Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Ông Trọng: Tổng Bí thư quyền lực nhất? - fb Đoàn Xuân Lộc

Hình ông Trọng tại Đại hội 12. Credit: Hoang Dinh Nam.
30-1-2016
Hình ông Trọng tại Đại hội 12. Credit: Hoang Dinh Nam.
Dù ông ở lại chỉ ‘mang tính thừa kế’, ông Nguyễn Phú Trọng là người quyền lực nhất trong Bộ Chính trị (BCT) khóa 12. Có thể ông cũng là Tổng Bí thư (TBT) nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam thời hậu Lê Duẩn.
<!->
Với việc 9 trong 16 người, thuộc trường hợp quá tuổi trong BTC khóa 11 – đặc biệt trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà tới gần đây luôn được dư luận Việt Nam và giới quan sát quốc tế cho rằng có nhiều cơ hội nhất để trở thành TBT – đều (xin) rút lui, ông Trọng là người lớn tuổi nhất, thâm niên nhất trong số 19 ủy viên BCT hiện tại.
Ông sinh năm 1944 và là ủy viên BCT từ năm 1997 (khóa 8). Như vậy đến giờ ông Trọng đã ở trong BCT đến 19 năm.
Trong khi đó, trong 6 người còn lại thuộc khóa 11 được tái cử, chỉ có ông Đinh Thế Huynh (sinh năm 1953), ông Nguyễn Xuân Phúc (1954), bà Tòng Thị Phóng (1954) và ông Trần Đại Quang (1956) là ủy viên BCT từ năm 2011. Tổng thời gian có mặt trong BCT của bốn người là 20 năm – nhiều hơn ông Trọng chỉ một năm.
Hai người còn lại thuộc khóa 11 là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (1954) và ông Nguyễn Thiện Nhân (1953) chỉ được bầu bổ sung năm 2013.
Từ năm 1986, chưa có một TBT nào vượt xa các ủy viên BCT khác về thâm niên trong BCT hay công tác, chức vụ trong ĐCS Việt Nam như vậy.
Tại Đại hội 11, khi ông Trọng được bầu làm TBT cách đây 5 năm, trong BCT có hai người vào cơ quan quyền lực này của ĐCS sớm hơn ông một năm là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Sang và ông Dũng vào BCT từ Đại hội 8, năm 1996, trong khi ông Trọng chỉ được bầu bổ sung tại hội 4 của khóa 8 năm 1997.
Hơn nữa, xét về chức vụ, ông Dũng đã là Phó Thủ tướng thường trực từ năm 1997 và ông sang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996. Trong khi vào thời gian đó ông Trọng chỉ là Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, phụ trách công tác tuyên giáo.
Cũng vì vậy, dù là TBT, ông Trọng không phải là người có ảnh hưởng nhất trong BCT và Ban Chấp hành (BCT) Trung ương khóa vừa qua. Có lúc ông bị ông Dũng qua mặt. Chuyện ông phải ‘nghẹn ngào’ thông báo trước toàn ĐCS và toàn dân rằng BCH Trung ương đã không kỷ luật ông Dũng tại hội nghị 6 năm 2012 như BCT đề nghị là một ví dụ.
Các TBT trước đó – từ ông Nguyễn Văn Linh đến ông Nông Đức Mạnh – không có ai hoàn toàn vượt trội các ủy viên BCT khác về thâm niên công tác, chức vụ trong ĐCS.
Chẳng hạn, tại Đại hội 6 năm 1986, khi ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm TBT, trong BCT cũng có người có thâm niên, ảnh hưởng tương tự, như Võ Chí Công, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, hay thậm chí lớn hơn ông Linh – như Phạm Hùng. Ông Hùng đã vào BCT từ năm 1960, trước ông Linh đến 4 năm.
Năm 1991, khi ông Đỗ Mười làm TBT, bên cạnh ông có ông Võ Văn Kiệt. Cả hai đều được bầu làm ủy viên dự khuyết BCT tại Đại hội 4, năm 1976.
Khi ông Lê Khả Phiêu được bầu làm TBT tại Hội nghị 4 năm 1997, trong BCT lúc đó có hai người vào cơ quan này trước ông – là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Đức Bình (năm 1991) – và một người cùng lúc với ông là Nguyễn Mạnh Cầm (năm 1993).
Khi ông Mạnh được bầu làm TBT tại Đại hội 9 năm 2001, bên cạnh ông có Phan Văn Khải. Cả hai đều vào BCT năm 1991. Ông Khải thậm chí được bầu làm Thủ tướng tại hội nghị 4, năm 1997, trong khi ông Mạnh chỉ được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội lúc đó.
Năm năm sau đó, tại Đại hội 10, ông Mạnh được bầu tiếp tục giữ chức TBT, trong khi ba người còn lại trong ‘tứ trụ’ lúc ấy – là Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và Nguyễn Văn – đều nghỉ.
Đại hội 12 là đại hội thứ hai – kể từ năm 1986 – TBT được tại chức, trong khi ba người giữ vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội rời chức vụ.
Nhưng so với ông Mạnh năm 2006, ông Trọng bây giờ có nhiều ảnh hưởng, quyền lực hơn.
Bên cạnh ông Mạnh lúc đó có nhiều nhân vật khác – như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – có ảnh hưởng trong BCT không thua gì ông Mạnh.
Còn trong BCT hiện tại, không ai ‘cùng lớp’ và đủ kinh nghiệm, thâm niên và ảnh hưởng để có thể cạnh tranh với ông Trọng.
Các ủy viên BCT và BCH Trung ương khóa 12 chỉ là ‘em’, ‘cháu’ hay thậm chí ‘con’ của ông Trọng.
Vẫn biết rằng đồng thuận là nguyên tắc lãnh đạo chính trong ĐCS, ông Trọng sẽ có vai trò rất lớn trong việc quyết định đường lối, chính sách của ĐCS và cũng là của Việt Nam trong khóa này.
Đây là điều làm không ít người dân lo ngại vì ông Trọng được coi là người bảo thủ, giáo điều và thân Trung Quốc. Trong khi Việt Nam cần một lãnh đạo có đầu óc đổi mới để có thể phát triển, tránh tụt hậu và có uy tín, bản lĩnh, biết tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, các nước khu vực để đối phó, ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Trước Đại hội 12, có tin cho rằng ông Trọng sẽ chỉ ở lại một hay hai năm. Nhưng dựa trên thông tin ông cho báo giới biết sau khi được tái cử, giờ không rõ ông giữ chức TBT 2, 3 hoặc năm năm. Nhưng dù ông ra đi giữa hay cuối nhiệm kỳ, ông sẽ đóng một vài trò quan trọng trong việc chọn người kế nhiệm ông.
Đây có thể cũng là một điều nữa làm những ai muốn Việt Nam đẩy mạnh cải cách băn khoăn. Những gì ông Trọng và ĐCS quyết định trong vấn đề chính sách và nhân sự trong những năm tới không chỉ có ảnh hưởng đến đất nước, người dân trong thời gian ông làm TBT mà có thể còn tác động rất lớn đến vận mệnh đất nước trong nhiều năm, thập kỷ sau đó.

Không có nhận xét nào: