Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Đối thoại thương mại Mỹ-Trung đầu tiên thời Trump không đạt kết quả - Trọng Nghĩa

media
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steve Mnuchin ( trái ), bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross ( phải ) và Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương ( giữa ) tại Washington ngày 19/07/2017.REUTERS/Yuri Gripas Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm qua, 19/07/2017 đã kết thúc cuộc đối thoại kinh tế thương mại đầu tiên thời tổng thống Donald Trump mà không loan báo được một kết quả nào. Thậm chí các cuộc họp báo được dự trù sau cuộc họp đã bị hủy bỏ vào giờ chót, một dấu hiệu phản ánh bế tắc trong đàm phán.<!>
Cuộc họp mở ra tại Washington là sự tiếp tục của một cơ chế đã vận hành dưới hai chính quyền Mỹ tiền nhiệm, nhưng đã được chính quyền Donald Trump đổi tên thành « Đối Thoại Kinh Tế Toàn Diện Mỹ-Trung – US-China Comprehensive Economic Dialogue ». Phái đoàn Mỹ do hai bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và Thương Mại Wilbur Ross dẫn đầu, còn trưởng đoàn phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Uông Dương.
Về mặt chính thức, Hoa Kỳ tuyên bố rằng cuộc họp đã có kết quả. Trong một thông cáo công bố sau cuộc họp, phía Mỹ khẳng định rằng « Trung Quốc công nhận mục tiêu chung là giảm thâm thủng mậu dịch » và hai bên « sẽ cùng hợp tác để đạt được mục tiêu ». Mỹ tiếp tục yêu cầu một quan hệ thương mại Mỹ-Trung « bình đẳng và có lợi cho cả hai bên ».
Tuyên bố này tuy nhiên đã không nói gì về thực tế được hãng tin Pháp AFP ghi nhận là hai bên đã có những trao đổi « thẳng thừng » khác thường, trong khi tất cả các cuộc họp báo được dự kiến đều bị hủy bỏ.
Theo hãng tin Anh Reuters, sau cuộc họp, trưởng đoàn Trung Quốc là phó thủ tướng Uông Dương đã bỏ về ngay mà không có bất cứ phát biểu nào với nhà báo. Trước đó, ông Uông Dương từng cảnh báo về hậu quả tai hại từ một cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước.
Một quan chức Mỹ cao cấp đã thừa nhận rằng hai bên đã không đạt được bước tiến nào về hầu hết những vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng đối với Washington, chẳng hạn như yêu cầu của Mỹ được dễ dàng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, giảm thuế xe hơi, cắt trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước…
Đối thoại thương mại Mỹ-Trung đầu tiên thời Trump như vậy đã không đạt kết quả và không khí này khác hẳn với cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình ở Florida hồi tháng 4, khi ông Trump khen ngợi vị khách Trung Quốc là đã có nỗ lực tác động lên Bắc Triều Tiên và điều đó có thể góp phần cải thiện quan hệ thương mại với Mỹ.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh đó, hai lãnh đạo còn nhất trí với kế hoạch 100 ngày nhằm cải thiện quan hệ thương mại, thế nhưng đến nay chưa có sáng kiến mới nào được đưa ra và ông Trump ngày càng bất mãn với tình trạng Bắc Kinh không chịu gây thêm sức ép trên Bình Nhưỡng.

Liên Hiệp Quốc : Trung Quốc cản đường Mỹ trừng phạt Bắc Triều Tiên

media
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất tại Hội Đồng Bảo An ngày 05/07/2017.REUTERS/Mike Segar
Để trừng phạt Bắc Triều Tiên về vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 04/07/2017, Liên Hiệp Quốc muốn nhanh chóng đưa ra những biện pháp mới. Tuy nhiên, ngày 19/07/2017, nhiều lãnh đạo ngoại giao cho biết Hoa Kỳ vẫn đang sa lầy trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley từng tuyên bố sẽ nhanh chóng trình dự thảo nghị quyết mới nhằm trừng phạt hành vi « ngày càng leo thang quân sự rõ rệt » của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo một số nhà ngoại giao tại Hội Đồng Bảo An, các cuộc đàm phán diễn ra « khá chậm chạp »  « không có sự đột phá nào, bất chấp sức ép từ phía Hoa Kỳ để tiến hành nhanh hơn thường lệ ».
Phát biểu với AFP, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) nhận định « chưa có tiến triển » trong các cuộc đàm phán và ông « không nghĩ là sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận về dự thảo nghị quyết » vì « đây là một vấn đề phức tạp ».
Những biện pháp trừng phạt mới được nêu trong bản dự thảo do phía Mỹ đệ trình gồm : cấm vận xăng dầu, cấm sử dụng lao động Bắc Triều Tiên được đưa ra nước ngoài, áp dụng những biện pháp hạn chế về hàng không và hàng hải.
Các cuộc đàm phán trở nên khó khăn, vì phía Nga khẳng định loại tên lửa được Bình Nhưỡng bắn thử hôm 04/07 là loại tên lửa tầm trung, chứ không phải là tên lửa liên lục địa.
Trong khi đó, ngày 20/07, đài truyền hình CNN của Mỹ đưa tin dường như Bắc Triều Tiên lại đang chuẩn bị bắn thử tên lửa mới, có thể diễn ra trong hai tuần nữa. Theo hai nguồn tin ẩn danh của CNN, các vệ tinh của Mỹ đã phát hiện ra những hình ảnh mới và sóng rada cho thấy Bắc Triều Tiên có thể sẽ thử thành phần và cơ sở kiểm soát tên lửa cho một vụ thử tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa tầm trung.
Ngày 20/07, Bình Nhưỡng vẫn chưa trả lời đề xuất của tổng thống Hàn Quốc đàm phán quân sự và nhân đạo tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm, dự kiến diễn ra ngày 21/07.

Trung Quốc : Tập Cận Bình củng cố quyền lực trước Đại Hội Đảng

media
Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhi ( thứ hai từ bên phải ) tại một cuộc họp Quốc Hội Trung Quốc ngày 08/03/2017.REUTERS/Jason Lee
Lãnh đạo đảng thành phố Trùng Khánh, một thành phố lớn tây nam Trung Quốc bất ngờ bị thay đổi, trong lúc chỉ còn vài tháng nữa đảng Cộng Sản Trung Quốc tổ chức Đại Hội lần thứ 19.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là một trong những động thái cho thấy rõ tham vọng củng cố quyền lực chủ tịch Tập Cận Bình.
Nếu như việc ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc nhiệm kỳ hai là điều hầu như chắc chắn, thì vấn đề chính hiện nay là : « Ai ở lại, ai ra đi ? » trong các cơ cấu lãnh đạo tối cao, như Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, gồm 7 ủy viên. Các phe phái khác nhau trong đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngấm ngầm đối đầu nhau hòng áp đặt các ứng viên của mình.
Trong bối cảnh đó, một trong những sự việc đáng thu hút quan tâm của giới chuyên gia hiện nay là việc bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), 53 tuổi, từng được xem là một trong những ứng viên sáng giá cho vị trí ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, đã bị cách chức và bị điều tra về tội tham nhũng. Ông Trần Mẫn Nhi (Chen Miner), một người thân tín của chủ tịch Tập Cận Bình, lên thay.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia chính trị Trung Quốc, được AFP trích dẫn, Tôn Chính Tài thất sủng vì đã thất bại trong việc bài trừ tận gốc « tàn dư độc hại » của Bạc Hy Lai, đối thủ tiềm tàng của ông Tập Cận Bình trước đây. Còn theo trích dẫn của tờ South China Morning Post, dường như ông Tôn đã « gián tiếp hay trực tiếp » cản trở đến kế hoạch nhân sự của ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm ông Trần Mẫn Nhi giữ chức bí thư thành ủy Trùng Khánh, một đô thị lớn, còn nhằm triệt phá các vây cánh của những người tiền nhiệm. Hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, tuy đã về hưu, vẫn còn ảnh hưởng rất lớn.
Đây cũng là một đòn cảnh cáo mà ông Tập Cận Bình nhắm vào các đối thủ chính trị, trước cuộc họp của giới lãnh đạo các thành phố vào tháng 08/2017 bên bờ biển Bắc Đới Hà, để bàn về vấn đề nhân sự cho đại hội Đảng, dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay.
Quyết định cách chức Tôn Chính Tài và bổ nhiệm Trần Mẫn Nhi cho thấy Tập Cận Bình « có một tiếng nói quan trọng trong nội bộ Đảng, và chủ tịch Trung Quốc có thể thực hiện theo ý riêng trong việc quy hoạch cán bộ », như nhận định của một chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Luật và Khoa Học Chính Trị Thượng Hải với AFP.
Cuối cùng giới chuyên gia cho rằng, về dài hạn, quyết định bổ nhiệm Trần Mẫn Nhi cho thấy quyết tâm củng cố quyền lực của Tập Cận Bình trong đảng Cộng Sản trong nhiều thập niên tới. Vì chủ tịch Trung Quốc chỉ được quyền làm hai nhiệm kỳ, do đó, ông Tập muốn bảo đảm vẫn duy trì kiểm soát được Đảng một khi không còn tại vị.

Không có nhận xét nào: