Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ (Bài thứ nhất). - NGUYỄN KHẮP NƠI.

(Lời Tường Trình của một người vợ lính)
Vui Xuân
Vào khoảng Tháng 10 năm 2016, tôi đã về Việt Nam làm thủ tục trùng tu được 100 ngôi mộ tại Khu D5 Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Trước khi trở về Úc, tôi có đã đứng giữa Nghĩa Trang đốt nhang khấn vái những Anh Linh Tử Sĩ đang an nghỉ trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa:
<!>
“Thưa quý anh tử sĩ, vợ chồng chúng tôi đã làm những việc gì có thể làm để một số trong các anh có nơi yên nghỉ khang trang, yên ổn. Cám ơn quý anh đã giúp chúng tôi hoàn tất công việc khó khăn này. Chúng tôi luôn luôn nhớ đến quý anh, những người đã đã hy sinh thân mình để bảo vệ cho Miền Nam Việt Nam, để cho chúng tôi được sống đến ngày hôm nay. 
 Mai mốt đây, nếu có dịp, chúng tôi sẽ lại về trùng tu lại những ngôi mộ khác trong nghĩa trang. Hy vọng di tích cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được tồn tại mãi mãi, cho những thế hệ mai sau còn nhớ đến các anh Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa.”
Khi trở về Úc, một số bạn bè biết tin đã đến hỏi thăm chúng tôi về hiện trạng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.. Họ muốn biết:
*. Có dấu hiệu nào cho thấy Việt Cộng sẽ để yên cho các Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hòa mồ yên mả xụp hay là chúng sẽ phá đi?
*. Hiện trạng của nghĩa trang ra sao?
Câu hỏi đầu tiên, đương nhiên là tôi không thể trả lời được rồi.
Người của chính quyền duy nhất mà tôi được gặp là anh quản trang (người coi nghĩa trang), tôi không hỏi anh và anh cũng chẳng nói gì với tôi về tương lai của nghĩa trang này cả. Mà dù anh ta có nói gì đi chăng nữa, hãy nhớ lời của Tổng Thống Thiệu: “Đừng tin những gỉ Cộng Sản nói . .”
Do đó, tôi chỉ có thế nói như sau:
“Tôi không biết bọn Việt Cộng muốn làm gì ở cái nghĩa trang này, nhưng đó là nơi mà đồng đội của chồng tôi, bạn bè của tôi đang yên nghỉ, nên chúng tôi đã cùng nhau tu sửa lại những mộ phần này, để cho các Tử Sĩ biết rằng, chúng ta vẫn còn nhớ đến họ, vẫn lo cho mồ mả thân xác của họ. Mai đây hoặc bất cứ lúc nào, bọn Việt Cộng có phá tan nghĩa trang này đi chăng nữa, chúng tôi cũng đã làm tròn bổn phận của những người sống đối với những bạn bè nằm xuống. Những tử sĩ cũng đã biết rằng, vẫn còn những người chiến hữu, những người dân nhớ tới họ, đã tới đây thắp cho họ một nén nhang và tu sửa lại mộ phần của họ.”
Đối với câu hỏi thứ hai, tôi đã cho bạn bè biết rằng:
“Vòng ngoài cùng của nghĩa trang, tức là Khu D, mặc dù đã được nhiều cá nhân cũng như những hội đoàn về sửa chữa lại, nhưng vẫn còn nhiều ngôi mộ đã bị xụp đổ hầu như sát mặt đất (phần vì mưa gió và thời gian xoi mòn, phần do dân chúng cố tình phá đi để từ đó lấy đất cất nhà). Cho nên, nếu muốn giữ được nghĩa trang, nên cùng nhau sửa lại những ngôi mộ này.” 

Sơ Đồ Nghĩa Trang
Sơ đồ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, với 8 khu mộ. Khu A ở phía bên phải, khu D ở dưới. D5 là vành ngoài cùng của khu D.
Mặc dù tôi không “rủ” ai góp tiền trùng tu mộ cho anh em Tử Sĩ, nhưng anh em cũng truyền miệng đi với nhau và tự đến gặp vợ chồng tôi, gởi tiền nhờ lúc nào có dịp trở lại Sài Gòn một lần nữa, giúp họ trùng tu những ngôi mộ của Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hòa còn lại ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Trong số những anh em đến gặp vợ chồng tôi, lần đầu tiên, có một số anh em Cựu Chiến Binh Úc có tham chiến ở Việt Nam, họ nói với vợ chồng tôi:
“Tôi rất cảm động khi biết các bạn đã tự trở về trùng tu lại mộ phần của các đồng đội. Những người tử sĩ đó cũng là những đồng đội đồng minh của chúng tôi vậy, nên chúng tôi cũng quyên góp được một ít, xin góp phần vào công việc chung. Nhìn những tấm hình bạn đưa ra, chúng tôi thấy muốn đi thăm mộ thì mọi người phải mang giầy ống luồn lách mà đi, chứ ở đó không có một lối đi hoặc một con đường mòn nào còn tốt cả. Bạn có thể hỏi nhân viên trong nghĩa trang làm giúp chúng tôi một con đường bằng đất hoặc đá, tại nơi bạn đang trùng tu, để cho mọi người được dể dàng khi đi thăm mộ phần của thân nhân hay không?”
Thật là một ý kiến hay mà chúng tôi chưa hề nghĩ tới. Anh em cựu quân nhân Úc quả là rất thực tế khi nghĩ tới việc làm đường đi cho mọi người, vì quả thực, mỗi khi đi thăm mộ tử sĩ, tôi và các bạn bè đều phải mang giầy cao cổ hoặc giầy lội nước (vào mùa mưa) mới có thể vào thăm anh em tử sĩ được. Thật là cảm động khi những anh em đồng minh này còn nhớ tới các đồng đội đồng minh ngày xưa.
Tháng 3 năm 2017, tôi lại có dịp về Việt Nam một lần nữa, để trùng tu lại 100 ngôi mộ nữa của anh em Tử Sĩ Cộng Hòa tại Khu D5. Tôi đã gặp anh Quản Trang và ngỏ ý muốn làm sạch khu vực chung quanh những ngôi mộ đã và sẽ trùng tu lần này, kèm theo lời đề nghị làm con đường đi chung quanh những khu này.
Anh quản trang đi với chúng tôi tới khu vực sẽ chỉnh trang, nhìn chung quanh, anh cho ý kiến:
“Nghĩa trang là một quả đồi dốc, mỗi khi trời mưa, nước chẩy mạnh lắm, muốn làm đường, dù là bằng đất, bằng đá đi chăng nữa, cũng phải làm từ đỉnh đồi xuống chân đồi, chứ làm chỉ có một khúc thôi, giỏi lắm là vài tháng nước mưa sẽ cuốn đi hết trơn. Mà muốn làm hết thì chắc là tôi phải trình lên cơ quan, phải đợi thời gian, mà chắc chị cũng . . . không đủ tiền làm đâu . . .”
Buổi tối, tôi gọi điện thoại về Úc, bàn bạc với mọi người. Cuối cùng, tất cả đã đồng ý là hãy chú trọng đến việc trùng tu mộ phần Tử sĩ, phần còn lại, dành cho những Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thế là tôi lại có thêm một công việc nữa phải làm.
Sáng hôm sau, tôi đến nghĩa trang ký hợp đồng tu sửa thêm 114 ngôi mộ đồng thời nhờ chú bảo vệ cho người đưa đi thăm mộ những Tướng Lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang còn an nghỉ tại nghĩa trang.
Khu Tướng Lãnh được đặt tại Khu A 1(Vành trong cùng của khu A) của Nghĩa Trang. Khu này ít người lai vãng, có thể vì không được phép, có thể do thân nhân đã bốc mộ đi rồi, cho nên, mặc dù ở một địa thế rất đắc địa, nhưng có vẻ hoang phế hơn những khu khác.
Khác với những khu mộ ở các khu chung quanh, với mộ phần san sát nhau, tại khu A, mỗi mộ phần đều có xây hàng rào bao quanh với bốn cột trụ cao khoảng nửa thước ở bốn góc. Mỗi ngôi mô chia làm hai phần: Phần ngoài gồm lối đi vào và phần trong là mộ phần.
Tôi nhìn quanh: Có những ngôi mộ đã được thân nhân trùng tu lại, có những ngôi vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt và cũng có những ngôi mộ . . . không có gì cả.
Ngôi mộ đầu tiên mà tôi muốn đi thăm là ngôi mộ của Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí. Tôi đi một vòng những ngôi mộ Tướng Lãnh mà không thấy mộ của ông đâu, đành phải hỏi người đi theo:
“Chị có biết mộ của . . . Tướng Đỗ Cao Trí đâu không?”
Người đàn bà đi theo tôi chỉ ngay phần mộ trước mặt mà trả lời:
“Nè . . . Mộ của ổng đó!”
Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ vào khu đất trước mặt:
Mộ Tướng Đỗ Cao Trí
Đó là một khu đất rộng khoàng từ 3 tới 5 thước vuông, ngay trước mặt là bậc tam cấp đi vào với hai cột trụ xây (nay chỉ còn một cột mà thôi), cuối bậc tam cấp là hai cột gạch đi vào khu mộ phần.
Mộ phần của Tướng Trí đã được thân nhân đào lên để cải táng, nên không còn gì cả. Tóm lại, nếu không có người chỉ địa điểm, không ai có thể ngờ rằng đây là Mộ Phần Của Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, một trong những vị Tướng Lãnh Oai Hùng với tài ba thao lược và chiến trận vượt bực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tiểu sử Đại tướng Đỗ Cao Trí (1929–1971) là Tư lệnh Quân đoàn 3, Vùng 3 chiến thuật, được đánh giá là một trong những vị tướng lĩnh chiến trường tài giỏi nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
DoCaoTri 1


Tướng Đỗ Cao Trí sinh ngày 20 tháng 11 năm 1929.
Năm 1948, ông tốt nghiệp khóa đào tạo Sĩ quan Quân đội Quốc gia Việt Nam tại Biên Hòa. Năm 1949, ông tốt nghiệp Trường Nhảy dù Pau ở Pháp. Khi Ðại Ðội 1 Nhảy Dù Phòng Vệ Bắc Việt được thành lập cũng trong năm 1949 ông là một trong các trung đội trưởng, mang cấp bậc Trung Úy.
Ông trở thành chỉ huy trưởng đầu tiên của Binh chủng Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa khi Liên đoàn 3 Nhảy Dù được quân đội Pháp chính thức bàn giao lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào ngày 29 tháng 9 năm 1954. Tháng 11 năm 1955, ông được thăng Đại tá, lúc chưa đầy 30 tuổi.
Tháng 8 năm 1968, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Vùng 3 kiêm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.

Ngày 23 tháng 2 năm 1971, ông tử nạn phi cơ trực thăng khi đang thị sát chiến trường Campuchia, được truy phong Đại tướng. 
Ngôi mộ thứ hai tôi viếng thăm là của Cố Thiếu Tướng Nguyễn Huy Ánh. Phần mộ của Tướng Ánh dễ nhận thấy, một phần do đã được thân nhân trùng tu rồi, phần thứ hai là do di hài của ông vẫn còn đó, nên vẫn còn mộ bia hẳn hoi.
Chuẩn Tướng Ánh
Tiểu sử Cố Thiếu TướngNguyễn Huy Ánh (1934-1972).
Tướng Ánh sinh vào tháng 7 năm 1934 tại Bến TreThiếu thời ông học Tiểu học ở quê nhà, lên Trung học, ông học ở trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Năm 1952, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).
Đầu năm 1953, ông dự thi trúng tuyển, nhập ngũ vào Quân chủng Không quânmang số quân: 54/600.329. Được đi du học khóa huấn luyện căn bản Hoa tiêu tại trường Không quân Marrakech ở Maroc (thuộc địa của Pháp). Sau đó, chuyển sang trường Võ bị Không quân Salon de Provence và trực tiếp thụ huấn tại căn cứ Không quân Avord, miền nam Paris, Pháp.
Năm 1955, ông tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úyVề nước phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được cử làm huấn luyện viên phi cơ quan sát tại Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang.

Nguyễn Huy Ánh 2
Đại Tá Nguyễn Huy Ánh (đứng, bên tay phải) trong buổi lễ nhậm chức Tư Lệnh đầu tiên Sư đoàn 4 Không quân tân lập tại Bình Thuỷ, Cần Thơ.
Đầu năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Chỉ huy trưởng Phi đoàn 1 Trực thăng.
Đầu năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh đầu tiên Sư đoàn 4 Không quân tân lập tại Bình Thuỷ, Cần Thơ. Ngày lễ Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1971, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.
Tử nạn.
Chiều ngày 27 tháng 4 năm 1972, ông đích thân lái chiếc UH.1 để câu một chiếc máy bay quan sát O.1 lâm nạn vì lý do kỹ thuật tại khoảng 5 cây số về hướng tây nam căn cứ Bình Thuỷ. Trên đường về, khi còn cách phi trường khoảng 3 cây số, lúc quẹo vào phi đạo, chiếc quan sát cơ lắc mạnh do ảnh hưởng của gió làm cho giây cáp câu bị đứt, sợi dây khi đứt đàn hồi búng ngược lên cuốn vào cánh quạt của đuôi trực thăng làm gẫy trục cánh quạt, gây cho ông và phi hành đoàn đều bị tử nạn. Khi tử nạn, ông hưởng dương 38 tuổi.
Ông được truy thăng Thiếu tướng và truy tặng Đệ Tứ đẳng Bảo quốc Huân chương, kèm theo Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu. Tang lễ được tổ chức theo lễ nghi Quân cách dành cho tướng lĩnh. An táng tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa (Tài liệu của Wikipedia).
Đám Tang Cố Thiếu Tướng Ánh
Tang Lễ Cố Không Quân Thiếu Tướng Nguyễn Huy Ánh.

Mộ phần được coi như là hoàn chỉnh nhất là của Cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Phước.
Chuẩn Tướng Phước 3
Như chúng ta thấy trong hình, phần mộ của Tướng Phước vẫn còn vòng rào bằng gạch bao chung quanh, có hai cột trụ trồng cây ở ngay lối vào và nền xi măng đúc lót mộ phần. Thực sự thì mộ của Tướng Phước cũng sơn trắng, bia mộ bằng xi măng đúc mà thôi, sau đó, thân nhân của ông trở về trùng tu lại, dùng đá hoa cương tô bên ngoài. Mộ bia cũ đã bị đập phá, thân nhân đã thay mộ bia khác, chỉ còn khắc tên của ông và ngày tháng năm sinh, tử mà thôi. 

Tiểu sử cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Phước (1926 – 1971).
Tướng Nguyễn Văn Phước sinh vào tháng 7 năm 1926 tại Mỹ Tho, Định TườngNăm 1944, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Mỹ Tho với văn bằng Thành chung.
Ngày 15 tháng 2 năm 1946, ông tình nguyện nhập ngũ, theo học khóa Hạ sĩ quan (số quân 46/103.028). Ra trường, ông được mang cấp bậc Trung sĩ phục vụ đơn vị Bộ binh. Năm 1949, với cấp bậc Thượng sĩ ông được chuyển qua phục vụ Quân đội Liên hiệp Pháp.
Năm 1950, khi Quân đội Quốc gia chính thức thành lập, ông được đơn vị cử theo học khóa 3 Trần Hưng Đạo tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, mãn khóa vào ngày 25 tháng 6 năm 1951 với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, ông được cử làm sĩ quan An ninh trong một Tiểu đoàn Khinh quân, đồn trú tại miền Bắc Việt Nam. Năm 1954, sau hiệp định Genève (20 tháng 7), ông được thăng cấp Thiếu tá, được cử giữ chức vụ Trưởng phòng 2 Đệ Nhất Quân khu.
Trung tuần tháng 1 năm 1965, ông được cử làm Quyền Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binhTháng 3 cùng năm, ông thuyên chuyển ra Quân khu 2 giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu 24 Kontum.
Giữa năm 1968, ông lại được chuyển về Quân khu 4 và được cử làm phụ tá Tình báo cho Tư lệnh Quân đoàn IV & Vùng 4 chiến thuật, đặc trách chương trình Phượng Hoàng. Trong thời gian này ông đã được cử đi du hành quan sát nhiều Quốc gia Á Châu như Philippines, Trung hoa Dân quốc, Đại Hàn và Nhật Bản.
Ngày 18 tháng 5 năm 1971, vào lúc 4 giờ chiều ông bị tử nạn Trực thăng trên sông Hậu Giang (Cần Thơ, Phong Dinh) khi đang bay thị sát chiến trường. Hưởng dương 45 tuổi.
Ông được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng và truy tặng Đệ Tam đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu.
Ngày 22 tháng 5, tang lễ được cử hành trọng thể với lễ nghi Quân cách của một tướng lãnh. An táng tại Nghĩa trang Quốc gia Biên Hòa. (Trích Wikipedia)
Tiếp theo kỳ tới.


NGUYỄN KHẮP NƠI

Không có nhận xét nào: