Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Trung Ɖông: Vùng phức tạp - Phạm Đình Lân

Inline image 1
 Trung Ɖông tức là phần cực tây của Á Châu, nằm về phía đông của Ɖịa Trung Hải. Ɖó là đầu cầu nối liền ba lục địa Á-Âu-Phi Châu. Ɖó là vùng đất cổ xưa của nhân loại với các nền văn minh cổ như văn minh Ai Cập, Hy Lạp, Babylon, đế quốc Macedonia thời Alexander Ɖại Ɖế (356 - 323 trước Tây Lịch), đế quốc Ba Tư (thế kỷ 6 trước Tây Lịch đến thế kỷ 20), đế quốc La Mã (27 trước Tây Lịch - 1453 sau Tây Lịch), đế quốc Ottoman Hồi Giáo (1299 - 1922). Ɖó là nơi phát xuất:
<!>
  • Do Thái Giáo (Judaism).
  • Hỏa Giáo Ba Tư (Ba Tư thời cổ). Hỏa Giáo lùi bước trước Hồi Giáo.
  • Thiên Chúa Giáo
  • Hồi Giáo.
Từ thời xa xưa các bộ lạc trong vùng còn theo đa thần giáo (Polytheism) và thường gây chiến đẫm máu lẫn nhau trong vùng đất khô hạn ít sông ngòi và ít đất đai phì nhiêu nầy. Chỉ có người Semite, Hebrew, tổ tiên của người Do Thái có Judaism (Do Thái Giáo) thờ độc thần. Các bộ lạc Hittite, Philistine, Thamud, Phoenicians, Kassite, Amalekite, Ammonite (gốc Semite – Do Thái) có mặt ở Trung Ɖông từ thời cổ sử. Bộ lạc Amalekite được ghi trong Cựu Ước Kinh như là bộ lạc thù ghét người Do Thái nhất. Các bộ lạc trên biến dần trong lịch sử. Vào thời cổ sử người Phoenicians nổi tiếng là những thương nhân buôn bán trong vùng Ɖịa Trung Hải với các nước Nam Âu và Bắc Phi. Ngày nay chỉ còn người Hebrew có quốc gia sau khi ngôi Ɖền thứ hai bị hủy diệt và người Do Thái sống phiêu bạt khắp nơi trên thế giới (70 sau Tây Lịch). Mãi đến năm 1948 Quốc Gia Do Thái ra đời giữa tiếng đạn pháo vang rền từ liên minh các quốc gia Á Rập Hồi Giáo (Saudi Arabia, Iraq, Syria, Ai Cập, Jordan, Lebanon).
Ɖế quốc La Mã Phương Ɖông (Byzantine Empire) bị đế quốc Hồi Giáo đánh bại ở Constantinople vào năm 1453. Ɖế quốc Ottoman kiểm soát những vùng đất ở phía đông Ɖịa Trung Hải thuộc đế quốc Byzantine trước kia. Constantinople trở thành Istanbul, kinh đô của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman) nằm trên lục địa Âu Châu. Ɖến thế kỷ XVIII và XIX đế quốc Ottoman bắt đầu suy yếu.
Nga bành trướng lãnh thổ về phía nam bằng cách chiếm các vùng đất thuộc đế quốc Ottoman dọc theo Hắc Hải và biển Caspian.
Năm 1713 Anh chiếm Gibraltar của Tây Ban Nha để kiểm soát hải lộ nối liền Ɖịa Trung Hải và Ɖại Tây Dương (tây Ɖịa Trung Hải). Năm 1800 họ kiểm soát đảo Malta ở phía nam đảo Sicily. Như vậy Anh kiểm soát miền tây và trung Ɖịa Trung Hải. Năm 1878 họ chiếm đảo Cyprus ở phía đông Ɖịa Trung Hải để dòm ngó các thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Ɖông. Năm 1882 quân đội Anh tiến vào Ai Cập, kiểm soát kinh đào Suez. Ɖến cuối thế kỷ XIX hải quân Anh kiểm soát toàn bộ Ɖịa Trung Hải từ eo biển Gibralta đến kinh đào Suez do Pháp hoàn thành năm 1869. Anh dòm ngó các thuộc địa của đế quốc Ottoman ở Trung Ɖông và Bắc Phi, tìm cách ngăn chận Nga trong việc tìm kiếm biển bằng cách nối liền Hắc Hải với Ɖịa Trung Hải. Năm 1905 hạm đội Baltic của Nga trên đường sang Vladivostok ở Ɖông Á không dùng hải lộ Ɖịa Trung Hải để vào kinh Suez, Hồng Hải và Ấn Ɖộ Dương vì Anh, đồng minh của Nhật lúc bấy giờ, án ngữ tại eo biển Gibraltar và kiểm soát kinh đào Suez.
Ấn Ɖộ là thuộc địa của Anh. Sự tìm kiếm hải lộ Hắc Hải-Ɖịa Trung Hải-Kinh đào Suez-Hồng Hải-Ấn Ɖộ Dương, sự bành trướng lãnh thổ về phía nam và sự dòm ngó của Nga vào thuộc địa của đế quốc Ottoman được người Anh xem như sự đe dọa thuộc địa của họ ở Ấn Ɖộ. Ɖó là nguyên nhân tại sao Anh phải tìm cách gây ảnh hưởng ở Afghanistan và Persia (Ba Tư) tức Iran sau này. Chiến tranh Anh-Afghanistan diễn ra vào những năm 1838, 1842 và 1878 - 1880. Dưới thời Nga hoàng, Persia (Iran) chịu ảnh hưởng của Nga ở phía bắc và ảnh hưởng của Anh ở phía nam (thỏa ước 1907). Năm 1917 chế độ Nga hoàng sụp đổ. Tân chánh quyền Cộng Sản Nga dười sự lãnh đạo của Lenin bận lo củng cố chánh quyền nên không còn quan tâm đến vấn đề Persia (Iran). Năm 1919 Persia công nhận sự bảo hộ của Anh.
Năm 1798 tướng Napoléon Bonaparte mở cuộc hành quân sang Ai Cập. Trên bộ quân Pháp đánh bại quân Ai Cập. Nhưng tàu bè của Pháp bị hải quân Anh đánh chìm. Bonaparte mở đường máu để tìm đường về Pháp nhưng bị quân Anh ngăn chận. Cuối cùng ông bí mật dùng thuyền vượt Ɖịa Trung Hải để về Pháp và làm cuộc đảo chánh không đổ máu năm 1799. Trong chiến tranh Crimea (1853 - 1856) Anh, Pháp, Sardina-Piedmont và Thổ Nhĩ Kỳ liên minh tấn công Nga sau khi Nga chiếm hai hầu quốc trên sông Danube của Thổ Nhĩ Kỳ (ngày nay là xứ Romania). Nga bị bại trận Sevastopol trên bán đảo Crimea nên đành phải ký hiệp ước Paris chấp nhận chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận sự trung lập hóa Hắc Hải, mở cửa hạ lưu sông Danube cho tàu bè các nước tự do thông thương. Năm 1869 Pháp hoàn tất việc đào kinh Suez nối liền Hồng Hải với Ɖịa Trung Hải. Vào thập niên 1870 vua Said của Ai Cập thiếu nợ nhiều nên phải bán cổ phần của Công Ty Kinh Ɖào Suez cho Anh. Thủ tướng Disraeli mua các cổ phần của vua Said với giá 4 triệu Anh kim. Năm 1882 Anh chiếm Ai Cập.
Ɖế quốc Ottoman như người bịnh trầm kha. Trong đệ nhứt thế chiến Thổ Nhĩ Kỳ cùng chiến tuyến với Ɖức và Áo-Hung. Sau đệ nhất thế chiến các thuộc địa của đế quốc Ottoman ở Trung Ɖông đặt dưới sự ủy trị của Anh và Pháp. Ɖế quốc Ottoman sụp đổ song song với sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1922. Năm 1916 Mark Sykes (Anh) và George Picot (Pháp) thương thuyết về sự chia cắt đế quốc Ottoman. Trong vùng đất dọc theo đông Ɖịa Trung Hải có xứ Canaan cổ, bây giờ gọi là Palestine đặt dưới sự ủy trị của Anh.
Từ khi ly hương sống phiêu bạt trên thế giới, nhất là ở các quốc gia Âu Châu, người Do Thái luôn luôn bảo tồn sắc thái Do Thái của họ: dân tộc được thượng đế chọn, giữ gìn tiếng Hebrew trong gia đình, tôn giáo và tập tục riêng của họ. Họ có giáo đường riêng và nghĩa địa riêng. Ɖâu đâu họ cũng bị ghen ghét và bạc  đãi. Họ nổi bật trong mọi lãnh vực hoạt động. Họ am tường ngôn ngữ, văn hóa, tập tục của quốc gia nơi họ sinh sống nhưng họ vẫn giữ ngôn ngữ, tôn giáo (Judaism) và tập tục của họ trong gia đình. Rất ít người Do Thái lạc đạo hay không gìn giữ sự thuần chủng của họ. Phụ nữ Do Thái có chồng ngoại quốc và có con pha chủng, những người con nầy được xem là người Do Thái. Trong gần hai ngàn năm sống vô tổ quốc, họ dùng câu Ngày mai ở Jerusalem như câu chào hỏi và nhắc nhở ngày trở về đất tổ phụ Abraham.
Vào thế kỷ XIX chủ nghĩa ZIONISM được đẩy mạnh trong cộng đồng người Do Thái khắp thế giới bởi tiến sĩ Theodor Herzl (1860 - 1904) sau vụ án bất công mà Pháp dành cho Alfred Dreyfus (1859 - 1935) vào năm 1894. Nhà hóa học Chaim Weizmann (1874 - 1952), gia đình lý tài Rothschild với tài sản 2.000 tỷ Anh kim có công lớn trong phong trào Zionism. Gia đình Rothschild là gia đình giàu nhất Âu Châu. Họ có ngân hàng khắp Âu Châu, kể cả Ɖức, Anh, Ý, Pháp, v.v…  Một ít người Do Thái từ Ɖông Âu về Palestine khai phá đất đai và trồng trọt. Thỉnh thoảng có những cuộc đụng chạm đẫm máu giữa những người Do Thái tự động hồi cư nầy với người du mục Á Rập. Khi còn sống, có lần Theodor Herzl muốn gặp sứ giả của đế quốc Ottoman để giúp đế quốc Ottoman trả nợ. Bù lại, đế quốc Ottoman cho người Do Thái trở về Palestine. Ɖế quốc Ottoman một mực khước  từ.
Giáo sư hóa học Chaim Weizmann dạy ở đại học Manchester, là người có uy tín trong giới khoa học Anh và trong cộng đồng Do Thái ở Anh. Ông kết hợp chặt chẽ với Theodor Herzl và gia đình Rothschild trong phong trào hướng về Jerusalem và đồi Zion. Ông vận động thành lập một Viện Ɖại Học ở Palestine và được sự hưởng ứng cùng tài trợ của gia đình Rothschild. Năm 1906 ông vận động với chánh phủ Anh về việc hình thành quốc gia Do Thái ở Palestine. Ông Balfour (bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Anh lúc bấy giờ) gợi ý với Chaim Weizmann dùng một vùng đất của Uganda để lập ra nước Do Thái. Chaim Weizmann từ chối, viện lẽ rằng nếu người Anh xin London mà người ta cho Paris thì họ nghĩ sao? Năm 1917 Balfour đưa ra bản Tuyên Bố công nhận người Do Thái sẽ có Tổ Quốc ở Palestine.

 
Theodor Herzl (1860-1904) – Wikipedia, trái
và Mộ của Theodor Herzl ở Memorial Park, Jerusalem, Irael (www.brabosch.com), phải

Năm 1932 vương quốc Saudi Arabia ra đời. Quốc hiệu nước nầy lấy tên hoàng tử Saud mà ra. Vương quốc nầy ra đời sau khi người Anh phát hiện bán đảo to lớn nầy có nhiều giếng dầu vào năm 1908. Ɖó là lúc tư bản Hoa Kỳ đặt chân vào vùng Trung Ɖông với Công Ty Dầu Hỏa ARAMCO (Arabian America Oil Company: Công Ty Dầu Hỏa Á Rập-Hoa Kỳ). Công ty bắt đầu khai thác dầu hỏa vào năm 1938. Riêng Saudi Arabia sản xuất 20% tổng số dầu hỏa được sản xuất trên thế giới. Các quốc gia Hồi Giáo ở Trung Ɖông và Bắc Phi như Iraq, Iran, Kuwait, Libya đều là những quốc gia sản xuất nhiều dầu hỏa trên thế giới với số trữ lượng khổng lồ.
Ɖệ nhất thế chiến làm cho các cường quốc kỹ nghệ Âu Châu như Anh, Pháp, Ɖức suy yếu. Ɖệ nhị thế chiến dẫn đến sự phá sản của đế quốc Anh, Pháp, Hòa Lan với phong trào đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa trên thế giới. Sự bách hại 6 triệu người Do Thái bởi Ɖức Quốc Xã dưới sự lãnh đạo của Hitler làm cho người Do Thái khắp thế giới, nhất là người Do Thái ở Âu Châu, thấy nhu cầu bức thiết về lập quốc ở Palestine. Quốc gia ủng hộ thành lập nước Do Thái ở Palestine là Hoa Kỳ, nơi đa số các nhà tỷ phú, khoa học gia, chuyên viên kinh tế, tài chánh nổi tiếng đều mang dòng máu Do Thái. Họ nắm giữ mọi ngành hoạt động kinh tế, văn hóa, xuất bản, truyền thông, báo chí, điện ảnh, việc buôn bán kim cương, đá quí và đồ cổ,… Hoa Kỳ có một ốc đảo dân chủ ở Trung Ɖông. Ảnh hưởng của Anh và Pháp ở Trung Ɖông được thay thế bằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đặt chân trên vương quốc Saudi Arabia vào thập niên 1930 và Do Thái vào năm 1948. Họ hỗ trợ cho Anh trong cuộc đảo chánh lật đổ Mossadegh ở Iran vào năm 1953. Ảnh hưởng của Anh trên bán đảo Á Rập, Palestine và Iran lui dần. Hoa Kỳ can thiệp buộc Anh và Pháp phải rút khỏi kinh đào Suez và Do Thái rút ra khỏi bán đảo Sinai năm 1956. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo duy nhất không có thái độ chống Do Thái. Vì có truyền thống bất thân thiện với Nga nên Thổ Nhĩ Kỳ ngả theo Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh (1949 - 1991). Các quốc gia Hồi Giáo trên thế giới đều không công nhận sự hiện hữu của Do Thái ở Trung Ɖông dù họ thân thiện hay nể nang Hoa Kỳ. Ngay cả Mã Lai và Indonesia ở Ɖông Nam Á xa xôi cũng có thái độ thù nghịch với Do Thái như là sự đoàn kết của những người đồng đạo Hồi mặc dù không hề có sự va chạm quyền lợi kinh tế hay chính trị giữa Mã Lai và Indonesia với Do Thái. Bạch thư Balfour năm 1917 thuận lợi cho việc thành lập nước Do Thái ở Palestine. Nhưng khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, Anh lại thay đổi thái độ vì e ngại đụng chạm với đa số các dân tộc Hồi Giáo trong vùng.
Lenin được Ɖức giúp phương tiện về Nga lật đổ chánh phủ Kerensky. Chánh phủ Kerensky tham gia đệ nhất thế chiến bên cạnh các nước Tây Âu. Sau khi thành công, Lenin đền ơn Ɖức bằng cách chấm dứt sự tham dự của quân Nga vào chiến tranh chống Ɖức và Áo-Hung. Vì vậy, sau khi Ɖức bại trận, nước Nga Cộng Sản không dự phần vào việc chia xẻ đế quốc Ottoman ở Trung Ɖông.
Dưới thời Stalin, Liên sô chưa can dự vào vấn đề Trung Ɖông, nơi có nhiều dầu hỏa. Năm 1948 Liên Sô là quốc gia thứ nhì công nhận quốc gia Do Thái. Stalin chú trọng đến các quốc gia Ɖông Âu trong quỹ đạo Liên Sô. Ɖến thời Khrushchev Liên Sô mới can dự sâu vào vấn đề Trung Ɖông bằng cách khai thác sự thù hằn giữa người Hồi Giáo Á Rập với người Do Thái. Ɖại tá Nasser của Ai Cập được xem là người lãnh đạo các nước Á Rập chống Do Thái. Vua Farouk bị lật đổ vì Ai Cập cầm đầu các nước Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Syria, Lebanon bị Do Thái đánh bại trong chiến tranh độc lập của Do Thái (1948). Dưới danh nghĩa hủy diệt Do Thái Nasser thành lập Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất bằng cách sát nhập Syria vào Ai Cập (1958). Sự thống nhất nầy làm cho người Syria có cảm tưởng quê hương của họ đặt dưới sự thống trị của Nasser. Năm 1961 phe Syria chống Nasser thắng phe Syria thân Nasser để Syria trở lại vị trí quốc gia độc lập của mình.
Khrushchev ve vãn Ai Cập. Năm 1958 Liên Sô giúp tiền bạc cho Ai Cập hoàn tất công trình xây đập Aswan và viện trợ cho Ai Cập phi cơ, võ khí, cố vấn kỹ thuật. Người Á Rập Hồi Giáo vốn nghi kỵ người ngoại quốc. Nhưng giữa Hoa Kỳ và Liên Sô họ chọn Liên Sô vì cho rằng Liên Sô chống đế quốc. Vã lại họ ghét Hoa Kỳ vì nước nầy nhiệt liệt ủng hộ Do Thái. Năm 1967 Ai Cập, Syria và Jordan tấn công Do Thái từ ba hướng: nam (Ai Cập), tây (Jordan), bắc (Syria) nhưng liên minh ba nước Á Rập đại bại trong cuộc chiến tranh kéo dài vỏn vẹn sáu ngày. Ɖó là sự thất bại chua cay của Nasser. Ai Cập “cám ơn” các cố vấn Liên Sô. Trong cuộc chiến tranh sáu ngày nầy Ai Cập mất Sinai rộng 61.000 km2, tức rộng gấp ba lần nước Do Thái! Jordan mất đông Jerusalem và West Bank. Syria mất một phần cao nguyên Golan.
Tướng Ariel Sharon của Do Thái trong cuộc hành quân ở Sinai năm 1967 
(Nieuw Israëlistisch Weekblad)
Ai Cập không còn thân thiện với Liên Sô. Nhưng Syria gắn bó với Liên Sô. Nhiều sĩ quan Syria được gởi sang Liên Sô huấn luyện. Trong số ấy có Hafez al Assad (1930 - 2000) được huấn luyện về Không Quân. Từ năm 1971 đến 2000 ông là tổng thống Syria. Hafez al Assad là thân phụ của đương kim tổng thống Bashar al Assad. Nhận sự huấn luyện và ủng hộ của Liên Sô để cầm quyền, Hafez al Assad nhường cảng Tartus cho Liên Sô. Ɖó là cơ hội ngàn vàng cho Liên Sô hiện diện ở miền đông Ɖịa Trung Hải.
Sau cuộc chiến tranh ngày Yom Kipper (Ngày Chuộc Tội Lỗi: Day of Atonement) năm 1973 Ai Cập từ bỏ đường lối chống Do Thái để đất nước nầy trả lại bán đảo Sinai (theo tiếng Do Thái SINAI có nghĩa là “sa mạc đất sét”). Năm 1979 qua trung gian của tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, thủ tướng Begin (Do Thái) và tổng thống Sadat (Ai Cập) ký hiệp ước hòa bình. Cùng năm ấy Liên Sô xâm lăng Afghanistan và chế độ quân chủ Iran bị lật đổ. Iran trở thành một Cộng Hòa Hồi Giáo chống đối Hoa Kỳ kịch liệt.
Sự phức tạp của Trung Ɖônbg có thể tạm tóm lược bằng những nguồn gốc sau đây:
  • Sự phong phú về dầu hỏa của các quốc gia Trung Ɖông và phụ cận thu hút sự thèm thuồng của các quốc gia kỹ nghệ trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, v.v... Nó cũng là nguồn gốc của những biến động chánh trị nội bô trong các nước có giếng dầu. Cướp chánh quyền tức là chiếm tài sản quốc gia để làm giàu.
  • Trung Ɖông là đầu cầu nối liền ba lục địa Á-Âu-Phi, Ɖịa Trung Hải-Hồng Hải-Ấn Ɖộ Dương, Ɖịa Trung Hải-Hắc Hải.
  • Sự tranh chấp triền miên giữa các bộ lạc du mục.
  • Sự thù ghét gần như không thể hàn gắn giữa người Hồi Giáo và tín hữu các tôn giáo khác, đặc biệt là với Thiên Chúa Giáo, Thiên Chúa Giáo Coptic và Do Thái Giáo và giữa người Hồi Giáo và người Do Thái.
  • Hồi Giáo cũng có nhiều hệ phái khác nhau. Hai phái quan trọng thường xuyên thù nghịch nhau là phái Sunni và Shiite. Phái Sunni đông hơn phái Shiite. Iran là quốc gia rộng lớn, khá đông dân, có nhiều dầu hỏa và là nơi đa số dân chúng theo Hồi Giáo Shiite.  Iraq ở miền nam, nơi có nhiều dầu hỏa, theo Hồi Giáo Shiite trong khi người Iraq ở miền bắc và người Kurds ở phía đông bắc theo Hồi Giáo Sunni. Hồi Giáo Sunni ở Iraq chiếm lối 40% dân số. Saddam Hussein thuộc Hồi Giáo Sunni. Syria có 75% tín hữu Hồi Giáo Sunni. Họ có vẻ không hài lòng với sự cai trị của gia đình Assad thuộc phái Alawite, một nhánh nhỏ của phái Shiite.  Bahrain là một đảo nhỏ trong vịnh Persian (Ba Tư-Iran) rộng lối 720km2 với 1,5 triệu dân. Ɖa số dân trên đảo theo Hồi Giáo Shiite trong khi vua Hamad bin Isa al Khatifah thuộc phái Sunni. Dân chúng có khuynh hướng nghiêng về Iran vì cho rằng họ bị phái Sunni của nhà vua kỳ thị. Trong Mùa Xuân Á Rập năm 2011 dân chúng Bahrain nổi lên. Vua Bahrain cầu cứu Saudi Arabia đem quân đánh dẹp vì sợ sự can thiệp của Iran.
Giữa các quốc gia Hồi Giáo cùng hệ phái hay khác hệ phái vẫn có xung đột nhau đẫm máu (xung đột giữa Saudi Arabia giàu có với Yemen nghèo khổ, xung đột giữa phái Sunni và Shiite ở Iraq thời Saddam Hussein, xung đột giữa phái Sunni của Iraq thời Saddam Hussein với người Kurds thuộc Hồi Giáo Sunni v.v...), xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurds (Hồi Giáo Sunni). Lebanon có 54% tín hữu Hồi Giáo gồm 27% Sunni và 27% Shiite. Ngoài ra có lối 41% tín hữu Thiên chúa Giáo Maronite, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Thiên Chúa Giáo Melkite Hy Lạp v.v... Lebanon có biên giới chung với Do Thái và Syria. Nhóm Hezbollah là nhóm Hồi Giáo Shiite cực đoan được sự viện trợ của Iran để gây rối cho Do Thái. Syria là quốc gia cương quyết chống Do Thái sau khi Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Do Thái năm 1979.  Syria ủng hộ người Palestine chống Do Thái dưới sự lãnh đạo của Arafat. Syria tỏ ra họ là một nước mạnh đối với hai quốc gia Hồi Giáo láng giềng là Jordan và Lebanon.
Theo quyết định của Liên Hiệp Quốc năm 1947 Jordan bao gồm West Bank và đông Jerusalem. Như vậy người Palestine ở West Bank và đông Jerusalem là công dân Jordan! Sau khi Jordan bại trận năm 1967, Do Thái  chiếm West Bank và đông Jerusalem. Nhiều người Palestine chạy sang Jordan. Nước nầy trở thành nơi huấn luyện du kích Palestine đánh phá các nông trường của Do Thái. Ɖó là điều vua Hussein của Jordan không muốn vì Jordan mang một gánh nặng kinh tế, xã hội do chứa chấp người Palestine, lại phải chịu đựng sự xung đột giữa người Palestine và dân Jordan, lại lo sợ sự tấn công có thể có vào Jordan từ phía Do Thái. Việc Jordan trục xuất người Palestine ra khỏi xứ nầy vào năm 1970 dẫn đến sự can thiệp võ trang của Syria vào Jordan và biến cố “tháng chín đen”. Người Palestine rời Jordan chạy sang Syria, Nước nầy ủng hộ người Palestine chiến đấu chống Do Thái nhưng không muốn dung chứa người Palestine vì sợ bị Do Thái tấn công.
Người Palestine chạy sang Lebanon. Vào năm 1948, khi nước Do Thái ra đời, nhiều người Palestine chạy sang Lebanon. Giống như Jordan sau năm 1970, Lebanon trở thành quốc gia dung chứa du kích Palestine đánh phá Do Thái ở phía bắc.  Cuộc nội chiến Lebanon kéo dài từ năm 1975 đến 1989. Nó mở màng bằng việc chém giết nhau giữa người Palestine thuộc tổ chức PLO cùng đảng Fatah của Arafat với tín đồ Thiên Chúa Giáo Maronite. Những người nầy không hưởng ứng sự võ trang kháng chiến chống Do Thái của người Palestine và người Lebanon Hồi giáo. Năm 1981 Do Thái oanh tạc các trại tỵ nạn của người Palestine ở Lebanon. Năm sau Do Thái xâm lăng Lebanon nhằm đánh đuổi du kích Palestine ra khỏi Lebanon. Người Hồi Giáo Shiite ở Lebanon tấn công người Palestine, viện lẽ rằng vì những người nầy gây hấn khiến cho Do Thái xâm lăng Lebanon.  Sự xâm lăng của Do Thái mở đầu cho những hoạt động khủng bố của nhóm Hezbollah (do Iran huấn luyện, tài trợ và trang bị võ khí) và việc đưa quân Syria vào Lebanon. Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Lebanon bị đánh bom. 241 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ bị Hezbollah đánh bom chết khiến Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi Lebanon. Năm 2000 Do Thái rút quân ra khỏi Lebanon. Năm năm sau Syria mới rút quân.
Tòa đại sứ Mỹ ở Libanon bị phá hủy do bom của tổ chức khủng bố Hezbollah vào năm 1983 (ảnh Nieuws Dossier)
***
Chuyện Do Thái-Palestine là chuyện nhì nhằng. Chuyện giữa các nước Á Rập cũng không đơn giản và dễ giải quyết. Palestine chia ra làm hai nhóm đối nghịch nhau và sống trên hai địa bàn khác nhau: nhóm Fatah tương đối ôn hòa ở West Bank và nhóm Hamas quá khích tập trung ở Gaza. Hamas cương quyết không nhìn nhận sự hiện diện của nước Do Thái ở Trung Ɖông. Họ được Iran, Syria và Hezbolloah ủng hộ cụ thể bằng hành động mặc dù không có kết quả rõ ràng. Khối Hồi Giáo trên thế giới ủng hộ sự thành lập nước Palestine trên lãnh thổ West Bank và dải Gaza với đông Jerusalem làm thủ đô. Liên Hiệp Quốc không chấp nhận đông Jerusalem thuộc về Do Thái. Nước nầy tuyên bố Jerusalem là thủ đô mặc dù trên thực tế Tel Aviv vẫn là thủ đô. Các tòa đại sứ vẫn còn đặt ở đó.
Cách mạng Hoa Lài thành công ở Tunisia (2011). Nó lan sang Libya, Ai Cập khiến cho hai nhà độc tài Qaddafi và Mubarak bị lật đổ. Qaddafi của Lybia bị giết chết. Ở Syria cách mạng Hoa Lài nhằm lật đổ tổng thống Assad biến thành cuộc nội chiến. Phe chống Assad suýt lật đổ được nhà độc tài nầy thì Nga bắt đầu lên tiếng cứu vãn Assad. Ɖến năm 2015 Nga công khai can thiệp vào cuộc nội chiến Syria để giúp cho chế độ Assad tồn tại dưới chiêu bài oanh tạc phe khủng bố. Phe chống Assad do Hoa Kỳ ủng hộ cũng bị oanh tạc vì bị xem là khủng bố. Bỏ qua sự tàn phá về vật chất và sự thiệt hại nhân mạng, nội chiến Syria dẫn đến những hiện tượng lịch sử sau đây:
  • Sự ra đời của Quốc Gia Hồi Giáo (IS: Islamic State) dưới sự lãnh đạo của Abu Bakr al Baghdadi. Năm 2013 những người Hồi Giáo cực đoan chống đối chế độ Assad ở Syria chiếm thành phố Raqqa và biến thành phố nầy thành thủ đô của IS. Năm 2014 IS đạt đỉnh cao của sức mạnh của họ ở bắc Syria và Iraq. Họ chiếm Falluja, Mosul, Tikrit, vùng đông dân và có nhiều dầu hỏa và nhiều tín hữu Hồi Giáo Sunni ở Iraq. Họ gồm những tín hữu Hồi Giáo Sunni cực đoan hơn cả khủng bố Al Qaeda, kết hợp với tàn quân của Saddam Hussein sau khi bị Hoa Kỳ đánh bại năm 2003 và các phần tử Al Qaeda cho rằng tổ chức khủng bố của họ chưa đủ sắt máu. Họ thi hành luật Sharia như thời Trung Cỗ: phụ nữ phải mang vải che mặt, không chấp nhận các tôn giáo khác kể cả Hồi Giáo không thuộc phái Sunni, hoài nghi người lạ nhất là người ngoại quốc Âu-Mỹ và theo đạo Christ v.v… Khi chiếm Raqqa hay Mosul, họ xử bắn hàng loạt những binh sĩ đầu hàng và thất trận. Nhiều người bị chặt đầu. Có người bị đóng đinh để ngoài đường phố để khủng bố tinh thần dân chúng trong thành phố.
IS kiểm soát 210.000km2 (2/3 diện tích nước Việt Nam), bao gồm một phần trên lãnh thổ Syria và một phần trên lãnh thổ Iraq. IS chiếm vùng có nhiều dầu hỏa, thành phố với nhiều cổ vật. Họ bán dầu, bán cỗ vật, bắt cóc người để lấy tiền chuộc v.v… để có tiền nuôi dưỡng chiến tranh chinh phục hầu phát triển ảnh hưởng IS trong thế giới Hồi Giáo. Ít ra họ được các tổ chức Hồi Giáo cực đoan như Boko Haram tuyên thệ trung thành với IS và thủ lãnh Abu Bakr al Baghdadi, một người Iraq Sunni sinh năm 1971. Các nước Hồi Giáo Sunni như Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar… không thực sự muốn đánh diệt IS. IS theo Hồi Giáo Sunni đánh nhau với Hồi Giáo Sunni gốc người Kurds.
Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iran không thích người Kurd vì sợ sự hình thành quốc gia Kurdistan bao gồm một phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ thời Erdogan không tôn trọng đường lối do Ataturk Kemal để lại. Ông có khuynh hướng tái lập ảnh hưởng của đế quốc Ottoman trước kia. Ông không thân thiện với Hoa Kỳ,  Do Thái hay NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên Á Châu duy nhất. Sau cuộc đảo chánh hụt năm 2016 Erdogan càng nghiêng về Nga và đụng chạm với Ɖức, Hòa Lan và các nước Liên Âu về vấn để tỵ nạn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lạnh lùng với Hoa Kỳ vì tin rằng Hoa Kỳ đứng sau cuộc đảo chánh với các phần tử trong phong trào Gulen, tên của giáo sĩ Fethullah Gulen sống lưu vong ở Pennsylvania, Hoa Kỳ từ năm 1999. Erdogan ủng hộ Hamas ở Gaza, chống lại Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ ủng hộ người Kurds ở phía bắc Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tấn công người Kurds đòi tự trị ở miền nam nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ɖến năm 2017, IS bị đánh bại ở Mosul, Tikrit bởi quân Iraq (phái Hồi Giáo Shiite) với sự yểm trợ của Hoa Kỳ và lực lượng người Kurds. Ở Syria IS mất Raqqa. Hoa Kỳ góp phần rất lớn trong sự chiến thắng nầy. Nhưng Nga và Iran hưởng lợi.
      
Cờ của các đơn vị người Kurds YPG thuộc liên minh Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF, do Hoa Kỳ ủng hộ)
bay phất phới trên quảng trường Al Naim, Raqqa, nơi IS xử tử các thường dân (AFP)

  • Làn sóng người tỵ nạn Syria Hồi Giáo gây chao đảo xã hội, chánh trị và tôn giáo ở Liên Âu. Ba Lan cương quyết không nhận người Hồi giáo. Uy tín nữ thủ tướng Ɖức Merkel bị sứt mẻ vì chủ trương nhận người tỵ nạn Hồi Giáo (Syria, Afghanistan, Libya, Nigeria, Somalia v.v...). Hung Gia Lợi đóng cửa biên giới. Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên Âu (Brexit, 2015) để tránh phải nhận thêm người Hồi Giáo đã tấn công nước nầy bằng cách dùng mã tấu chặt đầu, dùng bom nổ ở London, dùng xe hơi cán người đi đường ở London v.v.
  • Nội chiến Syria giúp cho Nga tăng uy thế ở Trung Ɖông. Các nhà độc tài trên thế giới phấn khởi về cách bảo vệ đàn em hữu hiệu của Putin. Hoa Kỳ bị xem như thua cuộc ở Syria và cả Iraq nữa. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hội họp để giải quyết chuyện Syria thời hậu nội chiến. Hoa Kỳ xem như bị loại ra khỏi sân khấu chánh trị ở đây. Trung Quốc có cơ hội đặt chân lên Syria để thầu xây cất tái thiết các thành phố hầu như trở thành gạch vụng sau bảy năm nội chiến! Iran và Hezbollah trở thành ân nhân của Syria của Assad. Iran ảnh hưởng đối với chánh quyền Iraq và với cá nhân Assad vì đồng đạo và đồng hệ phái. Họ có cơ hội tiến ra Ɖịa Trung Hải, gây rối cho Saudi Arabia ở Bahrain, Yemen, tách Qatar thuộc phái Sunni ra khỏi khối Á Rập Sunni,  giúp đỡ cho Hezbollah gây rối cho Do Thái và yểm trợ cho Hamas mặc dù Hamas không thuộc hệ phái Shiite như họ. Ɖó là cách Iran lấy uy tín trong thế giới Hồi Giáo vì “không phân biệt hệ phái Sunni hay Shiite”. Iran ủng hộ nhóm Houthi (Hồi Giáo Shiite) ở Yemen nắm chánh quyền từ tay của chánh phủ Hadi ở Sanaa được sự trợ giúp tích cực của Saudi Arabia.
  • Sự thất bại của Hoa Kỳ ở Syria làm cho bang giao giữa Hoa Kỳ với Saudi Arabia không được toàn bích như xưa. Như các tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, tổng thống Trump trân quí Saudi Arabia. Ba quốc gia Hồi Giáo trong vùng là Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều muốn xưng ngôi bá chủ trong vùng. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đều theo Hồi Giáo Sunni. Iran theo Hồi Giáo Shiite. Saudi Arabia rộng 2,24 triệu km2 với 33 triệu dân. Ɖây là nước giàu có nhất trong các nước Á Rập vì có nhiều dầu hỏa. Ɖó là sinh quán của giáo chủ Muhammad. Saudi Arabia có uy tín với các nước Á Rập láng giềng vì thế lực tiền bạc và vì lý do tôn giáo. Năm 2013 vương quốc nầy giúp đỡ tiền bạc cho tướng Sissi lật đổ tổng thống Morsi của nhóm Huynh Ɖệ Hồi Giáo ở Ai Cập.
Hàng năm tín đồ Hồi Giáo trên thế giới đổ xô về Mecca hành hương. Saudi Arabia có đủ loại vũ khí tối tân mua của Hoa Kỳ nhưng dầu hỏa là nguồn lợi làm giàu duy nhất cho vương quốc tân lập năm 1932 nầy. Gần đây Saudi Arabia phát động việc phong tỏa Qatar, viện lẽ quốc gia nầy yểm trợ khủng bố IS và có liên hệ với Iran. Sự phong tỏa nầy được Ai Cập, Bahrain, Yemen, United Arab Emirates, Maldives, Ɖông Bộ Libya, Mauritania, Mauritius hưởng ứng gây nhức đầu cho Hoa Kỳ không ít. Hoa Kỳ trân quí Saudi Arabia. Nhưng họ có căn cứ Không Quân Al Udeid ở Qatar với 11.000 quân sĩ Hoa Kỳ. Căn cứ có B-52. Ɖó là nơi xuất phát phi cơ chiến đấu Hoa Kỳ trong chiến tranh với Iraq năm 1991, chiến tranh Afghanistan năm 2001, chiến tranh Iraq năm 2003. Saudi Arabia luôn luôn miễn nhiễm với Hoa Kỳ mặc dù trong vụ 11-09-2001 (nói theo Mỹ 9-11) có 19 người gốc Saudi Arabia tham dự cuộc đánh phá World Trade Center ở New York, Pentagon, ở Washington. Saudi Arabia và Do Thái là hai đồng minh đặc biệt của Hoa Kỳ. Họ muốn Hoa Kỳ cứng rắn với Iran. Saudi Arabia dùng phi cơ oanh tạc và phong tỏa Yemen, áp lực thủ tướng Saad Hariri phải tuyên bố từ chức khi ở Saudi Arabia. Về nước, ông vẫn giữ chức vụ thủ tướng!.
Thổ Nhĩ Kỳ là cựu đế quốc Ottoman, rộng 748.000km2 với 81 triệu dân. Tổng thống Erdogan là người có khuynh hướng độc tài. Ông làm chao đảo NATO và Liên Âu với tư cách thành viên NATO khi hướng về Putin. Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia không nghiêm trọng bằng sự thù nghịch giữa Saudi Arabia với Iran. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có mặc cảm tự tôn đối với các nước Á Rập trong vùng với tư cách là cựu đế quốc Ottoman. Ankara không hài lòng về sự đối xử của Saudi Arabia đối với Qatar.
Iran rộng 1,650 triệu km2 với 82 triệu dân. Iran được xem là quốc gia lãnh đạo khối Hồi Giáo Shiite. Iran là quốc gia rất giàu về dầu hỏa, là quê hương của Hỏa Giáo(Zoroastrianism - đạo của tiên tri Zarathustra, 628 - 551 trước Tây Lịch) thời cỗ sử. Iran có vẻ trội hơn Saudi Arabia vì sản xuất được võ khí, kể cả ước muốn sản xuất bom nguyên tử. Về phương diện chánh trị, từ năm 1979 về sau Iran chống Hoa Kỳ, chống Do Thái, yểm trợ Hezbollah và cuộc tranh đấu của người Palestine chống Do Thái, nhất là nhóm Hamas ở Gaza. Giữa lúc ấy Ai Cập, Saudi Arabia ngả theo Hoa Kỳ và thỏa hiệp với Do Thái mặc dù dân chúng của họ luôn luôn thù ghét Do Thái. Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan đang tranh nhau ve vãn Hamas và cuộc đấu tranh của người Palestine. Ɖiều đặc biệt đáng lưu ý là Thổ Nhĩ Kỳ hướng về Putin. Vua Saudi Arabia lần đầu tiên thăm viếng Moscow và mua võ khí của Nga như một thái độ lạnh nhạt, thiếu tin tưởng đối với Hoa Kỳ và công nhận ưu thế của Putin ở Trung Ɖông. Nga thành công bảo vệ ghế tổng thống cho Assad và có uy tín đặc biệt đối với Iran. Putin trở thành điều phối viên của ba quốc gia Hồi Giáo đang giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi Giáo: Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước kia quyền nầy do đại tá Nasser của Ai Cập nắm giữ. Ai Cập mất quyền nầy sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, chiến tranh Yom Kippur năm 1973 và sự ký kết hiệp ước hòa bình với Do Thái năm 1979. Thành công lớn nhất của Putin là Hoa Kỳ bầu ông Donald Trump làm tổng thống. Ɖó là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thân Nga và kính trọng tổng thống Putin của Nga.
Tháng 12 năm 2017 tổng thống Trump công bố nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Sự công nhận nầy chỉ là thực hiện lời hứa khi ra tranh cử năm 2016. Hoa Kỳ chưa cho biết chừng nào dời tòa đại sứ từ Tel Aviv về Jerusalem. Việc Hoa Kỳ nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái như cắt đứt mọi hy vọng về việc hình thành nước Palestine với đông Jerusalem làm thủ đô. Từ trước đến giờ các tổng thống Hoa Kỳ, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa, đều thiên về Do Thái nhưng cố gắng làm ra vẻ trung lập. Tổng thống Trump phá vỡ lập trường dè dặt của Hoa Kỳ mặc cho dư luận thế giới phiền trách việc đổ dầu vào lửa của ông. Tổng thống Trump mạnh dạn dùng rể của ông, một người Hoa Kỳ gốc Do Thái, làm cố vấn đặc trách vấn đề Trung Ɖông. Cố nhiên hầu hết các quốc gia Hồi Giáo, kể cả các quốc gia có liên hệ tốt với Hoa Kỳ như Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, đều lên tiếng chống lại quyết định của tổng thống Trump vẫn biết rằng tình thế khó đảo ngược lại ngoại trừ khi Palestine đủ sức mạnh để đánh bại Do Thái với sự hỗ trợ của các nước Hồi Giáo. Do Thái chiếm đông Jerusalem từ năm 1967 đến giờ.
Tổng thống Trump với văn bản do chính ông ký kết công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái (AFP)
Quyết định của tổng thống Trump có những hậu quả như sau:
  • Hoa Kỳ trở thành nước thù nghịch với thế giới Hồi Giáo với 1,8 tỷ người (25% dân số thế giới). Hồi Giáo Sunni lối 1,5 tỷ người và Hồi Giáo Shiite lối 300 triệu người.
  • Châm ngòi lửa xung đột Do Thái-Palestine ở Gaza, West Bank; Do Thái-Hezbollah ở nam Lebanon và bắc Do Thái. Trung Quốc và Nga có cơ hội can thiệp vào vấn đề Trung Ɖông dưới chiêu bài giúp đỡ Palestine và các nước Hồi Giáo trong vùng.
  • Ɖại Hội Ɖồng Liên Hiệp Quốc phản ứng quyết định về Jerusalem của Hoa Kỳ bằng cách bỏ 128 phiếu chống với 9 phiếu thuận. 35 quốc gia vắng mặt. Ɖại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley dọa sẽ ghi tên quốc gia nào bỏ phiếu chống lại quyết định của tổng thống Trump để chấm dứt viện trợ. Sự đe dọa trắng trợn và thiếu ngoại giao nầy càng làm cho dư luận thế giới càng bất bình với Hoa Kỳ hơn. Các quốc gia Hồi Giáo thân thiện với Hoa Kỳ như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar hay các quốc gia nhận viện trợ của Hoa Kỳ như Ai Cập, Afghanistan, Iraq, Pakistan,… đều bỏ phiếu chống quyết định về Jerusalem của Hoa Kỳ. Các nước bạn và đồng minh Hoa Kỳ như Anh, Pháp, Nhật đều bỏ phiếu chống. Nga, Trung Quốc, Ấn Ɖộ đều bỏ phiếu chống. Sự vụng về của lối đe dọa ghi danh quốc gia bỏ phiếu “không trung thành” với Hoa Kỳ không làm cho đại diện các nước lo sợ. Họ như thầm nói họ sẽ hướng về Nga hay Trung Quốc! Tỷ lệ 128-9 không nói lên sự thành công của Hoa Kỳ trong dư luận quốc tế.
  • Tạo cơ hội cho Putin và Xi Jinping (Tập Cận Bình) bành trướng ảnh hưởng ở Trung Ɖông. Trong chiến tranh lạnh Khrushchev và Brezhnev chỉ với tay đến Ai Cập, Syria. Bây giờ Putin được tiếp cận với Syria, Saudi Arabia, Ai Cập, Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v… Ở  Ɖông Bắc Á không vị lãnh tụ nước nào tiếp cận dễ dàng với Bắc Hàn hơn Putin.
  • An ninh của công dân Hoa Kỳ và các công ty trên thế giới, nhất là ở các nước Hồi Giáo, chắc chắn chịu ảnh hưởng không tốt do quyết định của tổng thống Trump mà ra.
Về LÝ và LỰC, Do Thái có ưu thế hơn Palestine. Hãy tưởng tượng một cuộc đấu LÝ và LỰC giữa Do Thái và Palestine:
Palestine: Ɖất Palestine của chúng tôi. Các anh lập quốc bằng cách cướp đất của chúng tôi.
Do Thái: Ɖó là đất Canaan của tổ phụ chúng tôi. Vì yếu sức chúng tôi bị mất đất tổ phụ sau khi ngôi ƉỀN thứ hai bị phá hủy và dân tộc chúng tôi bị bắt buộc phải lìa khỏi quê hương mình từ năm 70 sau Tây Lịch đến sau đệ nhị thế chiến.
Palestine: Cái gì chứng minh đó là đất của anh?
Do Thái: Quyển Thánh Kinh ghi chép đầy đủ tất cả. Chúng tôi mất quê hương dưới thời đế quốc La Mã, rồi đế quốc Ottoman và đế quốc Anh. Sau hai ngàn năm lưu lạc, bây giờ chúng tôi trở về nhận lại đất tổ phụ của chúng tôi. Các anh thuận thảo thì sống chung với chúng tôi. Nếu các anh bỏ đi như những người Palestine tỵ nạn ở Lebanon năm 1948 thì các anh không có cơ hội trở lại.
Palestine: Các anh không tôn trọng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 1947 khi chiếm West Bank và đông Jerusalem. Jerusalem thuộc về Hồi Giáo chúng tôi. Ɖó là nơi có đền Al Aqsa, nơi đức giáo chủ Muhammad thăng thiên. Al Aqsa được xây lên vào năm 691 sau Tây Lịch và được trùng tu vào năm 1187 sau khi bị Thập Tự Quân Thánh Chiến Thiên Chúa Giáo chiếm năm 1099 và biến Al Aqsa thành một giáo đường Thiên Chúa Giáo.
Do Thái: Chúng tôi tôn trọng nghị quyết 1947 của Liên Hiệp Quốc. West Bank và đông Jerusalem đặt dưới sự kiểm soát của Jordan. Năm 1967 Jordan, Ai Cập, Syria tấn công chúng tôi. Họ bị đánh bại. Chúng tôi tiếp thu đông Jerusalem và West Bank. Tất cả các địa danh, di tích lịch sử của tổ phụ chúng tôi đều nằm ở đông Jerusalem và West Bank. Mộ của vua David trên đồi Zion, đông Jerusalem. Con đường Chúa Jesus vác thánh giá và mộ của Chúa ở đông Jerusalem. Aaron, em của Moses, được chôn trên núi Harun gần Petra, Jordan. Nablus, tên mới của Shechem, có mộ Joseph. Hebron là thành phố lịch sử, một trong bốn thành phố Thánh của Do Thái Giáo, là nơi lưu lại những sinh hoạt của Abraham, Isaac, Jacob tức Israel, David, v.v... Bethlehem là thành phố sinh quán của đức Chúa Jesus. Cách đây 3.000 năm vua David đã chọn Jerusalem làm thủ đô. Ɖó là thành phố Thánh của chúng tôi được nhắc đến 600 lần trong Thánh Kinh. Câu “Ngày mai ở Jerusalem” trở thành câu chào hỏi của dân tộc chúng tôi sau nhiều thế kỷ ly xứ quán và sống phiêu bạt khắp nơi trên thế giới.
Palestine: Jerusalem là thành phố Thánh của Hồi Giáo chúng tôi.
Do Thái: Các anh chỉ cho tôi kinh Qran của tôn giáo của các anh đề cập đến thành Jerusalem ở đoạn nào? Những di tích của giáo chủ Muhammad lưu lại trong thành phố? Thánh Kinh chúng tôi đề cập đến Jerusalem 600 lần. Trên thế giới không có dân tộc nào phủ nhận Jerusalem không phải là thành phố của dân tộc Do Thái chúng tôi. Có nhiều bài ca được viết ra để ca tụng thành phố Thánh nầy. Tôi hỏi các anh:  “Nếu năm 1967 Jordan đánh bại chúng tôi thì bây giờ chúng tôi ra sao?” Vì vậy việc trả lại West Bank hay đông Jerusalem trở nên khó khăn. Quá khứ, đó là nơi còn giữ dấu tích của tổ phụ chúng tôi. Tương lai có gì bảo đảm hòa bình sau khi chúng tôi trả lại West Bank và đông Jerusalem? Chúng tôi đã rút khỏi Gaza nhưng Hamas có cho chúng tôi yên không? Nay các anh ném đá. Mai các anh pháo kích. Khi thì đặt bom. Lúc thì đâm chém hay cho xe cán người vô tội. Khi chúng tôi đáp trả thì những người đồng tôn giáo với các anh la hoán lên tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Dùng số đông và sức mạnh của đa số để diệt kẻ nhỏ bé đơn độc là đúng sao? Kẻ nhỏ bé tự vệ để được sống còn là đáng lên án sao? Giữa chúng ta không còn cách nào thông hiểu nhau, dung hòa nhau để sống hài hòa nhau được thì đành phải chấp nhận định luật sinh tồn tự nhiên vậy.
Sự phức tạp ở Trung Ɖông như không bao giờ chấm dứt.
Chuyện gì sẽ xảy ra:
  • Khi Do Thái dời thủ đô về Jerusalem?
  • Khi Do Thái có chương trình xây ngôi ƉỀN thứ ba trên nền cũ của hai ngôi ƉỀN, tức là trên ngôi đền Hồi Giáo Al Aqsa bây giờ?
  • Khi Iran có trái bom nguyên tử đầu tiên?
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

Không có nhận xét nào: