Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

HỘT ĐỘC SINH TRÁI NGON: MÃNG CẦU VÀ THÂN THUỘC - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Inline images 1

Theo các nhà nông học và thực vật học có hàng trăm loại mãng cầu khác nhau trên thế giới.Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến cây mãng cầu mà chúng ta đều biết, cây bình bát, cây mãng cầu Xiêm và cây pawpaw mà người Hoa Kỳ gọi là ‘chuối của người Da Đỏ’ (Indian banana).Vì tên gọi na ná với tên gọi papaya của cây đu đủ nên nhiều người tưởng nhầm cây pawpaw là cây đu đủ hay một thân thuộc gần của cây này.<!>
 
MÃNG CẦU 
Mãng cầu ta
Cây mãng cầu gốc ở Mỹ Châu nhiệt đới hay nói rõ hơn trên các hải đảo nằm trong biển Caribbean. Từ đó nó được trồng ở Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ trước khi lan xuống Nam Mỹ nhiệt đới. Cây mãng cầu được du nhập vào Á Châu, Châu Phi nhiệt đới và bán nhiệt đới vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Ngày nay Úc Đại Lợi là nước sản xuất và xuất cảng nhiều mãng cầu nhất thế giới.


Cây mãng cầu thuộc gia đình Annonaceae. Tên khoa học của mãng cầu ngọt là Annona squamosa.
Căn cứ vào hương vị và hình dáng, người Anh gọi là sugar apple, sweetsop. Người Tây Ban Nha gọi là annona, annona blanca v.v… Các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha nhưng cách gọi trái mãng cầu hoàn toàn khác nhau. Người Pháp gọi trái mãng cầu là pomme cannelle (táo quế). Người Haïti gọi là cachiman cannelle. Người Mã Lai gọi mãng cầu là no-na, tức là hai âm sau cùng của annona. Người Thái gọi là noi-na. Người Viêt Nam ở miền Bắc gọi mãng cầu là na do chữ noi-na của Thái Lan mà ra chăng? Hay chữ noi-na của Thái Lan do chữno-na của Mã Lai mà ra? Và chữ no-na của Mã Lai là do chữ annona mà ra? Vì trên đường đến Nam Á và Đông Nam Á, các thương nhân và giáo sĩ truyền giáo Âu Châu dùng đường biển đến Ấn Độ và Mã Lai trước. Miền nam Thái Lan giáp với Mã Lai nên vùng này có tất cả các loại cây ăn trái có ở Mã Lai như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm v.v.
Cây mãng cầu là một loài cây ăn trái miền nhiệt đới và bán nhiệt đới. Nó không thích hợp với những vùng có mùa lạnh kéo dài lâu. Cây mãng cầu thích hợp với vùng dất cát. Nó chịu nắng hạn nhưng cần nước khi kết quả. Vũ lượng miền nhiệt đới đủ sức cho cây mãng cầu tăng trưởng và ra trái. Ở những quốc gia miền nhiệt đới và bán nhiệt đới người ta trồng mãng cầu thành vườn hoặc trồng vài cây quanh nhà. Ở Việt Nam mãng cầu được trồng nhiều ở Gò Công. Sau năm 1954 mãng cầu được trồng ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Khánh v.v… Miền bắc Úc Đại Lợi là nơi có nhiều vườn mãng cầu. Ở Hoa Kỳ mãng cầu được trồng ở Florida.
  Người ta trồng mãng cầu bằng hột. Hột mãng cầu đen và cứng nên phải ngâm nước 24 tiếng đồng hồ trước khi gieo hột. Cây mãng cầu cao từ 5-6m. Lá mãng cầu hình bầu dục, xanh tươi và có nhiều gân. Lá có mùi khó chịu khi vò nát. Hoa mãng cầu màu vàng-xanh nhạt. Gỗ mãng cầu tương đối giòn. Cây mãng cầu ta rất khó chiết.

Mãng cầu ra trái khi lên 2 tuổi. Cây mãng cầu không có nhiều trái nếu chỉ do ong thụ phấn. Nếu có bàn tay của người làm vườn trợ vào sự thụ phấn thì cây ra nhiều trái hơn. Trái mãng cầu tròn hay có hình nón. Chóp nón là phần dưới và miệng nón là phần gần cuống. Trái mãng cầu chưa chín màu xanh và rất chát. Trái được cấu tạo bởi nhiều mắt tròn được gọi là gai. Khi chín ‘gai’ mãng cầu nở to hơn lúc còn màu xanh. Bên trong là lớp cơm màu trắng được cấu tạo bằng nhiều múi nhỏ. Mỗi múi có một hạt màu đen huyền và láng bóng. Hột mãng cầu rất cứng và có mùi nồng khó chịu. Trái mãng cầu ngon là trái mãng cầu dai, ngọt, dày cơm và ít hột.
Trái mãng cầu dùng để ăn, làm kem, bánh ngọt. Trái mãng cầu có nhiều ca-lô-ri vì có nhiều chất ngọt. Ngoài ra nó còn có nhiều carbonhydrates, chất vôi, phosphorus, ác-xít ascorbic, nhưng có ít protein và chất sắt. Ở Phi Luật Tân người ta làm rượu mãng cầu. Ở Ấn Độ người ta dùng nó làm thuốc dưỡng tóc.
Lá và vỏ cây mãng cầu có alkaloid độc: anonaine. Nước sắc của cây mãng cầu trị tiêu chảy. Nước sắc của rễ cây này trị kiết lỵ. Lá sắc trị cảm và làm trong nước tiểu. Người ta lấy lá mãng cầu đắp trên bụng trẻ nít khi bị chứng khó tiêu. Trái mãng cầu được xem là bổ, kích thích, lợi hô hấp và trị chứng thiếu máu.
Hột mãng cầu nghiền thành bột hòa với dầu dừa thoa lên đầu để giết chí. Hột mãng cầu có độc chất nên khi dùng phải thận trọng đừng cho rơi vào mắt. Độc chất của hạt mãng cầu có hại cho bào thai.
Vào dịp Tết người Việt Nam thường chưng trái mãng cầu với ước mơ mọi nhu cầu đều được mãn nguyện trong năm. Chữ ‘mãng’ của trái mãng cầu đồng âm với chữ ’mãn’ trong chữ ‘mãn nguyện’ và ‘thỏa mãn nhu cầu’. Thực sự người viết không biết xuất xứ của tên gọi ‘mãng cầu’. Có một loại thảo mộc giống như cây trúc gọi là ‘mãng’ và ‘cầu’ chỉ vật tròn như trái cầu. Nhưng lối chiết tự này hoàn toàn không ổn. Người Mã Lai gọi trái mãng cầu Xiêm (1) là durian maki. Người Lào gọi mãng cầu là mak khbieeb và mãng cầu Xiêm là mak kieb thet (tựa như maki của Mã Lai). Người Thái gọi đu đủ là malakaw.Vậy chữ 'mãng cầu' có liên hệ âm thanh gì với các chữ trên không?

Mãng cầu và bình bát được nằm trong tứ quí quả:

Lê, lựu, bình bát, mãng cầu
Bốn cây tứ quí anh sầu một cây.

Mãng cầu Xiêm

Mãng cầu Xiêm mang tên khoa học Annona muricata thuộc gia đình Annonaceae trong một giống họ thảo mộc đông đảo gồm có hàng trăm thân thuộc khác nhau. Người Việt Nam gọi là mãng cầu Xiêm để nói lên xuất xứ Xiêm La (Thái Lan) của nó và để phân biệt với mãng cầu ta Annosa squamosa.

Việt Nam giao tiếp nhiều với Xiêm La vào thế kỷ thứ 18 trên bước đường Nam tiến của dân tộc ta dưới sự chỉ huy của các Chúa Nguyễn. Trong cuộc nội chiến của họ Nguyễn và nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Phúc Ánh và thuộc hạ từng chạy lánh nạn ở Xiêm. Dưới triều Nguyễn bang giao giữa Việt Nam và Xiêm La không mấy tốt đẹp vì cả hai đều tìm cách gây ảnh hưởng chính trị ở Lào và Cambodia. Khi người Pháp đánh chiếm Nam Kỳ nhiều phái đoàn ngoại giao được triều đình Huế gởi sang Bangkok để tìm hiểu về đường lối ngoại giao mềm dẻo của nước này đối với Tây Phương cũng như chính sách dĩ di chế di của họ hầu tránh được sự xâm lăng của người Âu Châu sau khi ký hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nước Âu Châu cũng như sự thay đổi của nước Xiêm La sau khi tiếp xúc với người Tây Phương. Các sứ bộ sang Xiêm mang về nước nhiều sản vật mà nước ta không có. Những thứ ấy gọi chung là ‘đồ sứ’ tức là đồ vật các thành viên sứ bộ đem về. Theo nghĩa thông thường ‘đồ sứ’ ám chỉ chén dĩa kiểu quí giá do Trung Hoa sản xuất. Ở miền Nam có canh xiêm lo nấu bằng thịt và rau theo kiểu nấu của người Xiêm. 'Xiêm lo' là cách phát âm hai chữ ‘Xiêm La’ của người Việt ở miền trung Trung Bộ. Có một giống chuối được ưa thích ở miền Nam được gọi là chuối Xiêm hay chuối sứ. Ngoài ra còn có vịt Xiêm, Xiêm y, mãng cầu Xiêm, cá lia thia Xiêm v.v… Tất cả đều nói lên nguồn gốc Xiêm La của chúng.

Thực tế Xiêm La không phải là sinh quán của cây mãng cầu Xiêm Annona muricata. Loại cây ăn trái này gốc trên các đảo Caribbean, Trung Mỹ, Nam Mỹ và được người Âu Châu du nhập vào các vùng nhiệt đới Á Châu, Phi Châu và Úc Châu. Người Brazil gọi nó là graviola. Người Anh gọi là soursop đối với sweetsop, tên gọi của trái mãng cầu ta Annona squamosa vì trái mãng cầu Xiêm có vị chua. Người Pháp gọi là corossol épineux hay cachiman épineux (bình bát có gai). Người Tây Ban Nha gọi là guanabana. Người Mã Lai gọi là durian maki (durian: trái có gai). Người Thái gọi là thu-rian-khack. Trái mãng cầu Xiêm và trái sầu riêng giống nhau là có gai lởm chởm. Theo tiếng Mã Lai duri có nghĩa là gai. Có phải chăng tên gọi ‘sầu riêng’ là âm trại của du-rian (Mã Lai) hay thua-rian của Thái Lan tức là trái cây có gai? Chữ durian của Anh và durion của Pháp cũng từ gốc chữ duri (gai) và durian (trái có gai) của Mã Lai mà ra.
  Cây mãng cầu Xiêm là cây ăn trái miền nhiệt đới. Nó được trồng bằng hột. Vì hột khá cứng và có vỏ dày nên cần phải ngâm nước 24 giờ đồng hồ trước khi gieo xuống đất. Cây mãng cầu Xiêm cao lối 5-6m. Lá mãng cầu Xiêm láng và dài. Hoa màu trắng vàng nhạt.Trái có thể cân nặng đến 3-4 kí-lô. Khi còn xanh trái có nhiều gai bén nhọn. Khi chín vỏ đổi màu và các gai không còn bén nhọn nữa. Cơm trái mãng cầu Xiêm màu trắng. Trái mãng cầu Xiêm được cấu tạo bởi nhiều múi nhỏ. Mỗi múi có một hột đen và cứng. Mãng cầu Xiêm có nhiều hột và mỏng cơm được xem là trái mãng cầu kém chất lượng.

Trái mãng cầu Xiêm ăn ngon. Nó được dùng làm nước giải khát, làm kem, làm mứt bán vào dịp Tết. Mứt mãng cầu Xiêm có vị chua-ngọt rất ngon. Sau năm 1954 ở miền Nam Việt Nam xuất hiện nhiều quán Sinh Lực Tố, xay nước trái cây với đường sữa và nước đá để làm một loại nước sang trọng. Mãng cầu Xiêm được coi là một thức uống đắt tiền vậy.
Những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Nhật gần đây nhắm vào tính năng trị ung thư của cây mãng cầu Xiêm. Lá, vỏ, rễ, trái của cây này đều có nhiều dược tính đáng lưu ý.
Cư dân hải đảo trong biển Caribbean hái lá mãng cầu Xiêm lót dưới gối cho người bị sốt nằm để hạ sốt. Nước sắc của lá mãng cầu Xiêm dùng để trị chứng mất ngủ.
Như tất cả các loại thảo mộc thuộc gia đình Annonaceae cây mãng cầu Xiêm có chất độc annonacin nên dùng nhiều trái mãng cầu Xiêm có thể bị chứng Parkinson (2).
Trái mãng cầu Xiêm hạ sốt, trục lãi, làm tăng sữa cho sản phụ mới sinh con. Chất chát của lá và hột mãng cầu non chặn đứng tiêu chảy, kiết lỵ. Lá và vỏ cây mãng cầu Xiêm được xem là nhuận trường, hạ huyết áp. Ở nhiều quốc gia Nam Mỹ thổ dân dùng lá, vỏ và rễ cây mãng cầu Xiêm để trị tiểu đường, làm thuốc nhuận trường, bổ tim, chống sự co thắt đột biến. Cư dân dọc theo sông Amazon dùng lá sắc uống cho lợi gan. Tinh dầu cất từ lá và trái mãng cầu non hòa với dầu ô-liu dùng để làm giảm đau vì tê thấp.
Độc chất annonaceous acetogenins trong lá, rễ, vỏ, cuống, hột và trái mãng cầu Xiêm lại có khả năng chống bướu, kháng trùng, kháng khuẩn, kháng ung thư nếu dùng đúng liều lượng. Ở nhiều nơi trên thế giới người ta dùng hột mãng cầu Xiêm để diệt chí và diệt côn trùng.
Lá mãng cầu Xiêm có reticuline, stepharine, coclaurine, ác-xít caffeicleucocyaidin v.v.
Vỏ mãng cẩu Xiêm có reticuline, atherosperminine.
Ngày nay người ta quan tâm nhiều đến dược tính của mãng cầu Xiêm nhiều hơn là hương vị chua dễ thương của trái cây này.
 

BÌNH BÁT 
Bình bát là thân thuộc của mãng cầu. Đôi khi các nhà thực vật học lẫn lộn mãng cầu và bình bát khi gọi chung là custard apple. Giữa trái mãng cầu và trái bình bát có nhiều khác biệt trên mọi phương diện:
1. Trái mãng cầu có nhiều mắt tròn (còn gọi là ‘gai’). Trái bình bát không có những mắt tròn rõ ràng.
2. Trái bình bát chín màu vàng nhạt. Trái mãng cầu chín màu xanh trắng nhạt.
3. Cơm trái bình bát màu vàng sậm. Cơm trái mãng cầu màu trắng.
4. Trái mãng cầu ngọt và thơm. Trái bình bát ngọt lợ và chua lợ. Nhiều người không hợp với hương vị của trái bình bát.
5. Cây mãng cầu thích hợp chỗ đất màu mỡ và đất cát ráo nước. Cây bình bát thích hợp ở những vùng có nhiều nước.
Ở Việt Nam người ta trồng bình bát dọc theo bờ mương không phải để ăn trái mà để giữ cho mương không bị lở. Nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ trồng bình bát vàng và màu hồng. Florida, đảo Guam có trồng bình bát. Mãng cầu và bình bát có nhiều ở các nước Đông Nam Á, bắc Úc Đại Lợi, quần đảo Antilles, Trung và Nam Mỹ. Quần đảo Antilles (3) được xem là quê quán của cây bình bát. Vì vậy mà một trong những tên gọi của bình bát là Jamaica apple. Từ đó nó được đưa sang Mễ Tây Cơ, các quốc gia Trung và Nam Mỹ rồi sang các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới Phi Châu, Á Châu và Úc Châu.
 
Người Tây Ban Nha gọi bình bát là annona colorada (mãng cầu có màu). Người Anh gọi là bull’s heart tức coeur de boef của Pháp vì trái bình bát có hình trái tim bò. Người Pháp còn gọi trái bình bát là cachiman (cachimantier: cây bình bát), coeur de boeuf, corossol. Người Thái gọi là noi-nong; người Khmer gọi là mean bat. Tên gọi bình bát của Việt Nam có phần giống tên gọimean bat của người Khmer. Còn tên gọi annona của người Tây Ban Nha xuất phát từ tên gọi annon trong ngôn ngữ Taino (4).
  Trái bình bát được cấu tạo bằng những thành phần hóa học thấy trong trái mãng cầu tuy rằng hương vị trái bình bát không bằng hương vị mãng cầu. Người ta ăn trái bình bát chín, làm nước giải khát, làm kem. Hương vị của trái bình bát không bằng hương vị của trái mãng cầu ngọt.

Cây bình bát cao lối 6-7m. Lá bình bát láng và lớn hơn lá mãng cầu ngọt đôi chút. Nó giống lá mãng cầu Xiêm hơn là lá mãng cầu ngọt. Trái bình bát giống trái mãng cầu Xiêm, lớn hơn trái mãng cầu ngọt. Lá bình bát có mùi thơm. Cây có nhánh láng. Hoa màu trắng thơm và có mật ngọt. Gỗ vàng, mềm nhưng bền. Ở Trung và Nam Mỹ người ta dùng nó để làm ách cho bò.
Lá bình bát làm trong ngành thuộc da để nhuộm màu xanh và màu đen vì có nhiều tannins.
Hột bình bát có chất độc. Người ta dùng hột này để giết côn trùng. Bột của hột bình bát trộn với dầu dừa thoa lên đầu để giết chí giống như hột mãng cầu vậy. Thảo mộc gia đình Annonaceae  alkaloid anonain được xem là một độc chất.
Nước sắc của lá bình bát có tác dụng trục lãi. Người ta giã lá đắp vào u nhọt hay vết thương làm mủ. Lá, vỏ và trái bình bát sống nấu nước trị chứng tiêu chảy và kiết lỵ nặng.
Vỏ cây bình bát sắc nước uống cho hạ sốt, trị tiêu chảy và kiết lỵ. Người ta giã nát vỏ cây bình bát đắp vào nướu răng để làm giảm cơn đau nhức răng. Vỏ cây bình bát có chất anonaine rất độc. Chích chất này vào người gây tê liệt tứ chi. Nhưng trong chừng mực nào đó và với liều lượng cần thiết nào đó nó có thể chữa được những chứng bệnh hiểm nghèo của nhân loại. Đó là luật bù trừ và tương đối trong vũ trụ vậy.

Ngạc na

Đó là biệt danh của một loại bình bát nước mang tên khoa học Annona glabra. Người Anh gọi là alligator apple (táo ngạc), monkey apple (táo hầu), pond Apple (táo đầm lầy), corkwood (gỗ nút chai như cây móp). Người Pháp gọi annaone de marais (4). Người Tây Ban Nha gọi là anon liso, palo bobo. 
 
Cây bình bát nước mọc ven dòng nước, các đầm nước ngọt hay nước mặn như một loại thảo mộc miền rừng sát. Những vùng có cây bình bát nước này thường có sấu, nhất là ở miền bắc Úc Đại Lợi. Hầu tộc, chim muông, heo ăn trái bình bát nước. Những loại súc vật này ăn trái chín và mang hột bình bát nước gieo rải rác các nơi khác. Trái chín rụng xuống nước. Hột được các dòng nước cuốn đi dọc theo bờ biển, bờ sông, bờ rạch, cửa sông và mọc thành những rừng bình bát nước hoang. Gỗ cây bình bát nước mềm và được dùng làm nút chai và phao cần câu cá. Đó là nguồn gốc của các tên gọi alligator apple, monkey apple, pond apple (táo đầm lầy) và corkwood (gỗ nút chai). Chữ ngạc na xuất phát từ biệt danh alligator apple nhưng chúng tôi gọi là ‘na’ thay vì ‘táo’ (apple) vì bình bát nước vốn thuộc gia đình mãng cầu (na) Annonaceae.
Bình bát nước gốc ở các hải đảo trong biển Caribbean. Nó được tìm thấy ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, các hải đảo Thái Bình Dương và khắp các miền nhiệt đới ở Nam Á, Đông Nam Á, Tây Phi, bắc Úc Đại Lợi và các miền đầm lầy ở Florida Hoa Kỳ. Nó giữ đất bờ sông, bờ rạch, bờ biển chống xâm thực. Nhưng ở miền bắc Úc Đại Lợi nó trở thành vấn nạn đối với người Úc vì nó phát triển rất nhanh và lấn nhiều đất, đồng thời tạo nơi ẩn nấp tốt cho loài sấu. Chánh phủ Úc có chương trình quy mô khai quang rừng bình bát nước. Kết quả chưa được rõ ràng mặc dù đã dùng mọi phương tiện khác nhau như đốt phá, xịt thuốc hóa học cho cây chết, dùng máy ủi tróc gốc cây v.v…
Cây bình bát nước cao đến 10m. Nó là thảo mộc rừng sát nên không sợ bị ngập nước. Lá xanh tươi, láng và thơm. Hoa trắng điểm chút màu hồng nhạt. Trái xanh khi còn non, khi chín màu trái cây chuyển sang màu vàng đen nhạt. Trái bình bát nước ăn được nhưng không ngon vì hương vị kém, đôi khi còn gây nôn; cơm mỏng, nhiều hột đen và cứng.
Trái bình bát nước có kaurane deterpenoids, annoglabasin A  annoglabasin B. Hột bình bát nước cũng có công dụng như hột mãng cầu ta và mãng cầu xiêm. Bình bát nước có độc chất mà gia đình Annonaceae luôn luôn có: annanonceous acetogenins rất độc nhưng có khả năng chống u bướu và ung thư.
Người ta dùng lá, rễ, vỏ và trái cây bình bát nước để trị sốt, đau bụng, tiêu chảy, tê thấp, ho, ho lao, hoàng đản và trục trùng lãi.
 

' CHUỐI NGƯỜI DA ĐỎ ' ( PAWPAW) 

Nhiều người lầm tưởng cây pawpaw là thân thuộc của cây đu đủ. Biệt danh của trái pawpaw là ‘chuối của người da đỏ’ vì hương vị của trái cây này giống như chuối chứ không phải là cây pawpaw là cây chuối của người Da Đỏ. Nó là thân thuộc gần của cây mãng cầu, bình bát, mãng cầu Xiêm. Tất cả đều cùng gia đình Annonaceae và dòng Annona. Tên khoa học của câypawpaw là Asimina triloba.
Cây pawpaw gốc ở miền đông Hoa Kỳ bây giờ. Nó được tìm thấy khắp Hoa Kỳ từ New York, Maryland xuống Florida đến Ngũ Đại Hồ sang miền Trung Tây. Các tiểu bang miền Nam Úc Đại Lợi cũng trồng nhiều cây pawpaw.
  Cây pawpaw cao lối 10m. Lá hình trái xoan, dài và hao hao giống lá xoài. Hoa màu tím và có 6 cánh: 3 cánh lớn ở vòng ngoài và 3 cánh nhỏ ở vòng trong. Trái màu xanh khi chưa chín. Nó giống như trái xoài hay trái bí nhỏ nên nhiều người gọi cây pawpaw là mộc qua tức cây có trái giống trái dưa. Khi chín vỏ trái pawpaw chuyển sang màu đen hay màu đỏ-đen. Cơm trái pawpaw màu như đu đủ hay bình bát. Hương vị giống như chuối. Chính vì vậy mà nó có biệt danh là 'chuối người Da Đỏ' (Indian banana) (5). Trái pawpaw được bán nhiều ở Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi.

Cây pawpaw thích hợp với khí hậu mát, đất màu mỡ và ẩm ướt. Cây có thể chịu ngập nước trong nhiều ngày mà vẫn tốt tươi. Gỗ cây pawpaw không cứng, không nặng nên không có giá trị kinh tế và thương mại. Nó có nhiều sợi dùng để bện dây hay dệt một loại vải thô.
Lá cây pawpaw nghiền nát có mùi khó chịu. Nó chứa độc chất acetogenin, asimin, asiminacin, asimecin. Các nhà dược học xưa và nay đều trung thành với chủ trương lấy độc trị độc nên không cho độc chất nào là vô bổ cả. Do đó các chất acetogenin, asimin, asiminacin đều được dùng để chữa u bướu. Lá pawpaw giã nát được dùng để đắp trên các u nhọt. Thổ dân ở Mỹ châu dùng nó để diệt côn trùng.
Hột trái pawpaw có asimitrin  4-hydrotrilobin là những độc tố dùng trong ung thư trị liệu. Hột nghiền nát dùng để giết chí như hột mãng cầu vậy. Nó có nhiềualkaloids độc được xem là chất ma túy và gây nôn.
Trái pawpaw được dùng như thuốc nhuận tiểu và nhuận trường. Vỏ có độc chất alkaline analobine. Nói chung lá, vỏ, hột của trái pawpaw đều có độc chất được dùng để trị các chứng bệnh hiểm nghèo của nhân loại: ung thư.
Mãng cầu ta thích hợp với đất cát và cho trái ngọt với nhiều hột cứng và đen tuyền. Thân thuộc của mãng cầu ta là mãng cầu Xiêm, sống ở vùng đất bưng màu mỡ và tương đối ẩm. Trái mãng cầu Xiêm to và có vị chua dễ thương đặc biệt. Những thân thuộc khác như bình bát, ngạc na hay pawpaw đều mọc ở vùng ẩm hay vùng có sông nước, đầm ao, nước mặn hay nước ngọt. Chúng có trái to, cơm màu vàng. Hương vị bình bát và ngạc na không thể so sánh với hương vị mãng cầu ta hay mãng cầu Xiêm được.
Người Việt Nam vẫn thường nói:
Vợ chồng cú đẻ con Tiên
Hột của trái cây thuộc gia đình Annonaceae đều đen và có chất độc dùng để diệt chí, côn trùng và trị u bướu, ung thư. Nhân độc (hột chứa chất độc) đem trồng ra cây tốt tươi và có trái ăn được, lại có hương vị đặc biệt (quả lành). Cây có độc chất lại có khả năng cứu người khi bị nan chứng.

Đó là mâu thuẫn và nghịch lý của luật nhân-quả hay là sự huyền nhiệm của đấng Tạo Hóa?


Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Không có nhận xét nào: