Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 27/7 - Lê Minh Nguyên

Đại sứ Hoa Kỳ kế tiếp tại Việt Nam là ai? --- Trump chỉ định Kritenbrink đến VN vì tính toán về Bắc Hàn, TQ?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông Daniel Kritenbrink, làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kế tiếp, sau ông Ted Osius, Toà Bạch Ốc thông báo hôm 26/7. Đại sứ Ted Osius nói gì về nhân vật sẽ lên thay thế ông? Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ ở trong nước thường xuyên tiếp xúc với các đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng với kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về các vấn đề Á châu, thông thạo tiếng Trung và tiếng Nhật, nhà ngoại giao chuyên nghiệp Kritenbrink là ứng viên thích hợp cho chức vụ mới trong ‘kỷ nguyên Thái Bình Dương’ sắp tới.
<!>
Ông Kritenbrink là ai?

Thông cáo báo chí của chính phủ Hoa Kỳ cho biết ông Daniel Kritenbrink, hiện là Cố vấn cấp cao về chính sách Triều Tiên tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington, ông đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, kể cả Phó Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh.

Xuất thân từ bang Virginia, năm nay 49 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao vào năm 1994, và được cho là người có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề Á Châu và đã từng làm việc ở Trung Quốc, Nhật Bản và Kuwait. Ông nói được tiếng Trung và tiếng Nhật.

Ông có bằng Thạc sĩ của Đại học Virginia và tốt nghiệp cử nhân của Đại học Nebraska - Kearney.

Đại sứ Ted Osius nói ông và ông Daniel Kritenbrink đã biết nhau từ lâu. Ngay sau khi Tổng thống Trump loan báo ý định đề cử ông Kritenbrink, ông Osius viết trên trang Facebook cá nhân:

"Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Việt Nam”.

Trong cương vị cố vấn cao cấp đặc trách các vấn đề Á Châu tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng Thống Obama, ông Kritenbrink có mặt trên chuyên cơ của Tổng thống -Air Force One, trên chuyến bay ra Hà nội khi Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam vào năm 2016.

Phóng viên Joseph Morton của World Herald Bureau tường thuật rằng trên chuyến bay trở về nước sau chuyến công du Châu Á của ông Obama, có tin Bắc Hàn vừa thử nghiệm thêm một quả bom hạt nhân.

Ông Daniel Kritenbrink đã tận lực làm việc trong suốt chặng cuối cùng của chuyến bay, tức thời dàn xếp các cuộc điện đàm trên đường dây nóng để Tổng Thống Obama có thể trấn an các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Hoa Kỳ sát cánh với họ trước hành động khiêu khích của Bắc Hàn.

Lớn lên tại một nông trại ở ngoại ô Ashland, từ thời tuổi teen chưa biết cuộc đời sự nghiệp sẽ đi về đâu Daniel Kritenbrink đã tâm sự với bạn rằng bất kể làm gì, anh có tham vọng “tạo ra sự khác biệt”.

Cha mẹ ông, Joyce và Donald Kritenbrink đều xuất thân từ khu vực Omaha. Ông có hai người chị/em gái tên Kay Wigle and Nancy Campbell, cả hai đều cư ngụ bên ngoài Ashland.

Ông Daniel Kritenbrink cho rằng ông đã hấp thụ những giá trị Mỹ tốt đẹp nhờ lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở vùng trung tây nước Mỹ.

Sau bậc trung học, Daniel Kritenbrink ghi danh theo học Khoa học Chính trị tại Đại học Nebraska ở Kearney, và rất đam mê hai môn lịch sử và chính trị. Giáo sư Thomas Magstadt cho biết thời đó Kritenbrink có tham vọng trở thành một chuyên gia về Liên bang Xô viết.

Nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông rẻ sang một hướng khác khi ông được chọn tham gia một chương trình trao đổi văn hóa với Nhật Bản.

Sau khi nhận bằng thạc sĩ từ Đại học Virginia, ông bỏ dở ý định tiếp tục theo đuổi học vấn để lấy bằng tiến sĩ sau khi đỗ một kỳ thi vào ngành ngoại giao.

Ông gặp vợ ông, Nami, tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tokyo vào năm 1995. Năm sau đó, hai người thành hôn và giờ có hai con.

Ông Kritenbrink phục vụ ở Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, trong đó có hai năm trong cương vị Phó Đại sứ Mỹ.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, người mà cá nhân và gia đình tiếp xúc khá nhiều với các đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng trong tư cách một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, có khả năng nói tiếng Trung và tiếng Nhật, và có nhiều kinh nghiệm làm việc, kể cả trong Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Daniel Kritenbrink là một người thích hợp cho nhiệm vụ mới, nhất là trong ‘kỷ nguyên Thái Bình Dương’ sắp tới. 

“Trong những ngày tới, 3 cường quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, và thêm cả Nga nữa, là 4 siêu cường của vành đai Thái Bình Dương. Mà theo tôi thế kỷ này, Thái Bình Dương sẽ quan trọng hơn mặt Đại Tây Dương, thành ra một người hiểu biết khá cặn kẽ về Á châu, nói thạo tiếng Nhật và tiếng Trung, và có nhiều năm ở Trung Quốc, thì có lẽ là một người thực thi chính sách ngoại giao và an ninh, thì đây tôi nghĩ là một người thích hợp để thi hành đường lối chính sách của ông Donald Trump.”

Tại thời điểm này, ông Kritenbrink chỉ mới được Tổng thống Trump đề cử. Sau khi có thông cáo chính thức của Tổng thống, ông sẽ phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi sang Việt Nam trình quốc thư cho Chủ tịch nước và chính thức trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. - VOA

***
Tòa Bạch Ốc loan báo hôm 26/7 rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ Mỹ sắp tới tại Việt Nam, kế nhiệm đại sứ hiện nay là ông Ted Osius.

Thông báo ngắn của Tòa Bạch Ốc cho hay ông Kritenbrink hiện là Cố vấn Cao cấp về Chính sách Bắc Hàn tại Bộ Ngoại giao. Trước đó, ông từng là Phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cũng như từng nắm vị trí là một giám đốc cấp cao thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia.

Đã có thời gian làm việc chặt chẽ với ông Kritenbrink, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói với VOA rằng ông Kritenbrink là ứng viên “hoàn hảo” cho chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nếu xét đến kinh nghiệm, kiến thức và mối quan hệ trong khu vực của ông:

“Có tiềm năng to lớn trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, về quan hệ nhân dân, về kinh tế và cả quốc phòng. Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ theo đuổi mọi cơ hội để xây dựng thiện chí của Mỹ và theo đuổi các lợi ích của Mỹ có liên quan đến Việt Nam. Đây là một mối quan hệ rất quan trọng đối với Mỹ ở Đông Nam Á. Và tôi nghĩ không có ai phù hợp hơn ông Kritenbrink trong việc xây dựng mối quan hệ này”.

Ông Shear, cũng từng là Đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ 2011-2014, nói thêm ông biết về ông Kritenbrink trong một thời gian dài và khẳng định đó là một nhà ngoại giao “rất có năng lực” và “rất tận tụy”.

Từ khi vận động tranh cử đến nay, Tổng thống Trump đã nhiều lần phát ngôn cứng rắn về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Với dự định bổ nhiệm ông Kritenbrink đứng đầu phái bộ Mỹ ở Việt Nam, phải chăng ông Trump tính toán lôi kéo Việt Nam vào chính sách của Mỹ siết chặt các biện pháp chống Bắc Hàn? Về điều này, ông David Shear nói:

“Liên quan đến Bắc Triều Tiên, tôi chắc chắn rằng Mỹ đã thảo luận với đối tác Việt Nam về tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Bắc Triều Tiên. Tôi trông đợi ông Kritenbrink sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích sống còn đó của Mỹ”.

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại học Maine nhận định với VOA rằng Tòa Bạch Ốc có thể muốn ông Kritenbrink khai thác mối quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng:

“Cũng có thể ở trong đó [Tòa Bạch Ốc] người ta biết Việt Nam có quan hệ lâu dài với Triều Tiên thì họ mong một là Việt Nam giúp liên lạc với Triều Tiên, hai là Việt Nam có thể cho thông tin về Triều Tiên”.

Trong khi vấn đề Triều Tiên là một ưu tiên cao của Mỹ, Hà Nội chú ý nhiều hơn đến việc cân bằng mối quan hệ của họ với Bắc Kinh và Washington.

Với bối cảnh như vậy, là người am hiểu về Trung Quốc và có kinh nghiệm lâu năm về châu Á, ông Kritenbrink được xem là sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc xử lý quan hệ của Mỹ không chỉ với Việt Nam mà cả với khu vực.

Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói:

“Thật tốt khi có người nắm vị trí đại sứ Mỹ ở Hà Nội hiểu được cách người Trung Quốc suy nghĩ và cách thức Trung Quốc vận hành. Về khu vực nói chung và về Biển Đông, ông Kritenbrink nắm rất rõ các lợi ích của Mỹ và những thách thức ở đó. Tôi tin chắc ông ấy sẽ làm việc với các đối tác Việt Nam, không chỉ để theo đuổi các lợi ích Mỹ mà cả những lợi ích chung của chúng ta ở khu vực và ở Biển Đông, và để bảo đảm rằng những gì chúng tôi làm đều góp phần vào nền hòa bình và ổn định không ngừng ở khu vực”.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận xét:

“Hiểu biết chung của ông ấy về Trung Quốc sẽ giúp cho ông ấy rất là nhạy cảm khi ông ấy ở Việt Nam, là vì những gì nói ra với Trung Quốc là ông ấy hiểu ngay. Và việc hiểu này cũng có thể giúp cho cả Việt Nam lẫn Mỹ”. 

Tuy nhiên, dẫn ra những diễn biến rối ren về nhân sự ở Tòa Bạch Ốc thời gian qua, giáo sư Long thận trọng nói thêm rằng không thể đoan chắc là chính quyền ông Trump thực sự có những tính toán lâu dài về đối ngoại.

Sau khi có loan báo về ông Kritenbrink được đề cử làm đại sứ ở Hà Nội, vị đại sứ đương nhiệm Ted Osius viết trên trang Facebook chính thức của ông rằng “không thể có một nhà ngoại giao nào tốt hơn ông Kritenbrink để tiếp nối các động lực tích cực cho mối quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”. 

Ông Osius viết thêm rằng nếu người kế nhiệm ông được phê chuẩn, “chúng tôi mong được chào đón ông ấy đến Việt Nam!”

Kinh nghiệm ngoại giao của ông Kritenbrink trải dài từ 1994 đến nay. Hiện ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao của Mỹ, mang hàm Tham tán Công sứ, và nói được tiếng Trung cũng như tiếng Nhật.

Ông có bằng thạc sĩ của trường Đại học Virginia và bằng cử nhân của ĐH Nebraska-Kearney. - VOA

2.
Đô đốc Mỹ: 'Sẽ tấn công TQ bằng hạt nhân,' nếu có lệnh

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hôm thứ Năm 27/7 nói ông sẽ tấn công Trung Quốc bằng hạt nhân ngay tuần tới nếu Tổng thống Donald Trump ra lệnh, và tuyên bố quân đội Mỹ luôn một mực trung thành với vị tổng tư lệnh của họ, theo tin AP.

Đô đốc Scott Swift trả lời một giả thuyết tại hội thảo an ninh do Đại học Quốc gia Úc tổ chức tiếp theo sau một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Úc ngoài khơi bờ biển Úc. Trung Quốc cho một tàu đến vùng biển đông bắc Úc để thu thập thông tin theo dõi cuộc tập trận.

Một học giả tham dự hội thảo hỏi ông Swift rằng liệu ông sẽ tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân vào tuần tới hay không, nếu ông Trump ra lệnh, ông Swift đáp lại: "Câu trả lời là: có."

Ông Swift nói: "Tất cả các thành viên của quân đội Mỹ đã tuyên thệ bảo vệ hiến pháp của Hoa Kỳ, chống lại tất cả kẻ thù trong và ngoài nước, cũng như tuân thủ mệnh lệnh của chỉ huy và tổng thống Hoa Kỳ vì họ là tư lệnh và tổng tư lệnh của chúng tôi.”

Ông nói: "Đây là vấn đề cốt lõi của nền dân chủ Hoa Kỳ. Bất cứ lúc nào chúng ta thấy quân đội thiếu tập trung và sự trung thành với chính quyền dân sự bị phân tán, thì lúc đó đang có vấn đề nghiêm trọng.”

Sau đó Đại tá Charlie Brown, Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương nói rằng câu trả lời của Đô đốc Swift tái khẳng định nguyên tắc chính phủ dân sự kiểm soát quân đội.

Ông Brown nói: "Đô đốc không đề cập đến ngữ cảnh của câu hỏi, ông nói đến nguyên tắc thẩm quyền dân sự trong quân đội. Tiền đề của câu hỏi đó là vô lý."

Cuộc tập trận hai năm một lần mang tên Talisman Saber bao gồm 36 chiến hạm, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, 220 máy bay và 33.000 quân nhân.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc-cho tàu Hải quân Loại 815 lớp Dongdiao hoạt động dọ thám trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Úc.

Ông Swift cho biết Trung Quốc cũng đã gửi một tàu do thám vào vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ ở Hawaii trong cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Hạm đội Thái Bình Dương tổ chức vào năm 2014.

Ông Swift nói Trung Quốc có quyền hợp pháp đưa tàu vào khu kinh tế Mỹ với những mục đích quân sự theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển - hay UNCLOS – trong đó định nghĩa quyền và trách nhiệm của các quốc gia cho thuyền di chuyển trên đại dương.

Nhưng ông Swift nói các chính phủ cần tiếp xúc với Bắc Kinh để tìm hiểu tại sao Trung Quốc không chấp nhận cho tàu Mỹ có quyền tương tự vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Theo USA Today, các tuyên bố này được đưa ra giữa lúc diễn ra căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Hồi đầu tháng này Tổng thống Trump gợi ý rằng Mỹ có thể không hợp tác với Bắc Kinh, một đồng minh của Bình Nhưỡng, để kiềm chế tình hình căng thẳng hạt nhân đang leo thang với miền Bắc Triều Tiên. - VOA

3.
Trung Quốc phong tỏa một vùng lớn ở Hoàng Hải để tập trận

Đài CNN dẫn nguồn tin từ báo chí Hoa lục cho biết, hải quân Trung Quốc đã phong tỏa một vùng biển lớn ở Hoàng Hải để tập trận quy mô lớn trong hai ngày 26 và 27/07/2017.

Theo tờ Weihai Evening Post của chính quyền Uy Hải (Weihai), tàu bè bị cấm đi vào vùng biển có diện tích khoảng 40.000 km2 ngoài khơi thành phố Thanh Đảo. Cuộc tập trận diễn ra ngay trước dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Giải Phóng Quân Trung Quốc 1/8.

Bắc Kinh dự định tổ chức một số hoạt động kỷ niệm, nhưng tháng trước quân đội Trung Quốc hết sức bận rộn. Một hải đội Trung Quốc đã đến châu Âu để tham gia tập trận tại Biển Baltic với Nga, bắt đầu từ tuần rồi. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã gởi quân đến căn cứ đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài là Djibouti, thuộc vùng Sừng Châu Phi. Cuối tháng Sáu, hải quân Trung Quốc khánh thành khu trục hạm hiện đại nhất từ trước đến nay. Và hiện nay quân Trung Quốc đang nghênh chiến với Ấn Độ tại biên giới Bhutan.

Cho dù vẫn thường tập trận vào mùa hè, nhưng các hoạt động của quân đội Trung Quốc gần đây cho thấy Bắc Kinh đang hướng đến việc triển khai hải quân trên khắp thế giới. Hoàn Cầu Thời Báo cho biết lực lượng hải quân chuyên hoạt động ngoài khơi xa « đang trong giai đoạn phát triển », nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường hải quân để có được sức mạnh ngang hàng với Hoa Kỳ.

CNN trích dẫn bài xã luận của tờ báo nổi tiếng hung hăng của Bắc Kinh : « Nếu các tàu chiến Trung Quốc luôn có thể thu hút sự chú ý của các đồng minh Hoa Kỳ, khi các chiến hạm Mỹ lại gây rối ở Biển Đông, thì Trung Quốc có thể phản ứng một cách tự tin hơn (…) Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi cách đáp trả, và bắt đầu gây rắc rối cho Mỹ ».

Trong khi đó, trang web chính thức của quân đội Trung Quốc đăng một bài viết của Tân Hoa Xã, cho rằng các thế lực nước ngoài cần phải « uống một viên thuốc đắng » trước các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc, như đang diễn ra ở Biển Baltic. - RFI

4.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ quân sự kiên cố của Trung Quốc ở nước ngoài

Những hình ảnh vệ tinh mới về căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc cho thấy nó lớn hơn và an ninh hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.

Hai hình ảnh được cung cấp bởi Stratfor Worldview và Allsource Analysis cho thấy căn cứ ở Djibouti, nằm ở vị trí nút thắt chiến lược thuộc vùng Sừng Châu Phi, được phòng thủ kiên cố với ba lớp an ninh và có khoảng 23.000 mét vuông không gian dưới lòng đất, theo phân tích cung cấp bởi Stratfor, một công ty chuyên về tình báo địa chính trị đặt ở Mỹ.

"Hình thức xây dựng này phù hợp với những tập tục được biết tới của Trung Quốc trong việc củng cố các căn cứ quân sự của họ. Các cấu trúc ngầm cho phép hoạt động diễn ra mà không bị quan sát, cũng như cung cấp sự bảo vệ cho xe và những cơ sở thiết yếu đối với sứ mệnh của Trung Quốc ở Djibouti," Strafor nói trong một phân tích có hình ảnh đi kèm.

Trung Quốc phái binh sĩ đến căn cứ này hồi đầu tháng này. Mỹ, Pháp và Nhật Bản cũng có các căn cứ quân sự thường trực ở đó, nhưng không được phòng thủ kiên cố như của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá rằng căn cứ này là một cách để Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực bằng cách cung cấp phương tiện thực hiện các hoạt động chống hải tặc và hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, hình ảnh chụp ngày 4 tháng 7 cho thấy người Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu xây dựng các bến tàu, điều mà Stratfor gọi là đáng chú ý vì mục đích nói trên của căn cứ.

Các nhà phân tích nói rằng căn cứ này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập một lực lượng hải quân toàn cầu thực sự có khả năng thực hiện các hoạt động trên khắp thế giới - điều được gọi là "hải quân xanh" - mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản bác gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ biểu dương sức mạnh toàn cầu.

Việc xây dựng căn cứ cũng cho thấy nó sẽ được sử dụng nhiều hơn mục đích hải quân, theo phân tích.

Đường băng và nhà chứa máy bay của nó dường như đủ lớn để chứa các loại máy bay trực thăng, nhưng không phải máy bay có cánh cố định như máy bay không người lái hoặc máy bay chiến đấu. Bổ sung những thứ đó sẽ cho phép căn cứ có khả năng trên không. - VOA
|
5.
Anh sẽ điều tàu sân bay tới Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Anh cam kết hai chiếc tàu sân bay mới đóng của họ sẽ tham gia vào nhiệm vụ duy trì tự do hạng hải trên Biển Đông, báo chí Anh và Úc đưa tin.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh cam kết hai chiếc tàu sân bay mới đóng của họ sẽ tham gia vào nhiệm vụ duy trì tự do hạng hải trên Biển Đông, báo chí Anh và Úc đưa tin.

Theo tờ Guardian thì động thái này của Ngoại trưởng Boris Johnson là nhằm để “thử thách” Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trong một phát ngôn được cho là nhằm vào Trung Quốc, ông Johnson được dẫn lời nói một khi mà hai chiếc hàng không mẫu hạm này được đóng xong thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chúng là sẽ được triển khai đến châu Á-Thái Bình Dương.

“Một trong những điều đầu tiên mà chúng tôi sẽ làm với hai chiếc hàng không mẫu hạm mà chúng tôi vừa mới đóng là triển khai chúng đến khu vực này để thực hiện sứ mạng tự do hàng hải để chứng minh niềm tin của chúng tôi vào trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và vào tự do hàng hải trên những vùng biển vốn có vai trò cực kỳ trọng yếu đối với thương mại thế giới,” ông Johnson phát biểu ở Sydney hôm 27/7 sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Úc, bà Julie Bishop.

Dài 280 mét và nặng 65.000 tấn, chiếc tàu sân bay mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, tàu HMS Queen Elizabeth, là chiếc tàu lớn nhất mà hải quân nước này từng có. Hiện tại tàu Elizabeth đang có chuyến đi thử nghiệm ngoài khơi Scotland. Dự định hải quân Anh sẽ tiếp nhận tàu vào cuối năm nay.

Chiếc tàu sân bay thứ hai cũng thuộc lớp này, tàu HMS Prince of Wales, đang được hoàn thiện tại bến tàu Rosyth. Nó sẽ chính thức được đặt tên vào tháng Chín.

Ông Johnson cũng nói rằng Anh và Úc cùng “chia sẻ cam kết về trật tự quốc tế dựa trên luật pháp vốn là yếu tố đảm bảo cho ổn định và thịnh vượng của khu vực trong 70 năm qua”.

Về phần mình, bà Bishop được báo chí Úc dẫn lời cho biết bà đã thảo luận về Biển Đông với ông Johnson và các cơ hội để nước Anh tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Biển Đông là một trong những vùng biển tấp nập nhất thế giới với giá trị hàng hóa đi qua khu vực mỗi năm đạt 5.000 tỷ Mỹ kim.

Cuộc hội đàm của ông Johnson và bà Bishop tập trung vào các chủ đề an ninh, tình báo và chống khủng bố. Hai nước đã đồng ý xác định các cơ hội để tiến hành các hoạt động chung khi tàu chiến và máy bay của họ có mặt đồng thời trong khu vực.

Hồi cuối năm ngoái, Anh quốc đã triển khai một phi đội máy bay chiến đấu Typhoon diễn tập chung với Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng dâng cao trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. - VOA

6
TQ bắt 18 người của giáo phái 'giết Rồng Đỏ'

Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt 18 người bị nghi là thành viên một giáo phái chống Đảng Cộng sản và coi Chúa Giê Su là phụ nữ.

Tân Hoa Xã nói tổ chức 'Toàn Năng Thần Giáo Hội' là một giáo phái ra đời từ thập niên 1990, với các tín đồ tin rằng Giê Su phục sinh để trở thành một phụ nữ Trung Hoa.

Có tên tiếng Anh là 'Church of Almighty God', họ bị cho là đã đánh chết một phụ nữ tại tiệm McDonald ở tỉnh Sơn Đông năm 2014.

Nạn nhân là một phụ nữ 35 tuổi từ chối không gia nhập giáo phái, theo tòa án Trung Quốc.

Sau vụ việc đó, một số thành viên giáo phái đã bị bắt và hai người trong số họ bị chính quyền Trung Quốc xử tử.

Giáo phái này từ chối không hồi đáp yêu cầu của BBC và hướng dẫn BBC đến trang web của họ đặt ở Hoa Kỳ.

Trang này đăng tải những lời kể mà họ nói là của các nhân chứng bị công an Trung Quốc tra tấn.

Giáo phái này còn có các tên khác như 'Đông Phương Thiểm Điện' (Tia Chớp Phương Đông), và Quốc Độ Phúc Âm Giáo hội.

Họ gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc là 'Rồng Đỏ' thuộc về tà phái.

Giết Rồng Đỏ

Giáo hội Thượng đế Toàn năng này do một cựu giáo viên, ông Triệu Duy Sơn lập ra 25 năm trước và quảng bá nội dung chống cộng sản.

Theo báo Telegraph ở Anh, đây là một giáo phái cực đoan (radical cult) và nói đã có "hàng triệu tín đồ".

Ông Triệu Duy Sơn cũng là người duy nhất liên hệ với bà Dương Hướng Bân (Yang Xiangbin), người mà tín đồ giáo phái tin rằng Nữ Chúa Ki Tô (female Christ) đã tái thế.

Nhưng bài trên trang Telegraph nói bà Dương là nhân tình của ông Triệu.

Cũng có tin nói hai người này đã sang sống ở Hoa Kỳ bằng hộ chiếu giả.

Giáo phái này có tín đồ ở Mỹ, châu Âu, Malaysia và Hàn Quốc.

Bài của Malcolm Moore trên The Telegraph từ Bắc Kinh hồi tháng 2/2015 nói các tài liệu bằng tiếng Anh giới thiệu lời ông Triệu nói những người "được chọn" cần hy sinh thân mình để tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc mà họ gọi là Đại Xích Long (Rồng Đỏ).

Ai giết được các đảng viên cộng sản thì "linh hồn của Rồng Đỏ sẽ không còn chế ngự" họ nữa, theo tài liệu mà nhà báo Anh xem được.

Chính quyền Trung Quốc đã bắt ít nhất 1000 thành viên giáo phái này, tính đến tháng 8/2014. - BBC

7.
Đập thủy điện trên sông Mekong sẽ thoái trào?

Thời kỳ Lào ồ ạt cho xây các đập thủy điện trên sông Mekong khó có thể kéo dài trước những diễn biến mới trên thị trường năng lượng tái tạo, các nhà nghiên cứu tại một viên nghiên cứu hàng đầu của Mỹ nhận định.

Các đập thủy điện của Lào trên dòng chính của sông Mekong như đập Xayaburi lâu nay vẫn bị chính phủ Việt Nam phản đối mạnh mẽ do những tác động tiêu cực đối với sinh kế, môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự suy thoái của thủy điện ở Lào bao gồm giá thành của năng lượng tái tạo ngày càng giảm, nhận thức của người dân Lào về những tác hại môi trường ngày một nâng cao trong khi Lào sẽ gặp nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường năng lượng khu vực. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu tại Viện Stimson, một viện nghiên cứu chiến lược ở thủ đô Washington DC (Mỹ), đưa ra tại buổi thảo luận về những xu hướng mới trong thị trường năng lượng tiểu vùng sông Mekong hôm 25/7.

“Đã đến lúc tạm dừng các dự án đập thủy điện để tính tới các xu hướng mới trong ngành năng lượng,” ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Stimson nói trong buổi thảo luận. Ông Eyler chỉ dùng chữ “tạm dừng” chứ không phải “chấm dứt hẳn”.

Ông Eyler cùng đồng nghiệp của ông ở Viện Stimson, bà Courtney Weatherby, vừa trở về từ một chuyến đi thực tế đến Lào và các nước Đông Nam Á để chuẩn bị cho một bản báo cáo nhan đề “Lá thư từ Mekong – Sự thay đổi trong ngành công nghiệp năng lượng: Những xu hướng mới trong ngành năng lượng của tiểu vùng sông Mekong”.

“Lào không còn suy tính sẽ xây dựng đập thủy điện kế tiếp ở đâu nữa. Nhà chức trách của Lào đã bắt đầu đưa các đập thủy điện ra khỏi bản đồ (hoạch định chiến lược năng lượng) và thay bằng các dự án điện mặt trời hay điện gió,” ông Eyler cho biết về những gì mà ông rút ra sau chuyến đi.

Bà Weatherby nói rằng mặc dù hiện tại thủy điện và nhiệt điện vẫn đang chi phối ngành công nghiệp năng lượng của Lào nhưng quốc gia này vẫn không có kế hoạch toàn diện về phát triển ngành năng lượng.

“Nhiều dự án (thủy điện) vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Đợi đến khi nghiên cứu xong thì lúc đó giá năng lượng mặt trời đã trở nên rất rẻ rồi,” bà Weatherby phân tích, “Do đó không có lý gì để tiếp tục triển khai các dự án đập thủy điện khi mà nó đã mất tính cạnh tranh.”

Nhận định này cũng được ông Eyler chia sẻ. Ông nói rằng phải mất từ 7 đến 10 năm để hoàn thành một đập thủy điện và khi đó thì nhiều khả năng nó không còn sinh lợi nữa, với tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo như hiện nay.

Báo cáo của Viện Stimson cho biết giá thành của năng lượng tái tạo đang giảm với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Chỉ tính riêng trong hai năm 2015-2016, giá năng lượng mặt trời đã giảm 13% và giá năng lượng gió đã giảm 10,75%.

Lào lâu nay vẫn xem xuất khẩu điện là nguồn thu nhập chính. Sự phát triển nhanh chóng của thủy điện ở nước này xuất phát từ nhu cầu xuất khẩu điện chứ không phải nhu cầu sử dụng trong nước. Thái Lan là khách hàng chính mua điện của Lào và cũng là những nhà đầu tư lớn vào các công trình thủy điện ở nước này. Giá thành của thủy điện và lợi nhuận nó đem lại là yếu tố chính chi phối quyết định của các nhà đầu tư khi tham gia vào các đập thủy điện Lào. Nói cách khác, Lào phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà đầu tư nước ngoài vốn rất nhạy cảm với chuyện lời lỗ trong kế hoạch xây các đập thủy điện.

Một yếu tố nữa cũng sẽ dẫn đến sự suy thoái của các đập thủy điện là ý thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao, các nhà nghiên cứu nói.

“Người dân Lào hiểu rõ những nguy cơ của các dự án nhiệt điện và thủy điện nên họ ngày càng có nhiều cuộc phản đối,” bà Weatherby nói và cho biết biến đổi khí hậu dù chưa trở thành một vấn đề chính trị ở Lào nhưng đã là một nhân tố phải tính đến khi quy hoạch các đập thủy điện.

Hơn nữa, thị trường năng lượng ngày càng tiến triển theo hướng không có lợi cho tham vọng của Lào trở thành “Nguồn điện của khu vực” (Battery of Southeast Asia), theo các nhà nghiên cứu. Miến Điện và Campuchia đang nổi lên trở thành những nhà cung cấp điện cho khu vực với tiềm năng lớn, cạnh tranh mạnh mẽ với Lào. Trong khi đó, với sự phát triển ồ ạt của các dự án thủy điện ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hiện đã dư thừa điện và được dự đoán sẽ trở thành một quốc gia xuất khẩu điện.

“Chỉ cần phân nửa số dự án được đề xuất ở Miến Điện đi vào hoạt động thì nước này cũng đã dư thừa điện rồi. Trong khi đó, Campuchia có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Campuchia hy vọng sẽ trở thành trung tâm năng lượng mặt trời của khu vực đông nam Á,” bà Weatherby nhận định.

“Các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với các nhà hoạch định chính sách, các nhà phát triển dự án, các nhà đầu tư, các nhà khoa học và các nhóm dân sự xã hội đã cho thấy các nguy cơ chính trị và chi phí kinh tế ngày càng tăng của việc phát triển năng lượng truyền thống. Giờ đây sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và những diễn biến mới trong thị trường năng lượng khu vực đang thay đổi bức tranh năng lượng toàn cầu một cách nhanh chóng,” báo cáo của Viện Stimson cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng nhận định rằng các nước trong khu vực không có sự thích nghi nhanh chóng với thay đổi này. Báo cáo viết: “Ít chính phủ trong lưu vực sông Mekong đang xem xét nghiêm túc những cơ hội mới trong lĩnh vực năng lượng. Các kế hoạch năng lượng quốc gia tiếp tục xoay quanh các mô hình truyền thống với các dự án nhiệt điện và thủy điện quy mô và tập trung”.

“Đa số các nhà hoạch định (chiến lược năng lượng) trong khu vực vẫn cho rằng giá thành năng lượng gió và mặt trời sẽ không thay đổi đáng kể trong những năm tới,” báo cáo nhận định.

Trao đổi với VOA Việt ngữ bên lề cuộc hội thảo, ông Brian Eyler nói rằng mặc dù những thay đổi trên thị trường năng lượng vẫn chưa được phản ánh trong chiến lược và chính sách năng lượng trong khu vực, nhưng ông tin rằng điều đó sẽ sớm xảy ra và ông đã chứng kiến sự thay đổi đó ở Campuchia. 

Đối với Lào, ông Eyler cho biết “Chính phủ Lào vẫn đang xếp hàng để xây dựng các đập thủy điện và tạo điều kiện thuận lợi để các đập thủy điện ra đời” cho nên muốn có sự thay đổi trong chính sách thì cần phải có “sự tái cấu trúc trong ngành năng lượng của Lào”. Nếu không, với sự phụ thuộc lớn vào thủy điện, khó có khả năng Lào chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.

Nếu Thái Lan (khách hàng mua điện lớn của Lào) nghiêm túc xem xét chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và chú trọng vào hiệu quả năng lượng thì họ sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Lào trong các dự án đập thủy điện của họ, ông Eyler cho biết.

Hiện nay, Lào đã bắt đầu quan tâm đến năng lượng tái tạo và Lào có tiềm năng lớn về năng lượng gió và năng lượng mặt trời, ông nói thêm. Vẫn theo lời ông, Lào đã xây dựng một nhà máy điện tái tạo công suất 600MW ở miền Nam và sản lượng điện này sẽ được xuất sang Thái Lan, Việt Nam cũng như tiêu dùng trong nước.

“Điều này cho thấy các dự án phát triển thủy điện đang chậm lại,” ông nói. “Khi mà những quả ngọt của các dự án thủy điện lớn và có sinh lời về mặt kinh tế đã được gặt hái thì ít có khả năng Lào sẽ xây dựng các đập thủy điện mới,” Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Stimson dự báo. - VOA

8.
Chánh văn phòng nội các cựu TT Hàn Quốc bị xử 3 năm tù

Ông Kim Ki-choon, Chánh văn phòng nội các của cựu tổng thống Hàn Quốc, sẽ phải ngồi tù ba năm vì tội lập danh sách đen hàng ngàn văn nghệ sỹ, những người đã lên tiếng chỉ trích tổng thống bị phế truất Park Geun-hye.

Ông Kim đã bị kết án tại tòa án Seoul hôm thứ Năm 27/7, sau khi ông bị buộc tội khai man và lạm dụng quyền lực – không cấp hỗ trợ chính phủ cho những người không thân quen với bà Park.

Một phụ tá hàng đầu khác của bà Park có liên quan đến vụ bê bối danh sách đen này đã bị buộc tội khai man nhưng đã được thả, sau khi ngồi tù một năm và được hưởng án treo hai năm.

Vụ án danh sách đen là một phần của vụ tai tiếng tham nhũng lớn dẫn đến việc bà Park bị phế truất. Bà Park phải đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ từ một công ty lớn, với sự giúp đỡ của một cộng sự. - VOA

9.
Anh chấm dứt đi lại tự do với EU tháng 3/2019

Quốc vụ khanh chuyên trách về Nhập cư của Anh, Brandon Lewis nói quyền tự do đi lại giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ chấm dứt khi Anh rời EU. 
Một quy chế nhập cư mới sẽ được áp dụng vào mùa xuân năm 2019.

Ông Lewis cũng nói chính phủ Anh đang triển khai một bản báo cáo đánh giá chi tiết về hệ lụy của quá trình rời EU (Brexit) đối với người nhập cư từ EU ở Anh.

Báo cáo này dự kiến được hoàn thành vào tháng 9/2018, chỉ sáu tháng trước khi Anh chính thức rời khỏi EU, dự kiến vào ngày cuối cùng của tháng 3/2019.

Hiệp hội các nhà công nghiệp Anh (CBI), nói tương lai người nhập cư EU tại Anh là vấn đề "khẩn cấp", trong giai đoạn chuyển tiếp từ tháng Ba năm 2019 và sau đó.

Các bộ trưởng nói sẽ tham vấn bao quát để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, hội đoàn và các trường đại học.

Người nhập cư là một trong những vấn đề trung tâm trong Chiến dịch vận động Trưng cầu dân ý Anh rời EU vào năm ngoái. 

Các bộ trưởng đã hứa sẽ 'giành lại quyền kiểm soát' biên giới nước Anh khi đàm phán trong thương vụ Brexit.

Đạo luật về nhập cư, vốn đưa ra phương pháp tiếp cận của chính phủ, đã được cho vào bài phát biểu của Nữ Hoàng.

Trả lời phỏng vấn BBC Radio 4, ông Brandon Lewis nói chính phủ Anh sẽ có kế hoạch quản lý nhập cư sau Brexit.

Chi tiết sẽ được đưa ra trong Sách Trắng ấn hành vào cuối năm nay. Và dự luật nhập cư sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2018.

Như vậy, nhờ có đạo luật nhập cư mới mà Anh có thể thích nghi dần dần trước khi thời hạn Brexit kết thúc.

Điều này nghĩa là việc đi lại tự do Anh và EU sẽ không được áp dụng sau đó, và một hệ thống nhập cư mới sẽ được áp dụng vào mùa xuân năm 2019.

Ông Lewis cũng nhấn mạnh, Cương lĩnh tranh cử của Đảng báo thủ ủng hộ việc giảm lượng người nhập cư từ con số hiện tại là 248.000 xuống vài chục nghìn mỗi năm.

Bộ Nội vụ Anh nói hội đồng tư vấn để xem xét việc phân bổ người nhập cự EU tại nước Anh. 

Ngoài ra lĩnh vực nào cần được hỗ trợ nhất, vai trò của người làm công tạm thời hay theo mùa vụ.

Cơ hội và thách thức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, bà Amber Rudd khẳng định: "Chúng tôi sẽ đảm báo tiếp tục thu hút người EU có lời cho nước Anh về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa.

"Đồng thời, hệ thống nhập cư mới giúp chúng tôi kiểm soát được lượng người đến Anh, và trấn an người dân về số lượng trần người nhập cư ở mức bền vững," vẫn theo lời bà Rudd.

Phát biểu khi đang thăm Sydney, Úc, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói ông không biết đã có bản báo cáo đang được triển khai, nhưng vấn đề nhập cư là "cốt lỗi cho sức mạnh và sự năng động của nền kinh tế", nhưng "vẫn có thể kiểm soát được".

Phát ngôn viên của đảng Lao động đối lập, bà Diane Abbott, chuyên trách về nội vụ nói: 

"Có quá nhiều tranh cãi và sự không rõ ràng về vấn đề nhập cư, chính vì vậy một bản báo cáo thực sự khách quan và chi tiết là một điều cần thiết."

Vạn sự khởi đầu nan

Người phát ngôn của Đảng Dân chủ Tự do cũng thuộc phe đối lập ở Anh, ông Ed Davey thì bày tỏ lo ngại là động thái này sẽ "không thể trấn an những bệnh viện hiện đang có nhiều y tá người châu Âu bỏ đi, hoặc những công ty đang không tìm được ứng viên tuyển dụng".

Ngành Y tế Anh (NHS), các doanh nghiệp và các trường đại học có nhiều người từ EU hiện đang cần câu trả lời ngay bây giờ, chứ không phải trong 14 tháng nữa," ông Davey nói thêm.

Hiệp hội các nhà công nghiệp Anh (CBI) nói đây chỉ là bước khởi đầu và hệ thống hải quan mới giữa Anh và EU khi được áp dụng phải đảm bảo lợi ích của nghiệp đoàn và lòng tin của dân chúng.

Tổ chức này cũng kêu gọi chính phủ có phản hồi nhanh chóng về danh nghĩa của những công dân EU hiện đang sống ở nước Anh.

Gần đây, Chính phủ Anh quốc đồng ý rằng cần có một thời kỳ chuyển tiếp sau tháng 3/2019 để nước Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Liam Fox còn nói một thời gian 24-25 tháng không phải là một vấn đề lớn tính từ tháng 3/2019.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ giai đoạn chuyển tiếp này chỉ nhằm phục vụ cho các thỏa thuận thương mại, hay có đề cập cả đến quy chế di dân và nhập cư giữa Anh với EU. - BBC

10.
Mỹ chế tài 13 quan chức Venezuela --- Đình công toàn quốc ở Venezuela sang ngày thứ hai

Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp chế tài đối với 13 quan chức cấp cao của Venezuela như một áp lực lên Tổng thống Nicolás Maduro trước cuộc bỏ phiếu lập quốc hội mới. 
Các biện pháp bao gồm đóng băng tài sản tại Hoa Kỳ của những người này và ngăn các công ty Hoa Kỳ làm ăn với họ.

Trong danh sách bị chế tài có bộ trưởng nội vụ và người đứng đầu quân đội Venezuela.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ "hành động mạnh mẽ" nếu ông Maduro tiến hành cuộc bỏ phiếu dự kiến hôm 30/7.

"Những tên đế quốc Mỹ nghĩ họ là ai vậy?" ông Maduro nói hôm 26/7. "Họ lãnh đạo thế giới à?"

Ông cũng nói là các biện pháp chế tài do Mỹ đưa ra là "bất hợp pháp, xấc xược và chưa có tiền lệ".

Cuộc bỏ phiếu theo hoạch định nhằm chọn 545 thành viên Quốc hội mới có quyền viết lại Hiến pháp, nhằm làm đối trọng với Quốc hội đang do phe đối lập kiểm soát. - BBC

***
Phe đối lập ở Venezuela hôm thứ Năm 27/7 tiếp tục cuộc đình công toàn quốc sang ngày thứ hai và cũng là ngày cuối, gây áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu sắp tới nhằm thành lập quốc hội mới.

Hôm thứ Tư 26/7 hàng triệu người lao động không đi làm việc, các sơ sở thương mại đóng cửa, đường phố và đường cao tốc vắng tanh. Một số người biểu tình ném chướng ngại vật ra đường, cản trở người đi làm, dẫn đến các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh, khiến ít nhất một người chết.

Tổng thống Maduro đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật, ngày 30/7, để thành lập một quốc hội nhằm khôi phục lại trật tự ở Venezuela, nơi mà từ tháng 4 cho đến nay có hơn 100 người bị giết trong các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra hàng ngày giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.

Các nhà lãnh đạo phe đối lập nói rằng ông Maduro dự định sẽ thâu tóm nhiều quyền hành hơn một khi quốc hội mới ủng hộ ông được thành lập.

Hôm thứ Tư, ông Leopoldo López, một thủ lãnh phe đối lập, đã kêu gọi người dân Venezuelans tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố một cách ôn hòa và khuyên quân đội phớt lờ lệnh của chính phủ, không trấn áp các nhà hoạt động.

Một cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào thứ Sáu 28/7 kéo dài 48 tiếng đồng hồ tại thủ đô Caracas.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 13 cá nhân liên quan đến chính phủ Venezuela và công ty dầu mỏ quốc gia, trong nỗ lực nhằm gây áp lực lên tổng thống Maduro.

Một quan chức cao cấp của tổng thống Trump cho biết các cá nhân bị trừng phạt bao gồm các quan chức cấp cao và cựu quan chức liên quan đến chế độ Maduro, bao gồm hai bộ trưởng nội các, giám đốc cuộc bầu cử quốc gia, phó chủ tịch tài chính của công ty dầu khí quốc doanh PDVSA và quân đội nước này, các cảnh sát trưởng, và nhiều người khác.

Trong một thông cáo kèm theo tuyên bố trừng phạt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết có thể có thêm các lệnh trừng phạt nữa được áp dụng sau cuộc đầu phiếu mà ông Maduro kêu gọi sẽ diễn ra vào Chủ nhật 30/7: "Bất cứ ai được bầu vào Quốc hội mới phải nhận thấy vai trò của họ trong việc phá hoại tiến trình dân chủ ở Venezuela, và sẽ là đối tượng có thể bị Mỹ trừng phạt." - VOA

11.
Bị Ukraina tước quốc tịch, cựu tổng thống Gruzia trở thành người vô tổ quốc

Chính quyền Kiev ngày 26/07/2017 bất ngờ tước quốc tịch Ukraina của ông Mikheil Saakachvili, cựu tổng thống Gruzia. Cách đây hai năm, tổng thống Petro Porochenko đã mời ông Saakachvili về làm thống đốc Odessa và cấp hộ chiếu Ukraina cho ông.
Do có quốc tịch Ukraina, ông Saakachvili bị mất quốc tịch Gruzia vào năm 2015 vì luật pháp Gruzia không cho phép song tịch.

Trong thời gian qua, Mikheil Saakachvili trở thành nhà đối lập đáng ngại đối với đương kim tổng thống Ukraina Porochenko, thậm chí ông còn thành lập chính đảng riêng.

Từ Kiev, thông tín viên RFI Stéphane Siohan tường trình :

« Cựu tổng thống Gruzia đang ở New York, chuẩn bị trở về Kiev vào cuối tuần này thì nghe tin ông bị cơ quan di trú ở Kiev tước quốc tịch Ukraina. 


Trả lời RFI qua điện thoại, Mikheil Saakachvili xác nhận tình trạng độc nhất vô nhị này. Đó là việc một cựu nguyên thủ nay bỗng trở thành người vô tổ quốc và có thể phải xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, cho dù ông khẳng định mong muốn quay trở lại chính trường Ukraina càng sớm càng tốt. 


Bởi vì đối với ông Petro Porochenko, chiến dịch tranh cử tổng thống 2019 đã bắt đầu, và dường như nguyên thủ Ukraina quyết định trừ khử các đối thủ bằng mọi phương cách. Porochenko là một tổng thống đại gia, mà uy tín đang suy sụp. Còn Saakachvili là một nhà cải cách dân túy, một trong những nhân vật được người dân Ukraina ưa thích. 

Chỉ có điều là với việc tước quốc tịch và đẩy một địch thủ đi lưu vong, ông Porochenko đã lại sử dụng các biện pháp độc đoán, sẽ làm phương hại nặng nề đến hình ảnh đất nước". - RFI

12.
Cải cách tư pháp: Ba Lan phẫn nộ vì châu Âu dọa trừng phạt

Dự luật cải tổ trao quyền gần như vô hạn định cho chính phủ kiểm soát tư pháp tiếp tục gây căng thẳng giữa Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 26/07/2017, Vacxava phản ứng mạnh mẽ ngay sau khi Ủy Ban Châu Âu dọa sử dụng hình phạt nghiêm khắc nhất với Ba Lan.
Bruxelles cho rằng dự luật cải tổ ngành tư pháp của Ba Lan đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của hiệp ước chung châu Âu và Vacxava có một tháng để trình bày với Bruxelles về tình trạng Nhà nước pháp quyền tại quốc gia này.

Thông tín viên đài RFI Damien Simonart từ Vacxava tường trình :

Bộ trưởng Tư Pháp và cũng là người đứng đầu cơ quan công tố của Ba Lan đã có những lời lẽ nặng nề nhất chỉ trích thái độ của châu Âu đối với các cải cách tư pháp của đảng cầm quyền Luật Pháp và Công Lý- Pis nhằm kiểm soát gần như toàn bộ các thẩm phán.

Ông Zbigniew Ziobro yêu cầu phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Frans Timmermans chấm dứt phát biểu với những lời lẽ kiêu căng và ngạo mạn xem thường Ba Lan và nhân dân nước này. Bộ trưởng Tư Pháp Ziobro nói thêm là cần phải tôn trọng Ba Lan và Vacxava đòi hỏi phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và các đồng nghiệp của ông phải tôn trọng điều đó. Zbigniew Ziobro giải thích : tư pháp là một trong những mắt xích yếu kém nhất trong xã hội Ba Lan. Đảng cầm quyền Pis có bổn phận cải tổ hệ thống đó. 

Phát ngôn viên phủ thủ tướng Ba Lan Rafal Bochenek trước đó cũng cảnh báo là Vacxava sẽ không chấp nhận để các quan chức của Liên Hiệp Châu Âu bắt bí. Vẫn theo nhân vật này, tất cả mọi dự luật đang được Quốc Hội Ba Lan soạn thảo đều phù hợp với Hiến Pháp và nguyên tắc dân chủ. Phát ngôn viên phủ thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh : những cáo buộc của ông Timmermans là bất công. Chỉ có thứ trưởng Ngoại Giao Ba Lan, Konrad Szymanski tỏ ra từ tốn hơn khi trấn an Bruxelles là Vacxava sẽ trả lời Bruxelles một cách cụ thể vào thời điểm cần thiết. - RFI

Tin Hoa Kỳ
13.
Sân bay Mỹ thắt chặt soi chiếu đồ điện tử

Cục An ninh Vận tải Hoa Kỳ (TSA) sắp tăng cường các biện pháp an ninh với yêu cầu là bất kỳ thiết bị điện tử nào lớn hơn điện thoại di động mang theo hành lý xách tay đều phải được kiểm tra riêng tại các sân bay Mỹ.
TSA thông báo hôm 26/7 rằng các nhân viên an ninh sẽ yêu cầu hành khách lấy tất cả các thiết bị lớn ra khỏi hành lý của họ và tự đặt chúng vào khay, tương tự như việc soi chiếu máy tính xách tay của hầu hết hành khách.

TSA cho hay lý do của động thái này là "có sự gia tăng về nguy cơ an ninh hàng không". Thay đổi này sẽ không áp dụng với các luồng hành khách đã kiểm tra trước (PreCheck).

Nguy cơ những kẻ khủng bố giấu chất nổ trong máy tính xách tay đã khiến Bộ An ninh Nội địa Mỹ hồi tháng 3 ban hành lệnh cấm các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động trong hành lý xách tay trên các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ của 9 hãng hàng không tại 10 sân bay ở Trung Đông. Những hạn chế này đã được dỡ bỏ vì tất cả các hãng đó đều đã thắt chặt việc soi chiếu.

Bộ trưởng Nội an John Kelly sau đó đã thông báo thắt chặt an ninh hơn đối với tất cả 180 hãng hàng không bay trực tiếp đến Hoa Kỳ từ 280 sân bay trên toàn thế giới. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 19/7 áp dụng cho 325.000 hành khách trên 2.000 chuyến bay hàng ngày. - VOA

14.
Lập pháp Mỹ đạt thỏa thuận về trừng phạt Nga, Iran, Bắc Hàn

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ vừa đạt thoả thuận mở đường cho một đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống Donald Trump để phê chuẩn.
Thượng nghị sĩ Bob Corker đã ra tuyên bố về thỏa thuận vào tối 26/7.

Dự luật cũng chứa đựng một điều khoản cho phép quốc hội Mỹ được thực hiện một quy trình rút ngắn để bác bỏ bất kỳ động thái nào mà tổng thống thực hiện để chấm dứt các biện pháp trừng phạt.

Tòa Bạch Ốc đã bày tỏ sự ủng hộ. Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên hôm 24/7:

"Tổng thống rất ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia này và muốn đảm bảo rằng những biện pháp đó vẫn được duy trì, nhưng đồng thời ông cũng muốn đảm bảo rằng chúng ta có được những thỏa thuận tốt. Hai điều đó đều rất quan trọng đối với tổng thống".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 26/7 nói Moscow có thể sẽ trả đũa Hoa Kỳ nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt.

Theo truyền thông nhà nước Nga, ông Ryabkov cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới sẽ tác động xấu đến bất cứ cơ hội nào về cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông cũng tuyên bố rằng Nga trước đó đã cảnh báo với chính quyền của ông Trump rằng Nga sẽ đáp trả nếu các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật này. - VOA

15.
Người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ hy vọng vào dự luật Hạ viện

Hai thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ đã giới thiệu một dự luật cho phép những di dân không có giấy tờ hợp lệ nhưng đã nhập cư vào Hoa Kỳ khi còn trẻ sẽ có cơ hội trở thành thường trú nhân.
Dân biểu đảng Dân chủ Lucille Roybal-Allard và dân biểu đảng Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen hôm thứ Tư 26/7 tuyên bố một dự luật bảo vệ nhóm người được gọi là DREAMers bằng cách cho họ một lộ trình để có quốc tịch Hoa Kỳ.

Dự luật này phản ánh nỗ lực lưỡng đảng được Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham giới thiệu ở Thượng viện vào tuần trước.

Dân biểu Roybal-Allard nói: "Đạo luật DREAM là một đạo luật tiến bộ nhất, và hướng đến bảo vệ DREAMers - những cá nhân đã xây dựng cuộc sống của họ ở Hoa Kỳ và xem quốc gia này là quê hương."

Dân biểu Ros-Lehtinen cho biết, trọng tâm của dự luật là "giữ những người tốt nhất và tài năng nhất ở lại đất nước của chúng ta và cùng vun đắp cho quê hương mình" và dự luật cũng trợ giúp cho những người lâu nay sống trong nỗi sợ bị trục xuất.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã thiết lập một chương trình gọi là Luật hoãn Hành động đối với những người nhập cư lúc còn nhỏ, còn gọi là DACA, trong đó cho phép người nhập cư nộp đơn xin tạm không bị trục xuất và cho phép họ làm việc một cách hợp pháp. Hơn 750.000 người hiện đang đăng ký theo diện DACA, nhưng không bao gồm một lộ trình cho phép nhập quốc tịch.

Dự luật mới này bao gồm các yêu cầu về kiểm tra lý lịch, chứng minh thông thạo tiếng Anh, tốt nghiệp trung học, và theo đuổi nền giáo dục đại học, có tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc có việc làm ít nhất ba năm.

Dự luật này được giới thiệu vào thời điểm DACA đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý tiềm ẩn.

Một nhóm gồm 10 viên chức đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ khởi kiện chính quyền Trump nếu không hủy bỏ luật DACA trước ngày 5/9.

Đầu tháng này, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly nói với các thành viên của nhóm Quan tâm đến người gốc Tây Ban Nha của Quốc hội trong một cuộc họp kín rằng trong khi ông đích thân hỗ trợ Luật DACA, ông không nghĩ rằng luật này sẽ phải chịu đựng một thách thức pháp lý.

Tổng thống Trump lên nắm quyền với chính sách tăng cường thắt chặt biên giới quốc gia và hứa hẹn ngay lập tức chấm dứt Luật DACA, nhưng kể từ đó ông nói ưu tiên của ông về việc thực thi nhập cư sẽ là nhắm mục tiêu những người đã phạm tội.

Thượng nghị sĩ Durbin cho biết trong tuyên bố nói rằng ông và Thượng nghị sĩ Graham khi giới thiệu dự luật này đã "tích cực vận động Tòa Bạch Ốc ... cố gắng để tìm một tiếng nói chung."

Thượng nghị sĩ Graham nói: "Những đứa trẻ theo diện DACA sẽ bước ra khỏi bóng tối theo lời mời của chính phủ. Chúng tôi sẽ không rút tấm thảm lót đường cho họ." - VOA

16.
Bộ trưởng Tư pháp có cơ hội xoa dịu ông Trump

Tòa Bạch Ốc cho thấy Bộ trưởng Sessions có thể xoa dịu tổng thống bằng cách ra lệnh cho Bộ Tư pháp điều tra những những rò rỉ thông tin trong chính phủ đã khiến ông Trump khó chịu và mất ăn mất ngủ.

Bộ Trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions dường như không có ý định từ chức khi đối mặt với những biểu hiện thất vọng của Tổng thống Donald Trump. Thông tín viên VOA Steve Herman có thêm chi tiết từ Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Trump đang tiếp tục gây sức ép lên ông Jeff Sessions, khi ông viết trên Twitter rằng tại sao bộ trưởng tư pháp vẫn chưa thay quyền giám đốc Cục Tình báo Liên bang (FBI), vợ của người này có nhận một khoản quyên góp lớn cho vận động tranh cử từ các đảng viên Dân chủ.

Tổng thống thoạt đầu đã chỉ trích Bộ trưởng Sessions vì ông đã tự rút ra khỏi nhiệm vụ giám sát cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong cuộc họp báo vào Thứ Tư 26/7 của Tòa Bạch Ốc, các phóng viên đã gạn hỏi lý do tại sao tổng thống không yêu cầu ông Sessions từ chức hoặc sa thải ông?

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders trả lời:

"Qúy vị có thể thất vọng với ai đó nhưng vẫn muốn họ tiếp tục làm việc."

Theo Thượng nghị sĩ Dick Durbin, một thành viên đảng Dân chủ, cách mà ông Trump đang đối xử với ông bộ trưởng bộ tư pháp, người đứng đầu việc thực thi pháp luật quốc gia - như vậy là tàn bạo và không cần thiết, và "không phản ánh đúng tầm của tổng thống."

Thượng nghị sĩ Dick Durbin nói:

"Ông Sessions đã giơ đầu chịu báng cho tổng thống, nay tổng thống lại muốn trảm ông ấy. Cách làm đó làm sao khuyến khích được lòng tôi trung của những người phục tùng ông ở mọi cấp."

Cũng có những lo ngại ngày càng gia tăng giữa các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, thành viên đảng Cộng hòa, đại diện bang Utah nói:

"Tôi hy vọng rằng tổng thống sẽ đánh giá lại và nhận ra rằng ông Sessions là một người rất tốt, làm việc đâu vào đấy, và tổng thống nên giữ ông ấy ở lại chức vụ mà cho đến nay ông làm rất tốt."

Một thượng nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa cảnh báo về những hậu quả xảy ra nếu ông Sessions, cũng là một cựu thượng nghị sĩ Mỹ, bị buộc phải rời khỏi công việc của mình.

Thượng nghị sĩ John Kennedy, đại diện bang Louisiana cho biết:

"Nếu, vì bất cứ lý do nào, Bộ trưởng Sessions quyết định không phục vụ nữa, tôi không biết Thượng viện có thể chuẩn thuận cho một người thay thế ngay bây giờ không – không có bộ trưởng tư pháp. Tình trạng chia rẽ quá cao, chúng tôi không muốn điều đó ngày vào lúc này.”

Tòa Bạch Ốc cho thấy ông Sessions có thể giành lại sự ưu ái của của tổng thống bằng cách ra lệnh cho Bộ Tư pháp điều tra những chỗ rò rỉ thông tin của chính phủ đã khiến cho ông Trump khó chịu và mất ăn mất ngủ. - VOA

17.
Thượng Viện Mỹ hướng tới dự luật giảm bớt nội dung Obamacare

Dự luật bãi bỏ Obamacare mà không có biện pháp thay thế đã đi vào ngõ cụt sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện Mỹ ngày 26/07/2017, với 55 phiếu chống.

Vào chiều hôm qua, dự luật Obamacare Repeal Reconciliation Act (tạm dịch là Luật hòa giải bãi bỏ Obamacare) đã không có được đa số phiếu ủng hộ tại Thượng Viện, 45 phiếu thuận trên tổng số 100 thượng nghị sĩ. Nội bộ đảng Cộng Hòa có 7 thành viên không nhất trí với hướng đi của phe mình.

Lãnh đạo phía đảng Cộng Hòa đã bày tỏ mong muốn có chính sách cải tổ cụ thể vào cuối tuần này, nhưng với tình hình chia rẽ nội bộ sâu sắc, kết cục và nội dung của chính sách mới sẽ ra sao còn rất mơ hồ.

Đây là thất bại thứ hai trong vòng 24 giờ qua của đảng Cộng Hòa. Chỉ vài giờ trước, một bản dự thảo bãi bỏ và thay thế Obamacare cũng đã bị bác bỏ.

Thượng viện sẽ phải chuyển sang thảo luận và cố gắng đạt được đồng thuận về một dự luật khác, được ví von là "skinny repeal" tạm dịch là luật bảo hiểm y tế Obamacare giản lược. Theo nguồn tin thân cận Nhà Trắng, bản dự thảo này sẽ không bãi bỏ hoàn toàn Obamacare, mà chỉ xóa bỏ một số chính sách cụ thể, chẳng hạn như chính sách xử phạt cá nhân không mua bảo hiểm và những doanh nghiệp không chi trả bảo hiểm cho người lao động. Chính sách bãi bỏ tối thiểu này cũng sẽ giảm thuế cho các công ty sản xuất thiết bị y tế.

Hiện giờ, các cử tri đảng Cộng Hòa vẫn hy vọng bãi bỏ và thay thế hoàn toàn Obamacare, và luật bãi bỏ tối thiểu này chỉ là phương tiện để phe Cộng Hòa có thể thương thảo một số biện pháp bãi bỏ khắc nghiệt hơn.

Với thực trạng của dự luật Obamacare giản lược, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Hoa Kỳ ước tính con số 16 triệu người dân Mỹ sẽ mất bảo hiểm trong tương lai, và chi phí bảo hiểm sẽ tăng 20%. - RFI

18.
RussiaGate: Nhà Trump "tìm hiểu đối phương", gậy ông đập lưng ông

Điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, Donald Junior, con trai cả của tổng thống Mỹ, khẳng định cuộc gặp với nữ luật sư Nga Natalia Veselniskaya vào ngày 09/06/2016 tại tòa tháp Trump ở New York chỉ nhằm mục đích « nghiên cứu đối phương ».

Lời biện bạch « tìm hiểu đối phương » được đội ngũ luật sư bảo vệ gia đình Trump và chính cả tổng thống Donald Trump đưa ra cho thấy một « tục lệ », được gọi thân mật là « oppo », trong bất kỳ cuộc vận động tranh cử nào tại Hoa Kỳ. Theo bài viết « Các chuyên gia bới móc tại Hoa Kỳ »của Libération (27/07/2017), đây là cách thu thập thông tin bất lợi trong quá khứ nhằm làm suy yếu đối thủ chính trị.

Những lời đồn đại hay những vụ tai tiếng lớn điểm xuyết trong các đợt tranh cử thường là kết quả « khám phá » của các nhóm « nghiên cứu đối phương » và sau đó được tuồn cho truyền thông.

Libération đưa ra vài dẫn chứng, như trường hợp George W. Bush từng bị bắt vì lái xe trong tình trạng say xỉn năm 1976 được ban vận động tranh cử của Al Gore tiết lộ chỉ 5 ngày trước cuộc bầu cử. Đội ngũ của Obama từng tiết lộ John Edwards, ứng viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2008, chi 400 đô la để cắt tóc. Hay vẫn đội ngũ của Obama tiết lộ năm 2012, Mitt Romney chi bộn tiền để xây thang máy dành riêng cho xe hơi trong ngôi biệt thự bên bờ biển California.

Trong bối cảnh các ứng viên đưa ra những tuyên bố hay hứa hẹn khi vận động tranh cử, những tiết lộ này có thể tàn phá nghiêm trọng hình ảnh của một ứng viên. Theo khẳng định của thám tử tư Larry Zilliox, « vấn đề chỉ ở chỗ lựa chọn thời điểm và bối cảnh mà thôi » vì « tất cả mọi người đều làm như thế » và mục đích không phải nhằm loại đối thủ khỏi cuộc chơi mà làm suy yếu đối thủ.

Tuy nhiên, vẫn theo vị thám tử tư này, những thông tin được cho là bất lợi cho đối thủ phải được sử dụng một cách cẩn trọng vì đó có thể là con dao hai lưỡi bật lại người tung tin. Từ bầu cử cấp địa phương đến tổng thống hay Quốc Hội và thống đốc, các nhóm vận động tranh cử đều bí mật sử dụng « những người săn tin ». Tracy Sefl, một nhà điều tra từng làm việc cho nhiều ứng viên của đảng Dân Chủ như John Kerry và Hillary Clinton, lấy ví dụ « đối với cuộc bầu cử tổng thống, mỗi ứng viên có đến 25 người tìm tin. Một nhóm phụ trách về lưu trữ truyền hình, một nhóm về lưu trữ của tòa… ».

Công việc của họ không có gì là khó : xem xét tỉ mỉ các hồ sơ sở hữu bất động sản, lý lịch tư pháp, tổng kết kinh doanh hay bảng khai thuế, tìm kiếm thông tin trên các mạng xã hội, lục lại những bài diễn văn hay lời trích trong báo chí để tìm ra những điểm bất đồng. « Tất cả những nguồn thông tin trên đều công khai và chính thức… Một ứng viên có thể nói những điều người đó muốn về đối thủ nhưng tất cả phải có bằng chứng », theo khẳng định của bà Tracy Sefl.

Tùy theo bản chất của thông tin, các nhà điều tra gặp gỡ trực tiếp với truyền thông hoặc giữ lại một chi tiết bất lợi cho đối thủ để nêu trong một bài diễn văn hay quảng cáo cho chiến dịch hoặc trao cho luật sư nếu đó là một phát hiện « động trời ».

Trở lại cuộc gặp với nữ luật sư Nga của Donald Junior, Jared Kushner và Paul Manafort, giám đốc vận động tranh cử của tổng thống Trump, bà Tracy Sefl đánh giá « chẳng có gì là tìm hiểu về đối phương cả. Những gì họ làm thật là bất cẩn ». Thế nhưng, điều làm bà bức xúc là họ tuyên bố làm việc trên dưới danh nghĩa « tìm hiểu đối phương », đó là còn « chưa kể đến mối nguy hiểm tiềm tàng khi hợp tác với một quốc gia có truyền thống thù nghịch với Mỹ ».

Thám tử tư Larry Zilliox cũng cho rằng Donald Junior « thật ngây thơ khi chấp nhận cuộc gặp đó. Khi biết rằng nguồn tin là đáng ngờ, tốt hơn hết nên giữ khoảng cách. Tất cả các nhà điều tra chính trị đều biết rằng điều quan trọng nhất là không làm gì có thể quay lại chống ứng viên thuê bạn làm việc". - RFI

19.
Jeff Bezos vượt Bill Gates thành giầu nhất thế giới --- Amazon nhận thêm hơn 50,000 nhân viên khắp nước Mỹ

Sáng Thứ Năm 27 tháng Bảy, giá cổ phần công ty Amazon tăng lên khiến ông Jeff Bezos, 53 tuổi, người sáng lập công ty, có tài sản cao hơn ông Bill Gates, công ty Microsoft.

Ông Bezos đã trở thành người giầu nhất thế giới vào lúc 10 giờ 10 phút sáng với gia sản 90.9 tỷ mỹ kim, trong khi ông Gates chỉ có 90.7 tỷ.

Số chênh lệch 200 triệu đô la này cũng nhỏ, cho nên không chắc chắn. Nếu giá cổ phiếu của Amazon xuống và nếu Microsoft lên thì có thể ông Bill Gates, 61 tuổi, được trở về ngôi trị “giầu nhất thế giới” mà ông đã đã chiếm giữ từ năm 2013.

Ông Bezos hiện còn làm chủ 17% cổ phần của Amazon, số còn lại rải rác trong công chúng. Từ đầu năm tới nay giá trị của Amazon đã tăng thêm 40%, nhờ thế ông Bezos giầu thêm được 24.5 tỷ; từ hạng tư ông đã vượt lên thành người giầu nhất thế giới.

Giá cổ phần Amazon lên vì công ty nổi lên nhờ bán hàng lẻ trên mang xâm lấn vào ngành bán lẻ trong tiệm, đe dọa nhiều hãng bán lẻ khác. - nguoiviet

***
Công ty Amazon hôm Thứ Tư cho hay đang muốn thu nhận hơn 50,000 nhân viên mới trên khắp nước Mỹ.

Lời loan báo này được đưa ra trong lúc thị trường lao động Mỹ đang bắt đầu thiếu người, giữa khi thời gian học sinh đi học lại và mua sắm ngày lễ đang sắp tới. Các công ty khác cũng sẽ cạnh tranh với Amazon để tuyển dụng nhân sự.

Công ty Amazon.com Inc. sẽ bắt đầu mở cửa thu nhận thêm nhân viên vào Thứ Tư tuần tới, ngày 2 Tháng Tám, tại 10 địa điểm đặt kho hàng của công ty.

Phần lớn các công việc làm sẽ là toàn thời gian. Có hơn 10,000 công việc bán thời gian cũng sẽ được đưa ra tại các trung tâm lọc lựa hàng hóa, cùng với một số công việc khác trong lãnh vực hỗ trợ và điều hành.

Công ty Amazon hồi Tháng Giêng cho biết muốn thu nhận 100,000 nhân viên toàn thời gian trong 18 tháng tới. Kể từ khi đó, công ty đều đặn loan tin nhận người, với khoảng 900 người ở Boston và 1,600 ở Michigan.

Công ty cũng cho hay họ sẽ trả lương cao, cùng với cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm mất năng lực, kế hoạch để dành tiền nghỉ hưu và cho mua cổ phiếu của công ty. - nguoiviet

20.
Tổng Thống Trump lầm lẫn về tình thế chính trị Trung Ðông

Theo AP, xung đột ở vùng Trung Ðông là sự tranh chấp rất phức tạp giữa các phe nhóm, dân tộc, và giáo phái khác nhau. Thiếu am hiểu và sự theo dõi chặt chẽ thì sẽ không thể hiểu được căn bản tình thế ở nơi này.

Tổng Thống Donald Trump thể hiện sự thiếu hiểu biết ấy trong buổi họp báo chung với Thủ Tướng Saad Hariri của Lebanon đến tòa Bạch Ốc hôm Thứ Ba. Tổng Thống Trump ca ngợi: “Dân chúng Lebanon thuộc mọi tín ngưỡng đều thống nhất trong nỗ lực bảo vệ an ninh và thịnh vượng của đất nước.” Ông nói với Thủ Tướng Saad Hariri: “Lebanon đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống IS, al-Qaeda và Hezbollah.”

Cả ba nhóm IS, al-Qaeda và Hezbollah đều bị Hoa Kỳ xếp vào loại khủng bố. Hezbollah là một nhóm quá khích phái Hồi Giáo Shia, gồm bộ phận võ trang Jihad Council và bộ phận chính trị mang tên đảng Loyalty to the Resistance Bloc (Khối Trung Thành Kháng Chiến). Hezbollah được sự yểm trợ của Iran.

Chính quyền Lebanon cũng như Hezbollah đều chiến đấu chống IS và al-Qaeda. Nhưng thật ra Hezbollah là một thành phần chính trị hợp pháp ở Lebanon hiện nay và chính quyền Lebanon dựa vào để tồn tại chứ không chống.

Thủ Tướng Saad Hariri không đồng ý kiến với Hezbollah, đặc biệt là trong việc nhóm này gởi chiến binh sang Syria trợ lực Tổng Thống Bashar al-Assad, nhưng ông không thể nắm giữ quyền lực nếu không được Hezbollah ủng hộ. Hezbollah nắm một thành phần quan trọng ở Quốc Hội và giữ hai ghế bộ trưởng trong chính phủ của ông Hariri.

Chưa rõ các phụ tá của Tổng Thống Donald Trump đã cố vấn thế nào để ông không biết trong chiến tranh Trung Ðông, ai đánh với ai như vậy. - nguoiviet

Tin Việt Nam
21.
Quan chức Việt Nam đòi Mỹ “lại quả” từ các hợp đồng mua vũ khí

Một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh vừa tiết lộ rằng các quan chức chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng cho các thương vụ mua bán vũ khí.
Thông tin của Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết trong một cuộc họp gần đây ở Hà Nội rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị.

Cũng theo nguồn tin này, cuộc họp đã “đột ngột dừng lại” sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó. Nguồn tin quốc phòng Mỹ cho Shephard Media biết thông tin này tại một Hội nghị và triển lãm phòng thủ hàng hải IMDEX được tổ chức ở Singapore tháng 5 vừa qua.

VOA không thể liên lạc được với quan chức Bộ Quốc phòng để kiểm chứng thông tin này.
Trả tiền hoa hồng, “lại quả” hay “phí bôi trơn” rất phổ biến ở Việt Nam và được coi là một hình thức “hối lội” trá hình. Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả “phí bôi trơn” cho quan chức để việc kinh doanh được thuận tiện.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam thứ 113 trên 176 của bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng năm 2016.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng ở Việt Nam, một nguồn tin khác của Shephard Media, hãng tin chuyên cung cấp thông tin tình báo có độ tin cậy cao về kinh doanh và quốc phòng trong 35 năm qua, từ Singapore cho biết các quan chức chính phủ Việt Nam rửa tiền ở nước Đông Nam Á này thông qua “các bà vợ” của họ. Hãng tin này không cho biết thêm chi tiết về những hoạt động rửa tiền này được tiến hành như thế nào.

Theo Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ được đưa ra năm 1977, các doanh nghiệm Mỹ không được phép tiến hành các thương vụ mua bán theo phương cách này, tức trả hoa hồng hoặc “lại quả” theo cách gọi ở Việt Nam. Đạo luật này khép hành vi đưa nhận hối lộ vào tội hình sự cấp liên bang.

Điều này, theo nhà báo Wendell Minnick của Shephard Media giải thích trong bài viết đăng hôm 25/7, có thể giải thích lý do vì sao “Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào nguồn vũ khí của Nga và chấm dứt bất kỳ mối hợp tác quân sự đích thực nào giữa Mỹ và Việt Nam.”

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) có trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển, nhà cung cấp chính về vũ khí cho Việt Nam là Nga. SIPRI xếp Việt Nam nằm trong Top 10 của danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trong thời gian từ 2012-2016, Việt Nam nhập khẩu vũ khí với giá trị ước tính khoảng 5 tỷ USD và chiếm 3% thị phần toàn cầu.

Phản ứng về nguồn tin này, một người dùng Facebook có tên Nguyen Anh Tuan viết “Nếu dựa vào vũ khí của Nga thì sao có thể đối đầu với Trung Quốc khi mà những loại vũ khí này cũng được Nga bán cho Trung Quốc với số lượng nhiều hơn, và đôi khi là với những phiên bản còn hiện đại hơn?”

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau 1 thập kỷ cấm vận. Tuy nhiên, chưa có một thương vụ mua bán vũ khí nào giữa 2 chính phủ được ghi nhận trên truyền thông.

Nhận xét trước thông tin của Shephard Media về yêu cầu “lại quả” từ phía Việt Nam, một Facebooker có tên Hưng Ngọc Phạm viết điều này “lý giải tại sao hơn 1 năm sau khi được Mỹ gỡ bỏ cấm vận vũ khí mà Việt Nam vẫn chưa mua được món nào, bất chấp những háo hức trước đó.”

Theo các chuyên gia, Việt Nam được cho là đang gia tăng chi tiêu quốc phòng và mua sắm thêm nhiều vũ khí trong những năm qua trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trên biển Đông. - VOA

22.
Đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc : Lợi bất cập hại --- Chuyên gia: Hợp tác tìm kiếm dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam đơn độc

Trong những ngày qua, cả Manila lẫn Bắc Kinh đều kẻ xướng người họa, ca ngợi lợi ích của việc cùng nhau khai thác Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 24/07/2017 hết sức lạc quan trước trước những lợi ích trông thấy, một quan điểm được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ghé thăm Manila hoàn toàn tán đồng.
Tuy nhiên, trong một phân tích được công bố hôm 27/07/2017, báo mạng Nhật Bản The Diplomat cho rằng đối với Philippines, đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc là công việc đầy rủi ro.

Trong quá khứ, Manila và Bắc Kinh từng có đề án cùng hợp tác khai thác Biển Đông, cụ thể là đề án JSMU, tức là thỏa thuận cùng khảo sát địa chấn ngoài biển, ký kết năm 2005 giữa ba tập đoàn dầu khí quốc doanh PNOC của Philippines, CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam của Việt Nam.

Đề án này đã nhanh chóng bị dẹp bỏ vào năm 2008 sau khi chính quyền Philippines thời đó của bà Gloria Arroyo bị cáo buộc bán đứng quyền lợi đất nước để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.

Ngay sau khi đề án bị hủy bỏ, Philippines đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi vì Trung Quốc đã tăng sức đe dọa các tập đoàn ngoại quốc, đồng thời cho tàu tuần tra hù dọa và cản trở các tàu khảo sát làm việc cho Philippines. Trong phán quyết vào tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye chỉ rõ là Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines bằng cách ngăn không cho Manila khai thác tài nguyên tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ bất chấp việc khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý Philippines.

Quá khứ đã là như vậy, hiện tại, theo The Diplomat, cũng không sáng sủa hơn. Để biện minh cho chủ trương xích lại gần Trung Quốc, chính quyền Duterte đã nhấn mạnh đến lợi ích của việc đồng khai thác Biển Đông, nêu bật một số điểm như ngư dân Philippines đã được đến đánh bắt tại khu vực bãi Scarborough Shoal, và Trung Quốc cam kết không xây dựng gì trên bãi mà họ đã chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.

Đối với The Diplomat, những lợi ích đó khá nhỏ nhoi so với những nhượng bộ đáng kể mà Manila đã phải chịu, trong đó có việc gác qua một bên phán quyết quốc tế về Biển Đông hết sức có lợi cho Philippines, cũng như là chiều lòng Trung Quốc để ra một tuyên bố chung yếu ớt một cách đáng hổ thẹn trong tư cách chủ tịch ASEAN hồi tháng 4/2017. Nếu theo đà này, chính quyền Duterte có nguy cơ sẽ bị lên án về tội không bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Rủi ro cũng tiềm ẩn trong tương lai gần, nhất là khi mà cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm gần đây cho thấy là Bắc Kinh sẵn sàng xóa bỏ mọi thỏa thuận và dùng đến biện pháp cưỡng chế thô bạo để đạt mục tiêu. Đối với Philippines chẳng hạn, Trung Quốc cho đến giờ vẫn chính thức cho rằng sở dĩ kế hoạch đồng khai thác hồi năm 2005 thất bại, đó là vì Manila thiếu quyết tâm thúc đẩy, chứ không hề nói gì về các hành động cưỡng chế bất hợp pháp của Bắc Kinh sau đó.

Căn cứ vào tiền lệ đó, nếu vì một lý do nào đó mà Philippines không thực hiện thỏa thuận đồng khai thác với Trung Quốc, Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng biện pháp quân sự gây áp lực trên Manila, trực tiếp tại khu vực đồng khai thác, hoặc gián tiếp với các hành động quyết đoán khác, như cho xây dựng cơ sở trên bãi Scarborough Shoal hoặc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Thậm chí, do việc chính quyền Duterte ngày càng bám vào Trung Quốc về kinh tế, để khỏi mang tiếng là hung bạo, Bắc Kinh còn có thể dùng đến vũ khí thương mại. Trong lãnh vực này, Trung Quốc cũng đã có rất nhiều tiền sự, như cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản trong năm 2010, hạn chế nhập chuối Philippines vào năm 2012, hoặc mới đây là những đòn trả đũa kinh tế chống lại Hàn Quốc vì đã cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD.

Phân tích của The Diplomat đã tập trung vào vấn đề đồng khai thác Biển Đông trong quan hệ Philippines-Trung Quốc, nhưng đó cũng là vấn đề đặt ra cho các nước Đông Nam Á khác bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Malaysia hay Brunei.

Đối với các nước này, Bắc Kinh cũng đưa ra chiêu bài gác tranh chấp, đồng khai thác. Vấn đề cốt lõi tuy nhiên vẫn là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, và đề nghị đồng khai thác chỉ là một sách lược nhằm thực hiện tham vọng đó.

Vào năm 2013, khi ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi đồng khai thác đối với các nước Đông Nam Á, trong một bài phỏng vấn trên báo Việt Nam, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, đã không ngần ngại vạch trần ý đồ của Bắc Kinh là thông qua yêu sách chủ quyền vô lý trên 85% diện tích Biển Đông để « "nhảy vào xí phần" trong khu vực thềm lục địa của các nước ven Biển Đông… từ đó biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp… ».

Đối với các chuyên gia, việc đồng khai thác chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp khai thác vùng trùng lắp giữa vùng đặc quyền kinh tế EEZ của hai nước, nhưng không thể nào áp dụng trong trường hợp như là Trung Quốc muốn thúc đẩy : Khoanh một vùng rất lớn ăn sâu vào thềm lục địa của các nước khác, tự nhận chủ quyền trên đó, rồi đòi đồng khai thác những vùng nằm trong EEZ của các láng giềng. - RFI

***
Hôm 24 tháng 7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chính phủ Philippines đang thảo luận với Trung Quốc về việc hợp tác khoan tìm dầu khí ở biển Đông là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Tuyên bố này ngay lập tức đặt ra một loạt các câu hỏi về tính khả thi của dự án, và nếu trở thành sự thực thì liên doanh này sẽ ảnh hưởng thế nào tới những nước khác trong tranh chấp biển Đông, nhất là Việt Nam, nước cũng đang có các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ngoài biển Đông.

Tính hợp hiến

Hồi đầu năm nay, ông Duterte cũng đã lên tiếng nói về khả năng hợp tác phát triển với Trung Quốc ngoài biển Đông khi ông nói rằng quân đội Philippines không có khả năng đối đầu với Trung Quốc ngoài biển Đông. Tuy nhiên theo Giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, tuyên bố mới của Tổng thống Philippines là không chắc chắn

Ông ấy không nói một cách chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Việc hợp tác với Trung Quốc như vậy đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận đòi hỏi chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc ở biển Đông. Thêm vào đó là hoạt động này không được phép căn cứ theo hiến pháp của chúng tôi. 

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích biển Đông chủ yếu qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Trung Quốc coi khu vực này là phần chủ quyền không tranh cãi của mình bất chấp phản đối từ những nước trong tranh chấp. Các nước tham gia tranh chấp trong khu vực bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Đài Loan cũng đòi chủ quyền với khu vực nước trong đường đứt khúc 9 đoạn. Phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hôm 12 tháng 7 năm ngoái xác định đường đứt khúc này là không hợp pháp. Tuy nhiên Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận phán quyết của tòa.

Mặt khác, cản trở lớn nhất trong hợp tác chung giữa Philippines và Trung Quốc chính là tính hợp hiến của hoạt động này vì hiến pháp Philippines không cho phép các hoạt động khai thác chung với nước khác tại vùng nước mà nước này đòi chủ quyền. Giáo sư Renato de Castro giải thích:

Tổng thống Philippines sẽ phải vượt qua chướng ngại về hiến pháp. Sẽ có người nói rằng điều ông ấy làm là vi hiến bởi vì điều này đã xảy ra trước kia trong dự án nghiên cứu địa chấn giữa hai nước. Cho nên câu hỏi về tính hợp hiến của dự án này sẽ được đưa ra trước tòa tối cao Philippines.

Hồi năm 2004, một thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu chung trên biển tại khu vực biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã được ký kết dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Vào năm 2005, Việt Nam cũng tham gia vào dự án này. 3 nước ký thỏa thuận khảo sát địa chấn tại một số khu vực nhất định ở biển Đông (gọi tắt là JMSU). Tuy nhiên hợp tác đã bị chấm dứt sau 3 năm vì nhiều tiếng nói ở Philippines lúc đó đã chỉ trích chính phủ của bà Arroyo vi phạm hiến pháp khi cho phép Trung Quốc vào nghiên cứu tại khu vực thuộc chủ quyền của Philippines.

Cây gậy và củ cà rốt của Trung Quốc

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Duterte, hôm 25 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đang ở thăm Philippines cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Ông Vương Nghị còn cảnh báo rằng bất cứ hành động đơn phương nào cũng sẽ chỉ gây ra các vấn đề và làm phương hại đến mối quan hệ hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25 tháng 7 cũng nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi tại quần đảo Trường Sa và thúc giục bên thứ ba ngừng các hoạt động vi phạm đơn phương tại khu vực này. Phát biểu này được đưa ra cho câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin hồi đầu tuần này cho biết Trung Quốc đã gây sức ép khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động tìm kiếm dầu khí ngoài khơi Việt Nam nơi đường đứt khúc 9 đoạn đi qua.

Tổng thống Duterte hồi tháng 5 vừa qua cũng cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chiến tranh sẽ xảy ra nếu Philippines xúc tiến việc khai thác dầu đơn phương ở biển Đông.

Giáo sư Castro cho rằng Tổng thống Duterte hiểu được tình hình hiện tại và cũng biết được những cản trở mà ông ta sẽ gặp phải khi đưa ra đề nghị hợp tác với Trung Quốc nhưng ông Duterte vẫn tuyên bố như vậy vì những hứa hẹn về đầu tư từ Trung Quốc.

Đó là vì tiền của Trung Quốc. 24 tỷ đô la tiên đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở đã khiến chính phủ hiện thời của Philippines tìm kiếm cách làm hài long Trung Quốc. Trung Quốc đang đưa ra cái củ cà rốt trị giá 24 tỷ đô la cho Philippines. 

Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái của Tổng thống Philippines Duterte, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về cam kết đầu tư của Trung Quốc vào Philippines lên đến 24 tỷ đô la. Đây là một khoản đầu tư lớn mà Philippines cần, theo lời của giáo sư Castro, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có một đồng đô la nào theo bản ghi nhớ này được thực hiện.

Thách thức đối với ASEAN và Việt Nam

Tuyên bố về hợp tác dò tìm dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc mặt khác cũng gây quan ngại đối với ASEAN, nhóm 10 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Vì vậy, hôm 26 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano cho biết nước này sẽ hỏi ý kiến ASEAN về việc hợp tác tìm kiếm dầu ở biển Đông. Ông Cayetano nói sẽ không có hành động đơn phương và bất cứ hành động đơn phương của bất cứ ai cũng sẽ dẫn đến gây mất ổn định. Tuy nhiên ông Cayetano từ chối không chỉ ra cụ thể vùng thăm dò chung với Trung Quốc sẽ nằm ở đâu trên biển Đông.

Hồi tháng 5 vừa qua ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý bộ khung bản thảo về một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC). Cả Trung Quốc và Philippines đều đã lên tiếng bày tỏ mong muốn COC sẽ được hoàn tất trong năm nay khi Philippines là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Castro có nhiều khả năng ASEAN sẽ không trả lời dứt khoát có hay không đối với thông báo của Philippines về vấn đề hợp tác chung với Trung Quốc vì không muốn gây bất đồng trong khối hay làm Trung Quốc tức giận.

Trong các tuyên bố chung của ASEAN, khối này thường không bao giờ chỉ đích danh Trung Quốc hay lên án nước này về các hoạt động quân sự hóa khu vực biển Đông. Nhiều khả năng điều này cũng sẽ xảy ra trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tuần tới ở Philippines.

Trước thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đến thăm Thái Lan và Philippines, hai nước thành viên ASEAN. Trong các chuyến thăm này, ông Vương Nghị luôn đánh giá cao quan hệ giữa Trung Quốc và các nước liên quan, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết chống lại các lực lượng bên ngoài, ý nói đến Hoa Kỳ.

Giáo sư Castro nhận định hợp tác chung giữa Philippines và Trung quốc nếu có thành hình thì có nhiều khả năng chỉ là một dạng hợp tác tương tự như thỏa thuận JMSU như hồi năm 2004 mà thôi. Tuy nhiên, nếu hợp tác này thành hình thì điều này cũng là một thách thức lớn với cả ASEAN và Việt Nam. Giáo sư Castro nói "Việt Nam sẽ bị đơn độc và ASEAN sẽ tiếp tục bị chia rẽ". - RFA

23.
Vai trò lớn của Trung Quốc trong nhiệt điện than Việt Nam

Nhiệt điện than tại Việt Nam hiện có phần tham gia khá lớn của phía Trung Quốc. Tình trạng này dẫn đến quan ngại vì thông tin cho biết Bắc Kinh đang thực hiện việc đóng tất cả mọi nhà máy nhiệt điện tại Hoa Lục.
Nhìn lại những đầu tư của Trung Quốc

Theo các cơ sở dữ liệu tài chính về điện than ở Việt Nam do Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh GreenID tìm hiểu, từ tháng 3 năm 2016 đến nay, Việt Nam đầu tư gần 40 tỉ USD vào công nghệ nhiệt điện than. Tổng vốn góp từ các đối tác nước ngoài vào các dự án này chiếm 52 %; trong đó, Trung Quốc đầu tư khoản tương đương 8 tỉ đô la Mỹ.

Trong số những dự án có phần Trung Quốc góp vốn và trúng thầu có thể kể đến một số như dự án nhà máy nhiệt điện BOT ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam có công suất 1,200MW.

Đây là công trình nhiệt điện do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co., Ltd) và công ty JAKS của Malaysia cùng góp vốn. Dự án này do công Southwest Electric Power Design Institute Co.,Ltd và China Power Engineering Consulting Group International Engineering Co., Ltd của Trung Quốc trúng thầu.

Một viên chức cấp cao của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc cho biết Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương là dư án đầu tư tư nhân lớn nhất của Trung Quốc vào Việt Nam.

Hai năm trước đây, vào giữa tháng 7, hãng tin Reuters loan tin  các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện trị giá U$1.75 tỷ tại phía Nam Việt Nam. Đó là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với công suất 1,200 MGW ở tỉnh Bình Thuận khởi công vào tháng 12 2015. Theo kế hoạch tổ máy thứ nhất của Vĩnh Tân 1 sẽ được hoàn thành năm 2018, tổ máy thứ hai dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6 năm 2019.

Reuters còn cho biết đây là công trình đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Việt Nam” với 55% vốn góp của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc, trong đó có 5% là vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Việt Nam tiếp nhận công nghệ cũ

Chuyện có lẽ sẽ không gây phản ứng mạnh cho đến khi Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam vào ngày 2 tháng 5 cho biết vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt từ đối tác Trung Quốc tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2017 và đa phần nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ cũ sang các nước nhận đầu tư.

Mặc dù không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lúc này, nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp quốc, nhấn mạnh:

“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”

Xác nhận vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, cho chúng tôi biết:

“Tôi cho rằng đúng là có hiện tượng những công nghiệp cũ của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để Trung Quốc thay đổi bằng các thể loại công nghệ mới trong phát triển công nghiệp. Xu hướng đó nhìn thấy rất rõ.”

Trung Quốc làm năng lượng mới, chuyển điện than đi

Trong khi đó ngay tại Hoa Lục, Trung Quốc được đánh giá là nước đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo với tổng công suất 480 ngàn MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước.

Mạng tin Bloomberg vào tháng 11 năm 2016 năm ngoái cho biết Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thông báo, cho đến cuối năm 2016 cắt giảm sản lượng đầu ra của nhà máy nhiệt điện. Và chỉ trong tháng 1 năm 2017, Trung Quốc đã huỷ 85 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia phân tích cơ sở dữ liệu của trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh Green ID từng cho rằng

“Vì muốn tiếp tục phát triển, Trung Quốc phải chuyển công nghệ điện than sang các nước khác. Làm như vậy họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn.” 

Nêu vấn đề này với ông Đặng Hùng Võ, ông cho biết chính ông cũng nghe rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia cũng như người dân về vấn đề phát triển điện than ở Việt Nam.

“Việc phát triển điện than như hiện nay là một điều mà chúng ta cần tính toán thật kỹ lưỡng. Bởi vì tác động xấu của điện than đến môi trường là khá mạnh, đặt biệt là phát thải khí nhà kính là lớn, rồi bản thân phương thức sản xuất điện từ than cũng không phải là hiệu suất cao.”

Vì sao phải là Trung Quốc?

Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên trong nước, bà Nguyễn Thị Hằng đưa ra lý do các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam phần nhiều do Trung Quốc đầu tư và cả thắng thầu xây dựng.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. Việt Nam chúng ta sản xuất nhiều điện hơn nhưng phải đối mặt với rủi ro về môi trường, sức khoẻ người dân.”

Hiện nay, chỉ riêng ở Bình Thuận, cụm nhiệt điện Vĩnh Tân có 4 nhà máy với tổng công suất 4.200MW. Tất cả đều được đầu tư với nguồn vốn chính từ Trung Quốc

Nhận định về điều này, ông Đặng Hùng Võ cho biết đó là chính sách quan hệ kinh tế tất nhiên giữa hai quốc gia láng giềng.

“Trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, là hai nước láng giềng thì tất nhiên điều đó sẽ xảy ra nhưng làm thế nào để có thể ngăn chặn được xu hướng công nghệ lạc hậu sang VIệt Nam với giá rất rẻ và thuận lợi cho các dự án dưới dạng phát triển đầu tư?” 

Về việc này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc đưa ra phản biện:

“Một nước như Việt Nam nếu không muốn Trung Quốc đầu tư vào thì hoàn toàn có thể cấm. Đó là quyền của Việt Nam.”

Ông Đặng Hùng Võ đưa ra một số ví dụ để cho thấy lý do vì sao Việt Nam phải chấp nhận những nhà máy nhiệt điện than.

“Cũng đã tính đến chuyện điện hạt nhân, nhưng cuối cùng cũng phải dừng sau khi có những vụ thảm hoạ điện hạt nhân do động đất sóng thần ở Nhật.

Thế còn thuỷ điện thì trước đây chúng ta vẫn quan tâm đấy là 1 phương thức sản xuất điện ít tác động đến môi trường, nhưng cho đến hiện nay, khái niệm tác động đến môi trường hơi rộng hơn và chúng ta thấy là thuỷ điện cũng không phải là 1 phương thức tốt đối với môi trường.”

Bắc Kinh đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than đá lớn cuối cùng của thành phố, có nghĩa là lời hứa "đưa bầu trời xanh trở lại" của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp lập pháp cấp cao hồi đầu năm  2017 đã được thực hiện.

Trong khi đó Trung Quốc chuyển công nghệ điện than lỗi thời, gây ô nhiễm sang Việt Nam. Điều này khiến nhiều người nhớ đến phát biểu mạnh mẽ của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”. Thực tế chứng minh lời nói đó được thực hiện đến mức độ nào! - RFA

24.
Ðinh Thế Huynh sang Nhật chữa bệnh, ‘an dưỡng’ ở Phú Quốc

Ông Ðinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư của đảng CSVN, nhân vật được cho là đứng hàng thứ 5 trong danh sách các lãnh đạo chóp bu, đã phải sang Nhật chữa bệnh và hiện đang “an dưỡng’ ở Phú Quốc, theo tiết lộ của Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Ðức.
Vì lý do này, ông Ðinh Thế Huynh vắng bóng trên các diễn đàn chính trị ở Việt Nam kể từ sau Hội Nghị Trung Ương 5, được tổ chức vào Tháng Năm, 2017.

Thông tin về “Sức khỏe của ông Ðinh Thế Huynh” của Facebooker Truong Huy San tung ra vào sáng 26 Tháng Bảy, lập tức có hơn 1,700 người “like” và “share.”

Facebooker Truong Huy San, hay nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách ‘Bên Thắng Cuộc’ và là người am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam.
Theo Facebooker Truong Huy San, kể từ hồi Tháng Năm, ông Huynh “chưa một lần xuất hiện trước công chúng cũng như trước các hoạt động của đảng. Ông cũng không tiếp xúc cử tri hay tham gia kỳ họp thứ ba của Quốc Hội.”

Vẫn theo Facebooker này, “Vì ông Ðinh Thế Huynh là người đứng thứ năm trong số những người có ảnh hưởng nhất đến các quyết sách quốc gia nên công chúng có quyền biết tình hình sức khỏe và năng lực ra các quyết định của ông. Ban Bí Thư nên có một thông báo về sự vắng mặt của ông Huynh. Sức khỏe của lãnh đạo không phải là bí mật quốc gia. Cần tạo ra tiền lệ công khai trước dân, trước đảng.”

Ông Ðinh Thế Huynh, 64 tuổi, ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư đảng CSVN, người được cho là có nhiều khả năng thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò tổng bí thư đảng CSVN, nên sự vắng mặt gần hai tháng nay của ông rất đáng được chú ý.

Hồi cuối Tháng Mười, 2016, ông Huynh có chuyến thăm đầu tiên Hoa Kỳ, bởi vì ông là lãnh đạo cao thứ nhì trong đảng CSVN sau Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nên ông “có đủ tư cách” nói chuyện với Washington.

Trước đó, thủ tục ngoại giao của Mỹ không bao giờ tiếp lãnh đạo đảng trong một hệ thống chính trị “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý.” Sự kiện mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Washington, DC, cách đây ba năm đã phá bỏ thủ tục này.

Lâu nay, sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính Trị lẫn ủy viên Trung Ương Ðảng CSVN đều được cho là “bí mật.”

Vào ngày 12 Tháng Tám, 2015, báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc Hội, phàn nàn hội chứng “mật” rằng: “Sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh sao phải mật? Sao không cung cấp sớm cho báo chí, để báo chí phải canh chụp từ xa, rồi độc quyền ảnh…” Theo ông, trong khi đó, người dân muốn hỏi về thông tin đang tràn lan trên mạng có thật không nhưng căn cứ vào “mật” thì cơ quan chức năng có quyền từ chối.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Ðảng CSVN được gia đình đưa sang Hoa Kỳ để điều trị bị nhiễm độc phóng xạ. Cho tới khi dư luận xã hội có quá nhiều tin đồn thổi về bệnh tình của ông thì ngày 29 Tháng Mười Hai, 2014, Thành Ủy Ðà Nẵng mới xác nhận với báo chí rằng ông Nguyễn Bá Thanh vẫn sống và đang được chữa bệnh tại Mỹ.

Cũng thời điểm đó, ông Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương, khẳng định tin đồn “ông Thanh bị đầu độc” là điều xuyên tạc. Tuy nhiên, đến ngày 9 Tháng Giêng, 2015, phi cơ chở ông Thanh từ Mỹ về Việt Nam và được truyền thông nhà nước đưa tin là sức khỏe của ông vẫn bình thường, vẫn ăn được cháo. Cuối cùng, ngày 13 Tháng Hai, 2015, ông qua đời, ngay trước Tết Nguyên Ðán.

Tương tự là tình hình sức khỏe của ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Trong suốt một thời gian dài, ông đều vắng mặt trong các sự kiện chính trị quan trọng ở trong nước. Ông không tham dự Ðại Hội Thi Ðua Quyết Thắng Toàn Quân lần thứ IX năm 2015 khai mạc sáng 1 Tháng Bảy, 2015, tại Hà Nội. Ông cũng vắng mặt trong cuộc họp Chính Phủ thường kỳ Tháng Sáu hôm 29 Tháng Sáu, 2015. Và vì lý do sức khỏe ông Phùng Quang Thanh cũng không tham gia được chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Một thời gian dài các mạng xã hội dồn dập tin đồn về ông. Cuối cùng, ngày 1 Tháng Bảy, 2015, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương cho hay ông Phùng Quang Thanh “đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần,” và cho biết ông Thanh “đã được phẫu thuật, có thể là một khối u phổi.”

Với việc loan tin về “sức khỏe bí mật” của ông Ðinh Thế Huynh trên Facebook của nhà báo Huy Ðức, Facebooker Nguyễn Vinh Trung nhắc lại sức khỏe ông Phùng Quang Thanh: “Có ai biết tin gì của ông Phùng Quang Thanh không nhỉ, cho em biết với, vì tò mò lâu rồi không thấy ông ấy đâu cả.”

Còn với nhiều, chuyện sức khỏe của ông Ðinh Thế Huynh là: “Có ông Huynh hay không vẫn thế dân nào quan tâm ba cái chuyện linh tinh đó với lại ông ấy có phải là người tài giỏi gì cho cam,” Facebooker Quan Vũ viết.

Facebooker Tri Trung Nguyen bình luận: “Nước mình rất khác biệt. Có những tay đang rất khỏe, đột nhiên xin đi nước ngoài chữa bệnh rồi lặn luôn. Có những tay không thấy mặt từ rất lâu nhưng cứ thông báo là rất khỏe.”
Facebooker Trần Như Vân thì: “Ðảng lãnh đạo, người này chết hoặc bệnh nặng không làm việc được, đảng cử người khác thay, dân đâu có quyền gì mà quan tâm.” - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào: