mấy truyện trinh thám của Phi Long, tau thích cuốn ni nhất.”
            “Ờ, tau cũng có cuốn Bàn Tay Sắt mà không ‘đánh nhiều’ bằng, và cuốn nớ cũng của mi đổi.”  Thì ra nó cũng là dân đổi truyện như tôi.
            “Răng mi biết truyện nớ của tau?” tôi ngạc nhiên.
            “Truyện của mi khi  cũng đóng bìa đàng hoàng, ai mà không biết?”
Từ hồi nhỏ tôi đã học cách cắt giấy cứng làm bìa, dùng đinh đục lỗ, và dùng kềm cắt dây kẽm làm kim đóng sách để đóng lại sách cũ.  Bà con họ hàng hễ ai có sách cũ, thường mất cả bìa trước lẫn bìa sau, thay vì vứt bỏ thì mang cho tôi; tôi ra công “chế biến” thành cuốn sách tươm tất để cất giữ.
Nhờ vậy, tôi có cả một thư viện sách cũ.  Truyện tình cảm xã hội như Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà; Ngày VềHồng và Cúc, và Sau Dẫy Nhà Lầu của Ngọc Sơn; và Lầu Tỉnh MộngTình Duyên, và Hoa Tỉ Muội của Bà Tùng Long.  Tiểu thuyết trinh thám và phiêu lưu mạo hiểm như truyện của Phi Long (bút hiệu sau này của Ngọc Sơn khi ông không còn viết tiểu thuyết tình cảm) gồm Bàn Tay MáuBàn Tay SắtLưỡi Gươm Cứu QuốcHoàng Mộng NgọcThám tử Trần Minh, v.v.  Truyện Tàu như Phong Thần Diễn Nghĩa, Phong Kiếm Xuân Thu Diễn Nghĩa, và Tây Du Ký Diễn Nghĩa.  Ngoài ra, có Đoàn Ó Biển của Lê Minh Hoàng Thái Sơn, Thần Hổ của Tchya Đái Đức Tuấn, Người  Đi trong Bóng Tối của Thanh Đình, Lá Rụng Hoa Rơi của Hồ Biểu Chánh, Người Anh Cả của Lê văn Trương, và hàng chục cuốn khác nữa.
Thư mục của tôi thay đổi hàng ngày vì truyện đọc xong sẽ đem đổi với các bạn sưu tập sách cũ ở khắp Huế, từ Bao Vinh lên đến Bến Ngự và vào tận trong Tây Lộc.  Cuộc mặc cả trao đổi thường khá gay go; mỗi bên ra sức ca tụng cuốn truyện của mình – truyện kiếm hiệp hay trinh thám thì “đánh nhiều” và truyện tình cảm thì “tội (nghiệp) lắm,” chê bai sách của đối phương – sách cũ rích cũ rang, mất bìa, thiếu trang, v.v., và đôi khi làm găng đòi đổi một lấy hai.  Nhờ phương thức đổi truyện mà dù rất ít khi có tiền mua tôi cũng được đọc hầu hết các truyện đã xuất bản.
Ngoài giờ học, tôi và thằng Hương cùng nhau đi đổi truyện.  Em Bình, cô con gái duy nhất trong gia đình tôi nay lên bốn, đã biết chạy và thích đi chơi với tôi.  Khi chúng tôi phải đi bộ xa, thằng Hương ôm sách, tôi cõng em trên lưng, và em thích chí cười nói bi bô; một lát sau tôi mỏi vai thì đổi ngược lại:  tôi ôm sách, nó cõng em Bình, và em cũng vui vẻ bằng lòng.  Các bạn đổi truyện thường nghĩ chúng tôi là ba anh em, và nhờ em kháu khỉnh dễ thương mà đôi khi chúng tôi được họ nhường cho phần hơn trong cuộc thương lượng đổi chác.
Nhà thằng Hương là ngôi nhà hai tầng ở mặt đường và cách xa nhà tôi chừng ba trăm thước.  Gia đình nó có năm anh em:  hai anh lớn làm công chức, chị Lan Chi, rồi tới nó và sau cùng là Kim Chi, em gái nhỏ hơn nó hai tuổi.  Năm trước thi rớt Tú tài Toàn phần hay Tú tài II, chị Lan Chi tự học ở nhà để thi lại.  Gặp chị tôi nhìn sửng không chớp mắt – chị đẹp lạ lùng; chị cười dịu dàng,
            “Chị nghe nói về Ba Hoa lâu rồi, bữa ni mới gặp.”
            “Tui mới quen thằng Hương và tới đây lần đầu…” tôi thắc mắc.
            “Anh Tân thường ghé chơi, lần nào anh cũng nhắc Ba Hoa nên chị thấy ‘quen’ lâu rồi,” chị cười thật tươi.
“Anh nớ sắp thành anh rể tau rồi đó,” thằng Hương cười cười xen vào.
Năm ngoái, anh Tân con bác Tống, vị hôn phu của chị, trong lúc học trường Đại học Sư phạm Huế, đã ở trong nhà dạy kèm cho anh em tôi.  Cuối năm ra trường anh được bổ dụng dạy trường Trung học Trần Quốc Tuấn trong Quảng Ngãi.  Anh có chiếc xe Vespa, một phương tiện di chuyển đắt tiền ít người có, để đi lại và cuối tuần về Đà Nẵng thăm gia đình hay ra Huế thăm chị Lan Chi.
Dần dần tôi và chị Lan Chi trở nên gần gũi và thân thiết như hai chị em.  Bên chị, tôi cảm thấy thoải mái và không ngần ngại chia sẻ những ý nghĩ trong đầu; ngược lại, chị kể tôi nghe những chuyện riêng tư mà chưa chắc anh Tân đã biết, biết chắc tôi sẽ không hé môi nói với ai, mà có nói cũng không ai thèm nghe.  Lô truyện tình cảm xã hội của tôi, ít khi được bọn con trai chiếu cố, lại được chị Lan Chi đặc biệt ưa chuộng và đổi cho tôi bằng những cuốn truyện Tàu mới tinh tôi đóng thêm bìa cho chắc chắn và cất giữ, không đổi với bạn.
Một buổi sáng gần Tết, tôi đến tìm thằng Hương và như thường lệ chạy xồng xộc trên lầu, nơi chị em nó ngủ.  Chị Lan Chi dậy trễ, còn nằm nướng trên giường.  Nằm trong mùng, chị nói với ra,
            “Ba Hoa đó hở?  Thằng Hương lên chùa với mạ chị, trưa mới về.  Vô đây ngồi nói chuyện với chị .” 
            “Chị đẹp như tiên giáng trần, anh Tân thiệt có phước!” tôi bỏ xăng-đan chui vào mùng vừa nói vừa cười; mái tóc dài của chị lõa xõa che phủ chiếc gối tai bèo màu hồng.
            “Đừng cho chị leo cây bổ (ngã) xuống chết ngay đơ cán cuốc chừ!  Chị may lắm mới lọt vô mắt anh Tân, mặc dù anh không phải là người chị thương…”
            “Không thương răng chị bằng lòng cho anh cưới?”
Để trả lời câu hỏi ấy, chị nắm tay tôi,
            “Hồi  chị thương anh Phủ chừ dạy Quốc văn ở bên Quốc Học.”
            “Răng không thành?”
            “Anh cũng thương chị lắm, nhưng anh thương chuyện làm chính trị hơn…”
            “Có răng mô?”
            “Khổ nỗi anh lầm đường lạc lối, bí mật cầm đầu bọn Việt Minh nằm vùng và chỉ huy chiến dịch Diệt Ác Ôn nhằm ám sát các viên chức Quốc gia.  Biết được chuyện nớ, chị đoạn tuyệt liền.  Ông nội và ba chị bị Việt Minh bắt đi thủ tiêu mười mấy năm trước; lý mô chị lấy người như rứa.”
Chị khóc thút thít,
            “Cháy nhà mới ra mặt chuột, năn nỉ chị trở lại không được, anh Phủ dọa sẽ ra tay trả thù khi chị lấy người khác.  Tội nghiệp anh Tân, không biết mình thò tay vô hang rắn hổ…”
            “Răng chị không báo cho họ bắt ông nớ?”
            “Chị nỡ lòng !  Sợ miệng thế gian chê cười là không ăn thì đạp đổ, bạc tình bạc nghĩa như vôi, hoặc là vu oan giá họa cho người cũ.”
            “Rứa chị đành nộp mạng cho thằng cha Việt Minh nớ?” tôi tức tối.
            “Ba Hoa ơi, chị vững tin lời Phật dạy:  Các pháp do duyên. ‘Các pháp’ là mọi trường hợp hay mọi điều xảy ra trên đời, và ‘duyên’ là điều kiện chín muồi theo nhân quả.  Số phận đã an bài, chạy trời không khỏi nắng, lo chi cho mệt?”
Chị không lo, nhưng tôi phải làm một việc gì đó để giúp chị.  Nghĩ mãi không ra, tôi lén vào trong am thờ Thiên Tiên Thánh Mẫu của bác Thang hàng xóm sau nhà thắp nhang khấn vái,
“Lạy Ngài, xin Ngài linh thiêng chỉ cho con cách giúp chị Lan Chi thoát khỏi nanh vuốt kẻ ác.  Nếu chị được tai qua nạn khỏi, con hứa sẽ cho bạn hết cả kho truyện, không giữ lại cuốn  hết.”
Hôm sau lục lại sách cũ của chú Phu trên kệ sách, tôi thấy có cuốn sách chỉ dẫn viết đơn từ và thư tín thương mại của Đỗ Văn gồm các mẫu đơn và thư bằng hai thứ tiếng Pháp-Việt.  Sau đó, đọc tạp chí Phổ Thông mới mua của anh Quang, tôi thấy phần sau có mục “Thư Bạn Đọc” gửi cho ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyễn Vỹ.  Vậy là Ngài đã đưa đường chỉ lối cho tôi!  Phỏng theo các mẫu đơn trong sách, tôi thảo thư nặc danh gửi Thiếu tướng Tư Lệnh Quân đoàn I, Đại tá Tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh, ông Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, ông Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên, và ông Quận trưởng quận Tả ngạn:
Kính thưa (Thiếu tướng),
Chúng tôi ký tên dưới đây là một nhóm người dân ngụ tại phường Phú Bình quận Tả ngạn tỉnh Thừa Thiên xin trân trọng tường trình đến (Thiếu tướng) một vụ như sau.
Chúng tôi biết đích xác là ông … Phủ, giáo sư Quốc văn tại trường Quốc Học Huế, là đầu đảng của bọn Việt Minh nằm vùng, âm mưu việc phá hoại và ám sát trong tỉnh Thừa Thiên.  Kính xin (Thiếu tướng) cho điều tra và ngăn chận những hành vi phạm pháp và nguy hại tới an ninh quốc gia của vị giáo sư này.
Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của (Thiếu tướng), xin (Thiếu tướng) hãy nhận nơi đây lòng thành kính biết ơn của chúng tôi.
Kính đơn,
Viết thư trên giấy vở học trò thì dễ dàng, bì thư “mượn đỡ” của anh Quang (có nhiệm vụ hàng tuần viết thư báo cáo việc nhà cho cha, lúc ấy đổi vào Sài gòn làm việc), nhưng tiền tem gửi đi là cả một vấn đề.  Tôi rình thấy mẹ cất xấp tiền chợ hàng ngày trong chiếc tủ đứng đựng áo quần, vuốt thẳng thớm và xếp theo trị giá từ nhỏ đến lớn.  Mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi lén rút tờ giấy bạc có trị giá thấp nhất nằm dưới cùng, mong mẹ sẽ không hay vì chỉ hụt mất số tiền nhỏ.  Khi có đủ tiền tem, tôi mang thư đi gửi ở Ty Bưu Điện gần trường Bán Công của anh Quang.
Bác Tống và mạ thằng Hương đi coi ngày và định ngày cưới là ba ngày sau ngày bãi trường nghỉ hè.  Tôi không được dự đám cưới nên cuối tuần trước đó đến từ giã chị Lan Chi.  Chị khóc tức tưởi,
            “Chừ chị hết còn dịp  tâm sự với Ba Hoa…”
            “Chị vô trong Quảng Ngãi khi  về biểu thằng Hương kêu tui, xa xôi chi mà lo!” tôi an ủi.
            “Chị trả lại Ba Hoa các cuốn truyện đã đổi cho chị.”
Trong lô truyện tình cảm xã hội chị đưa, cứ mỗi cuốn truyện cũ của tôi lại có thêm một cuốn giống y nhưng còn mới và còn nguyên bìa.  Thì ra chị đã có và không cần đọc truyện mà chỉ lấy cớ đổi để tặng các cuốn truyện Tàu tôi ưa thích.
* * *
Một tuần sau ngày cưới của chị Lan Chi, buổi tối cậu Há xuống nhà, mời mẹ, và gọi tôi vào phòng riêng,
            “Mi viết thư tố cáo thằng cha Phủ, mẹ mi và tau biết hết…”
            “Nhưng… nhưng…” tôi lắp bắp.
            “Chuyện con làm, mẹ đã chộ (thấy) từ bữa đầu tiên; từng ni tuổi đầu mà không biết tiền chợ hàng ngày hụt mất hay răng?  Mẹ báo cho cậu biết và biểu thằng Quang ngầm theo giúp con,” mẹ giải thích.
            “Tau lên Ty Cảnh sát gặp anh Lữ thì được xác nhận mi tố cáo đúng.  Thiệt ra, cơ quan an ninh đã điều tra, biết rõ hành vi tội lỗi của hắn, nhưng còn giăng bẫy để tóm trọn ổ.”
Tôi mừng húm.  Ông Tráng Lữ bạn cậu đã hay biết vụ này thì từ nay chị Lan Chi có thể ngủ yên, không còn lo lắng nữa.  Nhưng giọng của cậu trầm xuống,
            “Sau ngày cưới, thằng Tân đưa vợ về Đà Nẵng bằng xe Vespa.  Vào giờ chót, nhân viên an ninh được tin thằng cha tê bố trí bộ hạ phục kích ở chân đèo Hải Vân để ám toán hai đứa nớ; họ can thiệp nhưng không còn kịp.”
            “Rứa  răng?” tôi la thất thanh.
            “Mấy thằng Việt Minh bị bắt tại trận, nhưng trước đó chiếc xe Vespa đã bị bắn khiến thằng Tân lạc tay lái và cả người lẫn xe lăn xuống vực sâu.  Hai vợ chồng không may…”
            “Con đừng buồn, trên đời ai cũng có phần số của mình, cưỡng lại cũng không được,” mẹ vịn vai tôi.
Miệng khô rang, tôi không còn trông thấy gì ngoài màn nước mắt ràn rụa và không còn nghe thấy gì ngoài câu nói, “… chị vững tin lời Phật dạy:  Các pháp do duyên,” văng vẳng bên tai.  Thật vậy sao?  Các kiếp trước chị đã làm gì mà kiếp này gặt lấy cái chết thảm thương?
Nguyễn Ngọc Hoa
                                                                          Ngày 29 tháng Bảy, 2015

Không có nhận xét nào: