Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Dư luận Việt Nam trước vụ việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh Miền Trung

“Dù ý kiến cá nhân tôi quá nhỏ nhoi nhưng tôi mong: Mọi người (những công dân Việt nam) đừng thờ ơ với những diễn biến xã hội, đừng cúi đầu trước bất kể thế lực nào... hãy lên tiếng và tự giác trong việc giữ gìn môi trường sống chung. Không che dấu, tiếp tay cho các hành vi gây ô nhiễm và kinh doanh thực phẩm bẩn hủy hoại thế hệ con cháu chúng ta.”
<!->
Cali Today News - Cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong suốt mấy ngày qua khiến dư luận Việt Nam đang có những phản ứng gây gắt bởi hai nguyên do: Một là, phát ngôn gây “sốc” như thách thức dư luận vào hôm 25/4/2016 của ông Chu Xuân Phàm - Phó Phòng đối ngoại Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh), đơn vị kinh doanh này hiện đang bị nghi ngờ nhiều nhất là thủ phạm đã thải chất độc hại thông qua đường ống xả thải đặt sâu dưới biển làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước biển. Hai là, sự vào cuộc quá chậm trễ của các quan chức địa phương trong việc xác định thực hư vụ việc cá chết hàng loạt là do đâu nhưng đã hai mươi ngày trôi qua mà vẫn chưa có câu trả lời xác đáng khiến người dân càng điêu đứng, lo lắng và hoang mang hơn.
 
Trước trách chính quyền. Sau mới trách doanh nghiệp
 
Sau nhiều ngày im lặng trước nguồn thông tin người dân ở Hà Tĩnh đã phát hiện một đường ống xả thải dài khoảng 1,5 km từ công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa đặt sâu ở dưới biển, vài ngày trước công ty Hưng Nghiệp Formosa đã dùng hóa rữa đường ống xả thải đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn nước biển ở khu vực Vũng Áng và các khu vực xung quanh bị ô nhiễm nặng dẫn đến việc cá chết hàng loạt. Ngày 25/4/2016, ông Chu Xuân Phàm - Phó Phòng đối ngoại Công ty Formosa đã trả lời trước những câu hỏi báo chí rằng:
 
"Nhiều khi mình phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép".
 
Lời phát ngôn này của ông Chu Xuân Phàm sau khi đăng tải trên truyền thông, báo chí đã gây phẩn nộ từ phía dư luận Việt Nam. Nó như phát súng nhắm thẳng vào hàng triệu “trái tim” đang khóc ở miền Trung, thách thức nỗi đau và mất mác mà người dân miền Trung đang gánh chịu. Có hay không việc công ty Hưng Nghiệp Formosa đan tâm hủy hại môi trường cả một vùng biển rộng lớn thì còn phải đợi từ kết luận của các cơ quan chức năng nhưng trước nỗi đau của người dân miền Trung, ông Chu Xuân Phàm lại có phát ngôn như nêu trên rõ không dễ cho ai đó chấp nhận được.
 
Anh Lê Hoàng, một công dân ở Hà Nội đón nhận phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm trên truyền thông, báo chí đã không kìm nổi được cơn phẩn nộ. Anh nói:
 
“ Tôi thấy lời phát ngôn của ông ấy (Chu Xuân Phàm) là vô trách nhiệm.”
 
Tiếp theo là hàng loạt khẩu hiệu mà cộng đồng mạng chia sẻ trên các trang mạng xã hội như:
“Tôi chọn biển sạch còn bạn thì sao?”
 
“Formosa. Thép đã tanh thế đấy!”
 
“Tôi tẩy chay công nghiệp gây ô nhiễm”
 
“Chúng tôi cần môi trường. Chúng tôi không cần Formosa”
 
Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nằm trong khu công nghiệp Vũng Áng. Đành rằng doanh nghiệp đã đầu tư thì phải có lợi nhuận nhưng vì lợi nhuận mà bất chấp việc hủy hoại môi trường, gây tác hại về lâu về dài cho người dân Việt Nam thì không thể chấp nhận được. Anh Trung Nghĩa và bạn bè của anh đã đưa một biểu ngữ rất dứt khoát, không chấp nhận phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm:
 
“Formosa. Hãy cút khỏi Việt Nam!”
 
Tuy nhiên, cũng có nhiều nguồn dư luận cho rằng: cũng không thể trách công ty Hưng Nghiệp Formosa hay các doanh nghiệp khác ở Vũng Áng bởi dù sao họ cũng là những doanh nghiệp đa phần ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trách nhiệm chính là ở chính quyền Việt Nam khi đã lỏng lẻo trong việc quản lý, giám sát nên mới dẫn đến hậu quả làm tổn thất nặng nề cho người dân và đất nước. Đã vậy, trước thảm cảnh cá chết hàng loạt, người dân kẻ khóc ròng người lo lắng, hoang mang vì không biết còn phải gánh chịu những tác hại gì nữa thì ông vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly lúc trao đổi với báo chí đã cho biết:
 
“Đoàn công tác không vào kiểm tra tại Khu công nghiệp (KCN) Vũng Áng vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này.”
 
Hoặc người dân Hà Tĩnh cho biết là không thấy bóng dáng lãnh đạo cấp cao nào của tỉnh Hà Tĩnh có mặt kịp thời động viên, quan tâm đến người dân khi vụ việc xảy ra gần cả hai tuần lễ. Đã vậy, khi xuất hiện thì lại phát ngôn thiếu cơ sở, thiếu căn cứ như phát ngôn của ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: “Yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng”. Dư luận mạng lại yêu cầu ông Sơn và người thân của ông Sơn hãy ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng trước hòng chứng minh cho mọi người dân xem phát ngôn của mình là đúng nhưng đến nay vẫn chưa thấy ông Sơn thực hiện. 
 
“Tôi không bức xúc nhưng không ai có quyền bắt tôi phải lựa chon. Các doanh nghiệp đến Việt nam đầu tư thì điều họ quan tâm là lợi nhuận nhưng Chính quyền Việt Nam có trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.... Bất kỳ ai sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và luật Quốc tế!”
 
Đó là lời chia sẻ của ông Giang ở Thanh Hóa. Và cùng quan điểm trước tiên phải truy vấn trách nhiệm quản lý, giám sát của các cấp chính quyền rồi sau mới trách cứ doanh nghiệp và người dân cũng có phần trách nhiệm đó là sự lên tiếng theo như lời chia sẻ của anh Hoàng Anh ở Hà Nội thì:
 
“…chúng ta không nên tranh cãi về việc ông ta (Chu Xuân Phàm) nói thế là đúng hay là sai mà nên tập trung vào việc làm rõ trách nhiệm của các bên trong vụ việc này, trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của chính quyền và trách nhiệm của người dân. Khi chính quyền và doanh nghiệp không thể hiện được vai trò của mình trong việc khắc phục và ngăn chặn hậu quả thì người dân có trách nhiệm lên tiếng và đấu tranh để các bên liên quan thực thi đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình”.
 
Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời Hưng Nghiệp Formosa hay doanh nghiệp nào ở Vũng Áng là thủ phạm gây độc hại môi trường biển ở đây nhưng qua vụ việc cá chết hàng loạt ở các bãi biển ở miền Trung, cả anh Hoàng Anh và anh Giang đều đánh giá năng lực ứng phó vụ việc của các cấp chính quyền địa phương đi từ yếu kém cho đến không có. Đánh giá của anh Giang:
 
“Tôi đánh giá năng lực ứng phó của các cấp Chính quyền gần như không có. Tất cả là do người dân và các phương tiện truyền thông cung cấp…”
 
Và lời nhận xét của anh Hoàng Anh:
 
 “Tôi đánh giá năng lực ứng phó trong vụ việc trên của các cấp chính quyền địa phương là quá yếu kém và hoàn toàn không có khả năng thực thi nhiệm vụ của mình. Vụ việc diễn ra với một mức độ vô cùng nghiêm trọng và diễn ra trong một khoảng thời gian dài với quy mô vô cùng lớn mang tầm quốc gia mà chính quyền từ Trung ương cho tới địa phương không hề đưa ra một giải pháp hữu hiệu nào để ứng phó kịp thời cũng như ngăn chặn hậu quả xấu tiếp diễn.”
 
Dư luận đa phần đều nói nhiều Bộ, ban ngành ở Việt Nam từ Trung ương cho đến địa phương được hưởng lương từ ngân sách, được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ lại quá chậm trễ trong việc đưa ra kết luận xác đáng về nguyên nhân vụ việc gây hoang mang rất lớn trong nhân dân. Rõ ràng khả năng lãnh đạo của các cấp chính quyền ở các địa phương nêu trên là quá yếu kém hay nói chính xác là hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo.
 
Tuần hành vì môi trường. Người dân không thể vô cảm được nữa
 
Nghi vấn cho rằng công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã thải chất độc hại tàn phá môi trường biển ở miền Trung, gây hậu quả nghiêm trọng trong khi chính quyền các cấp lại yếu kém trong việc quản lý cho nên người dân là đối tượng trước tiên phải gánh chịu hậu quả. Lo lắng, hoang mang và chết chóc mà chưa biết vụ việc đã kết thúc hay chưa? Người dân không có thời gian để chờ đợi thêm những hậu quả gì sẽ đến với mình tiếp theo nên đã tự phát tìm cách “bảo vệ” mình. Một bản tuyên bố “về tội ác đầu độc biển miền Trung” chỉ đích danh công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm hiện đang thu thập chữ ký trên cộng đồng mạng. Thêm nữa, dự kiến ngày chủ nhật ngày 1/5/2016, tại Hà Nội, Sài Gòn sẽ có cuộc tuần hành liên quan tới việc bảo vệ môi trường trước những tác hại ở các tỉnh miền Trung mấy ngày vừa qua đã được đông đảo người dân ủng hộ. Dĩ nhiên là anh Giang và anh Hoàng Anh cũng không ngoại lệ.  
 
“Dù không trực tiếp làm thay đổi được môi trường biển miền Trung nhưng tôi nghĩ: cuộc tuần hành sẽ đánh thức được nhiều người hiểu và có thái độ đúng về môi trường, từ đó người dân sẽ có ý thức hơn. Và đây cũng là dịp để các cấp chính quyền nhìn lại trách nhiệm của mình đối với người dân và Đất nước.”
 
“Cuộc tuần hành trên là vô cùng cần thiết, là cơ hội để người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, được trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình với vụ việc ảnh hưởng xấu đến vấn đề môi sinh của quốc gia. Chính quyền đã không thể hiện được vai trò lãnh đạo nên người dân có quyền lên tiếng yêu cầu chính quyền và các bên liên quan phải thực thi đúng nghĩa vụ và trách nhiệm một cách nhanh chóng và ngay lập tức đưa ra những phương án khắc phục, ngăn chặn hiệu quả, tránh tình trạng tái diễn”
 
Và thông điệp mà anh Giang lẫn anh Hoàng Anh muốn đưa đến là:
 
“Dù ý kiến cá nhân tôi quá nhỏ nhoi nhưng tôi mong: Mọi người (những công dân Việt nam) đừng thờ ơ với những diễn biến xã hội, đừng cúi đầu trước bất kể thế lực nào... hãy lên tiếng và tự giác trong việc giữ gìn môi trường sống chung. Không che dấu, tiếp tay cho các hành vi gây ô nhiễm và kinh doanh thực phẩm bẩn hủy hoại thế hệ con cháu chúng ta.”
 
“Đất nước này là của nhân dân Việt Nam, những kẻ nào làm trái với ý nguyện của nhân dân Việt Nam thì cần phải bị đào thải. Chúng ta hãy đoàn kết cùng lên tiếng để bảo vệ đất nước, chống lại những kẻ phá hoại dân tộc”
 
Người dân đừng thờ ơ vô cảm trước những tác hại dù lớn hay nhỏ, chính quyền phải có trách nhiệm với những việc làm của chính mình và đừng đánh đổi môi trường để lấy lợi nhuận tức thời đó là những thông điệp được đón nhận nhiều sự ủng hộ nhất ở Việt Nam trong những ngày này. Hưng Nghiệp Formosa hay bất cứ doanh nghiệp nào khác nếu người dân biết đồng lòng bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân nói riêng và của cộng đồng nói chung thì sẽ không một ai dám vì chút quyền lợi mà ngang nhiên đưa ra tuyên bố “đánh đổi”. Muốn thực hiện được những thông điệp này thì trước hết:
 
“ Đánh động lương tri bằng một việc nhỏ. Môi trường là hàng đầu sau đó là nguồn thuỷ hải sản bị nhiễm độc thì bà con ngư dân không còn đường sống vì vậy người dân chúng ta hãy lên tiếng để làm cho ra lẽ vụ này. Không thể vô cảm được nữa.”, lời sau cuối của anh Lê Hoàng./.
 
THIÊN HÀ

Không có nhận xét nào: