Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Ngày Tưởng Nhớ Các Anh Hùng Liệt Sĩ Việt Nam: Sợi Dây Ðoàn Kết Thiêng Liêng Của Người Việt Hải Ngoại - Vĩnh Liêm

2488 1 NgayTuongNhoAHLietSiVNVLiem
     Hai bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” và “Ngày Tang Yên Báy” của Thi sĩ Ðằng Phương (Nguyễn Ngọc Huy)trong thập niên 40 đã làm say mê giới sinh viên, thanh niên, học sinh yêu nước cùng thời và các thập niên kế tiếp. Riêng bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” đó mới chỉ ca tụng và vinh danh các “Anh Hùng Vô Danh” mà thôi. Vậy, còn những “Anh Hùng Hữu Danh” thì sao? Tôi chỉ đọc được một số ít bài thơ vinh danh các vị Anh Hùng Liệt Sĩ Hữu Danh như: Khóc Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống, Tưởng Niệm Nguyễn Thái Học của Nguyễn Phan An, và Hoài Niệm Anh Linh Nhượng Tống của Nguyễn Phan An. Các vị Anh Hùng Liệt Sĩ Hữu Danh của Việt Nam, từ Ngày Tang Yên Bái cho đến nay thì rất đông; không còn dừng lại ở con số 13, mà đã có trên 60 hoặc hơn thế nữa! Tiếc vì không có phương tiện để sưu tầm thêm tài liệu, nên tôi chỉ có thể liệt kê ra đây các vị Anh Hùng Liệt Sĩ Hữu Danh mà tôi có được tài liệu trong tay.
<!>
     * Ngoài cái chết anh hùng lẫm liệt của Nguyễn Thái Học (Ðảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Ðảng), còn có các nhà cách mạng anh hùng đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, như: Trương Tử Anh (Ðảng Trưởng Ðại Việt Quốc Dân Ðảng), Lý Ðông A (Ðảng Trưởng Ðại Việt Duy Dân Ðảng), Ðức Huỳnh Phú Sổ (Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo/sáng lập Dân Xã Ðảng), và Nguyễn Tường Tam (Ðảng Trưởng Ðại Việt Dân Chính Ðảng).
2488 1a NgayTuongNhoAHLS VN VLiem
Tưởng Nhớ 13 Vị Anh Hùng Liệt Sĩ VNQDĐ
      * Các vị Anh Hùng Liệt Sĩ từ năm 1930 tới nay, có thể kể:
  1. a) 4 Liệt sĩ VNQDÐ bị Pháp hành quyết ngày 8/3/1930 tại pháp trường Yên Bái: Ngô Hải Hoằng (Binh Ðoàn Yên Bái), Nguyễn Thanh Thuyết (Binh Ðoàn Yên Bái), Ðặng Văn Lương (nông dân), và Ðặng Văn Tiệp (nông dân).
  2. b) 12 Liệt sĩ VNQDÐ bị Pháp hành quyết ngày 17/6/1930 tại pháp trường Yên Bái (bên cạnh Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học): Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Ðào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Ðức Thịnh,  Nguyễn Văn Tiềm, Ðỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, và Phó Ðức Chính.
  3. c) Các Liệt sĩ và Anh hùng trong trận Hải Chiến Hoàng Sa năm 1974: Ngụy Văn Thà (HQ Trung Tá, HQVNCH), Nguyễn Thành Trí (HQ Thiếu Tá, HQVNCH), Lê Văn Tây (Trung sĩ Vận chuyển, HQVNCH), Ðinh Hoàng Mai (Trung sĩ Cơ khí, HQVNCH)...
  4. d) Từ Tháng 3 năm 1975 đến nay (hoặc tuẩn tiết, hoặc bị VC hành quyết):
           (1)- Các Anh hùng tuẩn tiết: Bùi Tào bí danh Ðỗ Phú (Bí Thư xã đảng bộ Kỳ Sanh VNQDÐ, quận Lý Tín, tỉnh Quảng Tín), Tướng Nguyễn Khoa Nam (QÐ IV), Tướng Lê Văn Hưng (QÐ IV), Tướng Lê Nguyên Vỹ (SÐ 5 BB), Tướng Trần Văn Hai (SÐ 7 BB), Tướng Phạm Văn Phú (QÐ II), Trung Tá Trần Văn Long (BTL/CSQG), HQ Thiếu Tá Lê Anh Tuấn (Chỉ Huy Trưởng Giang Ðoàn 43 Ngăn Chận kiêm CHT Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn, quận Tuyên Nhơn, tỉnh Mộc Hóa), Nguyễn Sơn Trung (Bí Thư xã đảng bộ VNQDÐ kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Xã Sơn Trung, quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam;
2488 2a Ngay TuongNHoAH LS VNVLiem
           (2)- Các Liệt sĩ bị VC hành quyết: Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn (Tỉnh Trưởng Chương Thiện), Trần Văn Bá (Kháng Chiến), Hồ Thái Bạch (Kháng Chiến), và Lê Quốc Quân (Kháng Chiến).
  1. e) Các Liệt sĩ VNQDÐ bị VC hành quyết qua các cuộc nổi dậy chống bạo quyền VC sau năm 1975 (Theo tài liệu của Vietnam Helsinki do Ô. Trần Tử Thanh cung cấp): Trần Quang Vinh (Thiếu Úy CTCT, Ban Mê Thuột 1976), Trần Hoài Hà (Ban Mê Thuột 1976), Huỳnh Trung Thẩm (Ðà Nẵng 1978), Trần Ngọc Vân (Ðà Nẵng 1978), Trương Văn Hải (Ðà Nẵng 1978), Bùi Ðình Luyện (Tuy Hòa 1979), Nguyễn Ðức Năng (Tuy Hòa 1979), Nguyễn Văn Năng (Tuy Hòa 1979), Nguyễn Hiền (Vụ án S20 VNQDÐ, Ðà Nẵng 1979), Nguyễn Khánh (Vụ án S20 VNQDÐ, Ðà Nẵng 1979), Nguyễn Sĩ (Vụ án S20 VNQDÐ, Ðà Nẵng 1979), Nguyễn Văn Chánh (Vụ án S20 VNQDÐ, Ðà Nẵng 1979), Nguyễn Văn Nhung (Vụ án S20 VNQDÐ, Ðà Nẵng 1979), Phan Văn Xuân (Vụ án S20 VNQDÐ, Ðà Nẵng 1979), Nguyễn Văn Hoàng (Mặt Trận Dân Tộc Phục Quốc/Ðảng Tân Đại Việt, Thủ Ðức 1983), Nguyễn Văn Ðối (Quảng Nam, không rõ năm), Nguyễn Văn Liên (Quảng Nam, không rõ năm), Bùi Ðình Mậu (Chủ tịch Xã Sơn Hòa, Quảng Ngãi, không rõ năm), Bùi Phùng Nguyên (Chủ tịch Xã Sơn Hương, Quảng Ngãi, không rõ năm), và Nguyễn Hồng Sơn (Quế Sơn, Tiên Lãnh, Quảng Nam, không rõ năm).
      Dở lại trang sử Việt cận đại, ngày 17 tháng 6 năm 1930 đánh dấu một trang sử anh hùng lẫm liệt của các nhà cách mạng Việt Nam: 13 vị anh hùng liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng (VNQDÐ) lên máy chém của Pháp tại pháp trường Yên Bái. Ngày đó thường được gọi là NGÀY TANG YÊN BÁI.
      Tiếp nối tinh thần Anh hùng Nguyễn Thái Học và 12 Liệt sĩ VNQDÐ, nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam cùng một số đồng chí trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn thành lập Ðại Việt Dân Chính Ðảng (ÐVDCÐ) năm 1940. Cùng năm đó, nhà cách mạng Trương Tử Anh sáng lập Ðại Việt Quốc Dân Ðảng (ÐVQDÐ). Kế đến, năm 1942, nhà cách mạng Lý Ðông A (tức Nguyễn Hữu Thanh) sáng lập Ðại Việt Duy Dân Ðảng (ÐVDDÐ). Tháng 5 năm 1945, ba Ðảng cách mạng (Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt Dân Chính Ðảng và Ðại Việt Quốc Dân Ðảng) thống hợp lại thành một, với danh xưng mới là Quốc Dân Ðảng. Sau cùng là Ðảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội (gọi tắt là Việt Nam Dân Xã Ðảng hay Dân Xã Ðảng) do Ðức Huỳnh Phú Sổ (Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo) thành lập ngày 21 tháng 9 năm 1946. Chỉ trong vòng 6 năm mà đã có tới 4 Ðảng cách mạng Việt Nam ra đời!
      Nhưng tiếc thay! Ða số các Ðảng Trưởng đều bị Việt Minh (Cộng Sản) ám hại! Năm 1946, Ðảng Trưởng Trương Tử Anh bị Cộng sản thủ tiêu và Ðảng Trưởng Lý Ðông A bị Cộng Sản sát hại ở Hòa Bình (Bắc Việt). Ở trong Nam, Việt Minh chủ trương ám hại Ðức Huỳnh Phú Sổ ngày 16 tháng 4 năm 1947 tại Ðốc Vàng (Ðồng Tháp).
      Cộng sản Bắc Việt cai trị Miền Bắc từ tháng 7 năm 1954 nhưng vẫn chưa thỏa mãn tham vọng bành trướng chủ nghĩa Cộng sản, cho nên chúng chủ trương xâm nhập và thôn tính Miền Nam bằng mọi giá. Cuộc chiến Quốc-Cộng suốt 20 năm dài là cuộc chiến tương tàn thảm khốc nhất lịch sử, đã làm tiêu hao biết bao nhiêu sinh mạng và tài sản của cả hai miền Nam-Bắc! Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhờ thế lực Nga-Tàu và chính sách thay đổi chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ nên Cộng Sản Bắc Việt mới cưỡng chiếm được Miền Nam, đưa đất nước vào con đường khốn cùng và đen tối nhất trong lịch sử Việt.
     Mặc dù có lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, nhưng các vị tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ QLVNCH không cam chịu đầu hàng nhục nhã và cũng không tìm lối thoát ra ngoại quốc để an thân, mà quyết tâm ở lại để tuẩn tiết hoặc chiến đấu cho tới phút cuối! Các vị anh hùng tuẩn tiết năm 1975 và nhiều năm sau đó đã được đồng bào luôn tưởng nhớ và vinh danh. TINH THẦN DŨNG CẢM BẤT KHUẤT BẤT DIỆT của các Anh hùng Liệt sĩ chắc chắn sẽ được Tổ Quốc và đồng bào đời đời tri ân.
      Vậy, trước những cái chết hào hùng lẫm liệt ấy, các Ðảng Cách Mạng Việt Nam và Tôn Giáo Dân Tộc phải làm gì và có hành động ra sao để tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân, các vị Anh Hùng Liệt Sĩ Dân Tộc, cùng các vị Giáo Chủ Tôn Giáo Việt Nam (Cao Ðài và Phật Giáo Hòa Hảo)?   
     Muốn noi gương tiên liệt, thế hệ chúng ta và hậu duệ có nhiệm vụ ưu tiên là nên tổ chức NGÀY TƯỞNG NHỚ CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ VIỆT NAM hàng năm. Việc tưởng nhớ và noi gương các Anh Hùng Liệt Sĩ Việt Nam là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả con dân dòng Việt, là hành động “uống nước nhớ nguồn” thiết thực và hữu ích, chứng tỏ rằng chúng ta không phải là những kẻ vong ơn bội nghĩa. NGÀY TƯỞNG NHỚ CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ VIỆT NAM sẽ là hình ảnh tốt đẹp được in dấu trong lòng mọi con dân Việt ở hải ngoại cũng như ở quốc nội; đồng thời nói lên tinh thần đoàn kết cùng ý chí kiên trì quật khởi của toàn dân Việt.
      Ðây cũng là sợi dây đoàn kết thiêng liêng, mặc dù vô hình nhưng nó sẽ gắn chặt chúng ta –  những người Việt ở hải ngoại cũng như ở quốc nội – trong tinh thần ái quốc, cách mạng vì Dân Tộc, Dân Quyền và Dân Sinh: ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.
 2488 2 NgayTuongNhoAHLietSiVNVLiem
(Ðức Phố, 17-06-2008)
Vĩnh Liêm

Không có nhận xét nào: