Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

TAY VỊN CẦN THƠ - phan ni tấn

Inline image 1

Cần Thơ và tôi xa nhau tính đến nay cũng ngót 48 năm ròng. Tuy vậy, tôi và Cần Thơ không có lấy một kỷ niệm sâu đậm nào để nhớ nhau, ngoài một việc mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn "quê" cho đến tận bây giờ.<!>
Năm 1970, chúng tôi hân hoan bước ra khỏi cổng quân trường Sĩ Quan Bộ Binh Trừ Bị Thủ Đức. Trước khi cầm sự vụ lênh đi trình diện đơn vị mới trên vùng II, tôi theo người bạn tốt nghiệp cùng khóa về thăm quê anh ở Cái Vồn, nằm bên này bờ sông Hậu, bên kia là thị xã Cần Thơ.

Tôi không biết Cái Vồn, Bình Minh bây giờ thay đổi ra sao chớ hồi tôi mới tới thấy có nhiều nơi dân chúng còn nghèo lắm. Buổi sáng chúng tôi đón xe lôi vô chợ Cái Vồn uống cà phê. Quán cóc cũ rích, mái lợp dừa, bốn bề gió lọt, cất sơ sịa gần bờ sông Cái Vồn. Hớp một hớp cà phê xây chừng lạt như nước ốc mà nhớ nồng nàn ly cà phê Ban Mê ngày nào. Tuy nhiên, cái ly xây chừng âm ấm cầm gọn lõn trong tay với điếu thuốc Bastos xanh nhả khói cũng đủ để trám tâm hồn anh lính tò te mới ra trường như chúng tôi. Dĩ nhiên tôi không uống cà phê kiểu đổ ra dĩa như các bác xích lô ngồi co một chân trên băng ghế ngựa chúi đầu vừa thổi vừa húp xì xụp. 
Inline image 2
Sau đó, anh bạn dắt tôi đi một vòng chợ cho biết đời sống dân tình. Một cô gái dáng người kham khổ đon đả bước tới mời tôi mua hai miếng dưa hấu đỏ lựng. Bạn tôi cười cười dành trả tiền. Khom người cạp miếng dưa hấu ngọt lịm, tôi đảo mắt xuống dòng sông Cái Vồn nước phù sa chảy xiết mà phục những nếp sống thương hồ ngược xuôi. 
Nghề sông nước quanh năm dạy họ quen tay chèo chống trên những khúc quanh, dòng chảy hiểm nghèo, dễ dàng như người đi trên đường. Lúc bước lên xe Lam về lại nhà tôi vô tình mang theo một ít bùn sình trong chợ dính dưới đế giày vẹt gót. Tôi không dám trây trét trên sàn xe. Ráng ngồi im cảm nhận một chút kỷ niệm… dưới chân mình.
Buổi tối cơm nước xong hai anh em ra bờ sông uống rượu với rau răm, hột vịt lộn. Nghe tiếng phà đêm trên sông Hậu, nhìn những ánh đèn mờ tỏ nhấp nháy bên kia Cần Thơ tự nhiên lòng tôi dâng lên một mối cảm hoài. Nửa đêm đoàn convoy Biệt Động Quân dưới phà nối nhau bò lên đậu dọc theo quốc lộ 1 hướng về phía Sài Gòn. So với lính sữa như chúng tôi, những người lính rằn ri dày dạn sương gió này mới thật sự là những người con của đất nước chiến tranh, xông pha ngoài tuyến đầu.
Sau này hai anh bạn Huy Văn và Hiếu Vũ, cựu lính BDQ cho tôi biết đoàn convoy đó trực thuộc Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân đóng ở miền Tây. Những người lính đó bây giờ ở đâu tôi không biết. Nhưng chắc chắn có nhiều người đã gục ngã ngoài chiến trường, hay nhiều người đang lê lết tấm thân tàn phế ngay trên quê hưong mình hoặc cũng có thể, may mắn hơn, họ vẫn còn sống sót quanh đây.
Sáng hôm sau tôi từ biệt người bạn xuống phà qua Cần thơ thăm anh bạn ngày xưa đang học nội trú trong trường Đại học Cần Thơ. Mấy năm trước tôi qua lại dòng sông này với tâm hồn phơi phới của anh sinh viên du ngoạn mùa hè, bây giờ qua sông dưới hình thù một người lính, tôi cảm thấy dòng Hậu giang mênh mông hơn mà gần gũi hơn. Đời lính như đám lục bình trôi, tuy gần nước nhưng đang trôi xa nguồn.
Khoảng nửa giờ sau phà cập bến. Vừa lớ ngớ bước chân lên bờ tôi gặp ngay một anh xe thồ lạng tới: “Đi không Thiếu úy?” Tôi ngơ ngác vọt miệng hỏi đi đâu. Nhưng dòm cặp mắt toát lên cái nhìn chế diễu gắn trên bản mặt lém lỉnh của cu cậu tôi biết ngay mình ngố. Đúng là Chuẩn Úy sữa nhà quê mới ra trường ngô nghê, ngờ nghệch. Nhưng mà cho dù hắn cố tình “lên lon”, cà khịa “chỗ này có một em mới cáu cạnh nè, đi đi Thiếu úy”, thì Chuẩn úy T cũng cứ lắc đầu nguầy nguậy. Hehe.
Nghĩ cũng buồn cười. Hồi xưa muốn tới nhà bạn chơi lũ học trò chúng tôi cứ việc vác mặt tới chẳng cần hẹn trước. Thật ra hồi đó lấy cái gì mà hẹn với hò. Tới không gặp thì đi chỗ khác chơi. Trước kia hay sau này cũng vậy. Về Cái Vồn thăm quê bạn sẵn đường qua Cần Thơ thăm bạn học ngày xưa mà không biết làm sao cho bạn mình biết.
Sau 1975 nhiều người tưởng bỏ xứ đi luôn vậy mà họ còn có ngày trở về thăm lại miền quê sông nước Cửu Long. Riêng tôi chưa một lần trở lại. Nhớ ngày qua sông đi trình diện đơn vị mới, con phà Cần Thơ chở tôi đi biệt mà cả con phà và tôi đều không biết đó là lần cuối cùng “chúng tôi” chia tay nhau.

Cho tới bây giờ tuổi đời già theo năm tháng, tôi vẫn không có gì cho Cần Thơ ngoài bài tùy bút này.



Ngày Ta ngày Tết lại sắp tới rồi. Mời các bạn hãy cùng tôi trở về Cần Thơ từ một ký ức xa tắp mù khơi. Hãy vịn lấy Cần Thơ ngồi xuống lắng nghe sông nước Cần Thơ của gần nửa thế kỷ trước. Nghen!

phan ni tấn

Không có nhận xét nào: