Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 15/7 - Lê Minh Nguyên

Bắc Kinh chỉ trích một số nước "phá hoại" quan hệ ASEAN-Trung Quốc --- Không quân TQ nói đã thực hiện ‘nhiều’ cuộc diễn tập tầm xa trong tuần này --- TQ: Tập Cận Bình chỉ định người thân tín làm bí thư Trùng Khánh<!>

Trung Quốc kêu gọi các nước Đông Nam Á chấm dứt « các mối nghi ngờ » đang đe dọa quan hệ song phương.
Phát biểu tại hội thảo « 50 năm ASEAN : Một chương mới cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc », được tổ chức ở Jakarta, ngày 14/07/2017, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Từ Bồ (Xu Bu) cho rằng căng thẳng ở Biển Đông trong những năm gần đây bị « một số nước thao túng để đầu độc bầu không khí hợp tác trong vùng và phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN », trong khi đó, quan hệ kinh tế song phương được cải thiện, « Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 8 năm liên tiếp », với tổng trị giá trao đổi hàng hóa năm 2016 lên đến 452 tỉ đô la.

Theo trang News.com của Úc, phát biểu này nằm trong văn bản được được lưu hành sau đó, nhưng khác với diễn văn mà đại sứ Trung Quốc đọc tại hội thảo.

Những chỉ trích trên dường như ám chỉ đến những tuyên bố của thủ tướng Úc và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hồi tháng 06/2017.
Tại diễn đàn an ninh Shangri La, ở Singapore, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu lên những quan ngại ngày càng lớn trong vùng về các hoạt động của Trung Quốc. Đây cũng là quan điểm của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis, khi đánh giá các hoạt động đó « coi thường luật pháp quốc tế »và « lợi ích của các nước khác ».

Ông Edy Prasetyono, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc đại học Indonesia, khẳng định, đối với các nước Đông Nam Á, quan hệ thương mại ngày càng phát triển với Bắc Kinh là không đủ. Theo ông, « ASEAN và Trung Quốc phải tìm ra những phương pháp và giải pháp cho một số vấn đề địa chính trị và địa chiến lược » và đây là một nhiệm vụ khó khăn trong tương lai.
Trung Quốc nới lỏng thủ tục visa cho du khách Philippines

Trong bối cảnh quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh được cải thiện, Trung Quốc « cam kết » nới lỏng điều kiện cấp thị thực cho du khách Philippines. Thông báo của giám đốc bộ phận đối ngoại của Cơ quan Du lịch Trung Quốc được đưa ra sau khi đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang xem xét miễn thị thực cho công dân Philippines.

Hiện tại, du khách Philippines hay Trung Quốc đều cần thị thực du lịch đến nước kia. Lượng du khách Trung Quốc chiếm vị trí thứ ba tại Philippines, sau Hoa Kỳ và Hàn Quốc, trong khi du khách Philippines chiếm vị trí thứ 10 tại Trung Quốc. - RFI

***
Không quân Trung Quốc hôm thứ Bảy cho biết những máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của họ đã thực hiện "nhiều" cuộc diễn tập tầm xa ngoài khơi trong tuần này, bao gồm bay gần Nhật Bản và đảo Đài Loan tự trị, và họ nói việc này là để kiểm tra khả năng hoạt động của họ trên biển.

Trong một thông cáo đăng trên trang tiểu blog chính thức của mình, không quân cho biết máy bay của họ đã bay qua cả Eo biển Miyako - giữa những đảo phía nam của Nhật Bản - lẫn Eo biển Ba Sĩ ngăn cách Đài Loan và Philippines.

"Không quân Trung Quốc tuần qua đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập trên biển với máy bay ném bom H-6K và nhiều loại máy bay khác bay qua Eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako, kiểm tra khả năng chiến đấu thực sự trên biển," thông cáo nói
Những cuộc diễn tập này là một phần trong những cuộc tập trận thường lệ được lên kế hoạch cho năm nay, phù hợp với luật pháp và tập tục quốc tế và không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào, không quân nói thêm.

Họ nói rằng những cuộc diễn tập như vậy sẽ tiếp diễn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Sáu bảo Nhật Bản hãy "quen với chuyện này" sau khi họ cho sáu máy bay chiến đấu bay qua Eo biển Miyako.

Trung Quốc vẫn đang khẳng định vị thế của mình trong những tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh cũng lo ngại về Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình nhưng được quản lý bởi một chính phủ mà Trung Quốc e là đang muốn độc lập.

Bắc Kinh chưa bao giờ bác bỏ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan và đã cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào hướng tới độc lập chính thức có thể khơi ra một phản ứng quân sự.

Trung Quốc đang trong giai đoạn thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng bao gồm đóng hàng không mẫu hạm và chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình, để cho nước này khả năng thể hiện sức mạnh của mình cách xa bờ. - VOA

***
Nổi tiếng trung thành với Tập Cận Bình, ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc, ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), được chỉ định vào chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh vào ngày 15/07/2017. Giới phân tích xem đây là một nước cờ để chủ tịch Trung Quốc chuẩn bị cho Đại Hội Đảng vào mùa thu 2017.
Hãng tin Reuters không loại trừ khả năng tân bí thư thành ủy Trùng Khánh được đề cử vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị. Ông Trần Mẫn Nhĩ, 57 tuổi, cũng là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sắp tới. 

Cuối năm 2012, hơn một tháng sau khi Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch nước, ông Trần được đề cử vào chức vụ chủ tịch tỉnh Quý Châu (Guizhou). Ba năm sau, vẫn tại Quý Châu, ông trở thành một trong những bí thư tỉnh ủy trẻ nhất nước. Trong thời gian từ 2007 đến 2012, ông Trần Mẫn Nhĩ giữ chức phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang và làm việc dưới quyền bí thư tỉnh ủy, khi đó là Tập Cận Bình. 
Ông Trần Mẫn Nhĩ vừa được cất nhắc vào chức vụ bí thư Trùng Khánh, thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai). Có nhiều nguồn tin cho rằng, ông Tôn vốn được xem là một nhân vật có triển vọng thăng tiến, vừa bị "chỉ trích" là đã thiếu nghị lực trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của bè phái gia đình Bạc Hy Lai (Bo Xilai). Năm 2013, ông Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng. - RFI

2.
Tro của Lưu Hiểu Ba được rải xuống biển

Tro của ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc đoạt giải Nobel Hòa bình vừa qua đời, đã được rải xuống biển hôm thứ Bảy, anh của ông Lưu cho biết, trong một hành động mà một người bạn của gia đình mô tả là nhằm xóa bỏ mọi ký ức về ông.
Ông Lưu, 61 tuổi, qua đời vì rối loạn chức năng đa cơ quan hôm thứ Năm tại một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, nơi ông được chữa trị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được thả ra khỏi tù vì lý do y tế nhưng không được trả tự do.

Ông bị tống giam vào năm 2009 vì tội "kích động lật đổ quyền hành nhà nước" sau khi viết một bản kiến nghị được gọi là "Hiến chương 08" kêu gọi cải cách chính trị rộng rãi ở Trung Quốc.
Góa phụ của ông, bà Lưu Hà, đã bị quản thúc tại gia trên thực tế kể từ khi chồng bà đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng chỉ được phép thăm ông trong tù mỗi tháng khoảng một lần. Bà chưa bao giờ chính thức bị truy tố về tội trạng nào.

Phát biểu tại một cuộc họp báo do chính phủ tổ chức, ông Lưu Hiểu Quang, anh của ông Lưu Hiểu Ba, nhiều lần cảm ơn Đảng Cộng sản vì sự chăm sóc chu đáo xét tới "tình huống đặc biệt" của nhà bất đồng chính kiến này.

Ông cho biết bà Lưu Hà không có mặt vì “hiện tại sức khỏe của cô ấy rất yếu.”
Sau đó ông được hộ tống ra ngoài và không trả lời câu hỏi của các nhà báo vây quanh ông.

Chính phủ sau đó cho báo giới xem hình ảnh tro được rải rác từ một chiếc thuyền.
Một viên chức thông tin của chính quyền thành phố cho biết bà Lưu Hà và ông Lưu Hiểu Quang đã quyết định rải tro xuống biển.
Nhưng ông Hồ Gia, người bạn thân và cũng là nhà bất đồng chính kiến, nói với hãng tin Reuters rằng động cơ đằng sau quyết định hải táng là "không để lại thứ gì để tưởng nhớ ông ấy trên đất Trung Quốc" và vì thế những người ủng hộ ông không thể dựng đền thờ để đến viếng.

Ông Hồ nói trong số những người bạn của ông Lưu ai cũng biết rằng anh trai của ông không đồng ý với quan điểm chính trị của ông, và rằng việc ông xuất hiện trước truyền thông đại diện cho bà Lưu Hà và gia đình là một hành động vì lợi ích bản thân không màng tới người khác.
"Mức độ của những việc mà chính quyền có thể làm luôn vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, họ luôn có cái gì đó tệ hơn tưởng tượng được hoạch định sẵn," ông Hồ nói về cuộc họp báo.

Nicholas Bequelin, Giám đốc Khu vực Đông Á của tố chức Ân xá International, viết trên Twitter rằng cuộc họp báo là "một trong những màn diễn chính trị thô bỉ, tàn nhẫn và vô tình nhất mà tôi từng chứng kiến."
Quan chức thông tin của chính quyền thành phố cho biết bà Lưu Hà "hiện đang được tự do" và nói thêm rằng là công dân Trung Quốc, các quyền của bà sẽ được bảo vệ theo luật pháp.

Quan chức này không nói bà hiện đang ở đâu. - VOA

3.
Mỹ tăng chế tài doanh nghiệp Trung Quốc dính líu với Bắc Triều Tiên --- Nguyên liệu hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể nhiều hơn dự đoán

Bất mãn vì Trung Quốc chưa nỗ lực trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong vài tuần tới, chính quyền Mỹ có thể ban hành các chế tài mới đối với các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc cùng các công ty khác làm ăn với Bình Nhưỡng, hai giới chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Các biện pháp này có thể ảnh hưởng các định chế tài chính nhỏ và các công ty có liên hệ đến các chương trình phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vẫn theo nguồn tin này.

Các ngân hàng lớn có thể sẽ không bị ảnh hưởng.

Thời điểm và phạm vi chế tài sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cách Bắc Kinh phản hồi đối với các áp lực đòi mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng khi giới chức Mỹ-Trung gặp nhau tại cuộc đối thoại kinh tế cấp cao ở Washington vào thứ tư tuần sau, các nguồn tin trong chính quyền Trump cho hay.
Các giới chức Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với áp lực kinh tế-thương mại với Mỹ nếu không nỗ lực hơn kìm chế nước láng giềng Bắc Triều Tiên.

Tin này được đưa ra giữa lúc đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley đang tìm cách vượt qua sự chống đối của Nga và Trung Quốc đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an áp đặt trừng phạt quốc tế nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington và Tòa Bạch Ốc chưa bình luận về tin này. - VOA

***
Các hình ảnh chụp tại một địa điểm hạt nhân chính của Bắc Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng có lẽ đã tái xử lý plutonium nhiều hơn mức người ta từng nghĩ và có thể dùng để mở rộng kho võ khí hạt nhân của nước này, theo đánh giá từ một cơ quan nghiên cứu của Mỹ ngày 14/7.

Phân tích của 38 North, một dự án giám sát Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Washington, được dựa trên các hình ảnh vệ tinh từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 6 năm nay giữa những quan ngại gia tăng về các chương trình phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cơ quan nghiên cứu này cho hay các hình ảnh của cơ sở tinh luyện uranium tại Yongbyon cũng có thể là chỉ dấu cho thấy vận hành của các lò ly tâm có thể được dùng để gia tăng trữ lượng uranium tinh luyện của Bình Nhưỡng.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy có hoạt động ít nhất trong ngắn hạn tại Lò phản ứngnước nhẹ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên, 38 North cho biết.

Những hình ảnh ghi nhận được cho thấy có ít nhất 2 chu kỳ tái xử lý chưa được biết trước đây nhằm sản xuất "một lượng plutonium chưa rõ bao nhiêu có thể tăng cường cho kho võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên," điều có thể khiến các giới chức Mỹ quan ngại.
Chưa rõ liệu hoạt động vừa phát hiện tại nhà máy uranium này có phải là kết quả của việc vận hành hay bảo trì lò ly tâm.

Bình Nhưỡng sản xuất bom nguyên tử dùng uranium và plutonium và đã thử nghiệm 5 quả bom hạt nhân.
Người ta quan ngại rằng Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục vụ thử thứ sáu bất cứ lúc nào bất chấp những nỗ lực của Mỹ muốn ngăn chặn.

Theo ước tính của các chuyên gia của 38 North hồi tháng tư, Bắc Triều Tiên có thể có tới 20 bom hạt nhân và có thể sản xuất thêm mỗi tháng một quả bom hạt nhân. - VOA

4.
Hồng Kông: Phe đối lập mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng

Hôm qua 14/07/2017, Tòa Án Tối Cao Hồng Kông tuyên bố truất quyền nghị sĩ của bốn tân dân biểu đòi độc lập cho Hồng Kông đắc cử hồi tháng 10/2016 vì họ không tuyên thệ đúng theo quy định. Điều này có nghĩa là phe đối lập từ nay mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng tại Hội đồng lập pháp.
Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :

« Bốn cộng hai bằng sáu ». Bốn dân biểu vừa mất ghế, giống hai người khác đã từng bị truất quyền nghị sĩ. Hai nghị sĩ trẻ đòi độc lập nói trên bị cấm tham gia Nghị Viện. Thực ra, họ chưa từng được tham gia Quốc Hội. Mất sáu ghế ở Legco (Hội đồng lập pháp), phe đối lập đã mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng. 
Hoàng Chi Phong, lãnh đạo trẻ tuổi của đảng đối lập mới Demosisto phát biểu : « Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất chống nền dân chủ của chúng ta ». 

Quyết định trên của Tòa cũng đã bị Mỹ chỉ trích. Dân biểu Mỹ Chris Smith tuyên bố : « Xảy ra chỉ một ngày sau khi giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời, việc này như một lời nhắc nhở lạnh lùng rằng Bắc Kinh ghét và rất sợ tự do ngôn luận ». Còn thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio đăng trên Twitter : « Nền dân chủ của Hồng Kông đang tiếp tục bị Trung Quốc tàn phá mạnh mẽ ». 
Tối hôm qua, nhiều nhóm đã tụ tập phản đối trước trụ sở Hội đồng lập pháp. Những người bị truất quyền nghị sĩ không chỉ hứa kháng án mà còn hứa sẽ ra ứng cử ngay khi các kỳ bầu cử bổ sung được tổ chức. 

Tất nhiên, điều này chỉ có thể diễn ra nếu họ không bị cấm ra ứng cử. - RFI
5.
Iran quy trách Mỹ về bất ổn, bác bỏ biệt danh ‘nhà nước bất hảo’

Iran hôm thứ Bảy nói rằng những chính sách mà nước này gọi là "tùy tiện và mâu thuẫn" của ông Donald Trump đã tạo nên những mối đe dọa an ninh toàn cầu, và bác bỏ biệt danh "nhà nước bất hảo" mà Tổng thống Mỹ gán cho Tehran.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đã tăng lên kể từ khi ông Trump đắc cử. Ông thường nêu đích danh Tehran là nước hậu thuẫn chính cho những nhóm chủ chiến.

"Trump phải tìm lý do cho việc lật đổ và nổi loạn trong những chính sách và hành động tùy tiện và mâu thuẫn của chính mình, cũng như những chính sách và hành động của những đồng minh ngạo mạn, hung hăng và chiếm đóng nước khác trong vùng," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi nói, được dẫn lời bởi thông tấn xã nhà nước IRNA.

Tổng thống Trump hôm thứ Năm nói rằng các mối đe dọa mới đang xuất hiện từ "các chế độ độc tài như Bắc Triều Tiên, Iran và Syria và các chính phủ tài trợ và hỗ trợ cho bọn họ."
Các quan chức cao cấp Iran quy trách Ả-rập Saudi, đồng minh của Mỹ và là đối thủ chính trong vùng của Iran, về tình trạng bất ổn và các vụ tấn công ở Trung Đông, bao gồm các vụ tấn công vào tháng trước làm 18 người thiệt mạng ở Tehran.

Ả-rập Saudi phủ nhận có dính líu vào các vụ tấn công mà Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm thực hiện.
Dù ông Trump tiếp tục chỉ trích Tehran, một quan chức cao cấp của Mỹ hôm thứ Năm cho biết Tổng thống "có nhiều phần chắc" sẽ tuyên bố rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký kết với các cường quốc thế giới, dù ông tiếp tục có những nghi ngại về thỏa thuận này. - VOA

6.
Thủ lĩnh IS tại Afghanistan bị hạ sát

Thủ lĩnh Abu Sayed của Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan bị hạ sát trong một đợt không kích nhắm vào trụ sở của IS trong tỉnh Kunar mấy ngày trước, theo loan báo từ Ngũ Giác Đài ngày 14/7.
Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Dana White, cho biết ngoài ra còn có một số thành viên IS khác cũng bị thiệt mạng trong trận không kích đó.

Sayed là thủ lĩnh thứ ba của Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan bị hạ sát kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay.
Cựu thủ lĩnh Abdul Hasib thiệt mạng trong chiến dịch chung giữa Mỹ với Afghanistan hôm 27/4 tại tỉnh Nangarhar. Người tiền nhiệm của Hasib tên là Hafiz Saeed Khan tử vong trong cuộc không kích do máy bay không người lái của Mỹ thực hiện năm ngoái. - VOA

7.
Raul Castro lên án chính sách về Cuba của Trump

Chủ tịch Cuba lần đầu tiên công khai phản đối việc Tổng thống Trump 'rút ván' chủ trương của ông Obama làm nồng ấm hơn quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch Raul Castro nói: "Những nỗ lực để phá hoại cuộc cách mạng" sẽ thất bại.

Ông Trump đã và đang siết thêm hạn chế đối công dân Mỹ đi tới Cuba và kinh doanh với đất nước cộng sản này.
Tuy nhiên, đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana, vốn được Tổng thống Barack Obama mở lại, vẫn được hoạt động.

Ông Castro phát biểu trước quốc hội của Cuba. Đây là bình luận trước công chúng đầu tiên của mình về các thay đổi về chính sách mà ông Trump công bố cách đây một tháng.

Truyền thông nhà nước Cuba dẫn lời ông Castro nói rằng ông Trump đã sử dụng "lối hùng biện cũ kỹ và thù địch" và đã quay lại "cuộc đối đầu thất bại toàn diện hơn 55 năm".

Ông nói: "Chúng ta bác bỏ chiêu bài dùng chủ đề về nhân quyền để chống Cuba.
"Cuba có thể tự hào hơn nhiều trong lĩnh vực này và không cần phải nghe Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào rao giảng."

Ông Trump tuyên bố thay đổi chính sách của mình trong bối cảnh có quan ngại về nhân quyền được nhiều người bỏ Cuba trốn sang Miami nêu ra.
Ông Castro nói tiếp: "Cuba và Hoa Kỳ có thể hợp tác và cùng sống bên nhau, tôn trọng sự khác biệt của nhau".
Ông Castro sẽ từ nhiệm ghế chủ tịch trong bảy tháng nữa, nhưng sẽ vẫn là người đứng đầu Đảng Cộng sản của tại Cuba. - BBC

8.
Nga cảnh báo có quá nhiều gián điệp Mỹ tại Matxcơva

Ngày 14/07/2017, Nga tuyên bố có quá nhiều điệp viên Mỹ hoạt động tại Matxcơva dưới vỏ bọc ngoại giao và không loại trừ khả năng trục xuất một số người để đáp trả việc 35 nhà ngoại giao Nga bị Washington trục xuất vào năm 2016.
Lời cảnh báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, thể hiện sự tức giận của Nga trước việc chính quyền Trump từ chối trả lại cho Nga hai trung tâm ngoại giao Nga mà chính quyền Mỹ tịch biên ở New York và Maryland, cũng như việc Washington từ chối cấp visa cho các nhân viên ngoại giao mới của Nga sang thay thế đồng nghiệp bị trục xuất. 

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, « số lượng nhân viên sứ quán Mỹ tại Matxcơva nhiều hơn so với số nhân viên ngoại giao Nga tại Washington ». Vì vậy, một trong số các lựa chọn là trục xuất bớt nhân viên Mỹ để cân bằng số lượng. Ngoài ra, « có quá nhiều nhân viên của CIA và của đơn vị tình báo Lầu Năm Góc làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao Mỹ và hoạt động của họ không hề phù hợp với chức vụ ». 
Ngoài đe dọa trục xuất nhân viên ngoại giao, bà Maria Zakharova cảnh báo Nga có thể cấm các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng một ngôi nhà phụ (datcha) và một nhà kho ở Matxcơva.

Hãng tin Reuters nhắc lại là quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai trung tâm của Nga được chính quyền Obama đưa ra vào tháng 12/2016 nhằm đáp trả vụ tấn công tin học vào đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mà Nga bị Washington cáo buộc đứng sau giật dây. Thay vì đưa ra biện pháp trả đũa tương tự, tổng thống Nga Putin đã quyết định chờ xem thái độ của tân chính quyền Donald Trump. - RFI

9.
Trung Quốc có thể làm bá chủ thế giới?

Liên quan đến châu Á, hồ sơ của Le Courrier Internationaltuần này đặt câu hỏi "Trung Quốc, bá chủ thế giới?"
Trong một thế giới bất định mà nước Mỹ đang dần dà rút lui, Trung Quốc bỗng dưng có vẻ đáng tin và biết điều hơn. Cam kết về khí hậu, rồi đến dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ dọc theo « Con đường tơ lụa mới », Tập Cận Bình sẽ là người đứng đầu một đất nước viễn kiến, một mô hình mới cần phải theo ?
Trump đã nhường đại lộ thênh thang cho Tập

Trước hết, tờ báo Pháp trích dịch một số báo nước ngoài để tìm cách lý giải « Làm thế nào Donald Trump đã nhường lại cả một đại lộ cho Trung Quốc ». Thứ nhất, theo The New York Times, thì qua việc từ bỏ Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà người tiền nhiệm Obama đã mất năm năm để tạo dựng. 

Cây bút xã luận Thomas Friedman sau một chuyến đi châu Á đã nhận xét : « Trump không phải là nhà thương lượng tài ba, mà là một người vô tích sự đã làm giảm sút ảnh hưởng Mỹ tại khu vực này, giúp cho Trung Quốc tìm lại sức mạnh. Nay ông Trump cố gắng một mình một ngựa điều đình với Bắc Kinh việc mở cửa cho thương mại, thay vì với tư cách nước đứng đầu cả một khối 12 quốc gia dựa trên các giá trị Mỹ, và chiếm đến 40% trọng lượng kinh tế thế giới. Khó thể tưởng tượng ra điều gì ngu ngốc hơn ».
Động thái thứ hai, là quyết định rút khỏi hiệp định khí hậu Paris. Theo trang Politico, đây là « món quà mang tính chiến lược to lớn nhất dành cho Trung Quốc, đang khao khát lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại ». Nhưng Bắc Kinh có xứng đáng không ? Trung Quốc vẫn đang là nước thải khí carbonic nhiều nhất hành tinh, và còn xuất khẩu, tài trợ cho khoảng một trăm nhà máy điện chạy bằng than đá tại các nước liên quan đến « Con đường tơ lụa mới ».

Thứ ba, là có thái độ nhập nhằng về Biển Đông. Chuyên gia hàng hải Mark J.Valencia trên Straits Times nhận định khu vực này là nơi cạnh tranh nhằm thống trị về quân sự. Ông Trump tuy vẫn tiếp tục chính sách bảo vệ tự do hàng hải của ông Obama, nhưng lại là một chiến lược « tùy cơ ứng biến ».

Bắc Kinh không thể bỏ lỡ dịp may

« Tất cả tập hợp lại phía sau Bắc Kinh », đó là lời kêu gọi của Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), đăng trên tờ Lianhe Zaobao của Singapore cho rằng, cộng đồng quốc tế chờ đợi Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong thế giới toàn cầu hóa. Theo nhà chính trị học gốc Hoa này, phương Tây đang gặp khủng hoảng, thế nên chiếc ghế « anh cả » dành cho Bắc Kinh là logic.

Tác giả cho rằng Trung Quốc không nên bỏ qua cơ hội tuyệt vời để nhảy lên hàng đầu trên trường quốc tế. Xu hướng hiện nay -  tập trung cho tăng trưởng trong nước - tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây, là do chưa giải quyết xong những khó khăn nội tại từ làn sóng toàn cầu hóa thứ nhất. Nhưng hiện tượng này sẽ không kéo dài, và phương Tây một lần nữa sẽ quay lại với toàn cầu hóa.

Theo ông Trịnh Vĩnh Niên, nay đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới và cường quốc thương mại hàng đầu, nếu Trung Quốc không đủ năng lực thì còn ai khác ? Trung Quốc đã từng cất cánh nhờ vào đầu tư nước ngoài trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20. Cho dù ngày nay vẫn còn cần đến tư bản ngoại quốc để nâng tầm kỹ nghệ, tuy nhiên một số lãnh vực đang bão hòa, sản xuất thừa khiến Bắc Kinh cũng nên đầu tư ra nước ngoài.

Tác giả khuyến dụ, cần phải có một cái nhìn thực dụng thay vì chìm đắm vào ý thức hệ, vì trật tự kinh tế thế giới tự do có lợi cho Trung Quốc. Trong quá khứ, các nước phương Tây cũng đã từ giai đoạn thiếu vốn chuyển sang dư thừa, và để giải quyết, họ dùng chính sách ngoại giao đại bác, buộc các nước khác mở cửa để khai thác nguồn lợi thiên nhiên, và thế giới trở thành thị trường của mình. Nhưng thời buổi thực dân đã qua lâu rồi. 

Nếu trước đây, phương Tây dùng đến sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề trật tự kinh tế, thì nay hầu hết các nước tuân thủ những quy định và luật lệ của các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trung Quốc nay là thành viên và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các tổ chức này, nên cần phải tranh thủ.

Con đường tơ lụa mới : Kế hoạch Marshall kiểu Trung Hoa ?

Liên quan đến dự án « Một vành đai, một con đường », viết tắt là OBOR và được mệnh danh là « Con đường tơ lụa mới », nguyệt san Hồng Kông Chengming cho đây là « Một sự bành trướng không hề là dòng sông êm đềm ». Kế hoạch khổng lồ này nhằm đánh bóng cho quyền lực Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ rơi vào khoảng không bất định.

Tờ báo nhận định, OBOR (One Belt, One Road) là công trường xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, thu hút nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Úc tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB theo tiếng Anh, BAII theo tiếng Pháp) do Trung Quốc thành lập. Thực tế thì Tập Cận Bình muốn để lại dấu ấn trong lịch sử, muốn qua OBOR mở rộng được ảnh hưởng, khiến Bắc Kinh hất cẳng Mỹ càng sớm càng tốt để trở thành lãnh đạo thế giới, đồng thời giảm căng thẳng trong nước.

Dự án « Một vành đai, một con đường » thường được coi là một loại kế hoạch Marshall của Trung Quốc, vì đây là chương trình duy nhất có thể đem ra so sánh. Tuy nhiên, sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay thua xa Hoa Kỳ thời hậu chiến. Hơn nữa, OBOR phức tạp hơn kế hoạch Marshall rất nhiều, và cần đầu tư đến 890 tỉ đô la, so với Marshall là 130 tỉ đô la nếu tính theo giá trị bây giờ.

Các nước được hưởng kế hoạch Marshall nằm tập trung trong một khu vực địa lý, sở hữu một nền công nghiệp phát triển, một hệ thống an sinh và an ninh công cộng tốt, cũng như môi trường văn hóa có chất lượng, bên cạnh đó là khả năng trả nợ. Còn Trung Quốc thì ngược lại, cho đến nay vẫn chưa dám ca ngợi khả năng sinh lợi, chẳng hạn như hàng mấy chục tỉ đô la đổ vào Venezuela chẳng mang lại lợi lộc gì. 

Nguy cơ xung đột, ô nhiễm, độc tài : Bắc Kinh khó tranh bá đồ vương

Financial Times có đăng ý kiến cá nhân của một số quan chức cao cấp Trung Quốc, coi OBOR là một chiếc bẫy mà Bắc Kinh có nguy cơ sa vào : tranh chấp quốc tế, mất vốn đầu tư, xung đột khu vực. Trong số những quốc gia mà « Con đường tơ lụa mới » chạy qua, có nhiều nước nghèo, cơ sở hạ tầng tồi tệ, căng thẳng chủng tộc và tín ngưỡng. 

Chẳng hạn như hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một trong những công trường quan trọng nhất của OBOR được Bắc Kinh tài trợ 62 tỉ đô la, đã gây phẫn nộ cho Ấn Độ vì chạy qua vùng Cachemire tranh chấp giữa Ấn và Pakistan. Trong diễn đàn « Con đường tơ lụa mới » gần đây, Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng hai nhà máy thủy điện lớn nằm trên thượng nguồn sông Indus tại Cachemire trị giá 27 tỉ đô la, và thế là Bắc Kinh rơi vào trung tâm xung đột Ấn-Pakistan. Cùng với nhịp độ phát triển của OBOR, những khó khăn loại này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Liệu Trung Quốc đã có chuẩn bị chưa ?

« Một ngân hàng phục vụ cho vấn đề khí hậu ? » Trang Chinadialogue có trụ sở ở Luân Đôn đặt câu hỏi. Bắc Kinh cam đoan sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc áp dụng hiệp định khí hậu Paris. Nhưng không có gì bảo đảm rằng ngân hàng AIIB được thành lập để tài trợ cho « Con đường tơ lụa mới » thực sự là « xanh ». Trong hội nghị thường niên lần thứ hai từ 16-18/6 vừa qua, AIIB vẫn nêu ra khả năng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện dùng than đá với một số điều kiện, gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ môi trường.

"Chủ nghĩa bảo hộ và sự độc tài » cũng khiến giấc mộng tranh bá đồ vương của Trung Quốc khó trở thành hiện thực, theo tác giả Guan Jian của nguyệt san Dongxiang ở Hồng Kông, mà việc giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba bị tù tội cho đến chết là ví dụ mới nhất, khiến Bắc Kinh bị thế giới chỉ trích.

Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới, hay nước lãnh đạo toàn cầu hóa ? Nhà phê bình Xu Zigan trên tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông cho rằng đây là hai việc khác nhau. Theo chỉ số KOF về toàn cầu hóa của Trung tâm nghiên cứu trạng huống ở Thụy Sĩ, Trung Quốc đứng thứ 71/187 nước trong năm 2017, tức là chỉ ở mức trung bình. Còn muốn là « lãnh đạo thế giới », thì phải hùng mạnh về quân sự, nhưng Trung Quốc còn thua xa Hoa Kỳ. Về kinh tế, thì cần phải có đồng tiền chuyển đổi quốc tế. - RFI

Tin Hoa Kỳ
10.
Trump yêu cầu Tòa Tối cao ngăn trở ngại đối với sắc lệnh du hành

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 14/7 loan báo Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu Tòa Tối cao ngăn chặn phán quyết của một thẩm phán cản trở không cho áp dụng sắc lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với những người đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo mà không liên hệ huyết thống gần gũi với công dân Mỹ hoặc người tị nạn đã được xúc tiến hồ sơ tái định cư tại Mỹ.
Bộ trưởng Sessions cho biết chính quyền sẽ tái tục làm việc trực tiếp với Tòa Tối cao tìm cách đảo ngược quyết định hôm 13/7 của một thẩm phán ở Hawaii và rằng Bộ Tư pháp trong ngày 14/7 sẽ đệ đơn lên Tòa Tối cao.

Tháng rồi, Tòa Tối cao tuyên bố sắc lệnh của ông Trump có thể đi vào hiệu lực, nhưng có thể không cấm những người có liên hệ chặt chẽ với một cá nhân hay một cơ quan, thực thể nào đó ở Mỹ.

Chính quyền Trump nói những người nằm trong diện ‘không có liên hệ chặt chẽ’ đó có thể là ông bà, thân nhân bà con trong gia đình của một công dân Mỹ.

Quyết định của Tòa Tối cao hồi tháng trước vực dậy phần nào sắc lệnh ngày 6/3 của ông Trump cấm nhập cảnh những ai đến từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày và cấm cửa người tị nạn trong 120 ngày.
Mùa thu này, Tòa sẽ nghe tranh tụng để quyết định xem sắc lệnh của Tổng thống Trump có vi phạm Hiến pháp Mỹ hay không. - VOA

11.
George W. Bush: ‘Bill Clinton là em trai khác mẹ’

Hai cựu tổng thống George W. Bush và Bill Clinton đã đứng trên cùng một sân khấu tối thứ Năm tại một hội nghị thượng đỉnh về lãnh đạo ở Dallas để chia sẻ kinh nghiệm rút tỉa được trong những thời gian trước, trong, và sau khi làm tổng thống.
Tại Hội Nghị Lãnh Đạo Tổng Thống tại Trung Tâm Tổng thống George W. Bush (George W. Bush Presidential Center), hai vị cựu tổng thống xuất thân từ hai đảng đối lập này nói rằng họ có nhiều điểm chung.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có 13 tổng thống nắm quyền liên tiếp hai nhiệm kỳ, trong số đó có ông Bush, 71 tuổi, chỉ lớn hơn ông Clinton, 70 tuổi, vỏn vẹn 44 ngày. Cả hai cùng từng là thống đốc của những tiểu bang miền Nam, với ông Bush là Texas, và ông Clinton là Arkansas. Thân phụ của Tổng Thống George W. Bush, cựu Tổng Thống George H. W. Bush từng giúp đỡ ông Clinton khi ông nhậm chức năm 1992, và đến lượt mình, ông Clinton giúp lại Tổng Thống Bush ‘con’ vào năm 2000. Cho đến giờ, mỗi năm ông Clinton đều đến thăm ông George H. W. Bush.

Cả hai pha trò về tình bạn của họ, mặc dù ông Clinton đánh bại ông Bush ‘cha’ vào năm 1992.

Ông Bush nói “tình bạn đó bắt đầu với việc Clinton không tỏ ra đắc thắng sau khi đánh bại cha tôi. Còn cha tôi thì sẵn lòng vượt qua kết quả cuộc đua chính trị. Cả hai là những người đàn ông có cá tính mạnh. Tại sao tôi lại kết bạn với Clinton? Có thể gọi ông ấy là một người em khác mẹ.”
Ông Clinton nói chẳng bao giờ muốn đổi hai nhiệm kỳ tổng thống để có thêm thời gian sống như một thường dân.

“Bạn phải sống một thời gian rất là dài trong vai trò cựu tổng thống mới có thể gây ảnh hưởng đến bao nhiêu người bằng lúc còn là tổng thống.”

Kể từ khi rời Tòa Bạch Ốc năm 2000, ông Clinton nói, ông nhận ra rằng đất nước này đã tặng cho ông một món quà “vô giá” và “tôi nợ đất nước một điều gì đó”.
Còn ông Bush thì đùa rằng buổi sáng ngay sau ngày rời khỏi Tòa Bạch Ốc, ông tỉnh dậy và không thấy ai mang cà phê ra.

“Laura đâu có mang cà phê đến cho tôi,” ông nói.

Sau nhiệm kỳ, ông Bush giải thích rất đơn giản về lý do vì sao ông tiếp tục vẽ tranh, một sở thích đã thu hút sự chú ý của công chúng.
“Tôi vẽ vì rảnh rỗi và chán quá,” ông nói.

Trong những ngày gần đây, ông Clinton nói rằng đời sống của ông và vợ, bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống năm 2016 Hillary Clinton, đang rất tốt.

Nhưng ông Clinton cũng biểu lộ ít nhiều ưu tư về tương lai. Ông vạch ra rằng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, mọi người “thu nhập tin tức từ những mảng riêng (get news in silos)”, và dù không đề cập đến Tổng Thống Trump, nhưng bóng gió nói rằng Mỹ “không thể tiếp tục phát triển nền kinh tế này” mà không có người di dân.
“Một trong những vấn đề của Hoa Kỳ là chúng ta đã phân chia thành những cộng đồng của những người suy nghĩ giống nhau”, ông Clinton nói. “Điển hình là chúng ta không muốn chung đụng với những người không đồng ý với mình, và chỉ tiếp nhận tin tức từ những người giống mình. Những cộng đồng đa dạng sẽ có những quyết định tốt hơn cộng đồng đồng nhất”.

Với bất cứ ai hy vọng ra ứng cử tổng thống, ông Clinton nói họ cần phải trả lời một câu hỏi căn bản: “Nhưng tại sao lại muốn ra ứng cử?”
“Nếu bạn muốn làm tổng thống, hãy hiểu rằng điều đó là vì dân, chứ không phải là vì chính bản thân,” ông Clinton nói thêm. - nguoiviet

12.
61% dân Mỹ chống dự luật y tế của Đảng Cộng Hòa

Trong lúc thành phần lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện Mỹ đang chuẩn bị cho có đủ số phiếu nhằm thông qua dự luật bảo hiểm y tế, kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới công bố cho thấy kế hoạch của phía Cộng Hòa nhằm hủy bỏ và thay thế Obamacare tiếp tục mất dần ủng hộ của công chúng.

Cuộc thăm dò của cơ quan Kaiser Family Foundation, công bố hôm Thứ Sáu, cho thấy số người chống kế hoạch của đảng Cộng Hòa tăng lên tới 61% hồi Tháng Bảy, so với 55% trong Tháng Sáu, theo bản tin của hãng thông tấn UPI.
Một số đông trong thành phần phản đối, khoảng 44%, cho hay họ “rất không đồng ý” với chủ trương của phía đảng Cộng Hòa về phương cách cải tổ bảo hiểm y tế.

Cuộc thăm dò cũng thấy có 28% người trả lời, đại đa số cho hay là thành phần Cộng Hòa hay độc lập nhưng có khuynh hướng bảo thủ,  nói rằng họ đồng ý với chương trình đưa ra hiện nay, giảm 2% so với tháng trước, bản tin UPI cho biết.

Chỉ có 7% thành phần Dân Chủ nói họ ủng hộ kế hoạch hủy bỏ và thay thế Obamacare của đảng Cộng Hòa, so với 60% phía Cộng Hòa ủng hộ.

Có chừng 63% những người cho biết thuộc thành phần độc lập nói không đồng ý với kế hoạch hiện nay.

Một cuộc thăm dò khác do viện Gallup thực hiện và công bố hôm Thứ Sáu, cho thấy dân chúng Mỹ ngày càng coi vấn đề bảo hiểm y tế là quan trọng.

Có khoảng 16% người được hỏi cho hay y tế là vấn đề lớn nhất của nước Mỹ hiện nay. Tiếp theo đó là kinh tế, với khoảng 8%, cũng theo UPI. - nguoiviet

13.
Công ty nhỏ quen lớn được Tòa Bạch Ốc mời

Hai ký giả Jean Eaglesham và  Lisa Schwartz của nhật báo Wall Street Journal mới cho biết một công ty mới lập và “rất nhỏ” vẫn được mời vào Tòa Bạch Ốc dự họp với các đại công ty Apple, Amazon, Microsoft, vân vân, vì có quan hệ với con rể Tổng Thống Donald Trump, là người tổ chức cuộc họp.
Công ty được nhắc đến tên là OpenGov, được anh em nhà Kushner góp vốn, mà ông Jared Kushner là con rể của Tổng Thống Trump, hiện cũng giữ vai trò một cố vấn quan trọng. Công ty này đặt trụ sở tại Redwood City, Calif. Và mới chỉ cung cấp dịch vụ cho một vài khách hàng cấp nhỏ như chính quyền cấp quận.

Trị giá của công ty OpenGov chỉ có 180 triệu mỹ kim, trong khi giá trị trung bình của 18 công ty được mới đến họp là 250 tỷ mỹ kim. Trong số các công ty kỹ thuật cao dự họp, giá thị trường của Apple là 770 tỷ mỹ kim, Alphabet (Google) 663 tỷ, Microsoft 554 tỷ, Amazon 478 tỷ; công ty “nhỏ” nhất trong đó là Akamai cũng trị giá gần 9 tỷ đô la, gấp 50 lần công ty OpenGov của người anh em với con rể tổng thống. Ông Jared Kushner đã bán hết phần hùn của mình trong công ty này khi vào làm ở Tòa Bạch Ốc.
Một số công ty đang cạnh tranh với OpenGov đã công kích việc mời công ty này vào Tòa Bạch Ốc trong một cuộc họp giữa tổng thống và các đại công ty kỹ thuật. Nhiều người được hai ký giả báo Wall Street phỏng vấn đã coi đây là một trường hợp có xung khắc quyền lợi có thể gọi là thiên vị, “dĩ công vi tư.” - nguoiviet

Tin Việt Nam

14.
Xác thuyền viên Việt Nam bị chặt đầu ở Phi về quê

Thi hài của hai thuyền viên Việt Nam bị bọn khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines chặt đầu được đưa về Việt Nam và gia đình tiến hành tang lễ tại quê nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh thường phục, công an và dân quân địa phương.
Tin tức Đài RFA ghi nhận được là từ 23h đêm ngày 13/7/2017, thân nhân và bạn bè của nạn nhân Hoàng Văn Hải đã tập trung tại Sảnh chờ hành khách đến A1 tại Ga Quốc tế - sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội để đón nhận thi hài.

Thi hài của nạn nhân Hoàng Văn Hải được chuyển về Việt Nam trên chuyến bay … từManila về sân bay Nội Bài, dự kiến hạ cánh lúc 0h30 ngày 14/7/2017.
Lúc 0h ngày 14/7 thân nhân và bạn bè của Hoàng Văn Hải và Hoàng Trung Thông (quê Quảng Bình) đã được người của công ty cổ phần hàng hải Hoàng Gia và cơ quan hữu trách đón đưa đi nhận thi hài tại Ga hàng hoá của sân bay.

Sau khi nhận thi hài của người thân, hai gia đình đã mang về quê ngay trong đêm để tiến hành lễ tang và trôn cất theo nghi thức truyền thống.

Theo thân nhân anh Hoàng Văn Hải chia sẻ, 5h00 sáng ngày 14/7/2017, thi hài của anh Hải về tới Thành phố Thanh Hoá để thực hiện nốt một số thủ tục cuối cùng. 7h sáng cùng ngày, thi hài về tới quê nhà - Thôn Tào Sơn - xã Thanh Thuỷ - huyện Tĩnh Gia - Thanh Hoá.

Khoảng 7h30, gia đình bắt đầu cử hành lễ tang và tiếp các cá nhân, tổ chức đến phúng viếng.

Trong số người đến và gửi phúng viếng, có Công ty CP Hàng Hải Hoàng Gia, Cục Hàng Hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung Tâm tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Giao thông - Vận Tải Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thanh Hoá, …
Theo chương trình của gia đình, lễ truy điệu diễn ra vào lúc 16h và di quan sau đó. Anh Hoàng Văn Hải được an táng tại nghĩa trang Cồn Ông Tần ở quê nhà.

Trước khi nhận xác người em xấu số, ông Hoàng Văn Tỉnh từng nêu thắc mắc về việc cơ quan chức năng không cho gia đình tiếp xúc, thông tin với báo giới:
“Thật sự người Việt Nam sao khổ thế. Tôi chẳng biết chúng nó định giấu những gì nữa bên đấy họp bàn, tôi cũng chẳng biết những ban ngành nào về hạn chế báo chí rồi."

Ông Tỉnh cũng cho biết gia đình ôn đã liên hệ với gia đình thủy thủ Hoàng Võ, người cùng tàu MV Royal 16 nhưng đã được quân đội Philippines giải cứu trước đó. Tuy nhiên phía gia đinìh thuyền viên Hoàng Võ và thủy thủ này cũng bị cấm tiếp xúc với báo chí. Ông cho biết "Em rất sợ nó theo dõi máy em bây giờ cấm dùng facebook cấm dùng điện thoại, cấm dùng hết.” - RFA

15.
Yểm trợ xây Linh Đài Đức Mẹ La Vang, thu gần $6 triệu

Đêm phát động gây quỹ xây Linh Đài Đức Mẹ La Vang tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô, do Ủy Ban Đặc Nhiệm La Vang-Cơ Sở Thương Mại tổ chức vào lúc 6 giờ Thứ Năm, 13 Tháng Bảy, tại nhà hàng Golden Sea Seafood, Anaheim đã thu được gần $6 triệu.
Mở đầu chương trình, ông Bùi Thọ Khang, trưởng Ban Điều Hành Ủy Ban Đặc Nhiệm La Vang-Cơ Sở Thương Mại cho biết, trong chủ đề “Có Mẹ Trong Đời-Hôm Qua-Hôm Nay-Ngày Mai,” Ủy Ban Đặc Nhiệm-Cơ Sở Thương Mại đã quy tụ được rất nhiều thiện chí trong giới doanh gia và chuyên gia Việt-Mỹ Công Giáo và không Công Giáo, cùng đến chung tay chung sức chung lòng quyết tâm xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Giáo Phận Orange, California.”

“Đây là một đặc ân, một vinh dự chung của tất cả người Việt Nam không phân biệt tôn giáo tại Hoa Kỳ và khắp nơi ở hải ngoại, ngay từ bây giờ cho đến tương lai, bởi vì đây là một biểu tượng quan trọng sẽ được ghi vào lịch sử tôn giáo tại xứ sở đại cường này,” ông Bùi Thọ Khang nói tiếp.

Ông Mã Gia Trí, phó ban, trình bày 3 mục đích trong buổi gây quỹ, đó là: 1) Cùng nhau chia sẻ ơn lành của Đức Mẹ trong cuộc đời, đây cũng là tuyền thống đức tin, truyền thống nhớ ơn cha mẹ; 2) Phát động chương trình yểm trợ xây Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong các cơ sở thương mại và các nơi khác; 3) Bảo tồn truyền thống văn hóa, đức tin của người Việt hải ngoại.
Ông Trí cũng cho biết có 7 hình thức yểm trợ cho chương trình xây linh đài, gồm có: 1) Bảo trợ cá nhân, gia đình và vật phẩm; 2) Bảo trợ vào cuối năm-khấu trừ thuế; 3) Tình nguyện bảo trợ bằng lương mỗi tháng; 4) Quyên góp bảo trợ tại các cơ sở thương mại hoặc office; 5) Tặng bảo trợ thông qua chương trình thẻ hội viên; 6) Đóng góp trực tiếp từ các hoạt động tại cơ sở thương mại; 7) Đóng góp từ các trang mạng bán hàng online.

Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, California, chia sẻ: “Chúng ta vừa mừng 40 năm thành lập Giáo Phận Orange. Tôi tin rằng đây là sự quan phòng của Thiên Chúa, vì đó cũng đánh dấu thời điểm người Việt đến Quận Cam tìm tự do và đời sống mới. Sự hiện diện của người Việt thật là một hồng ân cho Giáo Phận và Quận Cam. Linh Đài Đức Mẹ La Vang sẽ là một sự tuyên dương xứng đáng cho những đóng góp của người Việt Nam.”

“Ước nguyện của mọi người đang xúc tiến và cầu nguyện cho công cuộc thiết kế linh đài, không những chỉ phục vụ cho cộng đồng người Việt, mà còn là nguồn cảm hứng cho mọi sắc dân, mà văn hóa của tất cả dệt thành cuộc sống hiệp nhất tại Quận Cam và California,” Giám Mục Kevin Vann nói.
Tiếp theo, nhóm “Ngọc Trong Tim” do nghệ sĩ Thành Lễ và các nghệ sĩ khuyết tật, gồm Dương Quyết Thắng, Thanh Hằng, Thanh Hà, Phương Dung, cùng hát bài “Con Có Mẹ Trong Dòng Đời Biến Động” sáng tác nhạc sĩ Nguyên Hà và Dương Quyết Thắng hát bài “Lời Mẹ Nhắn Nhủ” và đệm đàn keyboard với đôi tay cụt, lời tâm tình của anh khi vững tin luôn có Mẹ bên anh chở che an ủi, khiến mọi người xúc động.

Đặc biệt Đức Giám Mục Kevin Vann hát bài “Dâng Mẹ La Vang” bằng tiếng Việt, được mọi người tán thưởng nồng nhiệt.
Các cơ sở thương mại cũng được tri ân trên sân khấu, với những chi phiếu ủng hộ làm nức lòng mọi người, và các vật phẩm được trình bày trên sân khấu, được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt.

Các linh mục, Ủy Ban Đặc Nhiệm và mọi người cùng chụp chung một tấm ảnh. Ban tổ chức công bố số tiền yểm trợ thu được trong buổi gây quỹ là $5,900,000 (Năm triệu chín trămngàn), sẽ tiếp tục kiểm toán và thông báo sau.

Ban tổ chức cũng cho biết ngày đặt viên đá đầu tiên xây Linh Đài Đức Mẹ sẽ diễn ra vào ngày 21 Tháng Mười tới đây.

Hiện diện trong buổi gây quỹ thấy có sự hiện diện của Giám Mục Kevin Vann, Giáo Phận Orange, Giám Mục Mai Thanh Lương, nguyên giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, cùng các linh mục khác trong giáo phận.
Về phía dân cử có Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí; Phó Thị Trưởng Garden Grove Phát Bùi, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California; Phó Thị Trưởng Fountain Valley Michael Võ; Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove; Kỹ Sư Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California.

Về phía Phật Giáo có ni sư Chân Thiền và ni sư Chân Diệu, Thiền Viện Sùng Nghiêm.
Buổi gây quỹ có sự hiện diện của các cơ sở thương mại như: Hệ thống siêu thị Á Đông-Sài Gòn-Đà Lạt-Green Farm-Mom; Ziggedy, Inc; Viettop Business; Vina Medical Center; Quoc Viet Foods; Global Net Mky, LLC; Independent Insurance Center; RaovatRaovat.com; Star Sun Solar; Engineering Corporation; Thiền Viện Sùng Nghiêm, cùng nhiều ân nhân, mạnh thường quân, những nhà hảo tâm, và các vật phẩm bảo trợ. - nguoiviet

16.
Võ sư Flores có thể được Nam Huỳnh Đạo tiếp

Võ sư Pierre-Francois Flores có thể được môn phái Nam Huỳnh Đạo tiếp đón nếu ông đến giao lưu, theo truyền thông Việt Nam.
Hôm 15/7/2017, cao thủ Vịnh Xuân gốc Chile đến từ Canada được báo Việt Nam cho hay ông có thể sẽ được em ruột của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt tiếp đón thay cho vị trưởng môn phái này.

Tin cho hay ông Huỳnh Tuấn Kiệt 'hiện không có mặt' ở Sài Gòn. Trong khi đó, võ sư Flores đang có mặt ở TP. Hồ Chí Minh và 'chờ đợi' giao lưu võ thuật với ông Kiệt.
Ông Flores được báo Việt Nam dẫn lời cho hay đã không quay về Canada sau khi giao đấu thành công và hạ các võ sư Đoàn Bảo Châu, môn phái Karate và Trần Lê Hoài Linh, môn phái Vịnh Xuận ở Hà Nội.

Võ sư đang hoạt động võ thuật ở Montreal, thuộc Quebec, Canada, được báo chí Việt Nam dẫn lời cho hay ông đã phải nói như vậy để 'giảm sự chú ý của dư luận', trong khi sau đó đã 'lên một chuyến máy bay đêm' để vào Sài Gòn hôm 14/7 với mục đích gặp gỡ và giao đấu với trưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo.
Hôm thứ Bảy, chuyên mục thể thao của báo mạng VnExpress dẫn lời của ông Huỳnh Tuấn Hùng, em trai của đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, nói:

"Trong trường hợp Pierre muốn giao lưu võ thuật, chúng tôi sẽ cử các đại diện ưu tú tiếp chiêu ông ấy,

"Trưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt sẽ chỉ giao đấu với sư phụ của Pierre là đại sư Nam Anh - chưởng môn phái Nam Anh Vịnh Xuân".

Vẫn báo này cho hay ông Flores trước khi tỉ thí ở Hà Nội đã có mặt ở Sài Gòn từ hôm 10/7 nhưng chưa được môn phái Nam Huỳnh Đạo ngỏ lời tiếp đón.

'Nhiều lời thách đấu'
Sau hai chiến thắng trước các 'cao thủ' ở Hà Nội, vẫn theo truyền thông Việt Nam, võ sư Flores đã nhận được khá nhiều lời thách đấu trong giới võ sư Việt Nam.
Ba trong số đó, theo báo Dân Trí là các võ sư Phi Ngọc Long (võ cổ truyền Việt Nam), Huỳnh Văn Dũng (bộ môn Kickboxing) và đặc biệt là võ sư Tuấn "hạc".

Ông Tuấn là người cách đây tám năm đã có hai lần trong cùng một cuộc tỉ thí ở Hà Nội đánh hạ võ sư Flores. Ông được tờ báo của Việt Nam dẫn lời nói:

"Tôi có đọc được thông tin Flores muốn đấu lại với tôi nhưng ông ấy phủ nhận điều này. 
"Nếu Flores muốn gặp tôi tại sao không gọi điện cho tôi bởi trước đây tôi đã cho ông ấy số điện thoại của mình. 
"Tôi thấy Flores có tiến bộ và với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi như vậy, ông ấy xứng đáng được một lần nữa giao lưu với người đã đánh bại mình," võ sư Tuấn 'hạc' được Dân trí dẫn lời nói.

Trước đó, vẫn theo báo Việt Nam, võ sư Hoàng Vĩnh Giang, người có chuyên môn trong nhiều bộ môn võ thuật, mà trong đó có Vịnh Xuân, đã nói với truyền thông rằng Việt Nam có 'hàng chục cao thủ' Vịnh Xuân có thể đánh thắng ông Flores.

Tin cho hay, sau hai trận tỉ thí ở Hà Nội, cao thủ Vịnh Xuân từ Canada đã thăm hỏi hai võ sư và ông bị đánh bại. Một số hình ảnh trên truyền thông cho biết, ông đã tới nhà riêng thăm võ sư Đoàn Bảo Châu, hai bên đã trao tặng các kỷ vật cho nhau trong 'tình thân ái'.
Còn ngay sau khi đánh thắng võ sư Trần Lê Hoài Linh, ông Flores nói: "Ông ấy rất mạnh mẽ" và "hôm nay tôi có một người anh em mới." 
'Xem tâm lý người đấu'

Theo một số tờ báo mạng của Việt Nam, võ sư Flores có hai mục tiêu chính ở chuyến đi tới Việt Nam 'lần thứ năm' năm này của ông, trong đó, ngoài việc muốn được giao đấu với võ sư Huỷnh Tuấn Kiệt để 'làm rõ trắng đen' và 'thực hư' của môn phái khí công truyền điện của Nam Huỳnh Đạo, ông còn muốn tái ngộ cao thủ Tuấn 'hạc'.

"Chiều 14/7, hai người đại diện của đoàn võ sư sinh sống tại Canada đến gặp Tuấn "hạc" tại một quán cafe ở Kim Liên (Hà Nội) lúc 17h. Tuy nhiên, đã không có trận tái đấu giữa Tuấn "hạc" và võ sư Flores," báo mạng Báomới.com, tổng hợp các nguồn tin cho hay.
"Buổi gặp diễn ra chỉ trong vòng 10 phút. Võ sư Tuấn "hạc" mong muốn được gặp trực tiếp võ sư Pierre và giao lưu võ thuật chứ không phải thi đấu hoặc tái đấu. 

"Giao lưu võ thuật phải xem tâm lý người đấu với mình có thoải mái không? Để dù thua hay thắng thì sau trận đấu cả hai phải có thể là bạn. Vì vậy tôi muốn chuyển những lời này tới Flores", võ sư Tuấn "hạc" được dẫn nguồn từ Zing.vn nói.
Võ sư Tuấn "hạc" tên thật là Phạm Anh Tuấn, từng đánh bại võ sư Pierre Francois Flores năm 2009, bài báo cho biết.
Về việc thách đấu với chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt của Nam Huỳnh Đạo, theo trang Zing.vn, võ sư Pierre Francois Flores 'sẽ phải xin phép chính quyền TP.HCM' và 'tuân thủ mọi quy định về an toàn' trong việc tổ chức.

Báo này dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao của Việt Nam, ông Vương Bích Thắng, nói: "Ngày 10/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã nắm được và gửi thông tin này lên Tổng cục. Chúng tôi đã phối hợp với Sở để xuống thu thập thông tin thêm về sự kiện. Khi đó, chúng ta mới có thể xác định chính xác tính chất của việc này".
"Sự kiện võ thuật kiểu này không mới nhưng do hiệu ứng mạng xã hội, chuyện này được đẩy cao hơn. Trước đây, ở các sự kiện võ thuật khác, khi các đoàn quốc tế tới Việt Nam, họ đã giao lưu, học hỏi lẫn nhau. 

"Nhưng lần này, dư luận nói rằng sự kiện của ông Flores là những cuộc thách đấu nên chúng tôi mới phải kiểm tra", ông Thắng được báo Zing dẫn lời cho biết. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào: