Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tháng 5 - 2016 - TS Nguyễn Nam Sơn

1. Trường Ca Mẹ Việt Nam: Phạm Duy - Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi - Gs TranNangPhung - NNS
<!->
2. Mưa Chiều Miền Trung: Hồng Xương Long -  Như Quỳnh - Gs TranNangPhung - NNS
Tình thân,
NNS
Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Hà Trường Cát (NV): Obama cầm dù, trú mưa bên quán nghèo ở Mễ Trì Hạ
VIỆT NAM:  Chống Trung Quốc, muốn thân thiện với Mỹ, là tâm lý đã sẵn có trong lòng người dân Việt Nam và sức hấp dẫn của cá nhân Tổng Thống Obama đã làm nổi bật thực tế ấy trong ba ngày thăm viếng Việt Nam của ông. Vì vậy bên cạnh tất cả những nhận định của các nhà bình luận chính trị, những lời diễn giải hay phủ nhận của giới chức các bên, một kết quả nổi bật nhất trong ba ngày qua là sự hào hứng phấn khởi của dân chúng Việt Nam khi tiếp đón nhà lãnh đạo nước Mỹ đến hai thành phố chính của đất nước mình.
Không ai có thể đoán được là việc Tổng Thống Obama vào ăn bún chả trong một quán bình dân ở Hà Nội tạo nên tác động và ảnh hưởng sâu sắc hơn tất cả những gì mà ông muốn đề cao về mối quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia và hai dân tộc. Hầu như tất cả báo chí trong nước chưa bàn luận gì về những quyết định manh tính cách chính trị – như bãi bỏ cấm vận vũ khí – hay kinh tế – như vụ Vietjet mua 100 máy bay của Boeing với giá $11.3 tỷ. Trên tất cả các trang báo điện tử, từ VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing, ... người ta chỉ thấy những bài viết, hình ảnh và video nói đến  chuyện Tổng Thống Obama đi ăn bún chả, và rất nhiều chuyện khác liên quan. 
Tổng Thống Obama không bỏ qua những cơ hội có thể tiếp cận trực tiếp người dân Việt Nam. Buổi trưa Thứ Ba, từ khách sạn Marriot đi ra phi trường Nội Bài bay vào Sài Gòn, Tổng Thống Obama cho ngừng ở ngôi chợ nhỏ cổng làng Mễ Trì Hạ, ra khỏi xe để … trú mưa dưới chiếc lán tạm của một quán nước. Ông lưu lại đây gần một giờ, đứng cầm dù và bắt tay người dân, chụp ảnh lưu niệm với chủ hàng trà đá.
Qua hàng loạt hình ảnh, video,  trên các báo mạng, người ta thấy hàng ngàn dân Hà Nội, và ở Sài Gòn còn đông đảo hơn nữa, kiên nhẫn đứng dọc hai bên những con đường đoàn xe Tổng Thống đi ngang. Tại Sài Gòn, dự đoán Tổng Thống Obama có thể ra ngoài đi ăn ở đâu đó giống như tại Hà Nội, nên từ chập tối Thứ Ba, 24 tháng Năm, hàng ngàn người tập trung trên các tuyến đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du quanh khách sạn và kiên nhẫn chờ đợi tới gần nửa đêm với mong muốn một lần được gặp và thân mật bắt tay nhà lãnh đạo nước Mỹ. Một số người khác chọn lối dễ dàng hơn bằng cách tìm gặp những giới chức trong phái đoàn tháp tùng Tổng Thống như Ngoại Trưởng John Kerry. Sau suốt một ngày bận rộn với lịch làm việc dày đặc ở Hà Nội và Sài Gòn, ông Kerry đã có những giây phút thảnh thơi đi ăn tối ở Bitexco đại lộ Nguyễn Huệ, tòa nhà cao nhất Saigon, 601 feet với 68 tầng. Bước ra khỏi xe, ông tươi cười vẫy tay chào thân mật chào đám đông đứng chờ và dừng lại trò chuyện, bắt tay mọi người, kể cả các em bé. Ông Kerry là người có đóng góp lớn trong quá trình dẫn tới quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia như ngày nay.
Trong lời phát biểu tại cuộc họp báo chung với chủ tịch Việt Nam, Trần Đại Quang, Tổng Thống Mỹ Barack Obama nói "xin chào," "xin cám ơn," bằng tiếng Việt khi mở đầu và kết thúc bài phát biểu, đồng thời ông nhắc đến món cà phê sữa đá với niềm thích thú. "Tôi đang mong chờ có cơ hội trò chuyện với người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ thích thú với cà phê sữa đá," ông Obama nói, trong phần cuối bài phát biểu.
Trái với những nhận định ban đầu của một số nhà bình luận chính trị, cho rằng chuyến thăm của Tổng Thống Obama diễn ra với nhiều miễn cưỡng, kể cả sự tiếp đón đủ thủ tục chứ không trang trọng như đón chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Nhận xét ấy có phần phiến diện, vì hai phía Việt Nam – Hoa Kỳ đã bàn thảo hoạch định rất kỹ mọi chi tiết, trong đó chắc chắn phải có sự cân nhắc, tránh gây ra những phản ứng phụ ngoài ý muốn từ quốc nội cũng như phía Trung Quốc. Những hình thức rườm rà chỉ mang tính thủ tục ngoại giao bình thường không được coi là yếu tố quan trọng. Ngay báo chí trong nước cũng chỉ nói nhiều về việc Tổng Thống Obama đi ăn bún chả như thế nào chứ không chú ý đến thực đơn buổi tiệc chiêu đãi chính thức của nhà nước, bao gồm nộm xoài cát nướng, nem bao cánh én, cuốn ba miền (nem rán, nem cuốn, phở cuốn), càng cua bể bao rong biển, súp tôm hùm bách ngọc, cua bấy chiên bơ xốt trứng muối, miến om dùng gà, thăn bò nướng phên sốt mận, khoai lẵng quà - rau xanh om bơ...
Chuyến đi của Tổng Thống Obama như vậy là một cuộc thăm viếng hoàn hảo và thành công, cả về hình thức và nội dung, một cuộc trình diễn ngoạn mục nhưng không vì thế mà bỏ qua những mục đích cần phải đạt được. Ba nội dung chính là TPP, vấn đề Trung Quốc và nhân quyền tại Việt Nam đều được thể hiện minh bạch bằng cách này hay cách khác.
Hoàn toàn bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí là quyết định mà nhiều người lúc đầu hoài nghi sẽ không tới mức đó. Không trực tiếp nói về những thỏa thuận đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông nhưng trong bản tuyên bố chung Việt – Mỹ, những nguyên tắc ứng xử được khẳng đĩnh không úp mở. Và trong bài nói chuyện dài nửa giờ tại Hà Nội trước 2,000 người, một lần nữa, sau khi đã nói trong cuộc họp báo với chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng Thống Obama nói rằng “nước lớn không được ăn hiếp nước nhỏ,” và minh xác: “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam.” Ông cũng dẫn lời bài thơ lịch sử của Lý Thường Kiệt: Nước Nam của vua Nam, ý Trời đã định như thế. Tổng Thống Obama trong nhiều dịp đã dẫn lời ca dao, tục ngữ và thơ văn Việt Nam, từ Nguyễn Du cho tới Thích Nhất Hạnh, Văn Cao, Trịnh Công Sơn.
Về nhân quyền, sau buổi gặp gỡ một số nhà hoạt động xã hội dân sự, bài phát biểu của Tổng Thống Obama không ngần ngại chỉ trích chính quyền Việt Nam và thẳng thắn đưa ra những khuyến cáo mà theo ông Việt Nam sẽ phải thi hành để có thể tiến tới trong tương lai. Chưa biết việc này nên sáng hôm Thứ Ba, có một điều khá khôi hài là Trung Quốc lại tỏ như phàn nàn giùm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Global Times, một tờ báo của đảng Cộng Sản viết: “Việc bãi bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam chứng tỏ Hoa Kỳ giảm nhẹ chuẩn mực đòi hỏi về nhân quyền tại Việt Nam trong mục đích kiềm chế Trung Quốc” và “Tòa Bạch Ốc dùng Việt Nam để khuấy động Biển Đông.”
Từ Saigon, ngoại trưởng John Kerry nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ tăng cường quan hệ với Việt Nam không phải để nhắm vào Trung Quốc. Ông tuyên bố: “Không phải  Trung Quốc. Tất cả những gì chúng tôi làm và nói ở đây không nhằm tập trung vào Trung Quốc. Chúng tôi chú trọng đến Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh trên thế giới.” (HC)

*** Ts Nguyễn Hưng Quốc: Nghĩ về quan hệ giữa Mỹ - Việt
Nhân chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tại Việt Nam, chúng ta thử nghĩ về mối quan hệ (chính trị) giữa hai nước từng là kẻ thù của nhau trong suốt thời chiến tranh Việt Nam.
Nhắc đến chữ “kẻ thù”, xin lưu ý là, với các chính khách Mỹ, như họ thường nói, chỉ có những lợi ích quốc gia vĩnh viễn nhưng không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn. Bạn hay thù có thể thay đổi từng lúc, tuỳ theo quyền lợi quốc gia của họ. Mà quyền lợi quốc gia của Mỹ, trong giai đoạn hiện nay cũng như trong vài thập niên tới, chủ yếu nằm ở vùng châu Á – Thái Bình Dương nơi họ bị thách thức lớn nhất từ một cường quốc mới nổi: Trung Quốc. Có thể nói toàn bộ chiến lược quay về với châu Á và Thái Bình Dương của Mỹ đều xuất phát từ những đe doạ đến từ Trung Quốc. Về phương diện chính trị và quân sự, những đe doạ từ Trung Quốc chủ yếu diễn ra trên mặt biển. Chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ xảy ra trên biển. Có hai vùng biển chính có thể biến thành chiến trường: Hoa Đông và Biển Đông. Khả năng bùng nổ xung đột lớn ở biển Hoa Đông tương đối ít vì ở đó Trung Quốc phải đối đầu với một kẻ thù rất giàu và cũng rất mạnh, hơn nữa, có quan hệ liên minh chiến lược chặt chẽ với Mỹ: Nhật Bản. Chỉ có ở Biển Đông là Trung Quốc có nhiều ưu thế nhất. Tất cả các đối thủ của Trung Quốc ở vùng biển ấy đều nhỏ và yếu hơn Trung Quốc hẳn. Bởi vậy, để bành trướng lãnh hải và lãnh thổ, chắc chắn Trung Quốc sẽ chọn hướng Biển Đông của Việt Nam. Mà họ đã bắt đầu tiến trình bành trướng ấy thật. Từ hơn một năm nay, họ đã bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo và biến chúng thành các căn cứ quân sự. Các nhà bình luận chính trị dự đoán không lâu nữa, Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Đối diện với nguy cơ bành trướng ấy của Trung Quốc, Mỹ tuyên bố chính sách chuyển trục về châu Á – Thái Bình Dương. Ở vùng này, Mỹ đã có bốn đồng minh lâu đời và đáng tin cậy nhất: Úc, Nhật, Hàn Quốc và Philippines. Từ mấy năm nay, Mỹ ra sức tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Liên quan đến Biển Đông, ngoài Philippines, các nước được nhắm tới đầu tiên là Malaysia, Singapore và Việt Nam. Trong số đó, Việt Nam chiếm vị trí quan trọng hàng đầu vì Việt Nam có đảo và vùng biển bị tranh chấp nhiều nhất. Có thể nói chiến lược đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông của Mỹ sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thái độ của Việt Nam: Nếu Việt Nam đồng tình với việc xâm lấn của Trung Quốc, Mỹ sẽ mất đi một chỗ dựa quan trọng. Quan trọng nhưng không phải bất khả thay thế: Mỹ vẫn còn nhiều đồng minh khác trong khu vực.
Về phía Việt Nam cũng vậy. Trừ phi Việt Nam cam tâm bán đứng Biển Đông cho Trung Quốc, cách duy nhất để Việt Nam có thể bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông là phải liên kết với Mỹ. Trước hết, cần loại trừ ngay khả năng Việt Nam có thể một mình bảo vệ được chủ quyền của mình. Tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay khác hẳn những năm 1978-79. Để tự vệ, Việt Nam cần có đồng minh. Từ mấy năm nay, Việt Nam cố sức xây dựng đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng những quốc gia thực sự có thể giúp Việt Nam trong thế trận đương đầu với Trung Quốc rất hiếm. Ngay cả Nga, nước Việt Nam hy vọng nhất, mới đây cũng tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong chính sách phi quốc tế hoá các tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ cũng không phải là nước đáng tin cậy: Một mặt, Ấn Độ có truyền thống phi liên kết lâu đời; mặt khác, về quân sự, Ấn Độ cũng không phải là đối thủ của Trung Quốc. Đó là chưa kể, về quyền lợi, không có lý do gì để Ấn Độ chọn đứng hẳn về phía Việt Nam. Một số quốc gia khác, như Úc hay Nhật chỉ có thể trở thành hữu dụng khi Mỹ cũng nhập cuộc. Thành ra Việt Nam chỉ có một đồng minh duy nhất có động cơ và đủ khả năng để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông: Mỹ. Không còn nước nào khác. Tuyệt đối không.
Bởi vậy, có thể nói tuy cả hai có cùng quyền lợi trên Biển Đông nhưng rõ ràng là Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam.
Đó là trên nguyên tắc. Trên thực tế, cho đến nay, nước bày tỏ nhiều thiện chí nhất là Mỹ chứ không phải Việt Nam. Để củng cố mối quan hệ song phương, Mỹ có hai nhượng bộ chính: Một, thừa nhận thể chế chính trị phi dân chủ của Việt Nam (qua việc tiếp đón Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng, và những cam kết không xâm phạm vào thể chế của nhau) và hai, làm ngơ trước những sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam khi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền. Thả người này ra, họ lại bắt người khác. Trong nhà tù của họ, do đó, lúc nào cũng đầy những tù nhân lương tâm, không có tội nào khác ngoài việc đòi hỏi dân chủ hay chống lại Trung Quốc. Ở phương diện này, có thể nói Việt Nam đã “thắng” Mỹ. Có điều, đó chỉ là những cái “thắng” tạm thời. Về lâu về dài, để xây dựng cái Nguyễn Tấn Dũng gọi là “niềm tin chiến lược”, hai bên cần chia sẻ với nhau những bảng giá trị chung, trong đó, nổi bật nhất là những vấn đề liên quan đến nhân quyền. Không có sự chia sẻ ấy, mọi sự hợp tác đều vẫn bị giới hạn. Chính sự giới hạn đó sẽ làm Việt Nam bị thiệt khi thực sự đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

*** Nhà văn Phạm Đình Trọng: Vùng tối ngột ngạt
Tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam. Vì Obama là hiện thân giá trị Mỹ, là hiện thân những giá trị bình dị, tự nhiên, thiết thực của cuộc sống, của con người, những giá trị dân chủ và quyền con người mà người dân Việt Nam đang thiếu hụt, đang khát khao. Sự mong chờ đó như người đang đi trong đêm tối mong chờ một nguồn sáng.
Obama đến Việt Nam không phải chỉ là sự kiện chính trị của đất nước Việt Nam mà còn là sự kiện tình cảm trong mọi trái tim Việt Nam. Ông đi đến đâu, thành phố nghiêng ngả, lòng người nghiêng ngả, trái tim rạo rực ở đó.
Ông đọc thơ Lý Thường Kiệt gợi nhớ không gian hùng tráng của lịch sử Việt Nam: Núi sông nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách Trời.
Ông nhắc đến lời hát trong bài hát của nhạc sĩ tài hoa mà khốn khổ vì cộng sản, nhạc sĩ Văn Cao. Lời hát về tình thương yêu của một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng thương yêu đùm bọc: Từ nay người biết yêu người. Từ nay người biết thương người.
Ông nói về lòng tin còn lại trao nhau sau những đổ vỡ mất mát bằng câu Kiều rưng rưng: Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi.
Uyên bác, lịch lãm và tinh tế, một chính khách lớn làm chính trị bằng văn hóa, bằng giá trị nhân văn chứ không làm chính trị bằng trò lừa dối và sức mạnh bạo lực. Một người như vậy làm sao không mong chờ.
Nhưng khi con người được mong chờ đó có mặt ở Việt Nam thì tôi lại muốn con người đó nhanh chóng rời khỏi Việt Nam. Vì trong những ngày con người là hiện thân của giá trị dân chủ và quyền con người có mặt ở Việt Nam thì tôi lại bị tước đoạt quyền con người cơ bản nhất là quyền tự do đi lại. An ninh nhà nước cộng sản Việt Nam rải quân chốt chặn trước nhà tôi từ sáng đến khuya không cho tôi ra khỏi nhà. Không chỉ riệng tôi, tất cả những người sống ở Hà Nội và Sài Gòn nói tiếng nói khát vọng tự do dân chủ và quyền con người đều chung thân phận như tôi, đều bị an ninh nhà nước cộng sản cầm tù tại nhà.
Một nguồn sáng rọi vào nơi tăm tối thì vùng tối ở cạnh nguồn sáng là nơi tăm tối dày đặc nhất. Trong những ngày nguồn sáng Obama đến Việt Nam, chúng tôi đã phải sống trong ngột ngạt tối tăm đậm đặc như vậy. (P.Đ.T. - Tác giả gửi BVN)

*** Hà Hiển: Chào "đồng chí" Obama
Tôi biết nước Mỹ từ lúc còn bé tí khi đất nước còn chia đôi và tôi cùng gia đình sống ở nửa phần phía Bắc.
Thời ấy, tôi biết đến nước Mỹ, cụ thể hơn là người Mỹ, qua các bộ phim của Trung Quốc, Việt Nam hay Triều Tiên và qua cả những gì người lớn đang nói.
Thời chiến
Những ám ảnh ấy đưa tôi vào những cơn ác mộng. Nhiều đêm tôi khóc thét khi mơ thấy những tên lính Mỹ mặt mũi râu ria gian ác đứng ngay ngoài cửa sổ đầu giường đang cầm súng chĩa vào mặt mình.
Lớn lên chút nữa thì tôi còn biết thêm được là Mỹ có một "Tổng thống ngu xuẩn nhất nhì" qua câu thơ của nhà thơ cùng trang lứa Trần Đăng Khoa.
Và cũng thời gian ấy tôi biết đến Mỹ qua những chiếc máy bay đen sì gầm rú tít trên trời cao và tiếng bom đạn rào rào quanh cái hầm nơi mình cùng bố, mẹ và các anh chị mình đang trú ẩn. Có lần tôi và mẹ suýt chết vì bom Mỹ trên đường đi sơ tán.
Tôi cũng biết đến Mỹ qua hình ảnh những con phố Hà Nội, Hải Phòng bỗng chốc hóa thành những đống bùn đất hòa lẫn với máu sau những đợt bom được ném theo kiểu "rải thảm" từ những chiếc "pháo đài bay" của Mỹ và nhìn thấy cả cảnh người chết vì bom đạn Mỹ.
Tôi cũng biết được nước Mỹ có tên trung úy William Calley cùng với trung đội đao phủ của y đã tham gia giết hại hàng trăm người dân vô tội tại Sơn Mỹ, Quảng Ngãi.
Rồi tôi cũng biết có những người Mỹ khác tham gia biểu tình phản chiến, đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, trong đó có những người rất nổi tiếng như nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Jane Fonda.
Rồi đất nước hòa bình và thống nhất. Mỹ đã rút, “ngụy” đã nhào. Khi ấy tôi 16 tuổi và tiếc không còn cơ hội để đi bộ đội "đánh Mỹ" nữa.
Không còn tiếng gào rú của máy bay Mỹ hay tiếng nổ của bom đạn Mỹ nữa nhưng một thời gian dài sau đó nước Mỹ vẫn hiện lên trong tôi như một thứ gì đó xấu xa, như một cường quốc hung bạo, một xã hội "cá lớn nuốt cá bé", đầy rẫy bất công nơi chủ nghĩa tư bản đang đi vào giai đoạn "giãy chết".
Những điều ấy tôi biết được qua các khóa học tập chính trị giành cho sinh viên và cán bộ công chức hay qua sách báo chính thống trong nước.
Hậu chiến
Nhưng rồi không biết từ lúc nào, nước Mỹ cứ tự nhiên "diễn biến" và "chuyển hóa" dần trong đầu óc tôi.
Có lẽ sự "chuyển hóa" ấy bắt đầu từ câu chuyện của nhà văn Lê Lựu tôi nghe được qua băng ghi âm ông kể về chuyến thăm Mỹ và chuyến thăm Liên Xô của ông vào những năm 1980, trong đó tôi nhớ nhất câu ông nói đại ý khi sang Mỹ thì có cảm giác như đang ở "Liên Xô", còn khi sang Liên Xô thì cứ nghĩ như mình đang ở nước "Mỹ".
Người nghe tất nhiên ai cũng hiểu "Liên Xô" và "Mỹ" được bỏ trong ngoặc kép ở trên chỉ là "Liên Xô" và "Mỹ" theo cách mô tả của sách báo nhà nước thời ấy.
Rồi tôi còn biết được nước Mỹ không phải chỉ có những kẻ như viên trung úy William Calley gây tội ác với dân thường năm nào tại Sơn Mỹ mà còn có cả viên chuẩn úy phi công Hugh Thompson đã dũng cảm ngăn cản đồng đội của mình giết dân thường như thế nào. Hành động anh hùng ấy của anh cùng 2 đồng đội khác đã cứu được hàng chục người dân lương thiện và vì thế mà họ đã được quân đội Mỹ vinh danh bằng tấm huân chương "Chiến Sĩ".
Rồi tôi được biết nữ nghệ sĩ điện ảnh Jane Fonda không chỉ là người đã lên án các cuộc ném bom của máy bay Mỹ vào dân thường Việt Nam ngày xưa mà còn là người đã bày tỏ sự đồng cảm với những người Việt Nam phải chạy khỏi Tổ quốc cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước và lên án những điều mà bà cho là nguyên nhân gây ra thảm cảnh ấy.
Và tôi cũng được biết nước Mỹ không chỉ có ông tổng thống Nixon "ngu xuẩn nhất nhì" theo đánh giá của nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày xưa mà còn có những vị tổng thống khác như cựu tài tử điện ảnh Ronald Reagan được thế giới bây giờ vinh danh là một trong những người có công lớn nhất trong việc thay đổi thế giới bằng việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, như ông Bill Clinton hào hoa, đẹp trai đã từng được người Hà Nội chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Việt Nam năm nào...
Và qua hồi ký của ông Bill Clinton, tôi lại cũng biết ông ta từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam năm xưa.
Tôi lại cũng biết không phải tất cả những người tham gia cuộc phản chiến ấy đều là những người "ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam" theo tiêu chuẩn đánh giá của Nhà nước Việt Nam mà đơn giản chỉ là vì ông ta coi cuộc chiến ấy chẳng mang lại điều gì cho nước Mỹ trong khi ông vẫn trung thành với "sự nghiệp chính nghĩa" theo tiêu chuẩn riêng của nước Mỹ.
Tôi cũng còn biết nước Mỹ là địa chỉ du học đáng mơ ước nhất của lớp trẻ Việt Nam hiện nay, cho dù họ là con em những người nông dân nghèo hay con em cán bộ cấp cao trong đảng.
Đối trọng
Còn rất nhiều điều khác nữa về nước Mỹ mà tôi đã và đang nhận ra. Nhưng có điều vô cùng quan trọng tôi đã nhận biết được là trong lịch sử hàng nghìn, hàng trăm năm trở lại đây, chưa bao giờ nước Mỹ có tham vọng về lãnh thổ đối với Việt Nam, chưa bao giờ xâm chiếm một tấc đất của Việt Nam.
Và điều quan trọng nhất hiện nay là chỉ nước Mỹ mới là đối trọng để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc là kẻ trong thực tế đã và đang có những hành động bành trướng ở Biển Đông, xâm lấn lãnh hải của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tất nhiên, tôi cũng được biết sự khác biệt hiện nay giữa hai nước, nói chính xác hơn là giữa 2 thể chế Việt Nam và Mỹ.
Nhưng tôi lại cũng mới được biết hóa ra đó không phải là sự khác biệt về ý thức hệ giữa một bên là Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và một bên là Chủ nghĩa tư bản (CNTB) như lâu nay sách báo đã đề cập - thì như chính một người "phe ta" là ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương đã viết trong một bài báo gần đây rằng "chính các nước tư bản phát triển là các nước gần nhất với CNXH” còn “nước ta đang ở giai đoạn đầu của nhóm thứ hai…, còn rất xa để có thể đến được XHCN" đấy thôi!
Trong số các nước "tư bản chủ nghĩa phát triển" như ông Hoàng đề cập ấy, không ai có thể phủ nhận Mỹ đang ở vị trí số 1. Nếu vậy thì sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là sự khác biệt giữa CNXH đang còn là ước vọng cao xa ở Việt Nam và CNXH đã ở khoảng cách rất gần ở Mỹ mà thôi.
Phải chăng vì thế mà xét trên cả hai mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tiến lên CNXH như Cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ thì Mỹ mới xứng đáng là đồng minh số 1 hiện nay của cả Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Và ai mà vẫn còn nói đi với Mỹ bây giờ thì mất CNXH thì xin hãy đọc bài báo gần đây của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng (bài ‘ Tự ái dân tộc và áp lực vượt vũ môn' trên Tuần Việt Nam).
Vậy thì chẳng có lý do gì mà không đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm sắp tới của ông tới Việt Nam bằng một khẩu hiệu thật trang trọng với dòng chữ: Xin chào đồng chí Obama! (Source: HH/BBC)

*** Gs Ngô Nhân Dụng: Obama, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt 
Sau khi ông Obama tuyên bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh tỏ ý hoan nghênh, nói, “Trung Quốc cũng muốn Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí!” Sau vụ tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, các nước Tây đã ngưng bán bom đạn cho Trung Cộng.
Nhưng các nhà bình luận bên Tàu không nói “ngoại giao” như vậy. Tân Hoa Xã đe rằng không nên kết thân với nhau để “đe dọa và làm thiệt hại quyền lợi chiến lược của một nước thứ ba!” Ai cũng hiểu họ nói nước thứ ba nào. Giáo Sư Nghê Nhạc Hùng, (Ni Lexiong), một chuyên gia về hàng hải Ðại Học Thượng Hải, nói rõ hơn, rằng quyết Washington và Hà Nội đã lập một “liên minh gần như quân sự, nhắm vào Trung Quốc.”
Ngày hôm sau, chắc quan chức Trung Cộng còn nổi giận hơn, khi ông Obama nói với dân Hà Nội: “Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận mình.” (Chúng tôi biết: Một ngàn năm không quyết định được số phận mình). Ông ta nhắc: “Người Việt Nam có bài thơ: Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành định phận tại sách trời.” Người Việt Nam nào nghe một ông tổng thống Mỹ nhắc tới câu thơ của Lý Thường Kiệt, thế kỷ thứ 11, mà không muốn đứng dậy, máu sôi lên? Ðến lúc ông Obama nhắc đến “trăm năm,” đến “của tin” thì chắc các cụ bà vẫn thuộc lòng thơ Nguyễn Du có thể rớt nước mắt; các cụ sẽ ngân nga ngâm Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi!”
Ai dạy cho ông tổng thống Mỹ câu “Nam quốc san hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư?” Ai cho ông biết bài “Nối vòng tay lớn?” Ai chỉ cho ông dẫn lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh? Ai biết mà biết nêu ra hai câu Truyện Kiều? Có sử gia Mỹ nào đã được tham khảo ý kiến khi họ soạn diễn văn? Hay tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội đã đi nghe ngóng các trong cuộc biểu tình, đã hỏi thăm các ông Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Quang A? Hay là Nguyễn Văn Hải, Ðiếu Cầy, mới mách nước khi được Tòa Bạch Ốc mời vào hỏi ý kiến trước khi ông khởi hành?
Người Việt ở Mỹ chắc phải lắc đầu: Mình biết cậu Obama này khôn lắm, hùng biện, nói giỏi lắm. Nhưng cũng không ngờ cậu ấy lanh đến thế! Ðặt chân trên đất Thăng Long mà nhắc đến câu “thơ thần” trên sông Như Nguyệt, xác định: Núi sông nước Nam thuộc chủ quyền của người nước Nam! Cậu Obama này đã không “lú” mà lại được rất nhiều “chú khôn” hiến kế!
Sau khi nhắc dân tộc Việt ôn lại lời dạy của Lý Thường Kiệt, ông Obama còn giải thích rõ hơn bằng một nguyên tắc, cả thế giới ngày nay đều công nhận: “Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ!”
Những lời lẽ nhắn nhủ Bắc Kinh này còn “nặng ký” hơn cả lời tuyên bố chấp nhận bán thêm vũ khí. Quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí chắc chắn đã được chọn nhiều tháng trước khi ông tổng thống Mỹ lên đường, không phải vì Việt Cộng mới trả tự do cho cha Nguyễn Văn Lý. Họ không nói trước, để mọi người hồi hộp chờ đợi, và để khi nói ra giữa Hà Nội thì “ấn tượng” mạnh hơn. Trước hết, là một tín hiệu gửi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Obama còn ràng buộc việc bán vũ khí sát thương với tình trạng nhân quyền. Lối nói dè chừng này là một trò “mèo vờn chuột,” vờn cả Việt Cộng lẫn Trung Cộng. Bao giờ bán, bán những vũ khí nào, bán số lượng bao nhiêu, sẽ được tính toán tùy theo hành vi của Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc.
Ðối với Việt Cộng: Bỏ lệnh cấm bán vũ khí, nhưng bao giờ bán, bán cái gì, còn tùy anh, anh có chịu nới lỏng gông cùm cho dân Việt được sống làm người hay không?
Ðối với Trung Cộng: Nếu anh bớt hung hăng, Mỹ sẽ chỉ bán mấy thứ vũ khi nhẹ, chỉ phòng thủ. Nếu anh hăm dọa láng giềng trâng tráo quá, sỗ sàng qua, sẽ bán thứ nặng, bán nhiều hơn. Trong trò vờn nhau giữa con ó Mỹ và con rồng Trung Cộng trong vùng Biển Ðông, từ bây giờ Mỹ sẽ có một khí cụ mới để tăng hay giảm nhiệt độ, tùy hành vi của đối thủ. Lâu nay việc Mỹ bán máy bay, hỏa tiễn cho Nhật Bản, Ðài Loan, Nam Hàn và Phi Luật Tân cũng vẫn diễn trò này. Ông Obama còn nói, “Việt Nam mua sắm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.” Tại sao lo bảo vệ Tổ quốc trong lúc này, ai cũng biết!
Barack Obama đã phóng một tín hiệu mới cho Tập Cận Bình. Ðồng thời, giúp cho các doanh nghiệp Mỹ tuyển mộ thêm hàng chục ngàn công nhân trong mấy năm tới. Một tin mừng trong lúc dân Mỹ sắp đi bầu! Cổ phiếu công ty Boeing đã tăng 0.68% trong ngày công bố sắp bán 100 máy bay 737 cho Vietjet, giá hơn 11 tỷ đô la, cộng thêm các hợp đồng bảo trì, bán phụ tùng thay thế, vân vân, trong tương lai. Công ty Pratt & Whitney của Mỹ cũng bán được 135 đầu máy phản lực để gắn trên những phi cơ Airbus được đặt hàng năm ngoái, thâu hơn ba tỷ nữa. Mỹ bán được máy bay còn Việt Nam sẽ bán được giầy dép, quần áo nhiều hơn, khi thỏa ước TPP được thi hành.
TPP chính là “của tin gọi một chút này làm ghi” mà ông Obama đem tới. Cả nước Việt Nam đang chờ TPP. Nhất là các thanh niên đang lo không có việc làm. Sau khi TPP được thi hành, năm 2030 kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng mỗi năm 10%. Không những giúp Việt Nam phát triển kinh tế, TPP còn là một đòn bẩy để nâng Việt Nam lên thoát khỏi lệ thuộc kinh tế Trung Cộng.
Nhưng TPP cũng sẽ thành một tác nhân có thể chuyển hóa xã hội Việt Nam. Ông Obama nói ở Hà Nội: “TPP sẽ giúp cho xã hội minh bạch, sẽ ngăn bớt tham nhũng, sẽ bảo vệ môi trường,...” Nói đến tham nhũng là điểm đúng tử huyệt của chế độ độc tài đảng trị. Nói tới môi trường làm xúc động tâm can hàng triệu con người đang sống ngất ngư vì cá chết.
Người dân Việt Nam đang ngộp thở vì sống 70 năm dưới chế độ sắt máu cũng cảm thấy một luồng gió mát khi một tổng thống Mỹ đi uống bia, ăn bún chả, ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng plastic, trò chuyện với một đầu bếp quốc tế Anthony Bourdain; rồi còn đem khoe ở hội trường Mỹ Ðình. Mạng Internet ở Việt Nam tràn ngập những lời bình phẩm: “Thể hiện nhân cách sống, hòa đồng, gần gũi, thân thiện, khiến mọi người thêm yêu mến và cảm phục.” “Một người lãnh đạo tuyệt vời, tài giỏi và giản dị, miệng luôn mỉm cười đầy thân thiện. Tuyệt vời Obama!” Có người còn tính tiền: “Chi phí bữa ăn của hai người chỉ có 6 USD.” Tôi thấy cả nét đẹp của người Việt và sự thân thiện, dễ gần của ngài tổng thống. Nhiều người khen Obama cầm đũa thông thạo.
Không biết công an Việt Nam và mật vụ Mỹ đã gặp quý vị chủ quán Bún chả Hương Liên và các thực khách bao nhiêu lâu, trước khi ông tổng thống Mỹ tới ăn. Bao nhiêu người ngồi trong quán lúc đó là do tòa Ðại Sứ Mỹ dàn xếp trước? Nhưng việc dàn cảnh rất tài, trông rất tự nhiên! Ðây là một dịp hiếm hoi khi một quán ăn Việt Nam bán cho thực khách ngoại quốc mà không tự động tăng giá lên gấp ba, gấp năm lần! Nếu đồng bào mình giữ được “nét đẹp” này, tạo thành thói quen, thì chuyến công du của ông Obama mới thật sự thành công!
Ðáp lại thịnh tình đó, ông Obama đã nói chuyện nhân quyền cho dân Việt cùng nghe. Ông khẳng định: “...nhân quyền là những giá trị phổ quát, chung của cả loài người. Các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình đều ghi trong Hiến Pháp chính nước Việt Nam của quý vị. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền phát biểu, quyền ngôn luận, quyền tiếp nhận thông tin, khi đó kinh tế sẽ phát triển. Khi báo chí, truyền thông có thể soi mói tới những chỗ tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Lời chỉ trích sẽ khiến chúng ta tiến bộ, ai có ý tưởng mới mẻ có thể chia sẻ. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt. Tự do tôn giáo sẽ khiến người ta yêu thương nhau hơn. Ðược tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà chính phủ không thể làm.”
Chắc thanh niên Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Huế, Ðà Nẵng,... đang tán gẫu với nhau trong các quán bún chả, quán cà phê, về những chuyện ông Obama mới nói ở Hà Nội, và sắp nói tại Sài Gòn. Lại thêm việc Ðại Học Fulbright sắp mở trong ba tháng nữa. Chưa bao giờ một đại học tư được cấp giấy phép nhanh kỷ lục như vậy! Ðây là đại học tư, vô vị lợi, độc lập, tự trị, lần đầu tiên trong chế độ Cộng Sản Việt Nam! Rõ ràng là đảng Cộng Sản đang khát nước! Nói tới Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, ông Obama đã khích động niềm tự hào của giới trẻ Việt Nam, tự hào về văn hóa dân tộc, tự hào về lịch sử oai hùng!
Nhiều bạn trẻ Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài, đang Google coi hai câu thơ Nguyễn Du trích từ đoạn nào trong Truyện Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi!”! Bà mẹ tôi, sinh trưởng ở Ðáp Cầu, bên dòng sông Như Nguyệt, nếu còn sống chắc cũng muốn xoa đầu một “ông Tây Ðen” biết lẩy Kiều, bà sẽ mắng yêu: “Cái chú nhọ nồi này, ai dạy mà chú lém thế, láu thế?” Nhiều thanh niên Việt Nam chưa nghe hai câu Kiều này bao giờ. Nhiều người còn chưa hề nghe hai câu thơ Lý Thường Kiệt.
Cho nên dân Hà Nội đang kể cho nhau nghe một chuyện tiếu lâm cung đình mới. Bà chủ tịch Quốc Hội hỏi ông tổng bí thư đảng Cộng Sản: “Chúng nó nói thằng Obama nhắc đến thơ Lý Thường Kiệt. Anh biết nó là ai không?” “Biết, sao không biết! Ðồng chí Lý Thường Kiệt là bạn chí thân của Hồ chủ tịch. Hồi Bác Hồ đi lính cho Bác Mao, làm hậu cần trong Ðệ Bát Lộ Quân, bác nấu cơm, còn đồng chí Lý Thường Kiệt bổ củi và gánh nước!”

*** Nhà báo Đỗ Dũng (NV): Saì Gòn đón Obama như Bạn cũ
SÀI GÒN - Ngày 24 Tháng Năm, Tổng Thống Barack Obama mới vô Sài Gòn. Nhưng dư luận trong dân chúng Sài Gòn thì đã có từ trước cả tuần nay. Chúng tôi thực hiện phóng sự này từ vỉa hè Sài Gòn, nơi những quán cóc, nơi tập hợp đủ thứ thành phần của dân Sài Gòn, nơi đúng nghĩa đáng để gọi là “Sài Gòn muôn mặt.”
Chúng tôi xin ghi lại chân thực, mọi ý kiến của người dân Sài Gòn mà chúng tôi có dịp tiếp xúc những ngày qua. Và vì lý do bảo đảm an toàn cho “miếng cơm, manh áo” của người được phỏng vấn, xin không nêu tên và không đăng hình ảnh của họ.
Mở đầu phóng sự là một người đàn ông tuổi trung niên, đánh giày nơi vỉa hè Sài Gòn. Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, anh này cười ngất, và nêu điều kiện bằng giọng bỡn cợt: “Tôi sẽ nói hết sự thật, với điều kiện là khi ông Obama về nước, ổng phải cho tôi lên phi cơ của ổng đi luôn thì tôi mới nói.” Rồi anh chợt ngưng đùa, nghiêm mặt, chỉ về phía hàng cờ xí, băng-rôn treo đầy trên hè phố Sài Gòn: “Có cái xứ nào như cái xứ này, người ta có bầu rồi mới đẻ, còn xứ mình thì đẻ rồi mới có bầu? Ðó, mấy anh coi, khẩu hiệu kêu dân đi bầu cử treo đầy đường, nhưng dân chưa bầu mà các chức danh họ đã định đoạt xong từ trước, vậy thì dân còn có ý kiến gì nữa?”
Trong một quán bánh canh cá lóc bình dân ở Sài Gòn, chúng tôi tiếp xúc với một người đàn ông trạc ngoài 50, dáng vóc to khỏe. Người đàn ông nói giọng Quảng Trị, cho chúng tôi biết ông là ngư phủ, chuyên đánh bắt cá vùng ven biển Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân, bên địa phận Huế. Ông cho biết, từ ngày xảy ra vụ cá chết ở vùng biển miền Trung, cá đánh bắt được không có người mua. Ông phải bỏ vô Sài Gòn phụ bán quán với đứa con gái. Ông nói, nếu mà có ai được gặp ngài Tổng Thống Obama thì xin nói lại với ngài, là giúp Việt Nam tìm ra nguyên nhân cá chết ở biển. Cũng xin Mỹ lên tiếng với Trung Quốc về việc họ cấm đánh bắt cá ở Biển Ðông làm ngư phủ miền Trung hết đường sống. Rồi ông thở dài: “Hiện chánh phủ trợ cấp cho một người 15 ký gạo một tháng, nhưng chỉ trợ cấp một tháng rưỡi thôi. Sau này không biết tương lai tụi tôi ra sao, vì cũng chẳng biết đến bao giờ biển hết độc, mà dân bây giờ không ai dám ăn cá biển nữa.”
Tại một quán nhậu bình dân, nơi vỉa hè, Quận 5, chúng tôi nghe một người đàn ông đầu bạc, nói giọng oang oang: “Vụ cá chết ở ngoài Trung, cái thằng đại diện Formosa, nó dám hỏi dân mình là chọn thép hay chọn cá? Nó mà ở trong Sài Gòn này thì nó chết mẹ nó với dân Sài Gòn rồi...” Chúng tôi bước qua bàn, cụng ly làm quen. Ông cho chúng tôi biết tên là B.K, cựu hạ sĩ, Liên Ðoàn 5, Biệt Ðộng Quân VNCH. Khi chúng tôi than phiền là ngoài Hà Nội đón tiếp tổng thống Mỹ tưng bừng quá, mà trong này dân chúng coi bộ “yên ắng.” Người đàn ông đầu bạc, cười hiền, nhỏ giọng hẳn: “Mỹ là bạn cũ của Sài Gòn mà!”. Rồi sau khi cụng ly, ông kể về cái năm 1974, nếu như Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ miền Nam thì, ông nói: “Lính tụi tui dư sức tái chiếm lại Hoàng Sa!” Nhưng sau cùng, lệnh hành quân tái chiếm bị trên bãi bỏ, từ đó cho tới ngày miền Nam tan hàng, không còn cơ hội “chạm súng” với Trung Cộng. Hỏi về tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ, người cựu quân nhân Biệt Ðộng Quân dự đoán, Mỹ sẽ bỏ cấm vận vũ khí (cùng ngày, Tổng Thống Obama tuyên bố bỏ cấm vận - NV), vì chỉ có cách đó mới tái trang bị cho quân đội Việt Nam trong việc chống Trung Cộng. Ðổi lại, Việt Nam phải để cho Mỹ vô Cam Ranh hoặc Ðà Nẵng, như vậy đôi bên sẽ cùng có lợi trên việc bảo vệ Biển Ðông khỏi thế độc chiếm của Trung Cộng. Hỏi: Sao ông quá tự tin, khi mà Việt Nam đâu phải là đồng minh của Mỹ?. Người cựu quân nhân cười, hỏi lại: “Trong 10 nước Ðông Nam Á, nước nào năm 1974 dám nổ súng vào tàu chiến của Tàu Cộng? Nước nào mà năm 1979 dám dàn quân suốt tuyến biên giới để đánh nhau với quân Tàu? Nước nào mà lịch sử ngàn năm còn ghi những chiến tích của cha ông chiến thắng quân Tàu hung hãn nhất thời trước?”...
Chúng tôi trò chuyện với một cựu quân nhân VNCH khác, nguyên là một hạ sĩ, trưởng xa thiết giáp, thuộc Thiết Ðoàn 10, quân lực VNCH. Hỏi: Trong trường hợp Mỹ bỏ cấm vận vũ khí, thì mấy ông Cộng Sản Hà Nội cũng đâu có tiền mà mua?
Vị cựu hạ sĩ thiết giáp trả lời: “Dễ lắm! Mua trả góp! Mua trả chậm! Mua trả sau! Thậm chí là... trừ nợ, xóa nợ. Người Mỹ họ làm được hết, cứ vô quỹ đạo của người Mỹ đi thì biết!”
Nói chuyện với một nhà thơ về việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ, nhà thơ phân tích, điều đó gần như là một biểu tượng, nghĩa là phía Mỹ đã mở cánh cửa cuối cùng, coi như chấp thuận “đặt cược” niềm tin nơi Hà Nội. Nếu Hà Nội can đảm bước vô, thì nghĩa là Việt Nam có cơ may trở thành một Nhật Bổn, một Nam Hàn... kế tiếp. Nếu không, thì chỉ còn cách trở thành một quận, huyện của Tàu thôi.
Trò chuyện với một cựu sĩ quan chiến tranh chính trị của VNCH. Ông không quan tâm tới vấn đề vũ khí sát thương, mà cho rằng cả Obama lẫn Nguyễn Xuân Phúc bây giờ chỉ chú tâm vào vấn đề TPP thôi. Vì thực chất Việt Nam đang lâm nguy về kinh tế chứ chưa phải là quân sự. Vụ miền Trung cá chết, đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, chết khô. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, Ngân Hàng Thế Giới ngưng các khoản vay ODA... Nếu TPP sớm đi vô thực hiện, tạo một làn sóng đầu tư mới, giống như sau WTO trước đây, thì Việt Nam kéo lùi được thời gian khủng hoảng kinh tế, ít ra là thêm được một thời gian nữa.
Trả lời về “nút chặn” cuối cùng của TPP đối với Hà Nội là vấn đề công đoàn độc lập. Một nhà văn tự do ở Sài Gòn nhận xét: “Sẽ qua hết thôi! Hiệp định cho phép cần thời gian để thực hiện, hết hiệu lực thì có thể lập một công đoàn giả hiệu, hay có thể là một công đoàn thiệt đi, nhưng cài cắm người kiểm soát, đâu có phải là quá khó đối với Hà Nội?”
Thế đấy! Ngày mai Tổng Thống Obama sẽ tới Sài Gòn. Qua cửa kiếng xe chống đạn, ông sẽ thấy một Sài Gòn, với những đám đông cuồng nhiệt. Nhưng chắc chắn ông không thể thấy những tâm tư riêng biệt của người dân Sài Gòn. Nơi đã từng là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, thời chiến tranh.

(ii) Đặng Xương Hùng: Đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng hiểm họa này?
Cái gì phải đến nó sẽ đến. Cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay ở Việt Nam là điều tất yếu, nó không nổ ra vào tháng 4/2016 thì ở một thời điểm nào đó nó vẫn sẽ xảy ra. Ô nhiễm môi trường đang lan tràn rộng khắp trên toàn cõi Việt Nam, từ biển cả đến sông ngòi, từ đồng bằng ngập mặn đến đồi núi không còn rừng, từ thành phố đến nông thôn, thi nhau chặt cây, bê tông hóa gây nên bầu không khí đặc quoánh với thủy ngân và bụi bẩn, đấy là chưa kể đến nạn thức ăn nhiễm độc đe dọa đời sống hàng ngày của mỗi người dân. Khắp nơi đã bắt đầu nghe nhiều tiếng kêu ai oán. Mỗi người dân Việt Nam đều đã nhận thức được rằng không ai được miễn trừ trong tai họa chung này của đất nước.
Vậy câu hỏi đặt ra là ai đã gây ra và đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng hiểm họa này cho dân tộc và đất nước Việt Nam?
Ở mỗi một sự vụ, ta có thể dễ tìm thấy một đối tượng là tác giả, thí dụ như trong vụ biển chết và cá chết tại Hà Tĩnh, chúng ta có thể  luận nhà máy thép Formosa là tác giả của việc xả thải độc ra biển gây ra. Chính người phát ngôn của nhà máy đã công nhận đều đó : « Việt Nam muốn chọn cá hay chọn thép ?». Nhưng, ở tất cả các sự vụ gây nên cuộc khủng hoảng toàn diện về môi trường hiện nay, ai cũng có thể nhận thấy rằng không ai khác đó là :  Sự tham lam, đầu óc tăm tối của giới lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp ; âm mưu hòng tiêu diệt dân tộc Việt Nam của giới cầm quyền Bắc Kinh là nguyên nhân gián tiếp.
1. Sau 71 năm lãnh đạo ở miền Bắc và 41 năm sau thống nhất, đảng cộng sản Việt Nam đã để lại cho thế hệ tương lai con cháu một gia tài « rất ngộ », như lời thơ của cô giáo Trần thị Lam. Rừng đã hết mà biển thì đang chết. Mỗi đứa trẻ sinh ra gánh nợ nần ông cha để lại. Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu.
Họ rất biết để tình trạng đất nước như hiện nay lỗi là do họ. Nhưng họ không hề muốn chia sẻ quyền lực, vì họ vẫn còn tham lam, mất hết tình thương đồng loại và nhất là họ còn bị tăm tối bởi những thứ chủ nghĩa không tưởng, ngoại lai.
Điều nguy hiểm họ là tập thể nên không ai chịu nhận trách nhiệm cá nhân. Không phải lỗi của tôi, đó là tâm lý chung của toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Nguy hiểm hơn nữa, để duy trì quyền lực họ đã biến người dân thành kẻ thù. Những cá nhân có đầu óc thay đổi đều bị trừng trị, những người dân đứng lên đều bị đàn áp không nương tay.
Bộ Chính trị và trung ương đảng cộng sản Việt Nam dường như là một tập thể tham lam và tăm tối. Ít ai tự vấn lương tâm để thoát khỏi sự tham lam tập thể. Ít ai tự vấn lương tâm để có thể đặt tình thương đồng bào lên trên hết. Tất nhiên, không phải tất cả họ đều tham lam và tăm tối. Thí dụ ông Nguyễn Phú Trọng, ta có thể thấy rõ ràng ông hơi bị tăm tối, nhưng ít thấy ông tham lam. Thí dụ Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thì không thể coi là tăm tối, nhưng ông bị khóa bởi sự tham lam tập thể. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì quả thật ông là một người có đầy đủ sự tham lam, tăm tối và thủ đoạn.
Nếu các ông là người dân bình thường, sự chỉ trích nêu trên là xấu, nhưng các ông đang nắm vận mệnh của cả một đất nước, cả một dân tộc 90 triệu đồng bào, thì những chỉ trích như vậy thật là đích đáng.
Người phụ nữ trong cuộc biểu tình tại Hà nội ngày 8/5/2016, đã nói với đám công an, an ninh đang ngăn cản : « Các anh có biết không, họ (giới lãnh đạo) giàu vô biên luôn, họ cho con cái đi học ở Mỹ hết, chỉ còn lại các anh đi ngăn cản chúng tôi thôi, họ sẽ gọi chúng ta là đồ ngu ». Cảm ơn người phụ nữ này đã nói thay cho đông đảo người dân.
Tại sao họ giàu vô biên? Sự yếu kém  trong quản lý dẫn họ đến với những tham lam tột độ trong việc sử dụng quyền lực để giành về quyền lợi tối đa. Những dự án kếch xù bán rẻ đất nước, cho thuê Hà tĩnh với giá rẻ mạt trong những 70 năm (một đời người). Bán rẻ lợi ích của đồng bào, chặt cây để xây đường tàu cho công ty Trung Quốc, xây tượng đài ngàn tỷ, trong khi đó bệnh viện hai ba bệnh nhân một giường nằm. Vân vân và vân vân.
Cô giáo Trần Thị Lam ý thức được rõ ràng nguyên nhân tại sao đất nước mình ngộ, nhưng với một trái tim nhân hậu, cô giáo chỉ dừng lại ở mức hỏi : « Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh / Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước / Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu ».
Nhưng cũng chẳng cần phải hỏi lên trời xanh, hãy hỏi thẳng người dân Việt Nam, họ đều có thể trả lời chắc nịch rằng: đảng cộng sản Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng đất nước như hiện nay.
2. Đôi lúc ta tự nghĩ, có khi dân tộc mình còn đau khổ hơn dân tộc Khơ me. Pôn Pốt đã diệt chủng ba triệu đồng bào mình, nhưng dân tộc Khơ me chỉ đau một lần, chết một lần, trong một thời gian ngắn. Còn dường như dân tộc Việt Nam đang chết trước khi chết, chết dần dần, từ từ, dai dẳng và sẽ chết cho đến hết. Nói như vậy để ta có sự so sánh dễ hiểu, chứ khó có người dân Việt Nam làm chấp nhận như vậy. Họ sẽ đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Thật vậy, giờ đây mỗi người dân Việt Nam đã nhận ra được độ trầm trọng của sự kiện cá chết miền Trung. Cái chết đang đe dọa không chừa một ai. Mọi người đã lo ngại cho mình, cho gia đình mình. Cao hơn, có người đã lo ngại cho một sự diệt chủng, sự mất nước.
Hễ ai quan tâm đến vận mệnh đất nước đều không quên lời cảnh báo của ông cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch : « Thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu ». Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của một cuộc đấu tranh lâu dài chống lại sự lệ thuộc của một nước nhỏ vào một nước lớn láng giềng. Cuốn lịch sử này từ ngàn xưa cho đến khi có đảng cộng sản Việt Nam là một lịch sử vinh quang, hào hùng. Tiếc thay, chủ nghĩa cộng sản ở thấm vào và sinh sôi tại Việt Nam, làm sói mòn tinh thần bất khuất của dân tộc.
Nguy cơ mất nước và diệt chủng dân tộc đang hiện hữu. Giới cầm quyền Bắc kinh chẳng khi nào từ bỏ dã tâm đồng hóa dân tộc Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi nhất cho họ để thực hiện kế hoạch mà từ ngàn đời nay người Trung Quốc không thể thực hiện được. Một cuộc chiến tranh không dùng súng đạn đang được nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện thắng lợi tại Việt Nam. Họ chỉ cần nắm phần chóp bu trong giới lãnh đạo Việt Nam, thì tất cả mọi thứ nằm trong sự khống chế và ý muốn của họ. Họ đang dùng người Việt Nam giết người Việt Nam, đang dùng đảng cộng sản Việt Nam để giết dân tộc Việt Nam.
Lời cảnh báo của ông Thạch đang trở nên dễ dàng nhận biết hơn bao giờ hết. Tiếc thay toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam hoặc quá tham lam, quá tăm tối hoặc đang quá hèn hạ để giả vờ bỏ qua lời cảnh báo này.
Diệt chủng không phải là một sự kiện mà là một quá trình. Điều mà người Trung Quốc đang thực hiện tại Việt Nam, thông qua sự đồng lõa của giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, dường như có thể coi là một cuộc diệt chủng. 
Mầm mống âm mưu xâm chiếm và đồng hóa Việt Nam của giới lãnh đạo Bắc Kinh gặp được mảnh đất phì nhiêu là sự tham lam đến tối mắt, sự yếu kém đến hèn hạ của của giới lãnh đạo Việt Nam, để cuối cùng hậu quả thì toàn bộ nhân dân Việt Nam phải gánh chịu. Ấy vậy nên, khi xảy ra sự kiện cá chết miền Trung 4/2016, mọi công dân Việt Nam cả ở trong lẫn ngoài nước đều uất ức. Họ căm thù giới lãnh đạo Trung Quốc trăm lần, thì oán hận các vị lãnh đạo Việt Nam ngàn lần. Không biết các vị lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã nhận ra điều này chưa? Mong lắm các vị hãy quay về với nhân dân mình, dân tộc mình. (ĐXH - Genève, 18/5/2016)

(iii) BBC: Gs Ngô Bảo Châu có bình luận gây tranh cãi
Một bình luận của Giáo sư Ngô Bảo Châu trên Facebook dù đã bị gỡ nhưng tạo phản ứng mạnh.
Vào hôm 19/05, trên Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Châu viết: “Có quý‎ mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Bình luận này nhận được ngay trên dưới 20.000 người “thích”, hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ nhưng đã được gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng.
Tuy nhiên bình luận này đã và đang được bàn luận nhiều trên mạng xã hội trong vài ngày qua.
Vietvision, một nhóm tự nhận là ''những bạn trẻ yêu nước'', hôm 21/05 có bài dài trong đó có đoạn viết: “Thất vọng thay, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 126 của Người, Ngô Bảo Châu vị giáo sư nổi tiếng một thời, lại có những từ ngữ bệnh hoạn khi xúc phạm nặng nề đến anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh. .. Phải công nhận Châu là có tài, cái tài của Ngô Bảo Châu đã vượt qua biên giới lãnh thổ quốc gia, được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Thế nhưng, cái tài của Châu đã làm được gì cho đất nước này?”.
Nguyễn Hồng Điệp viết trên Facebook của mình: "Mắc cười. Tôi đã xem rồi, câu từ rất bình thường và ý từ rất mạch lạc, súc tích. Người giỏi toán nhưng chữ nghĩa cũng rất khéo. "… Giáo sư chỉ có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với những gì ông ấy viết chứ đâu có nghĩa vụ chịu trách nhiệm cho những gì các anh nghĩ và xuyên tạc ra?”
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đoàn Bảo Châu bình luận như sau trên Facebook cá nhân: “Nhiều người bảo Ngô Bảo Châu là kẻ ăn cháo đá bát. Nhà nước đã tặng căn hộ 12 tỷ mà cậu ta lại viết status về ông Hồ Chí Minh như vậy. Hai sự việc này chẳng liên quan. Được tặng căn hộ bởi cậu ta đã mang danh dự về cho đất nước. Món quà ấy hoàn toàn xứng đáng. Ngô Bảo Châu không xin và đấy không phải là một sự ban ơn để trói buộc. Cậu ta có thể nhận món quà mà không phải có nghĩa vụ đóng gói tư tưởng vào một cái khuôn nào đấy. Hãy bỏ cái kiểu lý luận móc xích liên thiên vớ vẩn đi. Chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết, không biết suy nghĩ rạch ròi mới bị lừa và hùa theo".
Nguyễn Lan Chi viết trên Facebook của mình: “Chắc anh cũng biết rằng hiện nay anh là người được công chúng quan tâm, mỗi lời mình nói ra có trăm triệu người nhìn vào, đánh giá…Nói về chuyện phát ngôn, tôi không nghĩ anh đang tìm cách nổi tiếng bằng những phát ngôn gây sốc. “…Lẽ dĩ nhiên, con người có quyền yêu mến, thương ghét, tự hào hay phản đối. Nhưng khen chê thế nào, đều nên suy xét. Anh đáng trách, vì với những thành tích mà một nhà nghiên cứu có được, anh lại thể hiện là người chưa trưởng thành về nhận thức, khi nói những lời xúc phạm đến nhân vật lịch sử - là niềm tự hào tôn kính của cả dân tộc.
Một ‎kiến trên Facebook cũng được nhiều người chia sẻ là của Nam Sy Vo: “Chúng ta vẫn có thể nhìn nhận ngay chính bố mẹ mình với đầy đủ ưu khuyết điểm của một con người mà không mất đi tình cảm với bố mẹ, thì không có lý do gì mà chúng ta không thể làm việc đó với người khác, kể cả cụ Hồ. Con đường đó sẽ làm cho chúng ta không vội phản ứng cực đoan với bất cứ thông tin, nhận định nào về cụ, từ tốt đẹp nhất cho đến tệ hại nhất.”
Giáo sư Ngô Bảo Châu được chú ý nhiều không chỉ qua thành công trong lĩnh vực học thuật mà còn cả những bình luận và ý kiến trước đây về chủ đề khai thác bauxite, phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ, vụ chặt hạ cây xanh Hà Nội, hay vụ an ninh Việt Nam bắt giam nhà văn Nguyễn Quang Lập.
(Gs Ngô Bảo Châu bình luận vụ xử Hà Vũ: Trong bài blog với tựa đề Bấm 'Về sự sợ hãi', ông Châu viết: "Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. "Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này."
Giáo sư Châu, người cũng được đào tạo bài bản tại Pháp như ông Hà Vũ, viết tiếp: "Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.". Cũng trong một bài blog, Gs Châu viết "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.'').

(iv) Ks Nguyễn Gia Kiểng: Thảm họa Formosa - Khi sự tồi tệ đã vượt qua mọi giới hạn
Thảm họa Formosa Vũng Áng đang khiến mọi người Việt Nam vừa lo sợ vừa phẫn nộ trong gần hai tháng qua. Lo sợ vì mức độ nghiêm trọng của những thiệt hại và tiềm năng thiệt hại lâu dài. Phẫn nộ vì điều không thể xảy ra đã xảy ra và vì thái độ của những người cầm quyền.
Như mọi người đều đã biết, từ ngày 6/4 hàng trăm, hàng ngàn tấn cá đã chết, chết dạt vào bờ hay chết chìm đáy biển, vì vùng biển duyên hải miền Trung bị nhiễm độc. Khu vực nhiễm độc mới đầu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên rồi dần dần lan rộng xuống phía Nam và tỏa rộng ra khơi. Ước lượng chung là vùng biển nhiễm độc hiện nay dài hơn 400 Km và rộng hơn 30 Km. Để làm nhiễm độc một vùng biển rộng lớn như vậy người ta đã phải xả xuống biển một khối lượng cực lớn những hóa chất cực độc. Thiệt hại đã rất kinh khủng.
Nghề cá Việt Nam, đánh bắt cũng như nuôi, đang là công ăn việc làm của hơn một  triệu rưỡi gia đình, sản xuất 7 triệu tấn tôm cá trị giá 15 tỷ USD mỗi năm trong đó có gần 7 tỷ USD xuất khẩu. Nghề cá đang đứng trước nguy cơ phá sản. Sau đó là các hoạt động sản xuất nước mắm, sản xuất muối, công nghiệp thực phẩm v.v. đang nuôi sống hàng triệu gia đình. Ngành du lịch, với 8 triệu lượt người thăm viếng Việt Nam và số thu nhập 15 tỷ USD năm 2015, sẽ bị sút giảm nặng nếu không phá sản luôn kéo theo sự suy sụp của các ngành hàng không, chuyên chở, khách sạn, nhà hàng ăn uống v.v.  Những ngành này có thể sụp đổ vĩnh viễn nếu nhà máy thép Formosa vẫn tiếp tục hoạt động.
Thiệt hại kinh tế và vật chất chưa thể ước lượng hết được nhưng chắc chắn không bằng những thiệt hại gây ra cho con người Việt Nam. Nhiều người đã ăn phải cá nhiễm độc, nhiều người sẽ còn ăn phải cá nhiễm độc với những hậu quả có thể chỉ xuất hiện sau này. Biển là tất cả đối với chúng ta. Chúng ta gọi quốc gia là "nước", và nước trước hết là biển. Biển không chỉ là một nguồn hải sản và các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi. Biển mở rộng lãnh thổ, đưa Việt Nam hội nhập vào thế giới và đem thế giới đến với Việt Nam. Biển là tính mạng của chúng ta. Biển bị hư hại là tất cả bị hư hại. Và biển đã nhiễm độc.
Trước một thảm kịch quốc gia như vậy thái độ của chính quyền cộng sản đã gây kinh ngạc và phẫn nộ.
Nguyên nhân của việc biển nhiễm độc, và nhiễm độc như thế nào, có thể khẳng định sau một vài giờ hay cùng lắm là một vài ngày, vả lại ai cũng biết rồi. Công ty Formosa cũng đã nhìn nhận trách nhiệm khi viên giám độc đối ngoại của họ "lỡ lời" tuyên bố Việt Nam phải chọn giữa tôm cá và thép. Nhưng chính quyền cộng sản đã cố tình câu giờ, trì hoãn, bao che cho công ty Formosa, không những thế còn đàn áp thô bạo những người chỉ biểu tình một cách ôn hòa để bày tỏ sư quan tâm chính đáng với môi trường. Không ngạc nhiên nếu trong vài ngày nữa họ đưa ra kết luận rằng Formosa không có hay không chịu hoàn toàn trách nhiệm. Những người lãnh đạo cao nhất của chế độ, tổng bí thư Đảng Cộng Sản, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội đều im lặng như không có gì quan trọng xảy ra. Họ trơ lì và xấc xược. Họ coi thường nhân dân Việt Nam vì cậy có bạo lực. Họ hành xử như một lực luợng chiếm đóng nước ngoài.
Đã có câu kết với nước ngoài
Lý do của sự trơ lì này là vì một sự thật đang được phơi bày: đã có sự câu kết bất chính giữa chế độ cộng sản và các thế lực tài phiệt nước ngoài, ở đây là công ty Formosa.
Trước hết cần ý thức rằng Việt Nam không có lý do gì để thiết lập một công ty thép với qui mô lớn như công ty Formosa tại Vũng Áng (với công xuất dự trù 22 triệu tấn thép mỗi năm, 7,5 triệu tấn trong giai đoạn đầu). Kỹ nghệ thép rất ô nhiễm và nước ta đất hẹp người đông – Việt Nam phải được coi như một thành phố lớn - không thể chấp nhận những kỹ nghệ ô nhiễm. Hơn nữa Formosa lại là công ty nổi tiếng nhất trên thế giới về gây ô nhiễm, đã từng được giải "hành tinh đen". Chúng ta lại cũng gần như không có mỏ sắt. Trữ lượng quặng sắt của chúng ta chỉ vào khoảng 500 triệu tấn và phân tán trên 200 mỏ nhỏ nên phần lớn không khai thác được trên quy mô kỹ nghệ. Hiện nay ngành gang thép Việt Nam đã phải nhập khẩu quặng sắt dù chỉ sản xuất chưa tới 500.000 tấn mỗi năm. Lập luận cho rằng thiết lập nhà máy thép Formosa Vũng Áng để khai thác mỏ sắt Thạch Khê chỉ là thuần túy bịp bợm. Mỏ Thạch Khê không thể khai thác được vì nằm sát bờ biển và sâu dưới mức nước biển; giá thành quặng sắt sẽ rất cao so với giá quặng nhập khẩu và sẽ phải bơm hàng ngày nhiều triệu mét khối nước bẩn ra biển, nghĩa là sẽ giết chết vùng biển Hà Tĩnh. Mục đích thực sự của nhà máy này chỉ có thể là để sử dụng quặng thép ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, nơi có một trữ lượng quặng sắt rất lớn, 10 tỷ tấn theo một số ước lượng, nhưng không thể có thêm nhà máy thép được nữa vì đã quá ô nhiễm. Đây là một âm mưu xuất khẩu ô nhiễm của Trung Quốc sang Việt Nam. Những phát giác gần đây cho thấy Formosa tuy trên danh nghĩa là một công ty Đài Loan nhưng rất gắn bó với Trung Quốc.
Chúng ta càng không có lý do để xây dựng một nhà máy thép lớn vì kỹ nghệ thép cũng đang thua lỗ và suy sụp trên khắp thế giới. Một thí dụ là cổ phiếu của công ty ArcelorMittal, công ty thép lớn nhất thế giới, đã mất 90% trị giá trong gần mười năm qua. Điều này chắc chắn chính quyền CSVN phải biết vì hai khu gang thép Thái Nguyên và Lào Cai –thành lập do hợp tác với Trung Quốc- đều đang khốn đốn. Thái Nguyên kể như đã phá sản, còn Lào Cai tuy mới chỉ hoạt động từ tháng 12-2014 đã lỗ gần 50 triệu USD, trong đó 30 triệu USD riêng trong năm 2015, và đang trong tình trạng hiểm nghèo sau khi đã gây ô nhiễm nặng. Nhà máy thép Lào Cai này sử dụng 1000 công nhân, tính ra mỗi công nhân tốn 30.000 USD mỗi năm.
Như vậy phải nhấn mạnh rằng ngay cả nếu có ai đó đề nghị xây dựng biếu không chìa khóa trao tay cho chúng ta một nhà máy thép lớn và hiện đại thì chúng ta cũng vẫn phải từ chối. Dầu vậy chính quyền CSVN đã không chỉ cho Formosa thiết lập nhà máy thép mà còn cho hưởng những ưu đãi đặc biệt. Đảng Cộng Sản đã buộc Việt Nam phải mua một gánh nặng độc hại với giá đắt.
Và không phải chỉ có thế.
Mùa hè 2014 trong vụ giàn khoan HD 981, chính quyền cộng sản đã cho công an và côn đồ giả làm người biểu tình phản đối Trung Quốc đập phá nhiều khu công nghiệp trong đó có Vũng Áng, rồi sau đó mượn cớ an ninh để thỏa mãn những đòi hỏi không thể chấp nhận được của Formosa, như cho Formosa hưởng qui chế gần như tự trị, đưọc hưởng một chế độ thuế rất ưu đãi, không bị thu hồi đất, có quyền bán, quyền sử dụng đất cho công nhân viên, không bị kiểm soát hay thanh tra, kể cả về xử lý chất thải, bởi một bộ hay cơ quan nào của Việt Nam mà chỉ trực tiếp liên hệ với văn phòng thủ tướng v.v. Không biết ngoài Formosa chính quyền cộng sản Việt Nam có còn làm những nhượng bộ tương tự với công ty Trung Quốc nào khác không.
Chính sự kiện không bị kiểm soát về xử lý chất thải đã đưa đến tại họa môi trường mà chúng ta đang chứng kiến. Một vài tuyên bố của một số quan chức xác nhận điều này. Thí dụ như ông Phan Lam Sơn phó giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh nói: “Khi thấy nghi vấn thì cơ quan chức năng mới kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi không lấy mẫu định kỳ hay đột xuất kiểm tra. Họ tự lấy mẫu và thông số gửi cho cơ quan chức năng kiểm định là việc làm hợp lý, không có gì là không khách quan”. Không lấy mẫu xử lý chất thải cũng không kiểm tra, chỉ hoàn toàn dựa vào báo cáo của Formosa mà cho là "hợp lý, không có gì là không khách quan"! Vụ phó Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Phạm Khánh Ly cho biết là đoàn công tác của bộ không có quyền vào kiểm tra tại Khu Công Nghệ Vũng Áng.
Thật là không thể tưởng tượng được. Ở mức độ này ngay cả sự ngu dốt tuyệt đối cũng không thể giải thích tất cả, còn phải có cả tham nhũng, cố ý câu kết với nước ngoài, cố ý phản bội quyền lợi của dân tộc để mưu lợi ích cá nhân.
Những ai phải chịu trách nhiệm?
Chính quyền cộng sản đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho đất nước với những thiệt hại vô cùng lớn có thể kéo dài trong rất nhiều năm. Toàn ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản phải chịu trách nhiệm nhưng trước hết là Nguyễn Tấn Dũng và Trần Đại Quang, thủ tướng và bộ trưởng công an cho tới gần đây. Họ là hai nhân vật có quyền lực lớn nhất trong chính phủ. Chính họ đã cho công an huy động cả chục ngàn côn đồ tới đập phá các khu công nghiệp trong đó có Vũng Áng. Phải nhấn mạnh là không làm gì có "những phần tử quá khích" nào cả, như luận điệu của chính quyền sau đó. Càng không phải là những người dân chủ đã xuống đường phản đối giàn khoan HD 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam một cách ôn hòa. Anh em dân chủ không có khả năng huy động nhiều người như thế ngay cả tại Sài Gòn và Hà Nội.  Đây chỉ là những công an giả làm côn đồ và những côn đồ do công an điều động tới với chỉ thị là đập phá các xí nghiệp để sau đó chính quyền có cớ thỏa mãn những đòi hỏi vô lý của các công ty nước ngoài, trong đo có đòi hỏi đặt Formosa gần như ngoài vòng kiểm soát của nhà nước Việt Nam, kể cả kiểm soát về xử lý chất thải. Hai nhân vật này phải trực tiếp chịu trách nhiệm về thảm họa mội trường mà nước ta đang phải gánh chịu. Điều đáng ngạc nhiện là cho tới nay tội đặc biệt nghiêm trọng này chưa bị tố giác một cách mạnh mẽ như đáng lẽ phải có.
Ngay sau hai ông này là ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông này hiện diện bên cạnh ông Nguyễn Tấn Dũng hầu như trong mọi quyết định quan trọng liên quan đến những ưu đãi dành cho Formosa.
Một người cũng rất đáng trách là ông Võ Hồng Phúc. Ông này là bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư vào lúc dự án khu công nghiệp Vũng Áng được thành lập. Là một kỹ sư về mỏ ông Phúc phải thấy sự vô lý cùng cực của dự án nhà máy thép Formosa. Ông đã bất tài hay đã là đồng lõa?
Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư sau Võ Hồng Phúc, đã thấy sự vô lý của những đòi hỏi của Formosa nhưng đã chỉ phản đối có lệ. Ông Bùi Quang Vinh càng đáng bị qui trách vì ông từng là chủ tịch ủy ban nhân dân rồi bí thư tỉnh ủy Lào Cai và đã phải biết bi kịch tài chính cũng như môi trường của nhà máy thép Lào Cai.
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường được thành lập từ 14 năm nay với bốn thứ trưởng, 4 tổng cục, 14 cục như Cục Thẩm Định và Đánh Giá Tác Động Môi Trường, Cục Kiểm Soát Ô Nhiễm v.v. nhưng hoàn toàn vô tích sự, không đưa ra được một đạo luật nào về xử lý chất thải cả. Việc xác định nguyên nhân khiến cá chết cũng phải nhờ những chuyên gia nước ngoài. Cho đến nay đại bộ phận chất thải của các nhà máy Việt Nam được xả thẳng ra thiên nhiên không có xử lý trước. Theo báo chí nước ngoài phải đợi đến tháng 7 này chính quyền Việt Nam mới thảo luận với một số công ty Mỹ chuyên môn về môi trường do Bộ Thương Mại Mỹ giới thiệu về xử lý chất thải. Sau khi biển bị ô nhiễm và cá chết hàng loạt thứ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân khẳng định rằng đường ống xả thải ra biển của Formosa có giấy phép và không có gì sai trái cả, để rồi sau đó bộ trưởng Trần Hồng Hà tuyên bố Formosa làm như vậy là phạm pháp. Có lẽ Võ Tuấn Nhân đã nói thực, nhưng ai đã cho phép Formosa đặt ống xả thải (đường kính 1,4 m và dài 1400 m) ngay dưới đáy biển?
Bộ công an, với Cục Phòng Chống Tội Phạm Môi Trường, đã làm gì ngoài việc đàn áp những người biểu tình ôn hòa bày tỏ quan tâm khi biển bị nhiễm độc?
Thảm họa Formosa Vũng Áng vừa phơi bày dưới ánh sáng chói lọi và gay gắt bản chất bất tài, tham nhũng và hoàn toàn vô trách nhiệm của chế độ cộng sản Việt Nam. Nó cũng nhắc lại một lần nữa rằng chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là một chủ nghĩa để xây dựng quốc gia cho nên môi trường -cũng như văn học, nghệ thuật và đạo đức- hoàn toàn không phải là giá trị của nó. Nó chỉ là một kỹ thuật cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực và khủng bố. Các đảng cộng sản về bản chất đều là những đảng khủng bố, khi nắm được chính quyền họ hành xử như một đảng cướp và một lực lượng chiếm đóng. Cần lưu ý là cho đến nay tất cả mọi chế độ cộng sản, không trừ một ngoại lệ nào, đều là những tai họa về môi trường.
Còn ai nữa phải chịu trách nhiêm?
Nhưng phải chăng chỉ có đảng và chính quyền cộng sản có trách nhiệm về thảm họa này? Câu trả lời đáng buồn là không. Bản chất của chủ nghĩa cộng sản không phải là để xây dựng một đất nước. Mục tiêu sau cùng của nó còn là xóa bỏ các quốc gia. Sự vô trách nhiệm của các chế độ cộng sản không phải là điều bất ngờ mà chỉ thể hiện bản chất không giấu giếm của nó. Sai lầm là ở chỗ một bộ phận dân tộc đã tiếp tay giúp nó cướp được chính quyền và một bộ phận khác đã không ngăn cản được nó. Nhưng đó đã là lịch sử, trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay sau khi nhận diện được nó là đã không phản ứng một cách quả quyết.
Ngày 1-5 đã có khoảng 10.000 người biểu tình ở khắp nơi nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Trước một thảm họa to lớn như thế và trước thái độ xấc xược như thế của Đảng Cộng Sản con số người biểu tình đáng lẽ phải là 10 triệu người mới đúng. Các cuộc biểu tình, đúng hơn là các dự định biểu tình, ngày 8/5 và ngày 15/5 sau đó đã bị dẹp ngay lúc mới khởi sự. Tại sao quần chúng Việt Nam không biểu lộ được sự phẫn nộ? Dĩ nhiên là vì bị kìm kẹp và đàn áp, nhưng có chế độ độc tài nào không đàn áp? Nhiều chế độ độc tài còn đàn áp hung bạo hơn. Đúng là quần chúng Việt Nam đã thụ động, nhưng sự thụ động này có lý do của nó. Đó quần chúng Việt Nam đã không có được những tổ chức đủ mạnh để động viên và lãnh đạo họ. Trong tình trạng này 10.000 người biểu tình đã là khá đông.
Nhân dân Việt Nam đã là nạn nhân hơn là có trách nhiệm. Trách nhiệm là ở trí thức Việt Nam. Dân tộc nào cũng cần được trí thức hướng dẫn và lãnh đạo nhưng trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm được vai trò của mình. Trong đại đa số họ vẫn còn mang nặng não trạng nho sĩ, di sản của văn hóa nô dịch Khổng Giáo, coi làm chính trị chỉ để là được làm quan, và làm quan chỉ là để làm dụng cụ cho một chế độ, ngay cả một chế độ hung bao tồi dở, chứ không phải là để phục vụ đất nước. Họ không biết và cũng không dám đấu tranh chính trị. Cho tới nay trong vụ Formosa đã chỉ có những tiếng nói phản kháng của một vài chuyên gia trên những lợi và hại về mặt kinh tế của dự án chứ không phải trên những điểm quan trọng hơn rất nhiều là môi trường và chủ quyền quốc gia. Tiếng nói của trí thức Việt Nam quá yếu và quá ít trên một sự kiện quá quan trọng. Thái độ của trí thức Việt Nam quá nhút nhát trước một thảm họa đe dọa chính sự sống còn của đất nước. Không động viên được quần chúng là đương nhiên dù quần chúng chỉ chờ đợi để được động viên.
Những gì vừa xảy ra chỉ nhắc lại một lần nữa điều mà đáng lẽ trí thức Việt Nam đã phải hiểu từ lâu. Đó là không thể hy vọng gì ở chế độ này, nó là một lực lượng chiếm đóng chứ không phải một chính quyền Việt Nam. Phải đấu tranh để giành lấy dân chủ và muốn như thế phải đấu tranh có tổ chức. Hy vọng rằng thảm kịch vừa xẩy ra, và vẫn còn đang tác hại, ít nhất cũng giúp nhiều người tỉnh ngộ.
Một tổ chức đấu tranh bảo vệ môi trường
Thảm kịch môi trường này sẽ còn kéo dài. Chúng ta cũng không có quyền để nó chìm xuống. Trong khi hai đe dọa lớn khác, dự án Boxit Tây Nguyên và dự án xây 14 lò điện nguyên tử, vẫn còn đó. Với cách quản lý cẩu thả và vô trách nhiệm vượt mọi tưởng tượng mà chính quyền cộng sản vừa phơi bày qua vụ Formosa thảm họa bùn đỏ tại Tây Nguyên trở thành gần như chắc chắn và một tai nạn nguyên tử cũng rất có thể xẩy ra. Sự sống còn của đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ ba mươi năm qua, trong các dự án chính trị liên tục được cập nhật, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn luôn coi môi trường là một trong những vấn đề quốc gia lớn nhất. Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai vừa công bố cách đây một năm chúng tôi coi ba mối nguy lớn nhất của đất nước là tham nhũng, sự hủy hoại của môi trường và sự lệ thuộc Trung Quốc, trong đó tham nhũng được coi là mối nguy lớn nhất vì nó đưa tới sự hủy hoại của môi trường và khiến chúng ta ngày càng lệ thuộc Trung Quốc. Nhận định của chúng tôi đã dần dần được chia sẻ. Thảm kịch cá chết giờ đây đã khiến bảo vệ môi trường trở thành một đồng thuận quốc gia hàng đầu.
Như vậy cần và nên có một sự phối hợp các tổ chức xã hội dân sự trong một tổ chức bảo vệ môi trường. Tổ chức này sẽ thống nhất và điều hợp các cố gắng đấu tranh đòi bãi bỏ nhà máy thép Formosa, bãi bỏ dự án Bôxit Tây Nguyên và đình chỉ dự án xây dựng các lò điện nguyên tử. Nó sẽ chỉ có mục tiêu bảo vệ môi trường và sẽ mở cửa cho mọi người Việt Nam dù dân chủ hay cộng sản hay không có lập trường chính trị. Các tổ chức dân chủ sẽ đứng sau lưng yểm trợ tổ chức thuần túy xã hội dân sự này trong khi vẫn theo đuổi cuộc đấu tranh căn bản hơn và trọng đại hơn là chấm dứt chế độ toàn trị và xây dựng dân chủ. (N.G.K -5/2016)

***Lm Phạm Quang Long: Đi thăm Vũng Áng
Cùng với một cha bạn, mình vừa có chuyến thăm làng chài Đông Yên, bên bờ cảng Vũng Áng.
Một đêm ngủ ở bờ biển không ngon vì mang nỗi ưu tư của người dân chài. Người dân chừ thất nghiệp, chẳng biết làm gì.
Trong tháng 4 vừa qua có 3 người giáo dân ở giáo xứ Đông Yên bị bệnh vì ăn cá. Giờ thì không ai ăn cá nữa.
Có mấy anh thợ lặn được công ty đưa đi khám ở bệnh viện, nhưng người ta không trao cho họ kết quả. Giờ thì họ nghỉ việc hết, không đi lặn nữa.
Mình nghĩ thầm rằng thật là trớ trêu khi mà trưa nay ở hội trường quốc gia, Obama nói rất hay về nhân quyền, còn ở đây người dân Đông Yên không được quyền biết về kết quả xét nghiệm của mình.
Hình ảnh mình chụp sáng nay cho thấy thuyền được đưa lên bờ. Các đồ chài lưới được bọc vải cẩn thận; thuyền cũng được bọc vải cẩn thận không kém.
Thuyền ở trên bờ, thuyền nhớ sóng.
Đi dọc theo bờ biển, một điều bạn dễ nhận thấy là bờ biển không có sự sống. Bờ cát phẳng lặng, không thấy một bóng dáng sinh vật nào, như coòng, cua, cáy. Cha sở Đông Yên là cha Trần Đình Lai nói “đi trên biển 2 ngày mà không thấy bóng một sinh vật sống nào cả”. Ngài nói không biết có loại chất gì mà độc hại như thế.
Mình gặp một đứa bé 9 tuổi, và hỏi bé học lớp mấy. Nó bảo học lớp 2. Mình hỏi “sao 9 tuổi mà học lớp 2?” Nó bảo “2 năm nay con không được đi học.”. Mình hỏi “con có đọc sách được không?” Bé trả lời “không đọc được”.
Người chủ nhà lấy làm tiếc vì các cha về thăm mà không có hải sản, nên bữa ăn không có gì. Mình nói “thôi cứ cơm với cà và muối vừng là được rồi.” Mình nói với các bà: “Không ăn hải sản, nên giờ thấy da các bà giống da của thầy chùa rồi. Các bà giờ nhìn dịu dàng lắm.” Các bà không nói gì, chỉ cười toe toét. (Nguồn: Fb Linh mục Pham Quang Long)

(v) Trần Mộng Tú: Gửi Người Em Vũng Áng
Tôi đứng bên ngoài đất nước
Nhìn về Vũng Áng xa xăm
Hỏi em có còn ra biển
Ngóng thuyền mắt lệ đăm đăm
     Thuyền không kéo về bến nữa
     Người ngư phủ đã chết rồi
     Cá cũng chết theo ngư phủ
     Trắng bờ trắng bãi trắng trời
Như khăn sô giăng trên cát
Chập chùng bụng cá nằm phơi
Tiếng cười ngày nao trên bến
Đã lăn chìm đáy biển rồi
     Tôi nghe em gào như sóng
     Ôm con bơi cạn giữa đường
     Mẹ con trầy da tróc vẩy
     Muối nào rắc xuống vết thương
Ngư dân để tang cho biển
Tiều phu để tang cho rừng
Trên những cánh đồng nứt nẻ
Nhà nông mắt lệ khô tròng
     Tôi đứng bên ngoài đất nước
     Nhìn đâu cũng thấy bóng em
     Một em hình thù rất lạ
     Như con cá chết nằm nghiêng.
(tmt - 5/19/2016) 
..........................................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: