Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Tỵ nạn và di dân - Trần Văn Tích


Công luận hay giới truyền thông có thể vô tình đánh lộn sòng giữa hai khái niệm “tỵ nạn“ và “di dân“ nhưng thật ra thì giữa hai từ ngữ này có sự khác nhau rất lớn và không phân biệt giữa chúng có thể gây khó khăn rất nhiều cho những người tỵ nạn hay những người xin tỵ nạn. Tuy nhiên cũng có những tình huống do toan tính chính trị bẩn thỉu, người ta tự phủ nhận tư thế tỵ nạn và tự khoác cho mình cái áo di dân. Đó là trường hợp một số người Việt Nam tỵ nạn cộng sản.
<!>
Mesut Özil và Ilkay Gündogan
Đội tuyển túc cầu quốc gia Đức đang chuẩn bị hàng ngũ nhằm tham gia giải vô địch thế giới vào tháng sáu sắp tới sẽ diễn ra tại Nga thì xảy ra vụ Özil và Gündogan. Đây là hai cầu thủ của đội tuyển quốc gia Đức gốc Thổ nhĩ kỳ thuộc thế hệ thứ ba. Ông bà của họ đến Đức với tư cách thợ khách vào những năm nền kinh tế Đức thiếu nhân công trầm trọng. Cả hai đều sinh đẻ ở Gelsenkirchen, một thành phố công nghệ thuộc tiểu bang Nordrhein Westphalen; Özil sinh năm 1988, Gündogan sinh năm 1990. Là hai cầu thủ của đội tuyển quốc gia Đức đương nhiên họ có quốc tịch Đức và mang thông hành Đức. Tuy nhiên Gündogan còn mang thêm quốc tịch Thổ, do đó khi tặng Tổng thống Thổ nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan chiếc áo cầu thủ đội tuyển Manchester City của mình, anh ta viết lên áo dòng chữ Thổ Sayin Cumhurbaskanim'a Saygilarimla mà báo chí Đức dịch thoát là “Kính tặng Tổng thống của tôi, Trân trọng“. Về phần mình, Özil tặng Tổng thống Thổ chiếc áo cầu thủ đội tuyển Arsenal. Cả hai đội tuyển đều là đội hạng nhất của Liên đoàn Bóng tròn Anh quốc. Sự việc diễn ra do sắp xếp của các nhân viên tháp tùng Erdogan khi ông ta công du vận động bầu cử tại thủ đô London. Hình ảnh hai cầu thủ tươi cười vui vẻ đứng cạnh Erdogan tạo nên một làn sóng tranh cãi gay gắt trong công luận Đức. Đa số tỏ vẻ bất bình. Chủ tịch Hiệp hội Túc cầu Đức quốc Reinhard Grindel cho rằng Özil và Gündogan đã để cho phe Thổ lợi dụng vào mục đích tuyên truyền. Riêng huấn luyện viên cấp quốc gia Joachim Löw thì tỏ ra có chút xíu thông cảm với những cầu thủ đội tuyển quốc gia nguyên gốc di dân và phát biểu rằng trong lồng ngực họ lắm khi có đến hai trái tim đang đập. Ngày 19.05, hai cầu thủ được Tổng thống Đức Steinmeier tiếp kiến theo lời thỉnh cầu của họ. Sau buổi gặp gỡ, Tổng thống Cộng hoà Liên bang Đức bày tỏ sự thông cảm đối với hai công dân gốc di dân. Tổng thống phát biểu : “Heimat gibt es auch im Plural.“ (Quê hương cũng có thể có số nhiều) và“Ein Mensch kann mehr als eine Heimat haben und neue Heimat finden“ (Một người có thể có nhiều hơn một quê hương và có thể tìm được quê hương mới).
Qui chế tỵ nạn và qui chế di dân
Lưu vong là một hiện tượng bất thường trong lịch sử nhân loại. Người ta có thể bỏ nước ra đi vì nhiều nguyên nhân và trong nhiều hoàn cảnh nhưng chỉ có người tỵ nạn mới có qui chế được định nghĩa rõ rệt và được công pháp quốc tế bảo vệ1. Người tỵ nạn sống ngoài quê cha đất tổ vì sợ bị khủng bố, bị ngược đãi, bị bạo hành, bị đàn áp, bị theo dõi, bị rình rập, bị canh chừng, bị trù dập, bị kỳ thị, bị gây sự v.v... Trật tự công cộng trong đó họ từng quen sống bỗng dưng bị đảo lộn, do đó phải có biện pháp bảo vệ quốc tế đối với đương sự. Bản thân họ lâm nguy cho nên họ phải vượt biên vuợt biển để đi tìm an ninh. Họ được hưởng qui chế dành riêng cho mình vì nếu họ trở về nguyên quán thì sinh mệnh họ bị đe dọa nặng nề. Từ chối cấp cho họ quyền tỵ nạn có nghĩa là tuyên bố họ bị kết án tử hình.
Trên bình diện quốc tế không có định nghĩa pháp lý thống nhất đối với từ ngữ “di dân“, trái ngược với từ ngữ “tỵ nạn“. Nhiều khi người ta sử dụng từ “di dân“ với hàm nghĩa bao gồm cả người tỵ nạn, ví dụ khi thiết lập những tài liệu thống kê toàn cầu về di dân (migrations internationales). Công pháp quốc tế thường xem hiện tượng di dân là một quá trình tự nguyện, chẳng hạn trường hợp một kẻ vượt biên giới sang quốc gia khác vì mưu tìm triển vọng kinh tế khả quan hơn. Có khi di dân xa rời quê hương vì đi kiếm công ăn việc làm, vì xuất ngoại du học, vì đoàn tụ gia đình hay vì những lý do khác. Di dân cũng có thể lên đường ra nước ngoài vì muốn tránh thiên tai, vì muốn thoát nghèo đói. Những hạng người đó thuờng không được xem là dân tỵ nạn. Họ không hề sống hoàn cảnh tỵ nạn. Người tỵ nạn hay người xin tỵ nạn lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt : đương sự không hề được bảo đảm an toàn bản thân một khi quay trở lại cố hương. Xin tỵ nạn – nếu hội đủ điều kiện pháp định để xin tỵ nạn – là một nhân quyền phổ quát. Cho nên Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc luôn luôn phân biệt dứt khoát giữa “tỵ nạn“ và “di dân“. Theo UNHCR, un individu est réfugié par manque de protection de son pays d'origine, một người là tỵ nạn vì thiếu bảo đảm an ninh từ phía quốc gia cội nguồn2.
Áp dụng vào thực tế
Hai cầu thủ Đức gốc Thổ là những di dân. Tổ tiên của họ đến Đức để kiếm công ăn việc làm. Họ không những có quyền trở về Thổ một cách an toàn mà họ hầu như còn có quyền ủng hộ Tổng thống đương nhiệm của Thổ. Thậm chí họ còn mang hai quốc tịch nghĩa là họ có thể, nếu muốn, tham gia các cuộc bầu cử do quốc gia gốc gác của họ tổ chức.
Người tỵ nạn Việt Nam khác hẳn. An toàn bản thân của chúng ta không được quốc gia cội nguồn của chúng ta bảo đảm và vì thế, cộng đồng nhân loại chấp nhận cấp cho chúng ta qui chế tỵ nạn. Do đó chúng ta phải tránh những hành vi mâu thuẫn với tư thế tỵ nạn, chúng ta phải tự giác không làm những việc phủ nhận căn cuớc tỵ nạn.
Gửi thư ngỏ, dâng kiến nghị cho những tên đầu sỏ Việt cộng là chuyện vô ý thức vì chính lũ chúng nó đã xô đây chúng ta vào hoàn cảnh ly hương tỵ nạn... Mang căn cước tỵ nạn mà trở về bản quán là tự mình xé thẻ căn cước tỵ nạn. Khi gia đình chúng tôi mới đến Tây Đức xin tỵ nạn cộng sản và được gọi là Indochinaflüchtlinge, người tỵ nạn Đông dương; chúng tôi được cấp thẻ thông hành và trên thẻ thông hành ghi rõ ràng “có giá trị đối với tất cả các quốc gia ngoại trừ Việt Nam“.

Lại nữa, từ thế đứng của người không chấp nhận độc tài đảng trị, mang căn cước của người đấu tranh cho tự do dân chủ, người Việt hải ngoại tỵ nạn cộng sản không thể vong thân đổ tiền đổ của vào túi bạc của chế độ Việt cộng. Không thể đổ tiền đổ của vào cái túi đó để cho kẻ thù phung phí xa xỉ xây bệnh viện riêng cho cán bộ chóp bu ở trung ương và ở các tỉnh, để cho chúng huênh hoang tàn nhẫn tổ chức ăn mừng năm mươi năm thảm sát Mậu Thân. Không về thăm quê hương chừng nào quê hương còn quằn quại dưới gót giày chà đạp nhân phẩm, không tiếp tay cung cấp tài chánh kinh tế chừng nào giặc cộng còn lộng hành;đó là vấn đề nguyên tắc do hoàn cảnh tỵ nạn qui định. Trên nguyên tắc và theo nguyên tắc, người ta không làm bất cứ điều gì trực tiếp hay gián tiếp mang lại lợi ích cho đối tượng mà người ta chống đối. Vấn đề thực ra chẳng có gì mới nhưng gặp dịp thì cứ phải nêu ra.

Không có nhận xét nào: