Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 19/11 - Lê Minh Nguyên

Tướng Mỹ nói sẽ kháng lệnh tấn công hạt nhân ‘bất hợp pháp’ của Trump
Chỉ huy hạt nhân hàng đầu của Mỹ nói rằng ông sẽ kháng cự Tổng thống Donald Trump nếu ông ra lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân "bất hợp pháp."
CBS News đưa tin Tướng Không quân Mỹ John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM), nói với cử tọa tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Nova Scotia, Canada rằng ông đã suy nghĩ rất nhiều về những gì ông sẽ nói nếu ông nhận được một lệnh như vậy.<!>

"Tôi nghĩ một số người tưởng chúng tôi ngu ngốc," ông Hyten trả lời câu hỏi về một trạng huống như vậy. "Chúng tôi không ngu ngốc. Chúng tôi suy nghĩ về những điều này rất nhiều. Khi bạn đảm đương trách nhiệm này, làm sao mà bạn không nghĩ về nó?"

CBS cho biết ông Hyten, người chịu trách nhiệm giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, giải thích quá trình theo sau một lệnh như vậy.

"Là người đứng đầu STRATCOM, tôi đưa ra lời khuyên cho tổng thống, ông ấy sẽ ra lệnh cho tôi thi hành," ông nói.

"Và nếu lệnh đó bất hợp pháp, hãy đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói, 'Ngài Tổng thống, như vậy là bất hợp pháp.' Và đoán xem ông ấy sẽ làm gì? Ông ấy sẽ nói, 'Như thế nào mới hợp pháp?' Và chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn, với tập hợp những năng lực để ứng phó bất cứ tình huống nào, và cách làm việc là như vậy. Nó không phức tạp."

Ông Hyten nói nêu ra những trạng huống phản ứng như thế nào trong trường hợp có một lệnh bất hợp pháp là thông lệ chuẩn mực, và nói thêm: "Nếu bạn thi hành một lệnh bất hợp pháp, bạn sẽ đi tù. Bạn có thể ngồi tù đến hết đời."

Lầu Năm Góc không phản ứng ngay tức thì về yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Hyten.

Những phát biểu này được đưa ra sau khi các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, thuộc Đảng Dân chủ và Cộng hòa, nêu nghi vấn về việc liệu ông Trump có thẩm quyền tiến hành chiến tranh, sử dụng vũ khí hạt nhân và tham gia hoặc đình chỉ các thỏa thuận quốc tế hay không, giữa lo ngại rằng căng thẳng liên quan đến các chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên có thể dẫn đến chiến sự.

Ông Trump đã xỉ vả và đe dọa qua lại với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Trong bài diễn văn đầu tiên của ông tại Liên Hiệp Quốc, ông hăm dọa sẽ "tiêu diệt hoàn toàn" đất nước 26 triệu dân này nếu họ hăm dọa Mỹ.

Một số thượng nghị sĩ muốn có luật để thay đổi thẩm quyền hạt nhân của tổng thống Mỹ và một ủy ban Thượng viện hôm thứ Ba đã tổ chức phiên điều trần quốc hội đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ qua về thẩm quyền của tổng thống phát động một cuộc tấn công hạt nhân. - VOA

2.
Mỹ giúp Argentina tìm tàu ngầm mất tích - - - Argentina tăng cường tìm kiếm tàu ngầm mất tích với 44 người

Hoa Kỳ hôm 19/11 cho biết sẽ triển khai thêm một máy bay với phi hành đoàn gồm 21 người từ Florida tới khu vực phía nam Đại Tây Dương để giúp Argentina tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích ARA San Juan do Đức sản xuất.

Trong khi đó, theo Reuters, các cuộc gọi qua vệ tinh bất thành từ tàu ngầm với 44 người trên khoang làm dấy lên hy vọng rằng các thủy thủ đoàn vẫn còn sống.

Bộ Quốc phòng Argentina nói rằng tàu ngầm trên nhiều khả năng đã gọi bảy cú điện thoại qua vệ tinh ngày 18/11, nhưng thời tiết xấu đã cản trở nỗ lực này.

Bộ này cũng cho hay rằng chính phủ Argentina đang làm việc với một công ty Hoa Kỳ chuyên về trao đổi qua vệ tinh để tìm ra địa điểm xuất phát các cuộc gọi.

Máy bay mới được hải quân Mỹ triển khai sẽ đóng góp thêm vào nỗ lực của một máy bay khác của Mỹ cũng như các máy bay và tàu bè của Argentina để tìm kiếm khu vực cách duyên hải nước này hàng trăm kilomét.

Tuy nhiên, gió to và sóng lớn đã gây khó khăn cho nỗ lực này. Các nước như Chile, Anh và Nam Phi cũng tham gia công tác cứu hộ.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Argentina, Enrique Balbi, nói rằng việc tìm kiếm 80% khu vực đặt ra ban đầu không phát hiện ra dấu vết của tàu ngầm trên mặt biển, nhưng thủy thủ đoàn có vẫn còn nhiều lương thực và ôxy.

Hải quân nói rằng việc mất điện trên tàu ngầm chạy bằng diesel - điện có thể đã khiến việc liên lạc không thể thực hiện được. Theo quy định, tàu ngầm phải nổi lên mặt biển nếu mất liên lạc.

Giáo hoàng Francis, người được sinh ra ở Argentina, hôm 19/11 đã cầu nguyện cho thủy thủ đoàn trên tàu ngầm. - VOA

***
Hải quân Argentina hôm thứ Bảy cho biết họ đã tăng cường nỗ lực truy tìm một tàu ngầm chở 44 thành viên thủy thủ đoàn mất tích hôm thứ Tư, nhưng những nỗ lực đang bị cản trở bởi gió mạnh và sóng cao sáu mét.

Hải quân mất liên lạc với tàu ngầm chạy diesel-điện do Đức lắp ráp khi nó đang quay trở về từ một nhiệm vụ thường xuyên từ căn cứ hải quân ở Ushuaia, thành phố cực nam của Argentina, tới căn cứ của nó tại Mar del Platamand.

Dù thời tiết nhiều biến động, chỉ huy căn cứ Đô đốc Gabriel Gonzalez nói lực lượng hải quân đang tăng cường các nỗ lực trên và dưới mặt biển và đang chuẩn bị lùng sục đáy đại dương.

"Việc tìm kiếm dưới nước rõ ràng phức tạp hơn nhiều so với việc tìm kiếm trên bề mặt vì nó đòi hỏi kết hợp các công cụ công nghệ cao," ông Gonzalez phát biểu tại một cuộc họp báo.

Hải quân phát động một cuộc truy tìm trên không và trên biển vào hôm thứ Năm. Họ nói rằng cuộc tìm kiếm đầu tiên tại vị trí được biết tới lần cuối của con tàu, khoảng 430 km về phía đông nam bán đảo Valdez, không đưa tới manh mối nào.

Các quan chức Argentina cho biết họ đã chấp nhận lời đề nghị của Mỹ tham gia cuộc tìm kiếm. Một máy bay thám hiểm P-3 của NASA đặt tại Ushuaia đã bay cùng các máy bay quân sự của Argentina qua khu vực này. Cuối ngày thứ Sáu, Bộ Tư lệnh Vùng Nam của Mỹ thông báo một chiếc máy bay P-8A Poseidon đã rời một căn cứ không quân ở El Salvador để tham gia cuộc tìm kiếm.

Tư lệnh hải quân Argentina Carlos Zavalla khuyến khích gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của các thành viên thủy thủ đoàn hãy vẫn lạc quan. "Cho tới giờ điều rõ ràng duy nhất là không liên lạc được," ông nói trên truyền hình địa phương.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, người gốc Argentina, là một trong số nhiều người từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ. Văn phòng của Đức Giáo hoàng hôm thứ Bảy nói rằng ông đang cầu nguyện "sốt sắng" cho thủy thủ đoàn sớm trở về với gia đình một cách an toàn.

Hải quân nói họ tin rằng cúp điện có thể đã gây nên những vấn đề về liên lạc trên tàu. Quy trình của hải quân quy định rằng tàu ngầm phải trồi lên mặt nước khi bị mất liên lạc. - VOA

3.
Ông Hun Sen ‘thách’ Mỹ cắt mọi viện trợ cho Campuchia - - - Tòa án Campuchia cáo buộc hai nhà báo làm gián điệp

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 19/11 đã lên tiếng thách thức Hoa Kỳ cắt mọi viện trợ cho nước mình, sau khi Mỹ thông báo ngưng viện trợ cho cuộc tổng tuyển cử vào năm tới để đáp trả việc giải tán đảng đối lập của Campuchia.

Theo Reuters, nhà lãnh đạo Campuchia trong hơn ba thập kỷ qua đã thể hiện quan điểm chống Mỹ trong khoảng thời gian đầy căng thẳng, trong đó có tình trạng đàn áp người đối lập, các nhóm nhân quyền và các nhà báo độc lập, trước khi diễn ra cuộc bầu cử năm 2018.

Hoa Kỳ hôm 17/11 thông báo sẽ chấm dứt viện trợ cho cuộc bầu cử đồng thời khẳng định có “các bước đi cụ thể” sau khi Tòa án Tối cao Campuchia giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) theo yêu cầu của chính phủ vì lý do đảng này âm mưu chiếm quyền. CNRP đã phản bác cáo buộc này.

Reuters dẫn lại tin của trang Fresh News thân chính phủ nói rằng trước các công nhân ngành may, ông Hun Sen hoan nghênh việc Mỹ cắt viện trợ và thúc giục Washington cắt mọi viện trợ.

Trang tin này trích lời ông Hun Sen nói rằng “việc cắt viện trợ của Mỹ không giết chết chính phủ mà chỉ giết một nhóm người phục vụ cho các chính sách của Mỹ”.

Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh không hồi đáp trước yêu cầu bình luận của Reuters.

Hồi tháng Tư, Đại sứ quán Mỹ thông báo một khoản viện trợ 1,8 triệu đôla để hỗ trợ các cuộc bầu cử địa phương ở Campuchia trong năm nay và tổng tuyển cử năm sau.

Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng viện trợ của Hoa Kỳ cho các chương trình y tế, giáo dục hay gỡ bỏ bom mìn ở Campuchia lên tới gần 80 triệu đôla trong năm 2014.

Tuy nhiên, sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong các dự án lớn đã tạo cơ hội cho ông Hun Sen phớt lờ các chỉ trích của phương Tây về việc đàn áp các tiếng nói bất đồng. - VOA

***
Một tòa án ở Campuchia hôm thứ Bảy cáo buộc hai nhà báo phạm tội hoạt động gián điệp vì gửi các bản tin cho một đài phát thanh được Mỹ tài trợ. Các cáo buộc này có thể đưa tới án tù lên tới 15 năm.

Thủ tướng Hun Sen, nhà lãnh đạo chuyên quyền đã cai trị Campuchia hơn ba thập niên qua, đã đưa ra những luận điệu chống Mỹ gay gắt trước cuộc tổng tuyển cử năm 2018 và quyết liệt đàn áp những người chỉ trích, các nhóm vận động nhân quyền và truyền thông độc lập.

Mỹ đã loan báo sẽ chấm dứt tài trợ cho cuộc bầu cử và hứa sẽ có thêm "những bước cụ thể" sau khi Tòa án Tối cao giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) hôm thứ Năm theo yêu cầu của chính phủ, lấy lý do là đảng này đang âm mưu chiếm quyền.

CNRP phủ nhận cáo buộc này.

Hai nhà báo, Uon Chhin và Yeang Sothearin, trước đây từng làm việc cho Đài Á Châu Tự do (RFA) tại Washington, phát sóng bằng tiếng Khmer cho đến khi bị đóng cửa vào tháng 9.

Hai người bị buộc tội "cung cấp thông tin gây hại về quốc phòng cho nước ngoài," khi họ bị bắt quả tang đang gửi bài cho đài RFA, theo lời Ly Sophana, phát ngôn Tòa án Thành phố Phnom Penh.

"Họ sẽ bị đưa tới một thẩm phán thẩm vấn để làm thủ tục tiếp theo," Ly Sophana nói với hãng tin Reuters.

RFA cho biết họ không có mối quan hệ với hai nhà báo này kể từ khi họ đóng cửa văn phòng ở Phnom Penh vào tháng 9.

"Bằng việc cáo buộc hai nhà báo cũ của RFA phạm tội gián điệp, nhà chức trách Campuchia đã mở cánh cửa cho những hình thức hăm dọa nghiêm trọng xứng tầm những kẻ chuyên quyền và độc tài," phát ngôn viên Rohit Mahajan của RFA cho biết trong một email gửi cho Reuters.

Một luật sư cho hai nhà báo cho biết những cáo buộc này quá nghiêm trọng và họ chỉ làm việc với tư cách là nhà báo.

"Điều này không gây nguy hiểm cho đất nước," luật sư Keo Vanny nói.

Các cáo buộc này có thể dẫn tới 15 năm tù giam nếu hai người bị kết tội, ông nói.

Ông Hun Sen đang khẩu chiến ngày càng gay gắt với Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc đàn áp của chính phủ nhắm vào phe đối lập.

Nhà lãnh đạo CNRP Kem Sokha bị bắt vào ngày 3 tháng 9 và bị buộc tội phản quốc về điều bị cho là âm mưu nắm quyền với sự trợ giúp của Mỹ. Ông đã phủ nhận bất kỳ âm mưu nào như vậy.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu kêu gọi Campuchia thả ông Sokha và đảo ngược quyết định cấm đảng của ông.

Các nước phương Tây, nhiều thập niên qua đã hỗ trợ Campuchia thoát khỏi chiến tranh và cô lập, tỏ ra không mấy mặn mà với các biện pháp chế tài để đáp lại cuộc đàn áp của chính phủ, nhưng Liên minh Châu Âu đã nêu ra khả năng tước những ưu đãi mậu dịch quan trọng của Campuchia. - VOA

4.
Nga một lần nữa phủ quyết nghị quyết về vũ khí hóa học ở Syria

Nga một lần nữa phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà lẽ ra sẽ gia hạn một cuộc điều tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, chỉ một ngày sau khi nước này phủ quyết một nghị quyết tương tự.

Nhật Bản đã đề xuất một nghị quyết gia hạn cuộc điều tra thêm 30 ngày nữa để xác định ai đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria để cho thêm thời gian đàm phán về một thỏa hiệp rộng hơn.

Hôm thứ Năm, Mỹ bảo trợ một nghị quyết tương tự gia hạn một năm và cũng bị Nga phủ quyết.

Một dự thảo nghị quyết riêng của Nga hôm thứ Năm kêu gọi những thay đổi trong cuộc điều tra quốc tế đã không giành đủ sự ủng hộ để thông qua, chỉ có bốn quốc gia biểu quyết thuận. Đề xuất của Nga bao gồm những thay đổi đối với thẩm quyền mà Mỹ phản đối.

Không được gia hạn, thẩm quyền của Cơ chế Điều tra Chung (JIM) đã hết hạn vào nửa đêm ngày thứ Năm.

Sự phủ quyết của Nga hôm thứ Sáu là lần thứ 11 Nga phủ quyết một nghị quyết về Syria.

Sau cuộc biểu quyết hôm thứ Sáu, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói với hội đồng: "Nga không quan tâm đến chuyện tìm kiếm điểm chung với các nước còn lại của hội đồng này để cứu JIM. Nga sẽ không chấp thuận bất kỳ cơ chế nào mà có thể phơi bày việc sử dụng vũ khí hóa học của nước đồng minh của Nga, chế độ Syria. Đơn giản và đáng hổ thẹn như vậy đó."

Bà Haley gửi lời "xin lỗi chân thành" tới gia đình của những nạn nhân vũ khí hóa học ở Syria và những trẻ em, người phụ nữ và đàn ông Syria, những người có thể là nạn nhân của các cuộc tấn công trong tương lai." Bà nói: "Hãy biết rằng Mỹ, cùng với các nước còn lại của hội đồng này, sẽ không từ bỏ việc tìm kiếm công lý cho người thân yêu đã mất của các bạn và sự bảo vệ cho gia đình các bạn. Hãy biết rằng Nga có thể ngăn trở hội đồng này, nhưng họ không thể ngăn trở sự thật."

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói cuộc điều tra chỉ có thể được gia hạn nếu "những sai sót căn bản trong công tác của nó" được sửa chữa.

Cơ chế Điều tra Chung bắt đầu công tác của mình cách đây hơn hai năm sau một loạt các cuộc tấn công vũ khí hóa học nhắm vào thường dân ở Syria giết chết hoặc gây ra đau đớn khôn tả đối với hàng trăm người.

Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã quy trách chính phủ Syria về việc sử dụng chất độc thần kinh sarin bị cấm trong cuộc tấn công ngày 4 tháng 4 và về một số lần sử dụng khí clo làm vũ khí. Liên Hiệp Quốc cũng quy trách những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo sử dụng khí mù tạt.

Chính phủ Syria nói những kẻ khủng bố - từ mà họ dùng để mô tả phe đối lập - chịu trách nhiệm về tất cả các vụ tấn công.

Nga, đồng minh hùng mạnh nhất của Syria, ủng hộ các cuộc điều tra về vũ khí hóa học, nhưng chỉ trích các báo cáo là bất công đối với chính phủ Syria. - VOA

5.
Trung Quốc nói sẽ hợp tác với Triều Tiên thắt chặt 'tình hữu nghị truyền thống'

Tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên là "tài sản quý báu" cho nhân dân hai nước, Trung Quốc nói sau khi đặc sứ của nước này hội kiến một quan chức cao cấp của Triều Tiên, nhưng không nhắc gì đến cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Tống Đào, bộ trưởng bộ liên lạc đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về kết quả của Đại hội Đảng kết thúc hồi gần đây ở Trung Quốc mà tại đó Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực.

Trong một thông cáo ngắn đề ngày thứ Sáu nhưng được truyền thông Trung Quốc đưa tin ngày thứ Bảy, bộ liên lạc đối ngoại cho biết ông Tống, người đại diện ông Tập, đã báo cáo với ông Choe Ryong Hae về kết quả đại hội.

Ông Tống và ông Choe cũng bàn về quan hệ giữa hai đảng và hai nước, bộ này nói.

"Họ nói rằng tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên được thiết lập và vun đắp bởi các nhà cựu lãnh đạo của cả hai nước, và là tài sản quý báu cho nhân dân hai nước," bộ nói.

"Hai bên phải hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai đảng và hai nước để có lợi cho cả hai dân tộc."

Bộ không đề cập đến chương trình hạt nhân hay phi đạn của Triều Tiên vốn bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.

Thông tấn xã chính thức KCNA của Triều Tiên cho biết ông Tống đã báo cáo "chi tiết" với ông Choe về Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc, và nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc phát triển vững chắc quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng và hai nước.

Ông Tống đến ngày thứ Sáu nhưng không rõ sẽ ở Triều Tiên bao lâu.

Trung Quốc đã nhiều lần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng về việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn để chở chúng, nhưng trong những tháng gần đây Trung Quốc chỉ có những cuộc trao đổi cấp cao hạn chế với Triều Tiên.

Lần cuối cùng đặc sứ Trung Quốc cho Triều Tiên đến thăm nước này là vào tháng 2 năm ngoái.

Chuyến đi của ông Tống diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bắc Kinh trong chuyến công du Châu Á, nơi ông hối thúc nhiều hành động hơn để kiềm chế Triều Tiên, đặc biệt là từ Trung Quốc, nước có 90 phần trăm khối lượng thương mại với Triều Tiên. - VOA

6.
Đặc sứ Mỹ: Không liên lạc, không tín hiệu gì từ Triều Tiên

Hàn Quốc và Hoa Kỳ ngày 17/11 nhất trí tiếp tục làm việc để chấm dứt trong hòa bình cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhưng một đặc sứ Mỹ nói khó mà đo lường ý định của Triều Tiên vì ‘không có chỉ dấu nào cả.”

Triều Tiên đang bị áp lực nặng nề của quốc tế để chấm dứt chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này, bất chấp những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nhưng Bình Nhưỡng đã thề không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên cho là cần thiết để đối phó với sự hung hăng của Mỹ.

Ông Lee Do-hoon, đặc sứ của Hàn Quốc về những vấn đề hòa bình và an ninh Triều Tiên, và người đồng nhiệm Mỹ Joseph Yun, gặp nhau tại đảo nghỉ mát Jeju ở miền nam Hàn Quốc, tiếp sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump tại Seoul tuần trước.

“Không nghi ngờ gì là cả hai vị Tổng thống đều muốn tìm ra một phương cách hòa bình đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên,” ông Yun nói với các phóng viên, theo Thông tấn xã Yonhap.

“Do đó chúng tôi thảo luận về những vấn đề này và chúng tôi đồng ý một chiến dịch áp lực phải là yếu tố cốt lõi.”

Ông Trump từng tuyên bố đã tới lúc không còn thảo luận với Bình Nhưỡng được nữa, nhưng ông dịu giọng hơn trong chuyến thăm Seoul vừa rồi.

Vụ thử nghiệm phi đạn gần đây nhất của Triều Tiên là từ ngày 15 tháng 9. Ông Lee và ông Yun dường như không đặt nhiều trọng tâm vào thời kỳ ‘tạm lắng’ hiện nay, theo thông tấn xã Yonhap, vì cả hai đặc sứ không thể nào đo lường ý định của Triều Tiên.

“Tôi hy vọng Triều Tiên sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng tôi không giao tiếp với họ nên không biết có nên diễn giải [thời kỳ tạm lắng hiện nay] theo hướng tích cực hay không. Chúng tôi không có một tín hiệu nào từ họ cả,” ông Yun nói.

Ông Lee xem việc Trung Quốc đã phái một đặc sứ đến Bình Nhưỡng là diễn tiến quan trọng và cho biết Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ kết quả của chuyến đi này. Đặc sứ Trung Quốc đến Triều Tiên ngày 17/11.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lời qua tiếng lại trong lúc Bình Nhưỡng tiến tới mục tiêu được tuyên bố nhiều lần là phát triển một phi đạn có đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến nước Mỹ.

Hoa Kỳ có 28. 500 binh sĩ trú đóng tại Hàn Quốc, một di sản của chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của Triều Tiên là Mỹ có kế hoạch xâm lăng nước này. - VOA
7.
Quân đội Trung Quốc lập website ‘tố cáo’ quân nhân

Quân đội Trung Quốc hôm 19/11 đã ra mắt một trang web cho công chúng sử dụng để tố cáo các vụ rò rỉ thông tin, tin giả hay các hoạt động trái phép trên mạng của các quân nhân.

Theo hãng tin Reuters, đây là bước đi mới nhất nhằm gia tăng sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên mạng.

Bắc Kinh đã và đang tăng cường các biện pháp kiểm duyệt gắt gao Internet, nhất là trước khi diễn ra Đại hội Đảng năm năm một lần hồi tháng trước.

Reuters dẫn lại cổng thông tin chính thức của quân đội nói rằng trang web mới là nỗ lực triển khai theo tinh thần của Đại hội Đảng, và sẽ giúp duy trì “không gian Internet trong sạch” quanh quân đội.

Người dân được khuyến khích sử dụng trang web này để tố cáo các nội dung công kích giới lãnh đạo quân đội, xuyên tạc lịch sử của quân đội và của Đảng Cộng sản.

Theo trang web này, các vụ quân nhân mở các tài khoản mạng xã hội trái phép và đăng tải các thông tin không được phép cũng cần phải bị tố cáo.

Reuters đưa tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi “chủ quyền trên mạng” của Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch của mình nhằm củng cố an ninh mạng.

Ông Tập cũng khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản cầm quyền trong việc giới hạn và hướng dẫn các cuộc thảo luận trên mạng. - VOA

8.
Trung Quốc cho chiến đấu cơ bay gần Đài Loan

Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 19/11/2017 ra thông cáo xác nhận một máy bay trinh thám Trung Quốc đã bay sát không phận phía đông Đài Loan ngày hôm qua. Thông cáo khẳng định vụ việc diễn ra trong khuôn khổ chương trình tập huấn bay đường dài của quân đội Trung Quốc. 

Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, chiếc T-154MD, một máy bay trinh thám điện tử của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc PLD đã bay qua phía bắc eo biển Miyako, ở phía đông Đài Loan. 

Đây là lần đầu tiên kể từ sau đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc kết thúc, Đài Loan lại phát hiện chiến đấu Trung Quốc bay gần không phận hòn đảo mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh của Trung Quốc. 

Eo biển Miyako nằm giữa các hòn đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản. Khu vực này có một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản và một dải lãnh hải hẹp là vùng biển và không phận quốc tế.

Tuy nhiên, khu vực này nằm gần với vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan (ADIZ). Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết « theo dõi chặt chẽ các hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc theo đúng các quy định », và tiếp tục bảo vệ khu vực ADIZ của hòn đảo này.

Trang mạng Focus Taiwan News Channel cho biết thêm là chiến đấu cơ và tầu chiến của quân đội Trung Quốc vẫn thường đi sát vùng biển và không phận phía nam Đài Loan để đi ra Tây Thái Bình Dương qua ngả eo biển Miyako. 

Báo mạng Đài Loan này còn trích dẫn các nguồn tin báo chí Trung Quốc cho biết máy bay trinh sát điện tử Tu-154MD của Trung Quốc được sửa đổi từ chiếc chuyên cơ vận tải "Careless" Tu-154M của Nga bằng cách thêm các máy phát và anten để gia tăng khả năng chiến đấu.

Hiện tại, quân đội Trung Quốc có ít nhất 4 chiếc Tu-154MD. Những máy bay này đều thuộc Trung đoàn Không quân 102 đóng căn cứ tại sân bay Nam Uyển (Nan Yuan), phía nam Bắc Kinh. - RFI

9.
Zimbabwe: Mugabe gặp tư lệnh quân đội - - - Tổng thống 93 tuổi bị khai trừ khỏi đảng ở Zimbabwe

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe dự kiến gặp tư lệnh quân đội trong bối cảnh áp lực buộc ông từ chức gia tăng.

Cuộc điều đình được một linh mục dẫn dắt, kênh truyền hình quốc gia cho hay. Ông Mugabe bị quản thúc tại gia trong nhiều ngày từ khi quân đội giành quyền tiếp quản hôm 15/11.

Đảng Zanu-PF đang họp về việc có nên bãi nhiệm người sáng lập và lãnh đạo lâu năm của họ hay không.

Quân đội đã can thiệp sau khi ông Mugabe, 93 tuổi, sa thải Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa.

'Ngoài tầm kiểm soát'

Động thái này khiến bà Grace, vợ ông Mugabe được mở đường trở thành tổng thống kế tiếp. Và ông khi đó có thể sẽ làm phó tổng thống khi đảng Zanu-PF nhóm họp.

Ông Mugabe lãnh đạo Zimbabwe từ khi nước này giành độc lập khỏi Anh năm 1980.

Hàng vạn người Zimbabwe xuống đường hôm18/11 để ăn mừng việc quân đội giành quyền tiếp quản và thúc giục ông Mugabe ra đi.

Họ xé hình ông Mugabe và diễu hành đến dinh tổng thống.

Quân đội nói rằng họ sẽ loan báo cho công chúng về kết quả cuộc điều đình "sớm nhất có thể".

Quyết định về khả năng ông Mugabe từ chức có thể được thông qua tại cuộc họp của ủy ban trung ương hôm 19/11.

Phóng viên BBC Andrew Harding ở Harare nói rằng đây là thời điểm đánh dấu bước ngoặt và không còn đường cho ông Mugabe nắm quyền trở lại.

Phóng viên cho biết tình hình dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của đảng Zanu-PF và nhiều khả năng một chính phủ chuyển tiếp gồm phe đối lập sẽ được giới thiệu. - BBC

***
Tổng thống Robert Mugabe hôm 19/11 đã bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe, trong một động thái ôn hòa nhằm kết thúc 37 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này sau một cuộc đảo chính quân sự.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin tham dự phiên họp đặc biệt của ZANU-PF nói rằng quan chức lên thay thế là ông Emmerson Mnangagwa, người mới bị chính ông Mugabe sa thải trong tháng này.

Bà Grace, vợ ông Mugabe, vốn có tham vọng kế nhiệm ông Mugabe, cũng bị khai trừ khỏi đảng trên. 

Trả lời trước cuộc họp, lãnh đạo các cựu chiến binh, ông Chris Mutsvangwa, nói rằng ông Mugabe, 93 tuổi, không còn thời gian để thương thảo về sự ra đi của mình, và nên rời Zimbabwe khi còn cơ hội.

Ông Mutsvangwa cũng đe dọa sẽ kêu gọi biểu tình trên đường phố nếu ông Mugabe từ chối ra đi, theo Reuters.

Hàng trăm nghìn người hôm 18/11 đã tràn ra đường phố thủ đô Harare. Họ hát hò, nhảy múa và ôm các binh sĩ để bày tỏ sự vui mừng về vụ lật đổ được chờ đợi đối với ông Mugabe.

Sự thất sủng của ông Mugabe trong vòng bốn ngày qua nhiều khả năng sẽ gây chấn động khắp châu Phi, nơi một số lãnh đạo đang bị cô lập ở Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo, đang chịu áp lực lớn phải từ chức. - VOA

10.
Căng thẳng Ả Rập Xê Út - Liban: Liên Đoàn Ả Rập họp bất thường - - - Thủ tướng Lebanon nói sẽ sớm trở về nước và loan báo lập trường

Hôm nay, 19/11/2017, theo yêu cầu của Ả Rập Xê Út, Liên Đoàn Ả Rập triệu tập phiên họp bất thường cấp bộ trưởng tại Cairo, Ai Cập, bởi vì Riyad cho rằng Iran đang có những hành động tấn công quốc vương này và các nước Ả Rập khác. Theo giới quan sát, cuộc họp có thể đề cập đến vấn đề Liban và tổ chức Hezbollah thân Iran.

Từ thủ đô Ai Cập, thông tín viên Alexandre Buccianti tường trình :

« Đề nghị triệu tập cuộc họp của Ả Rập Xê Út chủ yếu liên quan đến vụ tên lửa đạn đạo do Iran chế tạo, do quân nổi dậy Houthis bắn đi từ Yemen nhắm vào sân bay Riyad. Đề nghị cũng nói tới vụ những kẻ làm việc cho Iran đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt ở Bahrain. 

Tuy nhiên, đoạn cuối cùng trong văn bản của Ả Rập Xê Út, được các nước Vùng Vịnh ủng hộ, ngoại trừ Qatar, có thể gây ra các căng thẳng với Liban. Đoạn này đề nghị Liên Đoàn Ả Rập lên án lực lượng dân quân khủng bố làm việc cho Iran tìm cách gieo rắc tư tưởng hệ phái và làm tổn hại đến an ninh và hòa bình trong thế giới Ả Rập. 

Cáo buộc này ám chỉ lực lượng Hezbollah và có thể được nêu ra một cách công khai trong cuộc họp cấp bộ trưởng. Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel Al Joubeir, trong những ngày qua, đã liên tục công kích tổ chức Hezbollah và cho rằng lực lượng này đã kìm giữ Nhà nước Liban như con tin. Do vậy, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út đòi lực lượng Hezbollah giải giáp và trở thành một tổ chức chính trị thuần tuý”. - RFI

***
Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri hôm thứ Bảy nói ông sẽ trở lại Beirut trong những ngày tới và loan báo lập trường về cuộc khủng hoảng ở nước ông sau khi hội đàm với Tổng thống Lebanon Michel Aoun.

"Về tình hình chính trị ở Lebanon, tôi sẽ về Beirut trong những ngày tới, tôi sẽ tham dự lễ kỷ niệm độc lập, và tại đó tôi sẽ công khai quan điểm của tôi về những chủ đề này sau cuộc gặp với Tổng thống Aoun," ông Hariri nói sau khi hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tại Paris ông Hariri có cuộc hội đàm với ông Macron, người đã đề nghị giúp ông Hariri giải quyết vai trò của ông trong những diễn biến chính trị kịch tính và kỳ quặc ở Lebanon.

Trước đó trong tháng này, ông Hariri loan báo từ chức trên truyền hình của Ả-rập Saudi, khơi lên rối loạn và hoài nghi.

Trước đó trong ngày thứ Bảy, Thông tấn xã Quốc gia của nhà nước Lebanon cho biết ông Hariri đã gọi điện thoại cho Tổng thống Lebanon Michel Aoun để nói rằng ông sẽ quay trở lại Lebanon vào tuần sau để tham dự lễ kỷ niệm Ngày Độc lập.

Ông Hariri được đón tiếp "như Thủ tướng" của Lebanon tại Pháp, vì tuyên bố từ chức của ông không được đất nước ông công nhận, ông Macron phát biểu từ Thụy Điển hôm thứ Sáu.

Việc ông Hariri rời khỏi Ả-rập Saudi khép lại hai tuần lễ kể từ khi ông tuyên bố từ chức thủ tướng Lebanon từ Riyadh vào ngày 4 tháng 11, quy trách Iran và tổ chức Hezbollah, một phần trong chính phủ Lebanon, về quyết định này và nói ông lo sợ cho tính mạng của mình.

Loan báo này làm nổi bật những rạn nứt chính trị sâu sắc ở Lebanon, nước bị giằng co giữa những ảnh hưởng kình địch của nước Iran theo Hồi giáo phái Shia và Ả-rập Saudi theo Hồi giáo phái Sunni, và khơi lên cáo buộc rằng Ả-rập Saudi câu lưu ông Hariri trái với ý muốn của ông.

Chuyến thăm của ông Hariri rõ ràng đánh dấu một bước đột phá về ngoại giao cho vị tổng thống Pháp 39 tuổi và nỗ lực rộng lớn hơn của ông nhằm tái khẳng định vị thế của Pháp trên trường quốc tế. Nỗ lực này bao gồm Trung Đông, nơi mà ông Macron vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Ả-rập Saudi vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng liên quan tới ông Hariri, sau khi khánh thành viện bảo tàng Louvre mới ở Abu Dhabi.

Việc khai trương này được một số nhà quan sát nhìn nhận như là một biểu hiện của "sức mạnh mềm" của Pháp trong khu vực.

Ông Hariri từng sống ba năm ở Pháp và Ả-rập Saudi sau khi chính phủ thống nhất quốc gia mà ông đứng đầu khi đó sụp đổ vào năm 2011.

Pháp cũng là nhà của Tổng thống Lebanon Michel Aoun trong suốt 15 năm ông sống lưu vong, kết thúc vào năm 2005. - VOA

11.
Tàu khu trục Mỹ bị tàu kéo Nhật va chạm

Một chiến hạm Hoa Kỳ bị hư hại sau khi bị một tàu kéo dân sự va chạm ở miền Trung Nhật Bản, Hải quân Hoa Kỳ cho hay.

Chiếc tàu kéo thương mại bị mất động lực và trôi vào tàu khu trục USS Benfold, trong lúc diễn ra việc lai dắt ở vịnh Sagami.

"Không ai bị thương trên cả hai tàu", Hải quân Hoa Kỳ nói, và thêm rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Đây là vụ va chạm mới nhất trong một loạt các sự cố liên quan đến các chiến hạm Mỹ trong những tháng gần đây.

Trong một tuyên bố, Hải quân Hoa Kỳ nói rằng chiếc khu trục hạm "chịu thiệt hại tối thiểu, bao gồm các vết xước ở mạn tàu".

"Benfold vẫn đứng vững ở trên biển dưới sức mạnh của chính mình. 

"Tàu kéo thương mại của Nhật Bản đang được một tàu khác kéo tới một cảng ở Yokosuka."

Tăng cường báo động

Vào tháng Tám năm 2017, mười thủy thủ Mỹ đã thiệt mạng khi chiếc USS John S. McCain và một tàu chở dầu đâm vào nhau ở phía đông Singapore.

Trước đó, hồi tháng Sáu, bảy thuỷ thủ Mỹ thiệt mạng trong một vụ va chạm giữa tàu USS Fitzgerald và tàu chở container trong vùng biển Nhật Bản gần thành phố cảng Yokosuka.

Còn hồi tháng Năm, một tuần dương hạm có trang bị hỏa tiễn dẫn đường và một tàu đánh cá của Hàn Quốc đã đâm vào nhau.

Trong khi đó, hồi tháng Một, một tuần dương hạm khác bị mắc cạn gần căn cứ hạm đội ở Yokosuka.

Mỹ gần đây đã công bố một loạt các cải cách nhằm tăng cường kỹ năng hải quân và báo động trên biển.

Một số chỉ huy và quan chức hải quân đã bị cách chức, xử lí kỉ luật hoặc điều tra theo trách vụ của họ, theo truyền thông Mỹ. - BBC

Tin Hoa Kỳ
12.
Elon Musk ra mắt xe tải chạy điện Tesla Semi

Tesla Inc. hôm Thứ Năm ra mắt loại xe tải chạy điện loại lớn, một lần nữa dấn thân vào thị trường mới trong khi đang vật lộn với vấn đề xuất xưởng muộn loại xe du lịch vừa túi tiền Model 3, vốn là tương lai của công ty.

Theo đài truyền hình Fox, Tổng Giám Đốc Elon Musk trình làng loại xe tải lớn có tên gọi là Tesla Semi, bằng cách lái vào trong một nhà chứa máy bay ở gần Los Angeles, trước đám đông quan khách được mời, mà Tesla cho là những khách hàng đầy tiềm năng của công ty.

Ông Musk miêu tả loại xe tải chạy điện là nỗ lực kế tiếp của Tesla nhằm đưa nền kinh tế rời xa khỏi nhiên liệu hóa thạch, qua những dự án gồm xe hơi chạy điện, mái nhà năng lượng mặt trời và kho chứa năng lượng.


Một số phân tích gia e rằng xe tải lớn ít hấp dẫn vì giá thành cao.

Tuy nhiên Tesla cũng thuyết phục giới chạy xe tải rằng Tesla có thể chế tạo những chiếc tải chạy điện có khả năng chuyên chở cạnh tranh được với xe tải chạy bằng diesel giá tương đối thấp.

Theo Business Insider, ông Musk không những trình bày kế hoạch thay đổi kỹ nghệ xe tải mà còn tạo chú ý đối với giới chuyển vận đường sắt.

Theo ông, chi phí vận hành của xe tải truyền thống chạy bằng diesel vào khoảng $1.51/dặm trong khi chiếc Tesla Semi chỉ tốn $1.26.

Nhưng còn tốt hơn nữa nếu kết nối chúng thành đoàn công voa với những chiếc Tesla Semi kết nối với nhau bằng kỹ thuật Autopilot, hoạt động như một đoàn tàu lửa chạy trên đường, trong đó một chiếc làm đầu đàn. Qua đó theo Tesla, chi phí vận chuyển sẽ giảm xuống còn $0.85/dặm.

Dĩ nhiên đường sắt vẫn có ưu điểm hơn như có thể hoạt động ở vận tốc tương đối cao và đều mà không phải dừng suốt cả chặng đường dài, kể cả không cần tiếp tế nhiên liệu. Ngoài ra đường sắt còn giúp tiết kiệm được hao mòn của đường xá giao thông. - nguoiviet

Tin Việt Nam
13.
Bình luận của ông Nguyễn Phú Trọng gây tranh cãi

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cách đây một tuần, nhưng dư âm của chuyến đi này vẫn còn, nhất là từ một buổi thưởng trà của ông Tập và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo tin của Truyền hình Việt Nam, lãnh đạo Đảng Cộng sản hai nước đã uống trà trong khuôn viên nhà sàn của ông Hồ Chí Minh.

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng bí thư Tập Cận Bình thưởng thức theo lễ nghi của người Việt các loại trà nổi tiếng của Việt Nam, giới thiệu với Tổng bí thư Tập Cận Bình về trà mộc Tân Cương nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên và trà ướp sen Tuyết San cổ thụ của tỉnh Hà Giang”, theo bản tin của VTV hôm 13/11.

Phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam còn đưa tin rằng “hai bí thư cùng ôn lại tiệc trà thân mật tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc”, khi ông Trọng tới Trung Quốc vào tháng Một năm 2017.

Trong bản tin truyền hình, lúc hai người thưởng trà, ông Trọng quay sang Tổng bí thư Tập và nói rằng “không ngon bằng trà Trung Quốc”. Hiện chưa rõ vì sao ông Trọng lại nhận xét như vậy về trà của Việt Nam.

Sau đó, nguyên thủ Trung Quốc cũng đáp lại bằng tiếng Hoa, nhưng không rõ là nói gì trong bản tin của VTV.

Lời nhận xét này của ông Trọng sau đó đã được cắt ra và đăng trên các trang mạng xã hội.

Trên trang Con đường Việt Nam, một Facebooker có tên Đình Bảo viết: “Bao nhiêu năm vận động người Việt Nam dùng hàng Việt nam đến giờ này ngài tổng phán câu coi như xong…”

Một người khác tên Tot Tran viết: “Nói rằng trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc, nhưng hai ông vẫn uống ngon lành, chứng tỏ trà VN cũng có tầm cỡ trên thế giới và ông Tập Cận Bình cũng phải công nhận điều này!”

Còn Facebooker Nguyễn Xuân Toàn hôm 19/11 viết rằng “dù Việt Nam có kém Trung Quốc muôn phần, nhưng nói gì thì cũng phải mang tính chất tinh thần dân tộc”.

Sau khi dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng, ông Tập đã thăm chính thức Việt Nam hôm 12/11 và Việt Nam đã bắn 21 phát đại bác để chào mừng.

VTV cũng đưa tin về lễ đón nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay đầu bản tin thời sự, trước cả tin về buổi tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn diễn ra trước buổi lễ dành cho ông Tập vài giờ đồng hồ.

Theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam, trong buổi hội đàm với ông Tập, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định rằng "đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu". - VOA

14.
VN không hài lòng với Facebook về việc xử lý thông tin 'xấu'

Google 'hợp tác hơn' so với Facebook trong việc gỡ bỏ các thông tin 'độc hại' trên mạng, báo Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn.

Theo bản tiếng Anh của báo VnExpress hôm 18/11, có dẫn lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: "Google và Youtube hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền Thông hơn Facebook."

Hôm 17/11 tại phiên họp chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng TT&TT cho biết Google đã "tuân thủ" trong việc gỡ bỏ hơn 5000 video "nội dung xấu, độc hại, bôi nhọ và làm xấu danh tính của nhiều lãnh đạo Việt Nam" trên Youtube.

Còn "Facebook tỏ ra kém hợp tác hơn," VnExpress English dẫn lời ông Tuấn.

Tuy nhiên, Google, công ty mẹ của Youtube nói chỉ mới nhận được khoảng 50 yêu cầu gỡ bỏ, và từ 2009 đến tháng 12/2016 chỉ có 5 yêu cầu từ chính quyền Việt Nam, theo báo cáo minh bạch của Google. 

Cũng theo VnExpress, ông Trương Minh Tuấn cũng "phàn nàn" về Facebook với các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp gần đây và bộ TT&TT cũng sẽ gia tăng xử lý các hành vi vi phạm trên Facebook.

Phần lớn thị phần thương mại điện tử của nước ngoài

Cũng trong chiều 17/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ trích các công ty nước ngoài nẫng tay trên "trăm triệu đôla" mà không đóng thuế. 

Báo Thanh tra hôm 17/11 dẫn lời ông Đam nói: "Tiền quảng cáo các công ty nước ngoài điển hình là Facebook và Youtube chiếm tới 80% thị phần. Riêng số tiền mà hai công ty Facebook và Youtube năm vừa rồi thu được là 320 triệu đô la. Thời gian tới chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn với những vấn này"

Dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, báo này viết ở Việt Nam, "mạng xã hội 95% thị phần của nước ngoài; công cụ tìm kiếm 98% của nước ngoài; thương mại điện tử 80% của công ty nước ngoài…"

"Google có chính sách chia sẻ doanh thu cho người sản xuất nội dung nên các phần tử chống đối, thế lực thù địch lợi dụng người dân vì hám lợi tham gia sản xuất, đăng tải clip phản động lên mạng, coi đó là việc làm nhẹ nhàng thu nhập cao," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói theo báo Thanh tra. 

Xây dựng thương hiệu Việt thay thếGoogle, Facebook

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bày bỏ "tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh" với Google và Facebook.

Ông dẫn chứng một số quốc gia đã thành công trong việc này như Trung Quốc, vốn có mạng xã hội Weibo thống lĩnh thị trường nội địa và Nga, quốc gia có công cụ tìm kiếm riêng, Yandex. 

Ông cũng đề cập đến một số trang mạng xã hội Việt Nam như Bamboo, Zalo, Zingme, vốn không cạnh tranh thành công đối với Facebook. 

Ông Tuấn đề nghị "thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ" các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. 

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Freedom House, Nga, Trung Quốc và Việt Nam đều nằm trong những nước bị đánh giá "không có tự do Internet". - BBC

15.
Thêm một trường hợp tử vong tại đồn công an

Việt Nam có thêm một trường hợp được cho là người dân bị công an đánh chết trong thời gian tạm giữ.

Truyền thông trong nước hôm 17/11 cho biết vụ việc xảy ra ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Đại tá Nguyễn Văn Tảo nói với báo giới rằng công an địa phương bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Nhân, sinh năm 1988 vì trên người có tàng trữ chất ma túy, vào chiều ngày 16 tháng 11 và ông Nhân tử vong vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày với kết quả khám nghiệm tử thi là chết do nhồi máu cơ tim.

Gia đình của ông Nhân, vào 2 giờ chiều ngày 17 tháng 11 được thông báo đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Tân Phú Đông nhận xác người thân. Gia đình mang xác nạn nhân về chôn cất vì được cho biết người thân chết do tai biến. Tuy nhiên, trong lúc tẩm liệm thì phát hiện có nhiều vết bầm tím ở lưng và các dấu tích bị còng xiết, bị chích điện.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, cha của nạn nhân Nguyễn Ngọc Nhân đến công an huyện đề nghị trả lời về các vết thương trên người của con trai. Tuy nhiên yêu cầu của ông Tân không được giải đáp.

Gia đình làm đơn cầu cứu làm rõ nguyên nhân gây tử vong cho người thân và Công an tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiến hành điều tra.

Hồi năm 2015, một báo cáo của Bộ Công An đưa ra số liệu từ năm 2011 đến 2014 có 226 người chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi Việt Nam phải điều tra các trường hợp tử vong do bị công an dùng nhục hình tra tấn cũng như phải chấm dứt tình trạng này theo Công ước Quốc tế chống tra tấn mà Việt Nam đã ký kết. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào: