Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 28/10/16 - Lê Minh Nguyên

Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thăm Việt Nam
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, đã tới Hà Nội trong chuyến thăm 3 ngày để tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ song phương Mỹ-Việt trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông tiếp tục căng thẳng.<!>

Theo thông cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, đô đốc Harry Harris đến thủ đô Việt Nam hôm 26/10 để gặp mặt các nhà lãnh đạo chính phủ và quân đội. Chuyến thăm của đô đốc Harris sẽ khẳng định thêm quan hệ hợp tác và sự giúp đỡ của Mỹ để nâng cao năng lực của Việt Nam “đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật.

Trang web của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ USPACOM tải lên những hình ảnh ghi lại cuộc gặp giữa đô đốc Harris với các quan chức bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Đô đốc Harris tới thăm Việt Nam chỉ một ngày sau cuộc gặp của Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry và Thường trực ban bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Đinh Thế Huynh tại Washington. Trong cuộc gặp mặt với nhân vật quyền lực thứ 2 của đảng Cộng Sản Việt Nam, ngoại trưởng Kerry tuyên bố 2 nước quyết tâm “tăng cường khả năng bảo vệ việc tuân thủ pháp luật trên Biển Đông.”

Ngoại trưởng Mỹ tái xác định tầm quan trọng của chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ và đô đốc Harris cũng lặp lại cam kết này khi gặp các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong chuyến thăm đang diễn ra. Thông cáo của sứ quán Mỹ cũng cho biết đô đốc Harris sẽ tới thành phố HCM, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Nhằm củng cố sức mạnh của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, cuối tuần trước chiến hạm USS Decatur của hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc hành trình tuần tra vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam. Trong trận hải chiến diễn ra năm 1974, Trung Quốc đã chiếm quần đảo này từ tay của hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Bắc Kinh cho rằng cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ là hành động “gây rối” và đã bất ngờ tiến hành các cuộc tập dượt trên biển Đông để đáp lại hoạt động của Mỹ. Washington khẳng định hoạt động của USS Decatur là “thường lệ” để thực thi quyền “tự do hàng hải” trên hải lộ bận rộn bậc nhất của thế giới. Ước tính mỗi năm các hoạt động thương mại trị giá 5 tỷ đô la được thực hiện ngang qua tuyến hàng hải này trên biển Đông.

Cùng lúc đó, theo ghi nhận của RT, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên biển và trên không cũng như củng cố thêm năng lực quốc phòng để “bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.
Trong khi Philippines đang xích lại gần hơn với Trung Quốc và tách xa hơn với đồng minh Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Rodrigo Duterte, Việt Nam gần đây đã bày tỏ quan điểm ủng hộ các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Tuần trước, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh phát biểu sau buổi gặp mặt với trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Cara Amercrombie tại Hà Nội, nói Việt Nam sẽ ủng hộ “việc Mỹ can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương càng lâu bền càng tốt miễn là việc can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng.” - VOA

2.
Tổng thống Philippines: Thượng đế bảo tôi ngưng chửi thề

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẽ xem lại cách ăn nói sau khi Thượng đế đưa ông một tối hậu thư.
Bay từ Nhật về thành phố quê hương Davao, ông nói ông đã hứa với Thượng đế là sẽ không chửi thề nữa.

"Tôi nghe thấy một tiếng gọi nói rằng tôi ngưng chửi thề đi bằng không máy bay sẽ nổ tung trên không trung, và tôi đã hứa mình sẽ ngưng," ông nói với các phóng viên tại sân bay ở Davao.
Lối bạo mồm của ông Duterte, thường nhắm vào phương Tây, khiến ông nổi tiếng ở trong nước.

Ông từng gọi Tổng thống Obama là "con của gái điếm", gọi Liên Minh Châu Âu là đạo đức giả, dọa rời khỏi Liên Hiệp Quốc, chấp nhận cách so sánh mình với Hitler và nói giết không nương tay 3 triệu người nghiện ma túy.
Tất cả việc lời qua tiếng lại của ông là để phản ứng lại những lời chỉ trích ông về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu trong đó cảnh sát giết hàng ngàn người bị nghi là buôn mà túy và người dùng ma túy.

Ông Duterte nói rằng ông hứa với Thượng đế là sẽ không "chửi rủa, dùng từ lóng và mọi thứ khác", và nói "lời hứa với Thượng đế là lời hứa với người Philippines".
Nhưng ông nói lời hứa của ông cũng có giới hạn của nó. Liệu ông có thôi chửi thề khi nói về Hoa Kỳ, EU, hay kẻ thù chính trị là Thượng nghị sỹ Leila de Lima hay không còn tùy thuộc vào thời điểm, ông được truyền thông trong nước dẫn lời.

Giống hầu hết người Philippines, ông Duterte là người Công giáo La Mã, mặc dù tự tán dương mình là người đào hoa và gọi Giáo hoàng là "con của gái điếm" khi gây ra tắc đường trong chuyến ông thăm Philippines.

Tổng thống Philippines cũng từng nói về việc bị một tu sỹ Mỹ lạm dụng và rằng việc này ảnh hưởng tới nhãn quan chính trị của ông.
Ông Duterte gần đây nói rằng Philippines muốn ly khai khỏi đồng minh lâu năm là Hoa Kỳ, và muốn lính Mỹ rời nước ông, có thể là trong vòng hai năm. - BBC

3.
Nga sản xuất hỏa tiễn xuyên lục địa 'Quỷ Sa Tăng 2'

Chính quyền Nga cho công bố ảnh loại hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa 'Sarmat' lớn nhất từ trước tới nay và có khả năng 'tiêu diệt toàn bộ New York' chỉ bằng một trái.
Báo Nga, Rossiyskaya Gazeta cho hay hôm 23/10/2016 rằng trung tâm tên lửa Makeyev (GRT) đã cho thấy mô hình loại tên lửa khối Nato gọi là 'Quỷ Sa Tăng 2' (Satan II).

CNN (28/10) trích trang Sputnik từ hồi tháng 5/016 cho hay tên lửa RS-28 Sarmat "có khả năng xóa trọn vùng rộng bằng bang Texas hoặc nước Pháp".

Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Yuri Borsiov được hãng thông tấn Nga TASS trích thuật cho rằng đầu đạn Sarmat có thể phá hủy mục tiêu bay qua cả Bắc Cực và Nam Cực.
RS-28 Sarmat sẽ thay tên lửa thế hệ trước, R-36M Voyevoda mà mã của Nato gọi là SS-18 Satan thế hệ 1.
Truyền thông Nga cho hay đầu đạn cho Sarmat đã được thử nghiệm thành công trong tháng 4 và động cơ PDU-99 được thử xong trong tháng 8 vừa qua. 
Loại tên lửa này, được thiết kế từ 2011, có tầm bắn 11 nghìn km và đầu đạn nặng 100 tấn.

Từ 2017, R-28 Sarmat sẽ ₫ược đưa vào thay thế SS-18 có từ thập niên 1970.
Tuy thế, giới chuyên gia cho rằng tầm bắn của loại tên lửa mới không thay đổi, chỉ có phần điều khiển điện tử và độ chính xác được nâng cấp cùng các công nghệ mới nhất.
Gần đây nhất, để phản ứng lại các hoạt động Nga cho là "gây căng thẳng" của Nato, hệ thống tên lửa Iskander của Nga nay được triển khai sang Kaliningrad giáp Ba Lan.

Đây là loại tên lửa bắn đi từ xe vận tải nhưng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. - BBC

4.
Nato 'không muốn Chiến tranh Lạnh mới'

Nato không muốn có thêm đối đầu với Nga và không muốn thêm một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa, Tổng thư ký của khối Jen Stoltenberg nói với BBC. 
Kế hoạch triển khai thêm 4.000 lính ở Đông Âu với mục đích phòng ngừa, không nhằm kích động xung đột, ông nói. 
Bất chấp căng thẳng hiện thời, đồng minh quân sự không coi Nga là mối đe dọa, ông nói.

Quan hễ giữa phương Tây và Nga đang ở giai đoạn xấu nhất từ thời Chiến tranh Lạnh. 
Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi Nga sáp nhật Crimea của Ukraine năm 2014. 
Chiến tranh Syria là điểm bùng phát căng thẳng, khi các nước lớn ở phương Tây cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh khi Nga ủng hộ chính phủ Syria và đánh bom vào các khu vực do quân đối lập chiếm đóng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chối bỏ các cáo buộc này và ông nói ý kiến cho rằng Nga có thiên hướng quân sự hung hăng ở Châu Âu là "ngớ ngẩn". 

Không có 'đe dọa'
Liên quân Nato lên đến 1.000 lính từ mỗi nước và sẽ được triển khai ở Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania đầu năm tới. 
Lực lượng này do Hoa Kỳ, Anh, Canada và Đức dẫn đầu. 

Nhưng thay vì muốn đối đầu với Nga, Nato tiếp tục "phấn đấu vì quan hệ hợp tác và có tính xây dựng hơn," ông Stoltenberg nói. 
"Nhưng chúng ta phải thực hiện đều đó dựa trên an ninh tập thể - sự răn đe". 

Trong khi Nato không thấy bất cứ đe dọa sắp tới nào từ Nga, nhóm này phản ứng với hành động của Nga ở Ukraine, ông nói, cũng như thứ mà ông gọi là sử dụng sức mạnh hạt nhân để đe dọa các quốc gia Châu Âu. 

Nato nói khối này tin rằng Nga có khoảng 330.000 lính đóng gần biên giới phía Tây. 
Đầu tuần này, kế hoạch các tàu chiến Nga cập cảng Tây Ban Nha đã bị hủy sau khi đồng minh Nato lên tiếng họ quan ngại Nga có thể sử dụng để đánh bom thường dân Syria. - BBC

5.
24 quốc gia thỏa thuận bảo tồn Biển Ross

Các đoàn đại biểu từ 24 quốc gia và Liên minh Châu Âu đã đồng ý rằng Biển Ross ở Nam Cực sẽ trở thành khu bảo tồn đáy biển lớn hất thế giới (MPA). 
Khoảng 1,57 triệu km2 của vùng biển phía nam sẽ được bảo tồn không cho đánh bắt trong 35 năm. 
Các nhà môi trường đã chào đón bước tiến nhằm bảo vệ nơi được coi là nguyên sơ nhất của Trái Đất.
Họ tin rằng đây là một trong những vùng biển quốc tế đầu tiên được bảo vệ. 

Sau cuộc gặp ở Hobart, Úc, Ủa ban Bảo tồn Tài nguyên và Sinh vật biển (CCAMLR) đồng ý chỉ định vùng biển Ross là khu bảo tồn biển sau nhiều năm đàm phán, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully thông báo.

Biển Ross, với tầng lớp và độ dốc chỉ chiếm diện tích khoảng 2% ở Nam Cực nhưng lại là nơi cư trú của 38% số chim cánh cụt Adelie trên thế giới, nơi ở của 30% số cá thể loài hải âu Nam Cực và có khoảng 6% số cá thể loài cá voi lưng xám Nam Cực. 
Khu vực này quan trọng với phần còn lại của Trái Đất vì các chất dinh dưỡng từ vùng nước sâu được lưu chuyển khắp thế giới. 
Biển Ross là nơi cư trú của của vô số nhuyễn thể, một nguồn thức ănquan trọng cho các loài như cá voi và hải cẩu. Dầu của chúng rất cần thiết cho các trang trại cá hồi. Tuy nhiên có quan ngại gia tăng rằng việc đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến số lượng nhuyễn thể.
Đề xuất, được New Zealand và Hoa Kỳ đưa ra, và được hầu hết các quốc gia khác chấp nhận, sẽ bảo vệ tổng quan các vùng "không đánh bắt", nơi không cho phép đánh bắt bất cứ sinh vật biển nào cũng như khai thác khoáng sản tại đây. 

Trong một phần những thỏa thuận được chấp nhận, có một vùng đặc biệt cho phép đánh bắt nhuyễn thể và cá tuyết vì mục đích nghiên cứu. 

Ngoại giao bơi lội
"Tôi hoàn toàn vui sướng," ông Lewis Pugh, Đại sứ bảo hộ Đại dương của Liên hiệp Quốc, là người đã vận động nhiều năm ủng hộ khu vực bảo tồn đáy biển này. 
"Đây là một trong những vùng bảo tồn trên bộ và trên biển lớn nhất, đây là khu bảo tồn đáy biển quy mô lớn nhất trong vùng biển quốc tế, hầu hết các khu vực này không được bảo vệ."

Những người bảo tồn biển và các tay bơi đã khiến biển Ross được chú ý đến qua hàng loạt các chuyến bơi qua vùng biển băng giá này - và trong hai năm ông đã tham dự hàng loạt cuộc gặp, thường được gọi là "ngoại giao bơi lội" với những quan chức Nga để thuyết phục họ về giá trị của khu bảo tồn biển.
Vào cuối cuộc thương thuyết năm ngoái, Nga là quốc gia chống lại tuyên bố chung về Biển Ross. Nhưng năm nay, đã có một sự "cải tổ về môi trường" như ông Pugh mô tả. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ định năm 2017 là Năm của Sinh thái và quốc gia này đã mở rộng khu bảo tồn biển xung quanh vùng Franz Josef ở Bắc Cực. 

Sergei Ivanov, người Đại diện đặc biệt của Tổng thống Putin về sinh thái, chúc mừng thỏa thuận này. 
"Nga có một lịch sử đáng tự hào về khám phá và nghiên cứu ở Nam Cực. Trong thời đại bất ổn chính trị ở rất nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi tự hào là một phần của nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn Biển Ross," ông nói. 

Một trong những câu hỏi quan trọng trong các cuộc đàm phán là khu bảo tồn biển sẽ kéo dài bao lâu. Trung Quốc tin rằng 20 năm là đủ dài cho khu vực được chỉ định. 
Rất nhiều nhà bảo tồn nói thời gian đó quá ngắn, và dẫn chứng tuổi thọ của các sinh vật sống ở Biển Ross như cá voi. 

Cuối cùng các bên đồng thuận thời gian bảo tồn sẽ là 35 năm. 
Khu bảo tồn được những nhà hoạt động và những người có liên hệ gần gũi với vùng biển Ross hoan nghênh. 

"Gia đình Ross rất phấn khích khi biết di sản của gia đình chúng tôi đã được vinh danh trong lần kỷ niệm thứ 175 kể từ khi James khám phá ra biển Ross," Phillipa Ross, chắt của Ngài James Clark Ross, người đã được đặt tên cho vùng biển cho biết.
Một trong những quan ngại lớn nhất khiến thỏa thuận bị trì hoãn là nó có thể tạo tiền lệ cho các đàm phán khác ở khu vực hải phận quốc tế nhiều nơi trên thế giới, như Bắc Cực và trong những nỗ lực của Liên hiệp Quốc nhằm phát triển một Điều ước Quốc tế về Đa dạng Sinh học biển. 

Lewis Pugh hi vọng rằng đây sẽ là một trường hợp điển hình. Và ông sẵn sàng tiếp tục bơi cho đến khi điều đó trở thành sự thật. 

"Điều này với tôi là bước đầu tiên, tôi đang quay trở lại Nam Cực để tiếp tục bơi, tôi muốn thấy hàng loạt khu bảo tồn biển quanh lục địa mà tôi dành rất nhiều cảm xúc này," ông giải thích. 
"Với tôi đây là sự công bằng - sự công bằng giữa các thế hệ. Sẽ có vẻ như một thứ gì đó hoàn toàn sai lầm với chúng ta khi hủy diệt đại dương và con cháu chúng ta sẽ hoàn toàn chẳng có gì." - BBC

6.
Bắc Kinh lại tố Nhật gây nguy hiểm cho chiến đấu cơ Trung Quốc
Ngày 27/10/2016, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cáo buộc Lực Lượng Phòng Vệ Trên Không Nhật Bản có các ứng xử khiêu khích, gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu Trung Quốc. Theo Tokyo, không quân Nhật buộc phải cất cánh để ngăn chặn tiêm kích Trung Quốc vào sát không phận của nước này. 

Reuters loan tin, trong cuộc họp báo ngày 27/10, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết : “Chiến đấu cơ của Lực Lượng Phòng Vệ Trên Không Nhật Bản, khi ngăn chặn máy bay Trung Quốc, đã bật radar và phóng tia hồng ngoại gây nhiễu và có những hành động phi chuyên nghiệp, khiêu khích nguy hiểm”, điều này “gây nguy hiểm cho phi cơ và phi công”Trung Quốc. Người phát ngôn quân đội Trung Quốc còn nhấn mạnh là các hoạt động của không quân Trung Quốc trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo bộ Quốc Phòng Nhật Bản, trong những tháng gần đây, không quân Trung Quốc liên tục tiếp cận sát không phận Nhật. Trong vòng 6 tháng, từ 01/04 đến 30/09/2016, tổng cộng không quân Nhật đã phải xuất kích 407 lần để ngăn chặn chiến đấu cơ Trung Quốc, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (231 lần). Đây là số lượng cao nhất từ năm 2001, tức kể từ khi Nhật bắt đầu công bố số liệu này. 

Căng thẳng Nhật-Trung trên không gia tăng trong suốt năm 2016. Cuối tháng 9, khoảng 40 chiến đấu cơ Trung Quốc lần đầu tiên bay qua eo biển Miyako (Nhật), để đi ra Thái Bình Dương, buộc Nhật phải phản ứng. Hồi tháng 06/2016, Tokyo từng tố cáo máy bay Trung Quốc suýt nổ súng vào chiến đấu cơ Nhật trên biển Hoa Đông.

Vào tháng 07/2016, theo Bắc Kinh, hai chiến đấu cơ Nhật F-15 suýt đụng độ với hai phi cơ SU-30 của Trung Quốc, điều mà Tokyo phản đối. Theo các nhà quan sát, chưa bao giờ phi cơ Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản trong hai năm 2015-2016. Từ cuối năm 2015, Tokyo và Bắc Kinh đồng ý cùng tìm kiếm một cơ chế tránh những va chạm bất ngờ trên không và trên biển tại vùng biển Hoa Đông. - RFI

Tin Hoa Kỳ
7.
Bầu cử TT Mỹ bước vào giai đoạn gay cấn

Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và phu nhân Michelle đã hết sức tích cực vận động tranh cử cho ứng cử viên Ðảng Dân chủ Hillary Clinton. Hôm thứ Năm 27 tháng 10, Đệ nhất Phu nhân Obama đã cùng bà Clinton đi vận động tại bang North Carolina, nơi hai ứng cử viên của Ðảng Dân chủ và Ðảng Cộng hòa dường như đang so kè sát nút. Trong cùng ngày, ông Donald Trump vận động tại bang Ohio, một bang chiến trường mà ông hy vọng sẽ ngã về đảng của ông.

Trong lúc chiến dịch vận động tranh cử đang tiến gần đến đích, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton vẫn dẫn trước đối thủ, nhưng hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy bà không dẫn đầu với khoảng cách biệt lớn so với ông Trump. Điều này có nghĩa là kết quả cuộc bầu cử vẫn chưa hiện rõ, và cả hai ứng cử viên cần cố gắng để giành lấy từng lá phiếu một. Đó chính là thông điệp mà Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama muốn nhắn gửi với cử tri tại bang North Carolina hôm thứ Năm:
"Chúng ta sẽ đi bầu. Chúng ta sẽ đi bầu thật sớm. Chúng ta sẽ đi xếp hàng bỏ phiếu."

Bà Obama nói phát biểu của ông Trump tố cáo có gian lận trong bầu cử chẳng qua là một âm mưu để kêu gọi cử tri đừng đi bỏ phiếu. Bà cảnh báo rằng cử tri không đi bỏ phiếu có thể ảnh hưởng đến cơ may thắng cử của bà Clinton, dù cho bà Clinton là ứng cử viên đáp ứng được những đòi hỏi của chức vụ tổng thống hơn:
"Bà Clinton giàu kinh nghiệm hơn, xứng đáng làm tổng thống hơn bất cứ ứng cử viên nào khác mà chúng ta từng biết. Đúng vậy, hơn cả Barack Obama, hơn cả Bill Clinton. Bà hoàn toàn xứng đáng với nhiệm vụ tổng tư lệnh của đất nước ngay từ những giờ phút đầu tiên, vấn đề bà là một phụ nữ chỉ là sự ngẫu nhiên."
Trong phát biểu của bà, bà Clinton lập lại lời kêu gọi cử tri North Carolina hãy thực thi quyền đi bầu. Bà nói kinh tế, di dân, hôn nhân, bình đẳng, môi trường và ngay cả giáo dục đều là những vấn đề trọng yếu:

"Trong những vấn đề quan trọng sẽ được định đoạt trong cuộc bầu cử này có mức học phí đại học, có vừa túi tiền hay không? Ngoài ra, còn có việc giảm gánh nặng nợ nần cho sinh viên đã vay tiền đi học. Do đó nếu quý vị tin rằng chúng ta phải giải quyết vấn đề đó để mọi người ai cũng có thể vào đại học và tốt nghiệp, thì quý vị phải đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử."
Ông Trump cũng khuyến khích cử tri đi bầu. Không màng đến các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông về sau bà Clinton, ông Trump nói với cử tri ở bang Ohio rằng một cuộc thăm dò mới do Viện nghiên cứu Remington thực hiện cho thấy ông dẫn trước bà Clinton 4 điểm tại bang miền trung tây này. Ông phê phán thành tích chính trị của bà Clinton và chỉ trích NAFTA, một hiệp định thương mại do cựu Tổng thống Bill Clinton ký hồi đầu thập nhiện 1990, là đã làm mất đi công ăn việc làm ở bang Ohio. 

Ông nói: "Quý vị hãy thử tượng tượng họ sẽ làm những trò gì nếu một lần nữa họ lại kiểm soát Tòa Bạch Ốc. Thành thật mà nói, chúng ta đã ngán ngẫm lắm rồi. Công bằng mà nói, tôi nghĩ chúng ta đã ngán ngẫm gia đình nhà Clinton lắm rồi."

Ông Trump hứa với đám đông tung hô ông ở thành phố Toledo, bang Ohio, rằng ông sẽ mang công ăn việc làm trở lại đây, những công việc làm mà ông nói là đã được chuyển sang Mexico trong thời gian ông Clinton làm tổng thống. - VOA

8.
Thuốc tránh thai dùng cho nam giới
Dù vẫn còn một chặng đường dài, thuốc tiêm tránh thai dùng cho nam giới đang được phát triển để trở thành một sự lựa chọn để người sử dụng giúp bạn tình của mình ngừa thai ngoài các phương pháp trước nay như bao cao su, phương pháp tự nhiên, và phương pháp thắt ống dẫn tinh. Hiện nay, các phương pháp ngừa thai thường tập trung vào nữ giới, nhưng 40% tất cả các trường hợp mang thai trong năm 2012 là ngoài ý muốn, theo thống kê của Viện Guttmacher.

Cách tránh thai dạng tiêm nơi nam giới theo báo cáo hữu hiệu 96% đang được phát triển và thử nghiệm bởi một bộ phận nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Trường Y khoa Đông Virginia ở Hoa Kỳ. Một nghiên cứu kéo dài một năm đã được thực hiện tại 10 trung tâm ở 7 quốc gia bao gồm Mỹ, Australia, Indonesia, Chile, Đức và Ấn Độ.
Tin về loại thuốc thử nghiệm này được đăng trên tạp chí Lâm sàng Nội tiết và Sự trao đổi chất JCEM.

Khi thử nghiệm trên 320 nam giới khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 và 45, thuốc gây ra một loạt các hiệu ứng phụ khó chịu vì mức độ hormone cao cần để ngừa thai. Các tác dụng phụ bao gồm nổi mụn, trầm cảm, tăng ham muốn tình dục và đau tại chỗ tiêm.
Hội đồng xét duyệt của WHO giám sát cuộc thử nghiệm đã cho dừng việc thử nghiệm nhưng cho phép các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi những người tham gia. Trong vòng một năm, gần như tất cả số lượng tinh trùng của những người tham gia đều trở lại mức bình thường.
Dù có phản ứng phụ, nhưng các nhà nghiên cứu báo cáo 75% những người tham gia cuộc nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai mới này. - VOA
|
|

9.
Tham gia ảo: Xu hướng của tương lai --- Robot sẽ thay thế con người theo dõi sự phát triển của hoa màu

Nghe có vẻ như là một khái niệm xa vời nhưng khả năng có mặt ở 2 nơi hoặc nhiều hơn thế cùng 1 lúc, được gọi là tham gia ảo, xuất hiện lần đầu tiên khi có truyền hình trực tiếp vào năm 1929. Tuy nhiên, để có khả năng có mặt và muốn di chuyển đến nơi khác là cái gì đó cần sự kết hợp giữa truyền hình và công nghệ robot.
Tham gia một hội nghị cơ quan từ xa là một việc dễ dàng – được ví như một miếng bánh ngon. Chỉ cần sử dụng một trong những chương trình hội nghị truyền hình và bạn đã vào việc.
Nhưng tham gia vào vài cuộc họp xuyên suốt hoặc đến thăm từng người người bệnh riêng lẻ cùng lúc ở một bệnh viện có nghĩa là người đó sẽ phải mang theo một thiết bị cầm tay.

Nhập lệnh – robot tham gia ảo.

Ý tưởng có mặt nhiều nơi cùng lúc đã có từ lâu nhưng hầu hết chỉ ở dạng thử nghiệm bởi vì giá thành cao cho việc xây dựng một diễn đàn có thể di chuyển và ổn định mà cùng lúc có thể mang theo một màn hình vi tính, một máy quay phim và các thiết bị cần thiết khác. David Cann là người đồng sáng lập ra Double Robotics – một công ty khởi nghiệp công nghệ chế tạo ra các robot hội nghị truyền hình dựa trên iPad. Ông nói với VOA qua Skype:
"Chúng tôi có được một cơ hội xây dựng nó dựa trên iPad để làm cho nó rẻ và rất cơ động và rất dễ sử dụng cho khách hàng."
Bằng việc tìm kiếm khả năng xây dựng một robot tham gia ảo có giá thành thấp, các kỹ sư của công ty có trụ sở ở California này nói họ muốn giải quyết 3 vấn đề.

Ông Cann cho biết: "Một là phải có một thiết mà bản thân nó rất nhẹ và do vậy nó rất tiện lợi và không va đập vào bất cứ cái gì, không làm hư hại bất cứ thứ gì, rất cao, cao khoảng 1.5m và cũng vì vậy chúng tôi muốn có 1 cái đế rất nhỏ bởi vì bạn biết đấy, bạn sẽ muốn nó di chuyển lọt qua giữa một cái ghế và 1 cái bàn và di chuyển trong một văn phòng rất đông người và do đó cách duy nhất mà chúng tôi có thể có được là làm ra một robot giữ cân bằng."
Một máy tính bảng iPad gắn với một robot, được gọi là Double 2, làm chức năng bộ não của nó, giúp nó giữ được cân bằng trong khi người sử dụng điều khiển từ xa chuyển động của nó bằng máy tính.
Nó có giá khoảng 3.000 đôla – không tính iPad – và cho tới nay, hơn 5.000 robot đã được chuyển đi trên toàn thế giới tới những người sử dụng là các công ty, bệnh viện và những khách hàng cá nhân. Những công nhân được đặc phái có thể dễ dàng “chạy” từ cuộc họp này tới cuộc họp khác và ngồi chơi với đồng nghiệp trong khi các sinh viên bị ốm liệt giường vẫn có thể tham gia lớp học và nói chuyện với các bạn bè.
Công ty Double Robotics nói chúng ta có thể sớm có khả năng sử dụng robot có mặt ảo ở các viện bảo tàng và những nơi công cộng khác. - VOA

Dù có sự giảm mạnh trong giá xăng dầu và khí tự nhiên, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu về các nguồn nhiên liệu dự phòng bền vững, như nhiên liệu sinh học. Cùng với việc tạo ra các giống hoa màu nhiên liệu sinh học để sản xuất ra sản lượng lớn hơn, các nhà khoa học đang phát triển các loại máy móc tinh vi hơn có thể làm cho các loại hoa màu công nghiệp này có sản lượng kinh tế cao. Trong một phòng thí nghiệm ở Pittsburgh, các nhà khoa học Mỹ đang thiết kế các trợ thủ trang trại tương lai bằng robot.

Loại phương tiện robot này là một phần của một hệ thống được lên kế hoạch sẵn có thể theo dõi sự phát triển của hoa màu công nghiệp. Ở một trong những phòng thí nghiệm trí thông minh nhân tạo của trường đại học Carnegie Mellon, một robot nhỏ chuyển động chậm chạp giữa 2 hàng lúa miến, một loại cây chịu được hạn hán và nhiệt, và thậm chí có thể mọc được trên đất khô cằn và được dùng để sản xuất lương thực và nhiên liệu sinh học.
Cũng trong phòng thí nghiệm, một nhóm sinh viên đang thử nghiệm 1 cánh tay robot có thể cuối cùng sẽ được lắp vào phương tiện này.

Người hướng dẫn của nhóm, nhà khoa học hệ thống cao cấp George Kantor, nói cùng với một mạng lưới các thiết bị cảm ứng và một máy bay không người lái cho việc quan sát từ trên không, hệ thống này cần một phương tiện robot có thể di chuyển giữa các hàng cây trồng.
Ông Kantor cho biết: "Chúng tôi bắt đầu bằng việc lấy các thiết bị có sẵn trên thị trường và phối hợp chúng với nhau để bắt đầu giải quyết vấn đề này. Không may thay, những robot sẵn có không thực sự phù hợp với nhu cầu của chúng tôi, do đó chúng tôi đang thiết kế các robot riêng để thêm vào."
Trồng nông sản làm nguồn năng lượng sinh học cần giám sát liên tục sự phát triển của chúng. Đơn giản là vì việc dùng robot thay con người phù hợp hơn trên các cánh đồng quy mô công nghiệp.

Nhà khoa học George Kantor nói: "Chúng tôi sẽ thu thập các dữ liệu hình ảnh, do vậy chúng tôi sẽ theo dõi bằng các camera, chúng tôi sẽ thu thập các dữ liệu bằng các máy chụp quét laser thu thập thông tin về hình học của cây trồng. Và chúng tôi sẽ thu thập một số dữ liệu đa quang phổ. Do đó chúng tôi sẽ xem xét các giải bức xạ không hiện hữu để đo đạc chức năng của cây."

Thông tin được thu thập bằng camera của phương tiện người máy sẽ được các máy tính phân tích. Bằng cách đó, những người trồng lúa miến sẽ có thể lấy ra các dữ liệu mà con người không thể nhận biết được bằng trực giác.
Ông Kantor cho biết thêm: "Hơn nữa, chúng tôi đang tìm kiếm các mối quan hệ giữa những thứ ít mang tính vật thể hơn. Do vậy chúng tôi muốn biết mối quan hệ giữa di truyền học của loại cây này với môi trường và làm thế nào để nó thực sự sống được."
Các nhà nghiên cứu của trường đại học Carnegie Mellon nói robot của họ sớm sẽ sẵn sàng cho việc thử nghiệm trên cánh đồng lúa miến ở trường đại học Clemson ở South Carolina. Nghiên cứu này được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tài trợ. - VOA

Tin Việt Nam
10.
Đình bản báo Tầm Nhìn trong 3 tháng

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 27/10 ra quyết định đình bản tạm thời báo điện tử Tầm Nhìn trong 3 tháng. Đây là tờ báo thứ hai trong nước bị đình bản chỉ trong tháng 10 này. Không giống với vụ đình bản tờ Petro Times trước đó, việc đình bản Tầm Nhìn nhận được sự ủng hộ ngay cả trong giới nhà báo độc lập và phản biện.
Thông cáo báo chí được các báo đăng tải cho biết Tầm Nhìn bị đình bản tạm thời vì “đã vi phạm quy định trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, mặc dù đã được cơ quan quản lý báo chí về nhà nước nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhưng báo tiếp tục vi phạm”.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng của Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho biết đây không phải là lần đầu tiên Tầm Nhìn bị đình bản.
“Từ năm 2011 – 2012, lúc đó tôi còn làm trong nhà nước và tôi có cộng tác với báo Tầm Nhìn. Tôi viết những bài phản biện. Lúc đó, Tầm Nhìn cũng chịu đăng những bài phản biện, đặc biệt là liên quan đến vụ Đoàn Văn Vươn. Sau khi tôi bị công an bắt vì viết bài chống tham nhũng, sau đó báo Tầm Nhìn cũng bị đóng cửa luôn. Nghe nói là đóng cửa suốt 1 năm. Khi tôi được thả, không biết vô tình hay hữu ý, Tầm Nhìn lại hoạt động trở lại. Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm, báo Tầm Nhìn bị đóng cửa”.Thông báo của Bộ Thông tin Truyền thông không nêu lý do cụ thể dẫn đến việc đình bản Tầm Nhìn, nhưng các nguồn tin không chính thức nói việc đình chỉ có liên quan đến những lùm xùm xung quanh vụ nước mắm chứa chất arsen vô cơ (thạch tín) độc hại.

Trong vụ việc này, báo Thanh Niên cũng đã thông báo gỡ bỏ các bài báo có liên quan đến “nước mắm chứa arsen” và xin lỗi độc giả. Tờ này trước đó đăng một loạt bài về nước mắm sau một bài đăng của Hội bảo vệ người tiêu dùng (VINATAS) nói nước mắm truyền thống có chứa thạch tín.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn gọi vụ này có dấu hiệu liên doanh ma giữa “nhóm lợi ích”, VINATAS và báo chí.
Người đứng đầu cơ quan kiểm soát báo chí tuyên bố “quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo” và gọi đó là “truyền thông bẩn”.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói ông và Hội nhà báo độc lập ủng hộ việc chống “truyền thông bẩn” của Bộ Thông tin Truyền thông.

“Nếu đúng là liên quan đến lợi ích kinh tế thì hoàn toàn không có liên quan đến vấn đề phản biện, và thực ra thì quan điểm của cá nhân tôi hay của Hội nhà báo độc lập Việt Nam cũng không ủng hộ vấn đề báo chí liên quan đến làm ăn kinh tế rồi tạo ra các lợi ích nhóm, tranh thủ và tạo ra truyền thông bẩn trong khu vực nhà nước liên quan tới báo chí”.

Hồi đầu tháng này, Việt Nam cũng ra quyết định đình bản báo Petro Times 3 tháng và thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, tổng biên tập của tờ báo này. Lý do Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra là vì Petro Times đăng lại bài phỏng vấn của một tờ báo nước ngoài với blogger Người Buôn Gió về vụ ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức đang bị Việt Nam truy nã, và vì “các sai phạm khác nữa”.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn là người có quan điểm “còn cứng rắn và bảo thủ hơn cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Nhà báo độc lập dự đoán tiếp theo sẽ có thêm các nhà báo, cáo báo bị kỷ luật ở một mức độ nào đó theo Luật Báo chí Việt Nam và với các nguyên do khác nhau.

TS. Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng:
“Riêng đối với chiến dịch xử lý sai phạm trong truyền thông của ông Trương Minh Tuấn, khách quan mà nói, tôi không ủng hộ ông Trương Minh Tuấn nếu ông xử lý những nhân vật bất đồng chính kiến trong báo chí, đặc biệt là bất đồng về vấn đề tư tưởng và chính trị, nhưng tôi sẵn sàng ủng hộ ông Trương Minh Tuấn trong việc xử lý truyền thông bẩn. Bất kỳ chế độ nào cũng không thể chấp nhận truyền thông bẩn”.

Thông báo của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết sau khi hết thời hạn đình bản tạm thời, bộ sẽ xem xét và quyết định về việc tiếp tục xuất bản tờ báo này.

Báo Tầm Nhìn được cấp phép hoạt động từ tháng 3/2010 và khai trương chính thức vào tháng 6 cùng năm. Cơ quan chủ quản của tờ báo là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. - VOA

11.
Mẹ blogger Mẹ Nấm yêu cầu cho con gái gặp luật sư

Trước khi bị công an bắt đi hôm 20/10 vì bị buộc tội  “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) tuyên bố sẽ tuyệt thực cho tới khi gặp được luật sư. Hôm nay (28/10) đã là ngày thứ 18, nhưng gia đình và luật sư vẫn không được phép gặp Như Quỳnh. Mẹ cô, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, đã viết một thư ngỏ kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế lên tiếng để bà và luật sư được gặp cô, ít nhất là để biết tình trạng sức khỏe của Mẹ Nấm.

Bà Lan cho VOA biết bà đã nhiều lần lên cơ quan công an xin gặp con gái, cũng như yêu cầu cho con gái bà được gặp luật sư. Nhưng tất cả các yêu cầu của bà đều bị giới hữu trách Việt Nam từ chối:
“Họ có đưa cho tôi đọc một văn bản. Họ nói là chỉ được đọc thôi, chứ không được cầm về nhà, và cũng không thông báo cho luật sư của con gái tôi. Họ nói căn cứ theo Điều 58, Khoản 1, khi bị bắt về Điều 88 thì không cho gặp luật sư”.

Hiện bà Lan đang chăm sóc cho hai đứa con nhỏ của Như Quỳnh. Trong thư, bà Lan cho biết kể từ khi Như Quỳnh bị bắt, “cả gia đình tôi luôn sống trong sợ hãi. Mẹ tôi, tức là bà ngoại của Quỳnh năm nay ngoài 90 tuổi, luôn giật mình hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng động ngoài cổng. Nấm, con gái của Quỳnh trở nên ít nói, cháu thường nhốt mình trong phòng mỗi khi đi học về. Còn đứa con trai út của Quỳnh năm nay mới bốn tuổi, cháu liên tục khóc đòi mẹ và hỏi tôi những câu hỏi như dao cứa vào lòng”. Bà nói:
“Lo lắng và nóng ruột, hầu như tôi không ngủ được. Mong muốn lớn nhất của tôi là con tôi được tiếp cận với luật sư”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hà Luân, người bảo vệ pháp lý cho Mẹ Nấm, cho biết:

“Tôi chưa có bất kỳ sự trả lời nào từ cơ quan điều tra cả. Tôi đã làm toàn bộ, đầy đủ thủ tục theo quy định theo quy định của luật pháp rồi. Hiện tại, thời điểm này là đã quá 3 ngày kể từ khi tôi gửi hồ sơ của luật sư, nhưng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời nào”.
Blogger Mẹ Nấm được biết tiếng qua các hoạt động lên tiếng bảo vệ môi trường, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của những người bị bắt giữ oan sai. Cô cũng đã từng bị bắt năm 2009 vì các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn ở Biển Đông.

Nếu bị kết án theo Điều 88, Mẹ Nấm sẽ phải đối diện với án tù có thể lên đến 20 năm và trở thành một trong số khoảng 200 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Chính phủ Hoa Kỳ và các nước, cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đã bày tỏ quan ngại và lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức và vô điều kiện. - VOA

12.
Chống tham nhũng: Đánh chuột đã ra khỏi bình

Báo chí do Nhà nước quản lý đang thực hiện điều gọi là “dội bom tấn” lên cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, để vận động truy tố hình sự nhân vật đã về hưu này. Ông cựu Bộ trưởng bị cáo buộc thực hiện các phi vụ mua bán chức quyền gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng toàn cảnh bức tranh chống tham nhũng ở Việt Nam lại cho thấy tình hình không kết quả, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng hơn và đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Đảng đứng trên pháp luật
Ngày 27/10/2016 tại Hà Nội, Ông Trương Hòa Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực nhìn nhận là, vấn đề chống tham nhũng trong những năm qua hoàn toàn chưa thể đạt mục tiêu ngăn chặn, từng  bước đẩy lùi tham nhũng lãng phí. Tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay đang đe dọa đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ.
Theo báo điện tử Chính phủ và VietnamNet, lên tiếng tại một Hội nghị chuyên đề tổng kết 10 năm chống tham nhũng, ông Trương Hòa Bình cho rằng, cần xác định tiêu chí công khai, minh bạch phải là giải pháp đột phá cho phòng chống tham nhũng, đồng thời cần có cơ chế giám sát quyền lực nằm trong điều gọi là “giỏ” pháp luật.

Điều gì khiến Đảng và Nhà nước Việt Nam gần như bất lực trong cuộc chiến chống tham nhũng. Phải chăng vì tham nhũng dầy đặc từ trên xuống dưới khiến “đánh chuột sợ vỡ bình”, một phát biểu thời thượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trả lời chúng tôi vào tối 27/10/2016, ông Nguyễn Trung Dân cựu Phó Tổng Biên Tập phụ trách Báo Du lịch, người bị cách chức vào năm 2009 vì đăng một bài viết khích lệ tinh thần yêu nước trước họa bá quyền Trung Quốc, từ Saigon nhận định:
“Bao giờ mà pháp luật không được thượng tôn, luật pháp làm ra không bình đẳng vẫn có sự phân biệt giữa người này người khác, phân biệt nhân thân giữa người này người kia… tóm lại một câu, khi nào Đảng vẫn đứng trên pháp luật, Đảng chỉ huy pháp luật thì chắc chắn không thể có được sự gọi là minh bạch và rõ ràng để mà xử lý tham nhũng hết.”

Nhân vật xếp thứ 15/19 về vai vế trong Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình được VGP News và VietnamNet cùng nhiều báo khác dẫn lời nói rằng, trong 10 năm qua, trên toàn quốc có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; hơn 300.000 lượt cán bộ công chức bị chuyển đổi vị trí công tác. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn đề cao điều gọi là tới 99,5% viên chức, công chức cán bộ đã kê khai tài sản và thu nhập hằng năm.
Những con số mà Phó Thủ tướng Trương Hoa Bình liệt kê trở nên một loại hỏa mù thông tin vì ngay trong bài phát biểu, ông lại tái xác định là tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và xã hội.

Thể chế tạo tham nhũng
Trong bài phát biểu được Báo điện tử Chính phủ Việt Nam trích đăng,  Phó Thủ tướng Trương Hoa Bình nhấn mạnh rằng, tham nhũng vẫn đang là lực cản sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nhận định về phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Đăng Quang một cựu đại tá ngành Công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội cho biết ý kiến:
“25 năm đã qua 5 kỳ Đại hội Đảng, mỗi một kỳ Đại hội Đảng thì tình trạng tham nhũng càng nặng nề hơn, mức độ càng nghiêm trọng hơn và đối tượng phạm tội càng cao cấp hơn. Cho nên có thể nói là càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển. Theo tôi cơ chế này ở Việt Nam đẻ ra tệ nạn tham nhũng và bọn tham nhũng lại ra sức bảo vệ cơ chế này. Do vậy nếu giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển.”

Hội nghị chuẩn bị đề án tổng kết 10 năm chống tham nhũng theo Nghị quyết Đảng diễn ra ngày 27/10/2016 ở Hà Nội, trong bối cảnh báo chí nhà nước mở tổng chiến dịch, đòi truy tố cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Nhân vật này về hưu sau Đại hội Đảng XII và mới bị Ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo về mặt Đảng. Lý do vì trong hai nhiệm kỳ Bộ trưởng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Vũ Huy Hoàng đã thực hiện một số vụ bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ mờ ám gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, người đã bỏ trốn qua Âu châu và bị truy nã quốc tế. Ông này bị cáo buộc chịu trách nhiệm cao nhất làm thất thoát 3.300 tỷ, trong thời gian làm Chủ tịch Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC.  
Nếu như cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sau kỷ luật Đảng sẽ bị truy tố,  thì có lẽ ông là nhân vật cao cấp nhất bị truy tố hình sự, dù đã là cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng. Câu chuyện này làm nhiều người nhớ lại vụ tài sản bất minh của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ, ông này bị bêu xấu nhưng không bị truy tố.

Sợ uy con hổ già
Trong 10 năm qua, các vụ án chống tham nhũng liên quan tới Đảng viên, cán bộ cao cấp đang tại chức là rất hiếm. Ông Nguyễn Trung Dân cựu Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Du Lịch nhận định:
“Ông Tổng Bí thư nói rồi, đánh con chuột ở trong bình sợ nó vỡ bình thì sao… cho nên con chuột nó phải ra khỏi bình thì ông ấy mới đánh thôi…con chuột đó dù là ông Bộ trưởng hay Thủ tướng thì phải ra khỏi bình thì ông ấy đánh…còn trong bình thì ông ấy phải bảo vệ thôi…Thực chất là không thể đánh vì bởi vì có những luật riêng, ông Minh Phó Giám đốc Công an TP.HCM nói có luật riêng đảng viên không được đưa ra xử…Thành ra chỉ khi nào ông Tổng Bí thư bật đèn xanh thì mới đánh, mấy ông không bật đèn xanh thì thôi…”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được mô tả là người giơ cao ngọn cờ chống tham nhũng làm trong sạch Đảng, để tìm kiếm hậu thuẫn của lớp đảng viên trung kiên. Giới quan sát cho rằng, hoặc là ông Trọng chưa tập trung quyền lực đủ mạnh, hoặc là tham nhũng, lợi ích nhóm đã trở thành căn bệnh trầm kha bắt rễ trong hệ thống chính trị, cho nên ông Tổng Bí thư hành xử rất thận trọng và vì thế quá chậm chạp trong vấn đề làm trong sạch Đảng.
Điển hình là để “đả” một con hổ già nanh vuốt đã cùn như cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mà đường đường một ông Tổng Bí thư phải mấy lần trực tiếp ra lệnh đánh một anh Phó Chủ tịch tỉnh là Trịnh Xuân Thanh. Ông Tổng Bí thư được cho là đã huy động toàn bộ công cụ truyền thông Nhà nước để moi móc việc ông Phó Chủ tịch Hậu Giang đi xe tư tiền tỷ gắn biển số công. Rồi từ đó mới có cớ điều tra làm rõ các vấn đề chạy quyền, chạy chức và vấn đề cựu Bộ trưởng Công thương nhắm mắt làm ngơ sai phạm lớn của ông Trịnh Xuân Thanh ở Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí.

Trong dịp trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon cho rằng, Tổng Bí thư phải có hành động thực sự quyết liệt để chống tham nhũng tới nơi tới chốn, chứ không phải chỉ làm một vài vụ để tuyên truyền. Ông nói:
“Đòi hỏi của xã hội, của nhân dân kể cả trong nội bộ Đảng cũng mong muốn là những vụ án gần đây cần phải làm tới nơi tới chốn. Như vụ AGV Mobiphone, vụ Núi Pháo, vụ Formosa rồi vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinaconex ...Nếu không làm tới nơi tới chốn thì có lẽ uy tín của Đảng sẽ thiệt hại vô cùng lớn…”

Ngày 17/10/2016 khi tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo Dân Trí online dẫn lời nói rằng, cần thiết cơ chế kiểm soát quyền lực và về điều gọi là “ Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế lập pháp”.
Phát biểu đáng chú ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có khả năng hiện thực hay không. Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội nhận định:
“Tôi cho rằng tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có tác dụng làm khích lệ tinh thần một số đảng viên. Nó không có giá trị thực tiễn, bởi vì ở Việt Nam giữa bộ khung quyền lực với những qui định của pháp luật và việc thực thi nó là có sự khác nhau rất xa.”

Sự độc tài, thối nát, thoái hóa, thực hiện kinh tế Xã hội Chủ nghĩa thất bại, đã khiến các đảng Cộng sản từng cai trị hàng chục thập niên ở Đông Âu bị xóa sổ. Rồi chính cái nôi khai sinh ra chế độ Xã hội Chủ nghĩa là Liên Xô cũng đã bị tan rã vào năm 1991. Đảng Cộng sản Việt Nam tất nhiên ý thức điều này rất rõ.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lý luận chủ nghĩa Mác Lê sẽ có được sức mạnh thần kỳ nào, để sống mái với các nhóm quyền lực và lợi ích đang xâu xé nền kinh tế Việt Nam. Hay là ông sẽ phải dựa vào uy lực của nhóm lợi ích mạnh nhất, hầu có thể thực hiện kế hoạch đả hổ diệt ruồi. - RFA

Không có nhận xét nào: