Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

CHUNG MÔT ƯỚC MƠ - MẸ TÔI VÀ NGƯỜI NỮ SĨ - Phương Hoa


THÀNH tâm bày tỏ chút tình riêng
KÍNH bút tôn vinh bậc nữ hiền
CHÚC cụ siêu thăng miền cực lạc
MỪNG người đã đến chốn bình yên
THI nhân vĩnh biệt danh muôn thuở
 khí còn lưu tiếng vạn niên
TRÙNG điệp ngút ngàn gương đức hạnh
QUANG minh rạng rỡ giống Rồng Tiên

Tôi không được cái vinh dự gặp mặt thi sĩ Trùng Quang khi cụ còn sinh tiền, nhưng tôi nghe danh cụ từ lâu và đã có cơ duyên đọc được nhiều tác phẩm của cụ.

<!>
Ngoài thú vui viết lách, tôi còn đèo bòng đam mê thơ thẩn nên thường lang thang trên mạng để đọc ké thơ. Hai trong những nơi tôi thường lê la nhất là trang Văn Thơ Lạc Việt và Sài Môn Thi Đàn. Thú thật, ngày xưa “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”(Thế Lữ) tôi cũng có một cái “rổ thơ” bé tí, cũng học đòi thi họa nọ kia với “người dưng khác họ” và bạn bè. Nhưng sau khi tìm thấy “nửa kia” rồi, thì cái rổ thơ của tôi biến thành cái…rổ may và được đem đi gác khói. Do đó nàng thơ của tôi cũng buồn tình mà đi khỏi, và tôi, lúc nào rảnh rổi chỉ đi lục tìm để “hưởng xái” những sáng tác của thiên hạ mà thôi.

Năm đó, sau khi nghe tin cụ Trùng Quang tạ thế, tôi có vào Văn Thơ Lạc Việt thì đọc được hai bài thơ rất tuyệt, bài “Thi Lão Về Trời” của thi sĩ Trường Giang và bài họa “Khóc Thi Sĩ Trùng Quang” của thi sĩ Đông Anh. Cũng tại diễn đàn này, tôi được đọc lại bài thơ “Cuối Thu Sang Đông” do cụ Trùng Quang sáng tác năm 1964 mà tôi rất tâm đắc với hai câu “Băng nẻo trời Nam tung cánh nhạn/ Cản đường gió Bắc vững thân tùng.” Tôi cũng đọc được một số trong hơn năm mươi bài họa bài “Cuối Thu Sang Đông” của cụ từ các thi sĩ trong Thi Đàn Quỳnh Dao năm mươi năm về trước. Thật là thú vị.

Tin tức về bậc văn thi sĩ trưởng thượng Trùng Quang qua đời đã làm bàng hoàng làng văn học Việt Nam hải ngoại. Tiểu sử của cụ được “bạch hóa” chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Hình ảnh cụ được đăng tải nhiều thêm, những tác phẩm của cụ được nhắc đến, và không biết cơ man nào công trạng của cụ cũng được nêu ra. Nhờ đó, tôi biết thêm rất nhiều về cụ bà “huyền thoại” này. Những việc làm ích nước lợi dân của cụ thật không sao đếm xuể. Cụ là người đứng mũi chịu sào sáng lập Hội Phụ Nữ đầu tiên tại Việt Nam, mở trường dạy Việt Ngữ, Sinh Ngữ, Nữ công tại Hà Nội và Sàigòn, từng làm ký giả, viết kịch, làm ở đài truyền hình, đi du học Nhật Bản… và nhận được nhiều Huân Chương như Văn Hóa Giáo Dục, Kinh Tế Bội Tinh và Lao Động Bội Tinh từ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ đơn cử một số ví dụ vì công trạng hiển hách của cụ đã từng được tuyên dương rất nhiều trên báo chí.

Tôi cũng rất thích thú khi đọc bài “Đón Xuân Vui Bút” của cụ Trùng Quang trên Sài Môn Thi Đàn. Tất cả các đầu câu cụ đều dùng chữ “Một.” Hai câu cuối của khổ thơ đầu rất độc đáo, “Một tia nắng đẹp soi muôn cõi / Một chữ là mang một tấc lòng ” có lẽ đã làm xính vính những ai muốn họa lại. Tấm lòng yêu nước, yêu tiếng Việt của cụ Trùng Quang thật bao la. Cụ mong muốn những thế hệ sau này dù đang sống ở bất cứ nơi nào cũng sẽ tiếp tục kế thừa, giữ gìn nền văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam.


Tôi hết lòng ngưỡng mộ cụ, nên ra sức tìm cho bằng được tất cả những tờ báo, tạp chí, hay trang mạng nào có đăng tin tức về cụ Trùng Quang để đọc thêm sáng tác khác của cụ.

Không ngờ càng đọc càng biết nhiều về cụ Trùng Quang, tôi lại thấy nhớ người mẹ quá cố của tôi vô vàn. Thật tình tôi không dám mạo muội làm cuộc so sánh, vì cụ Trùng Quang học vấn uyên thâm, công trạng của cụ đối với quốc gia dân tộc như núi, còn mẹ tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường. Nhưng vì cuộc đời của mẹ tôi có rất nhiều điểm giống cụ, làm cho tôi chẳng thể dằn lòng nên phải viết ra, cũng là cách để tưởng nhớ về mẹ tôi nhân mùa Vu Lan này.

Lần đầu tiên khi nhìn tấm hình chụp cụ Trùng Quang nằm trên giường đắp tấm chăn màu tím ở nhà dưỡng lão “Mision De La Casa” San Jose tôi đã rơi nước mắt. Cụ giống hệt mẹ tôi ngày ấy. Mẹ tôi lúc sắp lìa đời cũng gầy ốm khô khan, tay chân khẳng khiu, mắt sâu tóc ít, và khuôn mặt thì nhìn giống y như cụ Trùng Quang bấy giờ.

Tính theo năm sinh, cụ Trùng Quang lớn hơn mẹ tôi đúng 12 năm, như vậy là mẹ tôi và cụ sinh cùng một “con giáp.” Vậy mà mẹ tôi lại mất trước cụ những hai mươi mấy năm vì cuộc sống cơ cực sau 75 ở quê nhà, vì bệnh đau không có thuốc. Thuở sinh tiền, cuộc hôn nhân của mẹ tôi cũng giống cụ Trùng Quang, góa bụa lúc còn rất trẻ. Ba tôi mất khi mẹ chưa tới ba mươi. 

Cụ Trùng Quang, trong suốt những năm tháng dài cô đơn lẻ bóng của cuộc đời, cụ chỉ lo nuôi con ăn học, hết lòng chăm sóc cho gia đình nhà chồng, và dồn hết tâm trí vào việc giúp nước giúp dân, chứ không màng đến chuyện làm lại cuộc đời. Nhờ cụ mà thời đó hàng nghìn phụ nữ được mở mang kiến thức, có nghề nghiệp và công ăn việc làm. Cụ còn giúp cho cánh đàn bà con gái biết thế nào là quyền lợi và vai trò của họ trong xã hội.

Phần mẹ tôi, mấy chục năm phòng không gối chiếc, người cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện bước đi bước nữa mà chỉ lo cho con cái, thay ba tôi nuôi dạy người cháu mồ côi sau khi bác tôi mất, lo việc cúng giỗ phía bên nhà nội, và chăm sóc cho gia đình bên ngoại. Mẹ thương ngọai và các dì cậu hơn cả bản thân mình. Dù phải bận rộn với cái tiệm tạp hóa, mẹ luôn sắp xếp thời gian giúp ngoại đi tiếp tế thực phẩm bạc tiền cho các cậu học xa, luôn túc trực khi những bà dì bà mợ sinh nở, bệnh họan, và chăm sóc ông bà ngọai tận tâm.

Tấm lòng nhân hậu của cụ Trùng Quang thật là vĩ đại. Cụ đã từng tham gia thực hiện những cuộc quyên góp rất lớn để cứu đói cho đồng bào vào năm Ất Dậu sau Đệ Nhị Thế Chiến và những trận đói sau này. Tiếng tăm về những việc làm của cụ lẫy lừng đến nỗi từ đầu thập niên 50’s, Thượng Nghị Sĩ Mỹ, sau này là Tổng Thống Nixon phải tìm đến viếng thăm. Mẹ tôi cũng rất thương người. Tuy không làm được việc lớn như cụ Trùng Quang, nhưng mẹ tôi cũng thường giúp đỡ những người già cả neo đơn, người nghèo khổ trong làng, giúp thuốc men khi họ đau bệnh, cho mượn lúa mượn tiền lúc hạn hán, mất mùa để họ có thể sống qua ngày. Những lúc ngặt nghèo hễ ai cần là mẹ tôi có mặt.

Sau 75, dù cuộc sống vất vả khó khăn, thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn trở về thăm làng cũ, mang theo những gì mẹ có thể mang, dăm ba ký gạo, mớ bắp rổ khoai, vài tấm áo manh quần để giúp cho những người khổ sở, cùng cực hơn mình. Mẹ tôi được rất nhiều bà con trong làng quí mến. Vì nhớ đến những việc làm ấy của mẹ, sau này mỗi khi chúng tôi gửi ít tiền về cho bà con trong gia đình ăn Tết, nhà tôi thường kêu tôi gửi thêm một ít về cho những người già cả neo đơn nơi làng cũ mà ngày xưa mẹ tôi thường giúp. “Mẹ sẽ vui lắm ” ông ấy nói.

Việc cụ Trùng Quang học cao hiểu rộng, yêu văn thơ, quý tiếng Việt, và văn hóa Việt cho đến lúc lìa đời còn dặn dò hậu thế phải bảo tồn thì ai cũng đã rõ rồi. Mẹ tôi không có được trình độ học vấn như cụ Trùng Quang, nhưng người cũng rất thích thi ca, và lòng yêu tiếng Việt của mẹ thì cũng ngút ngàn. Ngày còn sống, mẹ tôi cũng đã rất lo lắng, mong muốn con cháu phải giữ gìn tiếng Việt. Trước khi mẹ tôi ngã bệnh, Thái, một đứa cháu bà con từ Úc về có ghé thăm. Thấy đứa con trai tám tuổi của cô ấy chỉ nói tòan tiếng Anh chứ không biết tiếng Việt, tôi rất khâm phục nên cứ tròn mắt lên mà nhìn, mong thằng bé nói nhiều thêm để tôi bắt chước cách phát âm tiếng Anh của nó. Nhưng khi bọn họ đi rồi, mẹ tôi lắc đầu: 

- Hỏng! Hỏng! Tiếng Việt là nguồn gốc của mình mà không biết nói, cái điệu này về sau chắc mấy đứa nhỏ sống ở nước ngoài sẽ mất gốc hết. Những ngày cuối đời của mẹ tôi là thời gian gia đình tôi đang chờ làm thủ tục xin đi Mỹ. Người cứ dặn đi dặn lại mãi: - Nếu sau này gia đình con may mắn được sang Mỹ định cư, hãy nhớ dạy cho tụi nhỏ đừng quên nguồn gốc, nhất là đừng quên tiếng Việt, ngôn ngữ của mình. Đừng để tụi nhỏ giống như thằng con của con Thái nhé!

Mẹ tôi thời trẻ không được may mắn cắp sách đến trường học chữ quốc ngữ. Ông tôi là một nhà nho, nên mẹ được ông dạy học quyển Tam Thiên Tự Kinh với ba nghìn chữ “Thiên-Trời, Địa-Đất…” và học thuộc lòng Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi. Ông tôi làm Hương Chức, nhà có khá nhiều ruộng đất nhưng con đông, ba nam năm nữ, nên bận rộn triền miên. Mẹ tôi là chị cả, tình nguyện ở nhà phụ giúp ngọai nuôi các dì cậu tôi đi học. Bốn bà dì học chữ quốc ngữ đến biết đọc biết viết, dì út học được hết Tiểu Học rồi nghỉ, ba cậu tôi đều học đến nơi đến chốn và làm thầy giáo. Chỉ có một mình mẹ tôi không biết chữ Việt cho tới khi lấy chồng.

Ba tôi là thầy giáo Pháp Văn. Sau khi cưới nhau rồi ra riêng, ba bắt đầu dạy mẹ học. Khi đó mẹ tôi bận rộn với nghề nấu rượu và nhuộm vải nên đôi khi lười biếng không chịu học bài. Biết “điểm yếu” của mẹ là không bao giờ muốn phung phí một thứ gì, nên mỗi lần mẹ xao lãng việc học ba làm bộ như muốn đốt sách vở đi. “Thế là mẹ vì tiếc tiền phải ráng mà học” mẹ kể lại với tôi. Nhưng mẹ tôi rất thông minh, khi biết chữ quốc ngữ rồi bà rất thích đọc sách và ham học toán. Sau này ba mất, mẹ đã chỉ tôi làm những bài tập toán ở trường cho đến hết lớp 4 (lớp Nhì) mới nhờ đến các cậu dạy tôi.

Dù có tính tiết kiệm, nhưng mẹ không bao giờ tiếc tiền khi mua những quyển truyện thơ, những truyện cổ tích rất hiếm hoi thời ấy để đọc cho tôi nghe. Mẹ đọc thuộc lòng thơ Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, và Tấm Cám… đọc vanh vách cho tôi nghe mỗi tối mà không cần nhìn vào sách. Nhờ thuộc nhiều thơ ca nên mẹ tôi thường “ứng khẩu” thành những câu thơ đượm mùi ca dao tục ngữ.

Khi tôi vào tuổi thiếu niên, mẹ nói con gái không được ngủ trưa, mà phải dùng thời gian đó để học những thứ khác. Thấy tôi cứ mỗi lần ăn trưa xong là mắt ríu lại, mẹ bèn viết hai câu thơ dán ngay bàn học của tôi: “Con gái đừng có ngủ trưa /Học hành, bếp núc, thêu thùa chỉ kim.”

Nhà tôi ở cạnh nhà ngọai, vườn tược cây trái sum suê, hàng rào tre bao quanh rậm rạp nên thỉnh thoảng có rết, bò cạp, hay là rắn roi lạc đường phang vào nhà. Mẹ tôi dặn trước khi ngủ nhớ giũ kỹ chiếu giường để phòng ngừa bị cắn. Một lần học khuya buồn ngủ quá tôi đã hấp tấp thay đồ rồi nhào vào giường ngủ mà không làm như lời mẹ dặn nên đã bị con bò cạp đốt cho một phát ngay bắp vế, đau đến bò lê bò càng. Sau đó mẹ tôi làm hai câu thơ dán trên đầu giường của tôi: “Tối thì giũ chiếu móc mùng / Đề phòng rắn rết muỗi mòng hại thân.”

Mẹ tôi còn có một quyển tập rất dày, dành để ghi những bài thơ lục bát mẹ tự làm, dạy về cách nấu nướng như làm bánh tro, bánh ít lá gai, mứt cho ngày Tết, tương đậu nành, cơm rượu, dưa món… Thứ gì mẹ cũng “cho vào thơ” được hết, “để cho tụi bay dễ nhớ ” mẹ nói. Hãy nghe bài công thức làm đậu khuôn (đậu phụ) của mẹ tôi:

“Đậu nành (1 kg) ngâm nước một đêm
Bóc ra trộn nước (3 lít) xay mềm nhuyễn thôi
Bỏ vô nồi nấu cho sôi
Chờ cho nửa phút – phải coi chừng trào
Lượt ra đậu xác để xào
Sữa còn thì lại đổ vào nấu thêm
Sôi lên tắt bếp để yên
Đổ vào nước muối (nước muối lâu năm/3 muổng) trộn lên thật đều
Chờ cho kết tủa trút vào
Trong khuôn đậy lại chờ chào…đậu khuôn
Cắt ra từng miếng vuông vuông…”

Còn nữa, bài “Gia Huấn Ca” tự biên của mẹ tôi gồm những lời lẽ đơn giản bình dân nhưng ý nghĩa thâm trầm cũng đã được các cậu tôi khen hay, kêu con cái họ học thuộc. Gia đình chúng tôi thì dùng nó để làm “kim chỉ nam” cho cuộc sống:

“Nhớ lời mẹ dặn chớ sai
Làm người trung hiếu hai vai giữ đồng
Đừng làm nhục nhã gia phong
Gian tham trộm cắp mang gông có ngày
Gia đình lớn nhỏ sum vầy
Ngồi lê đôi mách sau này hư thân
Ông bà cha mẹ ân cần
Anh em hàng xóm bạn thân của mình
Nhớ đừng chống cự cãi kình
Chơi chung hòa thuận tâm tình làm vui
Bà con dòng họ tới lui
Nối dây liên lạc giống nòi tổ tông
Trong nhà anh ngã em nâng
Thương yêu đùm bọc chia phần dở ngon
Việc làng việc nước cho tròn
Học hành thành đạt là con hiếu nghì.”

Tôi cũng đã đọc được một điều kỳ thú về cụ Trùng Quang, là đến tuổi bách niên mà cụ vẫn còn viết văn, xuất khẩu thành thơ mạnh mẽ như “thuở tròn trăng.” Quả là nguồn thơ không bao giờ cạn trong cái thân xác trên trăm tuổi của nhà thơ. Trong ngày sinh nhật thứ một trăm, cụ đã làm một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, “viết mà không cần đeo kính” theo lời kể của ký giả Việt Báo Hạnh Dương:
“Ta nói cho Xuân được biết rằng
Ta đây trăm tuổi vẫn còn răng
Vẫn cười duyên dáng như Xuân nữ
Vẫn viết tình thơ thuở tròn trăng”

Việc này lại làm cho tôi nhớ về mẹ tôi nhiều hơn nữa. Những năm tháng gần cuối cuộc đời, tuy mẹ tôi đã bảy mươi hai tuổi, thân đang bệnh họan, nhưng mẹ vẫn đọc báo, viết chữ không cần mang kính. Và hồn thơ “bình dân” của người cũng còn “lai láng” lắm.  Năm 1989, vì chịu đời hết nổi với sự căng thẳng của cuộc sống bên nhà, nhà tôi trốn đi vượt biên đến Philippines. Khi nhận được tin của ba, thằng con đầu chúng tôi nó nhất quyết đòi đi tiếp, vì không muốn để ba ở bên đó một mình. Ơn Trời, qua bao sóng gió kinh hoàng, cuối cùng hai cha con cũng gặp nhau bình an và có thư về. Mẹ tôi mừng đến lệ rơi lã chã. Bà viết thư cho hai cha con, gửi chung với tôi, nhưng chỉ vỏn vẹn là một bài thơ. “Viết chi nhiều nặng cân, tốn tiền gửi ” mẹ nói. Đây là bài thơ của mẹ mà đến giờ nhà tôi vẫn còn trang trọng giữ:


“Hôm nay ngoại có đôi lời
Khoa (nhà tôi) Liên (thằng cháu) đã được phước trời ban cho
Khi đi bà ngoại quá lo
Nghe tin ổn định làm cho ngoại mừng
Xứ người phải nhớ giữ thân
Học hành chăm chỉ để cần về sau
Tương lai sự nghiệp làm đầu
Càng nhiều khó nhọc càng mau công thành.”

Tôi đã lớn lên cùng dòng thơ ca, văn chương thời ấy, những câu chuyện cổ tích kỳ diệu, và những bài thơ bình dân của mẹ đọc cho tôi nghe ngay từ khi tôi còn bé. Nghe riết rồi tôi cũng thuộc lòng rất nhiều truyện thơ, ca dao, và câu hò điệu hát miền quê của mẹ. Sau này khi xa quê, dù mẹ đã mất, tôi vẫn còn nhớ như in tiếng mẹ ru, “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.” Nó đã theo tôi đi tận cùng trời cuối đất. Khi mới đến Mỹ, chiều chiều tôi cũng thường ra đứng, không phải ngõ sau mà trước lan can nhà, để trông về cố quốc mà nhớ mà thương đến đau lòng thắt ruột.

Nhờ Mẹ mà tôi yêu sách yêu truyện ngay từ nhỏ. Mỗi khi đi học về tôi thường lẻn vào phòng sách của cậu tôi, người cậu thứ Chín làm hiệu trưởng trường Bình Lợi Tuy Hòa, mỗi khi cậu vắng nhà, để đọc trộm sách. Tôi lén lấy sách ra mỗi lần một quyển, nhét miếng bã mía mỏng vào chỗ sách bị trống rồi chui vào một góc nhà ngồi đọc và canh chừng lúc cậu gần về thì trả vào y chỗ cũ, rút bã mía ra. Cậu tôi không hề biết là hàng ngày có “kẻ trộm” vào lục lạo tủ sách của cậu. Thật ra mỗi lần đi “ăn trộm” sách, tôi sợ cậu tôi thì ít mà sợ ông tôi thì nhiều. Cậu đi cả ngày mới về, nhưng ông ở nhà coi ngó những người làm ruộng, đi về bất thường. Một lần, ông về sớm nghe tiếng lục đục trong phòng sách nên đẩy cửa bước vào. Tôi hoảng hồn chẳng biết làm sao bèn chui đại vào trốn trong cái tủ đứng đựng quần áo.

Ông nhìn không thấy gì nên bỏ đi, tôi liền dọt lẹ ra ngoài vì ngộp thở. Thật xui xẻo, tôi đạp nhằm con mực, và nó phản ứng bằng một cái táp vào bàn tay trái của tôi. Con mực ngoạm từ phía lưng bàn tay qua lòng bàn tay nhỏ xíu của tôi, và ngậm luôn không thả. Đau chí mạng, nhưng tôi chẳng dám kêu la, chỉ đứng đó cố gắng vạch cái miệng nó ra. Nhưng con chó khỉ gió lại tưởng tôi đùa với nó, nên càng cắn vào thật chắc. Cái đuôi nó ngúc ngoắc liên hồi, hai mắt nó long lanh nhìn tôi như thể muốn nói, “Bắt được rồi, giỏi thì chạy đi! ” làm tôi tức muốn chết nhưng không dám đánh, sợ nó cắn mạnh thêm. Cho đến khi bàn tay phải của tôi banh được cái miệng con mực tòe loe ra, và môi mép nó bị móng tay tôi bấu đến rướm máu, nó mới chịu nhả. Nó cũng biết đau đấy chứ, vậy mà lại đi cắn người ta! Hai vết cắn trên lưng bàn tay và lòng bàn tay sâu đến lòi thịt, máu ứa ra, mà tôi sợ bị rầy không dám khóc. Tôi âm thầm chạy đến cây “Thuốc dấu” ở đầu hè, bẻ một nhánh non cho nhựa cây chảy vào chỗ vết thương. Đến chiều ngồi ăn cơm mẹ tôi mới thấy thì vết cắn cũng đã khô mặt. Cây thuốc dấu quả là thần dược trị thương. Khi mẹ hỏi, tôi chỉ nói là giỡn chơi với con chó nên bị nó cắn. Con mực giờ này đã “theo mây khói” nhưng hai vết sẹo dấu răng của nó đến nay vẫn còn rất rõ trên bàn tay tôi.

Vậy mà đâu có chừa. Ngày qua ngày, năm từng năm, tôi vẫn lén lút đọc các loại sách trong cái tủ sách cao nghều nghều của cậu, hết quyển này tiếp đến quyển khác. Tôi đọc tất tần tật, vì đâu có ai chỉ cho tôi sách nào nên đọc sách nào chừa. May mà cậu tôi là nhà giáo nên tủ sách của ông không có sách “tào lao”. Khi đọc hết những quyển truyện tuổi thơ như “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” và những truyện của Tuổi Hoa, tôi bèn đọc đến truyện dịch, truyện khoa học dã tưởng, rồi đến tạp chí “Phổ Thông ” sách “Rèn Nhân Cách ” “Bí Quyết Thành Công ” những tập “Thơ Tuyển” và cả những quyển “Tam Quốc Chí, Phong Thần” dày cộm như quyển tự điển tôi cũng nghiền ngẫm tới nơi luôn. Có lẽ nhờ đọc nhiều sách mà sau này khi viết văn tôi đã có sẵn một số "vốn" từ ngữ để dùng... 

Tôi bắt đầu bập bẹ tập làm những bài thơ “con cóc” từ năm học lớp Ba trường làng. Gần cuối năm đó là một đêm đông lạnh giá, tôi học bài xong tắt đèn rồi nằm lăn trên bộ ván gõ đặt gần bàn thờ của ba tôi. Ba tôi mất đã gần hai năm, nhưng mẹ vẫn còn buồn nhớ khóc than hầu như mỗi tối. Đêm ấy trời lạnh thấu xương, nằm nghe mẹ trăn trở thút thít trong giường, lòng tôi cũng cảm thấy nhớ ba. Tôi ngồi dậy, lại bàn nước đốt lên cây đèn dầu bóng hột vịt rồi lấy vở lật trang giữa ra, viết viết xóa xóa cho đến khuya và “nặn” được một bài thơ. Bài thơ đầu tiên thời con nít ấy có nhiều chỗ chưa ổn, nhưng tôi vẫn rất thích nó nên không muốn sửa lại mà giữ làm kỷ niệm cho đến bây giờ. Trong đó có những câu:

Ba hỡi ba à, ba ở đâu
Sao ba biệt dạng để má sầu
Nhà ta khốn khổ vì ba vắng
Má khóc con buồn suốt đêm thâu

Đông hỡi, đông này, hỡi bác đông
Trong lòng bác có tội con không
Trẻ thơ côi cút vì ba mất
Lạnh quá làm sao dỗ giấc nồng.”

Sáng đi học, sau khi nộp xong bài tập toán trong lớp ba, tôi ngồi cặm cụi chép lại bài thơ ra một tờ giấy cho sạch sẽ rõ ràng. Đột nhiên ông thầy bước lại. Tôi hoảng sợ tim đập thình thịch, mặt xanh dờn, mắt lấm lét nhìn vào miếng xơ mít trong góc phòng khi thầy cầm lấy tờ giấy của tôi. Chết rồi. Chuyến này là tiêu luôn hai cái đầu gối của tôi. Nhưng đọc xong bài thơ thầy xếp lại bỏ vào túi mà chẳng nói một lời. Tôi thật hú hồn. Vẫn còn bản nháp, tôi về nhà đọc đi đọc lại hoài mà cũng không hiểu tại sao thầy tịch thu bài thơ đó.

Mãi cho đến mấy tháng sau. Một hôm mẹ tôi đi ăn đám giỗ nhà người bà con trong xóm rồi đem về cho tôi một gói bánh ít kèm theo tờ giấy có bài thơ của tôi. Mẹ ôm tôi và nói:

- Con của má giỏi quá! Hôm nay thầy Ba Ỷ (thầy thứ ba nên cả làng tôi đều gọi thầy một cách kính trọng như thế) đã đọc bài thơ của con trong đám giỗ cho mọi người nghe làm ai cũng cảm động hết. Thầy còn khen con học giỏi làm má vui ghê!

Tôi được thầy khen nên phổng mũi từ đó càng chăm chỉ học hành. Ngoài toán, những bài tập làm văn của tôi cũng thường được điểm cao và những lời phê giỏi của thầy. Từ kinh nghiệm này, khi lớn lên tôi biết giá trị và hiệu quả của những lời khen đối với trẻ em nên tôi cũng dùng cách này để khuyến khích các con tôi học hành, và khi đi dạy tôi cũng thường dùng với đám học trò nhỏ. 

Không phải chỉ có mình tôi thừa hưởng cái vốn liếng tiếng Việt của mẹ tôi, mà tất cả mấy đứa con của tôi cũng được nhờ bà ngoại. Khi có cháu, mẹ tôi thường “bổn cũ sọan lại” hát hò, đọc thơ, đọc truyện, kể chuyện cổ tích, và đọc thơ của mẹ cho tụi nhỏ nghe ngay từ khi chúng vừa mới được sinh ra cho đến lúc chúng đi học. Mẹ tôi nói, “Con người có tánh linh do Thượng Đế ban cho, nên lúc mới sinh ra đã biết cảm nhận. Nếu người lớn thường hát cho chúng nghe, đọc sách, nói chuyện với chúng, thì về sau cái vốn ngôn ngữ của chúng sẽ phong phú lắm.”

Phương pháp dạy tiếng Việt bằng lời ru tiếng hát câu thơ của mẹ đã đem lại kết quả tuyệt vời. Các con tôi cũng từng ngày lớn lên cùng văn thơ của ngọai ngày xưa nên cho đến bây giờ vốn liếng tiếng Việt của tụi nó vẫn còn khá lắm. Tuổi bắt đầu vào trường của mấy đứa nằm dưới thời “khăn quàng đỏ, ” cho nên nếu không nhờ bà ngọai dạy tiếng Việt và truyền cái thú ham mê đọc sách của bà thì có lẽ văn chương Việt của tụi nó bây giờ cũng chỉ là “nhất trí, đồng ý, xử lý, quán triệt” mà thôi. Đám “đực rựa” nhà tôi không thật sự mê thơ thẩn như tôi, nhưng khi cần đáp lễ bạn bè hay có hoàn cảnh tình huống nào làm cho chúng xúc động, mỗi đứa cũng đều có thể “xuất khẩu” thành một vài bài…con cóc.

Tôi rất mừng, vì hiện giờ mấy thằng nhóc nhà tôi đi làm hàng ngày nói tiếng Anh chứ không có cơ hội nói tiếng Việt, nhưng tụi nó chẳng những không quên tiếng mẹ đẻ mà còn có những nhận xét phê bình về văn chương Việt rất độc đáo mỗi lần tôi nhờ đọc bài viết của tôi. Những điểm hay, điểm yếu, khi tụi nó nêu ra là tôi luôn luôn “tâm phục khẩu phục.”


Tôi học về ngành “Giáo Dục Nhi Đồng ” đã phải đọc không biết bao nhiêu là trang sách về sự phát triển của trẻ con, thực hiện hàng lô hàng lốc cuộc nghiên cứu, cộng với thực tập cả năm trời tại lớp học, cũng chỉ để biết cách làm sao dạy cho trẻ ham mê chữ nghĩa, học hành, để bộ óc non nớt của các em được phát triển nhanh chóng và trọn vẹn, nhất là về mặt nhận thức và thích đọc thích viết.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và giáo dục nhi đồng, việc cha mẹ và những người lớn thường xuyên đọc sách, nói chuyện với các em bé ngay từ lúc mới sinh ra, thậm chí khi chúng còn ở trong bụng mẹ, có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công sau này của chúng. Người ta cũng đã tìm ra, não bộ của trẻ em phát triển tốt nhất, đến 90 phần trăm, là ở trong thời điểm không tuổi cho đến khi bé được năm tuổi. Nhiều kết quả nghiên cứu cho biết những tiếng khóc đầu đời, những âm thanh “ư-e” rồi bập bẹ “ba-ba, ma-ma” là những tiếng nói, dấu hiệu của đứa trẻ muốn truyền đạt, nói chuyện, hay đòi hỏi để được thỏa mãn điều gì đó. 

Cho nên, đọc truyện cho trẻ nghe sẽ giúp trí óc chúng phát triển nhanh, giúp cho ngôn ngữ lưu loát, biết quan sát, và diễn đạt cảm xúc. Quan trọng hơn nữa, việc đọc sách và kể chuyện cho bé nghe, theo Giáo Sư Tiến Sĩ Perri Klass, khoa nhi đồng của New York University chia xẻ, chẳng những giúp cho trẻ phát triển về ngôn ngữ để chúng sẵn sàng khi đến tuổi đọc và viết, mà còn giúp cho tình cảm giữa cha mẹ và đứa trẻ được gần gũi hơn, gắn kết với nhau hơn nhờ những giờ phút yêu thương bên nhau đó.

Thật không ngờ cái kết quả quý giá mà các nhà khoa học và giáo dục đã bỏ bao thời gian, công sức, và bút mực tìm tòi nghiên cứu để khám phá ra, lại là những gì mẹ tôi đã làm từ đời nảo đời nao, bằng kinh nghiệm đời thường của mẹ, bằng vào sự tin tưởng đơn thuần, “Con người có tánh linh do Thượng Đế ban cho, nên lúc mới sinh ra đã biết cảm nhận”.

Nói về dạy tiếng Việt, công lao về việc truyền bá Việt ngữ của cụ Trùng Quang thật cao dày. Cụ là một cô giáo “có bài bản ” là người đầu tiên mở trường dạy tiếng Việt cho những phụ nữ chưa bao giờ được đi học vào thời ấy, giúp họ biết đọc biết viết và biết tự bảo vệ mình, hầu tránh khỏi cảnh bị hà hiếp mà không biết đường phản kháng. Cụ đã đào tạo cho biết bao nhiêu là học trò. Mẹ tôi thì chỉ “dạy trường nhà”, đầu tiên mẹ cho tôi vốn tiếng Việt và sau này đám “học trò nhí” của mẹ là mấy thằng nhóc con tôi. Tuy vậy, kinh nghiệm dạy ngôn ngữ Việt cho trẻ từ lúc mới lọt lòng của mẹ rất hiệu quả, nên đã được gia đình chúng tôi làm theo cho đến bây giờ.

Khi mấy đứa con tôi lập gia đình và có cháu, tôi luôn theo “sát nút ” giúp và khuyến khích tụi nó dạy tiếng Việt cho mấy đứa cháu nội theo cách của mẹ tôi, nói chuyện và hát ru bằng tiếng Việt cho chúng nghe ngay từ lúc mới sinh ra, kèm với kể chuyện cổ tích, tập hát và đọc tiếng Việt ngoài những lúc đọc sách tiếng Anh cho chúng. Khi các bé bắt đầu đến trường phải cho chúng đi học ở trường Việt ngữ.

Mấy đứa con tôi tỏ vẻ hơi lo, sợ các cháu bé học nhiều thứ tiếng sẽ không đủ sức hoặc là bị “lộn xộn” không tập trung được.  Nhưng chẳng phải chỉ có mấy đứa con tôi, mà rất nhiều bạn bè, người thân của tôi cũng đã nói như vậy. Một lần, tôi gợi ý với người bạn cùng quê là nên cho đứa con gái anh ta đi học trường Việt Ngữ thì anh gạt đi:
- Thôi thôi, tiếng Việt từ từ tính, giờ để cho nó chuyên tâm học tiếng Anh cái đã! Nó còn nhỏ xíu mà bắt học đủ thứ hết làm cho nó không biết đường nào mà lần, rồi cuối cùng tiếng Việt không biết mà tiếng Anh cũng không xong, làm sao nó theo kịp chúng bạn trong lớp chứ?

Tôi im re luôn, không dám giải thích vì sợ sẽ bị cho làm “làm thầy đời.” Nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu và khám phá ra trẻ em học hai, ba ngôn ngữ rất tốt cho sự phát triển trí óc của chúng, thậm chí tốt hơn những trẻ em chỉ nói một ngôn ngữ. Tiến Sĩ Judy Willis, một nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu về sự phát triển não bộ trẻ em, khuyên các bậc cha mẹ, những người phải nói thêm ngôn ngữ thứ hai, nên dùng ngôn ngữ chính ở nhà với con cái họ vì việc này sẽ giúp ích cho sự phát triển não bộ của các em. Bà cho biết, cũng giống như bắp thịt khi được tập luyện nhiều sẽ rắn chắc, não bộ của các trẻ nói hơn một ngôn ngữ phát triển khỏe mạnh hơn, chức năng làm việc nhạy bén hơn.

Nhiều cuộc thí nghiệm cho thấy, các trẻ sống trong môi trường nói hai hay ba thứ tiếng thực hiện những bài test về sự nhận thức, tập trung, và hồi đáp có mức điểm cao hơn các trẻ nói một ngôn ngữ. Hiện giờ người ta đang khuyến khích những gia đình chỉ nói một ngôn ngữ như tiếng Anh phải cho trẻ học thêm tiếng nước ngoài, hoặc tạo cơ hội để các bé thường xuyên tiếp xúc với những người nói khác ngôn ngữ, như ông bà nội ngọai, người giữ trẻ, sui gia, bạn bè, nhờ họ tập cho chúng hát, kể chuyện cho chúng nghe bằng ngôn ngữ khác để giúp cho bộ óc trẻ phát triển tốt hơn. 


Cũng theo Tiến Sĩ Judy, thì tạo cơ hội cho trẻ nói được nhiều hơn một ngôn ngữ, là cha mẹ đã tặng cho con họ một món quà quí giá mà họ không thể nào mua được bằng tiền.

Quả thật đúng như vậy. Từ kinh nghiệm gia đình tôi, những cháu bé nói được cùng lúc tiếng Anh và tiếng Việt đều tỏ ra nhạy bén về sự nhận thức và tập trung cũng như ứng xử rất nhanh chóng. Như những gì các nhà nghiên cứu giáo dục cho biết, học ngôn ngữ đối với trẻ con không khó, nếu người lớn chịu khó dạy dỗ, nói chuyện, tạo cho các em sự thích thú về việc học. Phương pháp dạy tiếng Việt đơn giản của mẹ tôi, chúng tôi đã làm theo từ bấy lâu nay nhưng nào có nhận ra. Cũng nhờ đọc về cụ Trùng Quang, tôi mới có dịp nhìn lại và nhớ đến những việc làm và công lao của mẹ.

Sau cùng, nếu chỉ nói về phần Việt Ngữ, thì cụ Trùng Quang người phụ nữ uyên bác này mất đi đã để lại cho đời những tác phẩm văn chương đặc sắc. Tiếng Việt của cụ Trùng Quang là tiếng Việt với những bài văn lưu loát, những bài Đường Thi hoàn chỉnh, những bài thơ bay bướm trữ tình, làm hấp dẫn nhiều thi nhân họa đi họa lại mãi đến nhiều thập niên. 


Và mẹ tôi, người mẹ bình dân giản dị của tôi qua đời cũng để lại nguồn tiếng Việt phong phú và nhiều thơ ca cho con cháu. Tuy tiếng Việt của mẹ tôi không ướt át diễm tình, không văn hoa trừu tượng cao siêu, mà là những tác phẩm đơn giản bình dân, nhưng chúng rất thật, gần gũi với đời thường, dạy con cháu biết tề gia nội trợ, làm người tốt, hiểu rõ đạo đức gia đình và xã hội.

Nếu nói về tất cả những việc hữu ích trong đời hai người đã từng làm, thì cụ Trùng Quang là người có công với cả quốc gia dân tộc, và mẹ tôi thì thực hiện được những việc làm khiêm tốn trong phạm vi gia đình, con cháu, và bà con xóm giềng.

Nhưng trên tất cả, hai người họ đều có chung một tấm lòng, một ước mơ trước khi quá vãng. Đó là, ngôn ngữ Việt và Văn Hóa Việt Nam phải được các thế hệ con cháu bảo tồn mãi mãi đến ngàn sau...


Đối với tôi, cụ Trùng Quang và mẹ tôi quả thật là:

Chẳng phải căn Tiên cũng kiếp Thần
Hai người Việt nữ quả hiền nhân
Trùng Quang chói lọi như vầng nguyệt
Từ Mẫu sáng ngời tựa giải Ngân
Nợ nước tình nhà đau một nỗi
Gia đình xã hội nặng nghìn cân
Mưu cầu hạnh phúc cho nòi giống
Trí thức, bình dân cũng dự phần.



Phương Hoa – Viết Nhân Mùa Vu Lan

Không có nhận xét nào: