Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Chíp điện tử trong thẻ tín dụng - Hà Dương Cự

Inline image
Chíp trong thẻ tín dụng. (Hình: npr.org)
MORGANVILLE, New Jersey (NV) – Khi bạn dùng thẻ tín dụng trong mấy năm gần đây chắc cũng đã nhận thấy là thẻ có một ô vuông nhỏ màu vàng hay trắng. Để dùng thẻ, bạn phải gài thẻ vào một khe nhỏ của máy đọc chứ không kéo qua máy như trước nữa. Thẻ tín dụng có chíp điện tử có tên gọi chính thức là thẻ tín dụng EMV (viết tắt của từ Europay, Mastercard and Visa, còn được gọi là thẻ thông minh (smart card). Thế thì thẻ tín dụng EMV hoạt động ra sao? Tại cao cần có nó?
<!>

Tại sao thẻ tín dụng cần có chíp điện tử 

Thẻ tín dụng trước đây thường có một dải từ (magnetic strip) trong đó có chứa đựng những thông tin của người chủ thẻ, như là tên họ, số thẻ tín dụng và ngày hết hạn. Khi bạn muốn dùng thẻ tín dụng để mua một món hàng gì thì thẻ được kéo qua máy đọc và những thông tin trong thẻ được truyền đi đến một công ty chuyên về kiểm chứng thẻ tín dụng. Công ty này kiểm lại những thông tin có trên thẻ. Nếu những thông tin này đúng thì bạn được chấp thuận để mua món hàng.

Tất cả những thông tin trên dải từ đều không thay đổi theo thời gian. Nếu kẻ gian ăn cắp được những thông tin này thì họ có thể làm một thẻ giả mà giống như thật để dùng mua những món đồ mà bạn không hề biết. Chỉ đến khi nhận được giấy đòi tiền hằng tháng của công ty thẻ tín dụng thì mới ngã ngửa.

Chíp thẻ tín dụng hoạt động ra sao 

Chíp điện tử mật mã hóa những thông tin trên thẻ nên sự bảo mật được tốt hơn. Mỗi khi dùng thẻ tín dụng có chíp điện tử để giao dịch thì chíp sẽ phát sinh ra một mã duy nhất cho giao dịch đó. Kẻ gian có lấy cắp được mã đó cũng không thể dùng cho một giao dịch khác được.

Trong một dịch vụ, khi một khách hàng gài thẻ của mình vào máy đọc thì chíp trên thẻ và máy đọc liên lạc qua lại với nhau để chứng nhận giao dịch này. Điều này khác với thẻ có dải từ, thẻ này chỉ cho biết ngày quá hạn của máy và những thông tin khác chứ không liên lạc qua lại với máy đọc.

Có hai loại thẻ tín dụng có chíp. Một là loại thẻ chíp-và-ký tên. Có nghĩa là sau khi bạn gài thẻ vào máy đọc thì bạn có thể phải ký tên để hoàn thành một giao dịch. Loại thứ hai là chíp-và-PIN. Chữ PIN là Personal Identification Number (số định danh cá nhân). Khi dùng loại thẻ này, sau khi gài thẻ vào máy bạn phải cho vào số PIN. Thẻ loại này có một điều bất tiện là nhiều người không nhớ được số PIN của mình.

Dùng thẻ tín dụng có chíp đã giúp làm giảm những trường hợp gian lận. Theo Visa thì vào Tháng Mười Hai, 2016, tổng số tiền mất vì gian lận đã giảm xuống 58% so với Tháng Mười Hai, 2015.

Inline image

 
Máy đọc chíp trên thẻ tín dụng. (Hình: fncu.org)

Ai phát minh ra chíp thẻ tín dụng ?

Các công ty thẻ tín dụng bị mất rất nhiều tiền vì những thẻ tín dụng giả nên cố tìm những phương pháp để ngăn chận việc lừa đảo này và họ đã tìm ra phương cách đặt một chíp điện tử lên thẻ. Nước Pháp là quốc gia đầu tiên áp dụng thẻ tín dụng có chíp.

Tuy có nhiều tranh cãi về vấn đề ai là người sáng chế ra thẻ tín dụng có chíp. Nhưng ông Roland Moreno, người Pháp, thường được xem là người đã phát minh ra chíp điện tử trên thẻ tín dụng. Ông có bằng sáng chế về chíp điện tử vào năm 1974. Ông Moreno sinh ra ở Cairo, Ai Cập, trong một gia đình người Do Thái, sau ông di cư sang Pháp. Trong cuộc phỏng vấn năm 2006, ông nói là ý kiến làm chíp điện tử cho thẻ tín dụng đến trong một giấc mơ.

Thẻ thông minh (smart card) đầu tiên là Carte Bancaire của Pháp, bắt đầu xuất hiện năm 1986. Sau đó các Âu Châu cũng phát triển những kỹ thuật cho chíp điện tử trên thẻ tín dụng. Nhưng những kỹ thuật mà các nước phát triển đều theo đường lối riêng không theo một chuẩn chung, nên khó có thể dùng chung được.

Vì lý do đó năm 1993 các công ty Europay, Mastercard và Visa mới họp nhau lại và bàn soạn một chuẩn chung cho chíp điện tử trên thẻ tín dụng. Chuẩn này được gọi là chuẩn EMV (chữ đầu của ba công ty). Sau này các công ty thẻ tín dụng Discover, JCB, UnionPay và American Express cũng tham gia vào.

Các nước Âu Châu áp dụng chuẩn EMV trước và đã giảm mức mất mát bởi sự gian lận rất nhiều. Rồi các nước Châu Á và Canada cũng đi theo. Nhưng Hoa Kỳ thì chậm trễ trong việc áp dụng chuẩn EMV. Khoảng 5, 6 năm về trước, những người sống ở Hoa Kỳ mà đi qua các nước Âu Châu hay bị khó khăn trong việc dùng thẻ tín dụng vì thẻ của họ thường không có chíp điện tử.

Các công ty thẻ tín dụng của Hoa Kỳ đã nhận biết được ưu điểm của thẻ tín dụng có chíp điện tử và muốn dùng nó, nhưng các doanh nghiệp cưỡng lại không chịu dùng, nhất là những tiệm bán hàng nhỏ. Vì họ phải mua máy đọc chíp rất tốn kém và thời gian để thực hiện một giao dịch dùng thẻ tín dụng có chíp lâu hơn là thẻ có dải từ.

Sau cùng vào năm 2015 các công ty phải ra điều kiện là những thương gia không dùng EMV, nếu có sự gian lận thì những người đó phải chịu trách nhiệm. Từ đó đa số các cửa hiệu đều có máy đọc chíp điện tử. Theo thống kê của Visa thì tại Hoa Kỳ hiện có 421.1 triệu thẻ tín dụng có chíp, một độ tăng 164% kể từ năm trước.

Loại thẻ không chạm 

Một loại thẻ tín dụng dùng chíp nhưng không cần gài vào máy đọc mà chỉ cần đưa gần (trong vòng 3 inch) đến máy đọc. Loại này được gọi là thẻ tín dụng không chạm (contactless credit card). Ở Hoa Kỳ nhiều công ty thẻ tín dụng đã bắt đầu cho lưu hành thẻ tín dụng không chạm.

Kỹ thuật thẻ không chạm đã được dùng trong hệ thống xe điện ngầm ở London. Khách hàng chỉ việc đưa qua đưa lại thẻ tín dụng không chạm hay điện thoại di động gần máy đọc là có thể đi được.

Thẻ tín dụng không chạm dùng chíp điện tử và một ăng ten. Ăng ten này dùng để gửi những thông tin từ chíp tới máy đọc mà không cần chạm vào. Dĩ nhiên là máy đọc cũng phải được trang bị một dụng cụ để nhận và phát tín hiệu để có thể “nói chuyện” với thẻ tín dụng.

Một giao dịch dùng thẻ không chạm sẽ nhanh hơn là các loại khác nên rất được ưa chuộng. Ở bên Anh, trong những dịch vụ nho nhỏ như là trả tiền xe buýt thẻ không chạm đã được dùng nhiều hơn là tiền mặt. Hệ thống xe điện ngầm ở thành phố New York cũng đang nghiên cứu để áp dụng thẻ không chạm.

Dù vấn đề an ninh của thẻ tín dụng đã tiến bộ nhiều vì chuẩn EMV, bạn vẫn nên đề phòng trường hợp kẻ gian lấy cắp thẻ tín dụng. Vì có những giao dịch qua điện thoại hay qua mạng không dùng chíp điện tử nên không bảo đảm an ninh được.

Ở Hoa Kỳ người tiêu dùng được bảo vệ đàng hoàng. Nếu thẻ tín dụng của bạn bị quân gian dùng để mua hàng. Dù có bao nhiêu bạn cũng chỉ phải trả tối đa là $50. Tuy nhiên không vì thế mà có thể sao nhãng việc giữ gìn an ninh thẻ tín dụng của mình được. 

Hà Dương Cự

Không có nhận xét nào: